Tuổi trung niên, học cách tĩnh dưỡng bản thân

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cho dù những gì đã xảy ra ngày hôm qua đáng tự hào và đẹp đẽ đến đâu thì đó cũng không phải là thành công của ngày hôm nay. Những thất bại và hối tiếc của ngày hôm qua, dù đau đớn và đáng ghét đến đâu, cũng không hẳn sẽ lặp lại thêm một lần nữa, bởi cuộc sống tựa như dòng nước, nó chảy xuôi chứ có chảy ngược bao giờ.

Người tới trung niên, tuổi già đi, khí lực giảm, làm nhiều việc hơn nhưng lại thiếu tinh thần, cuộc sống đa đoan, đối với người trung niên mà nói, đôi khi cần phải dốc toàn lực mới có thể giải quyết một cách chu đáo và ổn thỏa. Trong cuộc sống của những người trung niên, chừng nào trong lòng họ vẫn còn trách nhiệm, thì hầu như phải chịu đựng những muộn phiền và mệt mỏi của cuộc sống.

Mỗi người đến với thế giới này với trách nhiệm và sứ mệnh của riêng mình, mong muốn tìm kiếm một phần cuộc sống và hạnh phúc cho chính mình. Đến tuổi trung niên lại cần có trách nhiệm hơn với cuộc sống, nếu là lãnh đạo thì làm một lãnh đạo giỏi; nếu là nhân viên thì làm một nhân viên tốt; nếu là cha, hãy là một người cha mẫu mực; nếu là mẹ, hãy là một người mẹ hiền bao dung; nếu là chồng, hãy là một người chồng yêu thương lo lắng gia đình; nếu là vợ, hãy là một người vợ đảm đang chu đáo.

Tuy nhiên, để thực hiện tốt mọi vai trò không phải là điều dễ dàng, làm thế nào để không phụ lòng người khác và sống xứng đáng hơn với những người xung quanh? Phải chăng nên để tâm mình bớt lo lắng, cho bản thân một chút không gian, đừng sống quá mệt mỏi, đối với tuổi trung niên mà nói thì điều này mới quan trọng.

Khi đến tuổi trung niên, con người ta phải học cách tĩnh dưỡng bản thân; giữ tâm yên tĩnh, đừng hễ chút lại dao động như bèo nổi, không vì điều gì đó mà quá vui, cũng không vì điều gì đó mà quá buồn phiền; nhìn thấu mọi khía cạnh cuộc sống, buông bỏ gánh nặng, trau dồi nghị lực và tinh thần, mới có thể duy trì thân tâm khỏe mạnh và làm được nhiều việc ý nghĩa hơn.

Khi đến tuổi trung niên, người ta phải học cách không sống cùng quá khứ. Cho dù những gì đã xảy ra ngày hôm qua đáng tự hào và đẹp đẽ đến đâu thì đó cũng không phải là thành công của ngày hôm nay. Những thất bại và hối tiếc của ngày hôm qua, dù đau đớn và đáng ghét đến đâu, cũng không hẳn sẽ lặp lại thêm một lần nữa, bởi cuộc sống tựa như dòng nước, nó chảy xuôi chứ có chảy ngược bao giờ.

Nếu trong tâm quá vướng bận với quá khứ, cứ trĩu lòng với thất vọng và hối hận mãi không buông, chính là tự thêm gánh nặng cho tâm hồn mình, vô tình tạo ra rác rưởi không cần thiết cho tâm hồn của bản thân.

Đến trung niên rồi, còn lo lắng tương lai nữa ư? Biết bao nhiêu chuyện trong cuộc đời này, bạn không thể ngăn cản điều gì nên đến và điều gì không nên.

Dẫu bạn có lo cũng vô ích, mấy ai biết được điều gì sẽ xảy ra vào ngày mai, bởi vẫn luôn có giải pháp cho mọi vấn đề, chúng ta hãy tin rằng ngày mai mặt trời vẫn mọc như thường lệ.

Hôm nay có rượu, hôm nay say, nào để mắt đến chuyện đúng sai của ngày mai, lo âu thái quá khác chi lo trời sập đó thôi.

Trung niên rồi, đã đến lúc buông bỏ dần thôi. Đừng quá tự chú trọng bản thân, đừng coi mình như trung tâm vũ trụ, bởi thế giới vẫn xoay khi không có bạn kia mà. Hãy để người trẻ có cơ hội đảm đương trách nhiệm trong công việc, cũng như con trẻ có cơ hội gánh vác cuộc sống này. Hãy tin rằng chúng vẫn làm tốt và sống tốt khi không có bạn, suy cho cùng thì ai cũng phải nói lời từ biệt với cuộc đời này, học cách buông bỏ thực ra cũng là một cách giải tỏa tinh thần.

Đến tuổi trung niên, tạm biệt quá khứ, bớt quan tâm sự đời, trong tâm ít nghĩ ít phiền, vui vẻ và bao dung hơn, tâm hồn thản đãng, làm được như vậy thì bạn đang tịnh dưỡng thân tâm chính mình rồi đó.

Lão Tử nói: Vạn vật trùng trùng đều trở về cội. Trở về cội rễ là tĩnh, tĩnh là trở về với sinh mệnh.

Ở tuổi trung niên, làm thế nào để giữ được sự bình yên trong tâm hồn vào lúc bận rộn nhất mới là điều quan trọng nhất.

Điều then chốt của tịnh dưỡng bản thân, ấy là phải bình tĩnh, cố gắng đừng động tâm, cũng đừng tức giận, bất cứ lúc nào cũng có thể vứt bỏ được cảm xúc tiêu cực, giữ tâm hồn luôn vui vẻ, không ôm giữ phiền muộn trong lòng. Dành thời gian ngày ngày nâng cao cảnh giới tinh thần của mình, đọc sách Thánh hiền, học hỏi hiền nhân.

Chỉ khi chúng ta thoát khỏi những mệt mỏi về thể chất và tinh thần, mới có thể thực sự tĩnh dưỡng bản thân.

Cao Nguyên

Theo aboluowang



BÀI CHỌN LỌC

Tuổi trung niên, học cách tĩnh dưỡng bản thân