Tuổi già vẫn chưa già [Radio]

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thường nghe nói “Lão giả an chi”, nghĩa là người già sống yên vui, an phận, không để ý đến việc đời. Đó cũng là lời khuyên có từ xa xưa. Vậy mà trước nay có những người không an phận già. Xin kể 4 bậc già lão.

Bền chí phải kể đến ông già Ngu Công

Ngu Công ở thôn Thạch Phùng, nhà chân núi phía nam Châu Ký. Bực vì nỗi hai ngọn núi Thái Hành và Vương Ốc to lù lù rậm rạp án ngữ, không những khó đi lại mà còn nạn nhiều thú dữ. Ông Ngu tuổi đã 90 họp vợ con lại bàn việc phá núi. Ai nấy đều thuận. Chỉ có người vợ ngần ngại, hỏi lại: "Sức ông không bạt nổi một cái gò, thì làm thế nào bạt được những hai quả núi? Mà dù cho có bạt được nữa, thì đem đổ đất đá đi đâu?"

Ngu Công nói: "Khuân đổ ra biển Đông".

Ngu Công cùng con cháu cả họ ra phá núi, bền bỉ ngày này qua năm khác. Có đứa bé mới tám tuổi, con người đàn bà góa láng giềng, cũng xin đi làm giúp, hàng năm mới về nhà. Thấy vậy, ông lão Trí Tẩu, cười Ngu Công: "Sao khờ dại vậy! Mình thì tuổi tác, núi thì cao lớn, phá thế nào nổi!"

Ngu Công thở dài nói: "Ngươi không bằng người đàn bà góa, đứa trẻ còn thơ. Ta già, ta chết, đã có con ta. Hết đời con ta, đã có cháu ta, hết đời cháu ta đã có chắt ta, con con cháu cháu sinh hạ vô cùng mà núi thì bao giờ cũng vậy, lo gì không bạt nổi".

Ngu công

Hết đời con ta, đã có cháu ta, hết đời cháu ta đã có chắt ta, con con cháu cháu sinh hạ vô cùng mà núi thì bao giờ cũng vậy, lo gì không bạt nổi. (Phạm vi công cộng)Ngu Công can đảm phi thường, làm được việc phi thường. Ngu Công dẫn cả nhà, bất kể mùa hè nóng nực, hay là mùa đông giá lạnh, hàng ngày đi sớm về tối, không ngừng đào núi. Việc làm của họ cuối cùng đã cảm động Thượng Đế, Thượng Đế đã cử hai vị Thần Tiên xuống trần gian giúp Ngu Công dời hai ngọn núi này. Việc này được chép trong sách Liệt Tử.

Chuyện ông Bành Tổ

Bành Tổ là người họ Điền tên Khanh, là cháu 6 đời vua Chuyên Húc. Vua Nghiêu phong cho ông đất Đại Thành (tức Bành Thành - Từ châu) vì thế nên gọi ông là Bành Tổ. Trải qua nhà Hạ đến cuối nhà Ân, ông đã 767 tuổi mà vẫn còn khoẻ, được mời ra giữ chức Đại phu.

Hai vị Thần Thiên Lý Nhãn và Thuận Phong Nhĩ biết chuyện tâu với Ngọc Hoàng Thượng Đế. Ngọc Hoàng sai Nam Tào và Bắc Đẩu hóa thành người phàm, xuống trần tra xét xem có phải có ông lão vùng sông Vị sống rất lâu mà không thấy chết, như lời tâu của hai vị Thần đó không.

Quả nhiên, bên bờ sông có ông lão đang ngồi câu cá. Nam Tào, Bắc Đẩu đến gần, vờ hỏi: "Thưa cụ, cụ ngồi câu ở đây lâu chưa? Cụ có thấy hòn đá trôi ngược qua đây không?"

Bành Tổ cười lớn nói: "Ta ngồi câu cá ở đây chừng đã 800 năm chưa bao giờ thấy có chuyện lạ như thế cả, các anh định đùa ta chắc?"

Nam Tào và Bắc Đẩu biết đích thị người này, bèn hỏi: "Thưa cụ, vậy cụ là Bành Tổ phải không?"

Bành Tổ đáp: "Chính phải".

Nam Tào và Bắc Đẩu về tra lại sổ sinh tử thấy không có ai tên như vậy, cho rằng vì một lý do gì đó đã để sót tên. Thế là họ viết tên Điền Khanh vào sổ sinh của Bắc Đẩu rồi lấy sổ tử của Nam Tào ra gạch tên Điền Khanh đi. Quả nhiên Bành Tổ ở dưới trần lăn đùng ra chết. Câu chuyện Bành Tổ được ghi chép trong "Thần Tiên truyện" của Đạo gia, sách "Liệt Tử" của Liệt Ngự Khấu và Sử Ký của Tư Mã Thiên.

Bành Tổ
Bành Tổ (nguồn Wikipedia)

Chuyện Lã Vọng

Lã Vọng tên là Khương Tử Nha, người đời cho rằng đây là một ông già vô công rồi nghề, không làm nên tang dạng gì, ngồi lì bên bờ sông câu cá. Đã vậy câu cá cũng chẳng ra hồn, vì câu với lưỡi câu thẳng. Có người hỏi giễu, câu như thế chắc cá đầy nồi. Khương Từ Nha cười tủm mà rằng, mình đang câu một vị anh hùng cái thế xuất hiện ngay chính tại nơi này. Nghe vậy, người ta càng thấy ông già lẩn thẩn, không thèm chấp.

Cơ Xương đi săn đến sông Vị, gặp Khương Tử Nha đang ngồi câu. Chuyện trò mấy lời, Cơ Xương đã thấy đây là người xuất chúng đang cần tìm, bèn rước về, tôn là Thượng Phụ. Ông cũng được trọng thị xưng tụng là Thái Công Vọng, nghĩa là ông già mà Chu Thái Công từng trông ngóng. Cách gọi Lã Vọng cũng hàm ý tương tự, ông họ Lã được mong chờ ("vọng" nghĩa là trông đợi). Khương Tử Nha Lã Vọng giúp Cơ Xương, và con trai Cơ Xương là Cơ Phát tiêu diệt Trụ Vương, tên vua tàn bạo cuối cùng của nhà Thương, xây dựng nên nhà Chu tồn tại 800 năm, triều đại dài nhất trong lịch sử Trung Hoa. Khi đó, Khương Tử Nha đã ngoài trăm tuổi.

Hình tượng Thái Công điếu ngư (Lã Vọng câu cá) cô độc bên sông vắng, được người đời mãi mãi truyền tụng, bởi ngưỡng mộ trí lực Khương Tử Nha thông tuệ vượt rất xa sự suy nghĩ của người thường. Trong khi ngồi câu cá với cung cách vô tích sự thì chính là lúc trù liệu đến những chuyện to lớn của thiên hạ trong tương lai.

Khương Tử Nha câu cá bên bờ sông Vị (Nguồn ảnh: bức "Phi Hùng bên dòng sông Vị" do Lưu Tông Niên thời nhà Tống vẽ)
Khương Tử Nha câu cá bên bờ sông Vị (Nguồn ảnh: bức "Phi Hùng bên dòng sông Vị" do Lưu Tông Niên thời nhà Tống vẽ)

Vị khoa bảng cao tuổi thứ nhì nước ta

Dừng kể chuyện xa để kể chuyện gần. Nước ta là nước văn hiến, chuộng sự học. Gương ham học nhiều vô kể. Ở đây xin nêu trường hợp Đoàn Tử Quang, đỗ cử nhân khi đã 82 tuổi, Ông là người cao tuổi thứ hai đỗ đạt, sau Vũ Đình Thự, 84 tuổi, người xã Bình Cách, huyện Đông Quan, (nay là huyện Đông Hưng),Thái Bình.

Đoàn Tử Quang quê làng Phụng Đạt, xã Phụng Công, huyện Hương Sơn, (nay thuộc xã Đức Lạc, Đức Thọ, Hà Tĩnh). Mồ côi cha từ nhỏ, Đoàn Tử Quang lớn lên dưới sự dạy bảo của người mẹ. Mẹ luôn khuyến khích ông siêng năng học hành để giúp đời. Ông học giỏi nhưng thi cử lận đận. Mãi tới năm 49 tuổi, ông mới lần đầu tiên thi đỗ tú tài và cũng chỉ đỗ tú tài lần thứ hai khi đã 66 tuổi.

Khoa thi Canh Tý, năm Thành Thái 12 (1900), vì tuổi cao, Đoàn Tử Quang không định đi thi. Năm đó vợ ông vừa mất. Theo luật, người đang có tang cha, hoặc tang mẹ không được đi thi, ba con trai của ông phải bỏ khoa đó. Vì vậy làng không có ai đi thi bèn thuyết phục Đoàn Tử Quang tham dự. Ông từ chối. Thấy ông không lay chuyển, các chức sắc phải đến khuyến khích mẹ của ông. Bà cụ gần 100 tuổi hối thúc con đừng phụ lòng mọi người. Tuân lời mẹ, ông lều chõng đến trường thi.

Chánh chủ khảo là tiến sĩ Khiếu Năng Tĩnh cùng các quan trường đều tỏ lòng kính phục ông bền chí và lo không biết ông có đủ sức vượt qua kì thi. Ông già Đoàn Tử Quang đã vượt qua và đỗ cử nhân.

Triều Nguyễn quy định, các quan hồi hưu ở tuổi 65. Tuy vậy triều đình vẫn đặc cách bổ dụng ông làm quan. Từ năm 1911-1913, ông được cử làm huấn đạo Hương SơnCan Lộc (huấn đạo: trông coi việc học của một huyện). Khi 85 tuổi, ông xin về hưu để phụng dưỡng mẹ già đã trên 100 tuổi. Thượng thọ 106 tuổi (1924), ông được triều đình phong hàm Hàn lâm viện thị độc.

Việc một thầy đồ 82 tuổi, râu tóc bạc phơ đua tài cùng khoảng 4.000 mái đầu xanh đã làm xôn xao trường thi. Bài của ông không có chữ nào nét đậm nét lạt, hàng hàng đều ngay ngắn phân minh.

Theo nhận xét của quan chánh chủ khảo, tiến sĩ Khiếu Năng Tĩnh thì bài của cụ không thua kém là mấy so với giải nguyên khoa đó là Phan Bội Châu (34 tuổi). Kết quả bốn vòng thi ông Quang đã đạt hai vòng ưu, một vòng thứ, một vòng bình. Lẽ ra ông được xếp thứ nhì, nhưng trong bài thi bỏ sót mất một chữ nên xếp hàng áp chót, thứ 29/30 người đậu...

21 lần đi thi, đến năm 82 tuổi mới đậu cử nhân, quả thật ông già bền chí.

Khi ông vinh quy bái tổ, tổng đốc Nghệ An, nhà soạn tuồng nức tiếng Đào Tấn có thơ mừng (phỏng dịch)

Phục thay, Hương Sơn Đoàn tú tài
Tuổi trời vừa đúng tám mươi hai
Trường văn múa bút râu như mác
Quế đỏ cành thơm cướp vác vai
Quế đỏ cành thơm cướp vác vai
Ung dung chống gậy tới Nam cai
Mẹ hiền tuổi đã chín mươi tám
Giờ thấy con ta đắc ý rồi

Thủ khoa kỳ thi đó là Phan Bội Châu, tặng ông bài ca và đôi câu đối:

Xảo thật trời kia, xảo thật nguyệt kia, hẵng đem mùi cay đắng thử khách tài hoa, đã toan phụ tám mươi năm nợ nần thư kiếm;
Lạ thay người ấy, sướng thay người ấy, muốn ôm mớ văn chương về trả tạo hóa, mà lại xem muôn ngàn dặm cái phong vân.

Dịch giả nổi tiếng Đoàn Tử Huyến, Đoàn Tử Hoan, sáng lập Trung tâm Văn hóa Đông Tây chính là di huệ xứng đáng của cụ nội Đoàn Tử Quang vậy.`

Duệ Anh
(Biên khảo)



BÀI CHỌN LỌC

Tuổi già vẫn chưa già [Radio]