Tuế hàn Tam quân tử: Ba người quân tử trong giá lạnh là gì?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Từ cổ xưa đến nay, mọi người vẫn luôn gọi Tùng, Trúc, Mai là "Ba người quân tử trong giá lạnh" (Tuế hàn Tam quân tử). Khi mùa đông giá lạnh, gió bấc thấu da thấu thịt, vạn vật điêu tàn, thì "Ba người quân tử trong giá lạnh" này vẫn ngạo nghễ với gió lạnh tuyết sương, bền bỉ không gì lay chuyển nổi, truyền tin báo cho thế gian biết mùa xuân đang trở về. Tùng, Trúc, Mai được coi là biểu tượng của phẩm đức thanh khiết, cao thượng và tiết tháo.

Tùng

Tùng bốn mùa xanh tươi, tùng chất phác, trang trọng đem lại cảm giác an hòa và trang trọng cho mọi người. Tùng bừng bừng sức sống, vươn mình theo đuổi ánh sáng mặt trời, có chính khí hạo nhiên "Giây chằng đất dựa vào tùng nên vững chãi, cột chống đỡ trời dựa vào tùng mới tôn cao". Tiếng tùng reo như sóng ba đào vang động núi rừng, khiến người ta cảm nhận được sự kiên nghị và vững bền.

Bài thơ "Tùng" của anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi đã miêu tả khá hay về phẩm hạnh và tài hoa của tùng:

Thu đến cây nào chẳng lạ lùng
Một mình lạt thuở ba đông
Lâm tuyền ai rặng già làm khách
Tài đống lương cao ắt cả dùng

Đống lương tài có mấy bằng mày
Nhà cả đòi phen chống khỏe thay
Cội rễ bền dời chẳng động
Tuyết sương thấy đã đặng nhiều ngày

Tuyết sương thấy đã đặng nhiều ngày
Có thuốc trường sinh càng khỏe thay
Hổ phách phục linh nhìn mới biết
Dành còn để trợ dân này

Tùng tượng trưng tiết tháo người quân tử: "Cội rễ bền dời chẳng động", "Phú quý không mê hoặc nổi, nghèo khổ không lay chuyển nổi, uy vũ không khuất phục nổi". Người quân tử luôn vững vàng ý chí kiên định vào lý tưởng, vào tín niệm, vào Đạo của người quân tử, cho dù vào hoàn cảnh nào cũng không thay đổi: tiền tài vàng bạc danh lợi không làm cho mờ mắt, gian nan, nghèo khó, khổ cực cũng không đổi thay, áp bức bất công, đe dọa uy hiếp của cường quyền cũng không khuất phục. Người quân tử khi thất thời ở cảnh khốn cùng thì một mình hoàn thiện nhân cách bản thân, khi đắc thế hiển đạt thì khiến cả thiên hạ tốt đẹp: Đạt tắc kiêm tế thiên hạ, cùng tắc độc thiện kỳ thân", "Dành còn để trợ dân này".

Người quân tử như cây tùng, ở thời loạn thế, sống trong nghịch cảnh mà không bị vật chất lợi ích dụ dỗ mê hoặc, không thay đổi tín niệm, trước sau vẫn kiên định Đạo tâm.

Trúc

Trúc tượng trưng cho cao nhã, thuần khiết, khiêm tốn, tiết tháo. Trúc không sợ giá lạnh, cũng không sợ nóng nực, dù thế gian nóng lạnh, dù đường đời chìm nổi, trúc vẫn hiên ngang xanh tươi vươn thẳng. Trúc tượng trưng cho đức tính người quân tử, dốc sức thực hiện tín niệm, nâng cao phẩm đức tu dưỡng bản thân.

Bài thơ "Trúc thạch" của Trịnh Bản Kiều miêu tả khá hay về phẩm chất của trúc

Giảo định thanh sơn bất phóng tùng
Lập căn nguyên tại phá nham trung
Thiên ma vạn kích hoàn kiên kính
Nhậm nhĩ đông tây nam bắc phong

Dịch thơ (bản dịch của Thien Thanh)

Bám chặt núi xanh chẳng buông ra
Gốc mọc vững bền nơi vách xa
Va đập ngàn muôn vẫn cứng chắc
Bốn bề gió cuộn mặc thổi qua

Người quân tử cũng giống trúc, khi chưa bước ra làm quan, gánh vác trọng trách xã hội thì tiết tháo như trúc, đến khi đắc thời, thi cử đỗ đạt, nhất cử thành danh, quyền cao chức trọng thì khiêm tốn, khiêm nhường. Sự thanh nhã của trúc giống như người quân tử văn minh hữu lễ, sự trinh khiết của trúc giống như người quân tự tự tôn tự trọng, trúc rỗng ruột giống như người quân tử khiêm tốn bao dung.

Người quân tử lập chí lập công danh là để tế thế giúp người, nhưng lại coi nhẹ công danh lợi lộc, vinh nhục được mất. Người quân tử giữ gìn tiết tháo và sống thuận theo Thiên mệnh: Thời lai vận đến, có thì giữ; thời đi vật hết, mất thì buông. Trong lòng lúc nào cũng giữ được tâm nhân từ, độ lượng, khoan dung, sống tự nhiên, tự tại, thanh nhàn: “Gió qua lay trúc; Gió đi rồi nhưng không lưu luyến âm thanh”.

Mai

Trải qua những năm giá lanh nhất, mai vẫn là loài hoa đầu tiên khai nở báo xuân về. Mọi người đều khâm phục phẩm cách kiên cường cao khiết của mai: "Tuyết đổ gió gào càng khốc liệt, hoa mai khí tiết vẫn kiên cường".

Mai chí hướng cao xa mà lại đạm bạc ninh tĩnh, hương thơm lưu lại nhân gian. Mai không trôi theo dòng chảy xã hội, trước sau vẫn giữ thân âm thanh khiết, là loài hoa đầu tiên gọi mua hoa thức giấc đón mùa xuân về.

Viết về mai, Mãn Giác thiền sư đã miêu tả rất hay rằng:

Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tòng đầu thượng lai
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai

Dịch thơ (bản dịch của Ngô Tất Tố)

Xuân qua, trăm hoa rụng
Xuân tới, trăm hoa cười
Trước mắt, việc đi mãi
Trên đầu, già đến rồi
Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một nhành mai

Còn Cao Bá Quát thì bái phục mai rằng:

Thập tải luân giao cầu cổ kiếm
Nhất sinh đê thủ bái mai hoa

Tạm dịch:

Mười năm bôn tẩu tìm cổ kiếm
Cả đời chỉ cúi trước hoa mai

Tinh thần bất khuất không lay chuyển và sức sống ngoan cường của mai đã đem lại nguồn cổ vũ lớn lao cho con người lập chí vươn lên, khiến cho người trong tuyệt cảnh nhìn thấy hy vọng, thấy được sức sống vô hạn của mùa xuân.

Tùng, Trúc, Mai bằng cốt cách ngạo nghễ trước tuyết sương đã triển hiện cho thế nhân thất khí tiết cao thượng và phong thái cao nhã, khiến người ta cảm động, giống như mọi người tôn sùng phẩm cách cao thượng của những bậc chính nhân quân tử, nhờ có những người như thế mà trong thời thế hỗn loạn, trong xã hội rối ren, trong cảnh khốn cùng, trong cơn tuyệt vọng, mọi người sẽ nhìn thấy những tia sáng của mùa xuân rực rỡ ấm áp sắp trở về, hy vọng sự tốt đẹp, chân thực, thiện lương là những giá trị vĩnh hằng sẽ quay trở lại.

Hoàng Mai



BÀI CHỌN LỌC

Tuế hàn Tam quân tử: Ba người quân tử trong giá lạnh là gì?