Từ góc độ Phật gia nhìn lại tứ bất tử ở Việt Nam

Giúp NTDVN sửa lỗi

Để bất tử thật sự, con người chỉ có tu theo chính đạo chính pháp mới có thể bước qua sinh tử luân hồi, vượt qua tam giới, chứng đắc quả vị La Hán, Bồ Tát, Phật khi ấy sinh mệnh sẽ trường tồn cùng vũ trụ.  

Từ xưa tới nay tu luyện vẫn luôn là lĩnh vực huyền bí nhất đối với con người. Tu luyện có thể bay lên không trung, đi trên mặt nước, có thể nhìn thấu quá khứ và tương lai, có thể xuyên tới các thế giới thiên quốc khác nhau trong vũ trụ v.v. Người tu luyện đạt đến một trình độ nhất định, có năng lực phi phàm, siêu thoát khỏi con người, siêu thoát cả sinh tử luân hồi thì gọi là Thần. Nếu siêu thoát khỏi con người nhưng vẫn trong sinh tử luân hồi thì được gọi là Thần Tiên.

Tu luyện trong Phật gia tập trung chủ yếu là tu tâm hướng Thiện. Theo kinh sách trong Phật giáo, tu tâm hướng Thiện, tu xuất tâm từ bi trở thành Thần có 8 vạn 4 nghìn con đường khác nhau. Vì thế cũng có 8 vạn 4 nghìn pháp môn tu Phật khác nhau. Phật gia nhìn nhận cõi người nơi đây là bể khổ, khổ vì bị trói buộc bởi thất tình lục dục của con người, muốn thoát khỏi bể khổ thì chỉ có tu luyện, vứt bỏ mọi ràng buộc nơi trần thế mới có thể tiến vào thiên quốc của Phật Đà.

Trong kinh sách Phật gia lưu lại những điều Thiện mà con người tu luyện cần đạt tới là: 1-Không sát sinh. 2-Không trộm cắp, không lấy đồ vật người không cho. 3-Không tà dâm. 4-Không dối gạt người. 5-Không nói đôi chiều, trước nói như vậy, sau lưng nói khác. 6-Không ác khẩu. 7-Không nói những lời phù phiếm. 8-Không tham dục. 9-Không sân hận. 10-Không tà kiến. Mười điều thiện này được coi là đạo đức căn bản của những người tu luyện, nếu người tu luyện không hành xử theo mười điều trên có thể là đang tu theo tà pháp.

Vậy tứ bất tử ở Việt Nam hành xử như thế nào so với tiêu chuẩn đạo đức căn bản của người tu luyện được nêu ở trên?

1. Chử Đồng Tử - Tiên Dung

Tượng Chử Đồng Tử tại Đền Dạ Trạch. (Wikipedia/CC BY-SA 4.0)

Từ truyền thuyết về Chử Đồng tử và Tiên Dung còn lưu lại có thể thấy rằng: Trước khi tu Đạo, Chử Đồng Tử là người con hiếu thảo, tính tình hiền lành, thật thà chất phác; còn Tiên Dung thì tín Thần, tin vào nhân duyên Trời định, và là người có tâm cầu Đạo. Vì tâm tính tốt nên Chử Đồng tử được tăng sĩ Phật Quang thu nhận, truyền dạy cho phép thuật, và cho hai pháp bảo là cây gậy và chiếc nón lá.

Tiên Dung sau khi nghe chồng thuật lại thì liền bỏ việc buôn bán, tập trung tu hành học Đạo. Một người nếu như không phải chuyên tâm cầu Đạo, khi nghe đến chuyện tu luyện không thể ngay lập tức buông bỏ và giác ngộ như công chúa Tiên Dung. Hai vợ chồng cùng chuyên tâm tu Đạo, rồi cả hai đều đắc đạo thành Tiên cũng là hiếm có trong giới tu luyện. Trong lịch sử có truyền thuyết về vợ chồng Hậu Nghệ và Hằng Nga cùng tu Đạo, nhưng sau đó phải chia ly cách biệt, Hằng Nga bay về cung trăng còn Hậu Nghệ phải ở lại nhân gian.

Khi vua Hùng hiểu nhầm con gái tạo phản, đem quân đi đánh. Quân lính trong thành của hai vợ chồng Chử Đồng Tử và Tiên Dung là quân lính nhà Trời, vì vậy có thể dư sức chống lại quân của vua Hùng. Nhưng hai vợ chồng không chống lại, một mực tin theo thiên ý “Sống chết nhờ ở Trời, nếu phụ vương giết cũng không oán hận”. Đây là cảnh giới của người tu luyện, có lẽ đây cũng là thử thách xem hai vợ chồng có thể đắc đạo hay không? Người bình thường có thành quách, của cải gấm vóc mà bị người khác dẫn quân vào đánh cướp và đòi lấy mạng thì người ấy có oán hận không? Nhưng Chử Đồng Tử và Tiên Dung lại làm được, dù bị giết cũng không oán hận, vậy nên ngay đêm đó đã đắc đạo bay về trời.

Từ truyền thuyết lưu lại có thể thấy hai vợ chồng Chử Đồng tử và Tiên Dung hành xử hoàn toàn phù hợp với tiêu chuẩn của người tu luyện chính pháp. Cả hai đều đắc đạo thành Tiên. Là Thần Tiên vẫn thuộc về tam giới, chưa vượt qua sinh tử luân hồi, nên đến lúc hết thọ mệnh vẫn sẽ nhập lục đạo luân hồi như con người. Nhưng so với tuổi thọ con người thì họ sống rất lâu dài.

2. Tản Viên Sơn Thánh

Theo Giao Châu Ký của Tăng Công ghi chép: Sơn Tinh và Thủy Tinh là hai người bạn thân thiết, ở ẩn tại động Gia Ninh, Châu Phong. Cả hai đều học chung một thầy, nhưng không ai biết thầy của họ là vị thần tiên nào, có thể dạy dỗ hai học trò có phép thuật cao siêu như vậy. Từ đây có thể thấy Sơn Tinh và Thủy Tinh cả hai người đều là tu Đạo.

Trận chiến Sơn Tinh - Thủy Tinh (Nguồn: NTDVN)

Nếu là người tu Đạo thì phải chiểu theo tâm tính người tu Đạo mà hành xử, nhưng việc Sơn Tinh và Thủy Tinh đánh nhau để tranh giành Mỵ Nương công chúa, làm cho hậu thế cũng không hiểu là điều gì. Trong Việt Điện U Linh Tập có chép rằng: “duy có chuyện Sơn Tinh và Thủy Tinh thù nhau, thật là quái đản”. Người tu Đạo là hướng tới sự siêu phàm thoát tục, buông bỏ hết danh lợi ở thế gian. Còn theo truyền thuyết thì Sơn Tinh, Thủy Tinh vì mỹ nữ mà đánh mà giết hại vô số sinh linh. Vậy là do truyền thuyết bị sai lệch, hay thật sự có việc đó?

Nếu như sự việc đó là thật, cũng không thể kết luận ngay là hai người đang tu tà pháp. Vì chặng đường tu luyện là sẽ dần dần buông bỏ đi các tâm xấu. Những người luyện võ rất thích đấu võ với nhau, đặc biệt cả hai còn đang độ tuổi thanh niên, có thể nhất thời nóng giận mà đấu phép với nhau. Phật Thích ca Mâu Ni có một tỳ kheo ni tên Liên Hoa Sắc được cho là đệ nhất về thần thông. Một hôm, vì muốn là người đầu tiên trông thấy Đức Phật từ thiên giới trở về, nên vận dụng thần thông biến mình thành Chuyển Luân Thánh Vương. Vì thế mà đã bị Đức Phật trách mắng một trận ngay tại chỗ, đồng thời cấm chỉ tỳ kheo ni không được thi triển thần thông trước mặt Đức Phật nữa.

Từ câu chuyện trên có thể thấy rằng, người tu luyện dù đã tu thành La Hán nhưng vẫn có lúc mắc sai lầm. Nên sự việc Sơn Tinh Thủy Tinh nhất thời đánh nhau thì có thể hiểu được, từ đó trở đi không tái phạm nữa thì vẫn bước trên đường tu Đạo chân chính. Quả thật, các ghi chép về sau cho thấy Sơn Tinh không phạm vào những tiêu chuẩn của người tu luyện nữa.

Trong Hùng Vương Ngọc Phả có chép lại lời của Sơn Tinh nới với vua Hùng thứ 18: “Bệ hạ và thần đã có phép thần tiên, không gì hơn là quay về chốn Bồng Hồ, Lãng Uyển, tiêu dao ở làng quê bất lão, thanh nhàn nơi gác phượng lầu rồng, há phải nhiễm bẩn bụi trần, vàng ngọc châu báu cũng chẳng bằng mảy lông, ngọc nữ tiên đồng cũng chỉ mát mắt chốc lát. Trí lực như thế mới thật là cao!”. Câu nói của Sơn Tinh lúc này cho thấy rõ người tu Đạo không nhiễm bụi trần, cũng là phản ánh sự ngộ đạo của Sơn Tinh. Cho nên Sơn Tinh Thủy Tinh không thù hằn nhau đến mức cả nghìn năm vẫn dâng nước đánh nhau.

Còn nếu như truyền thuyết đã bị sai lệch? Không có cuộc tranh đấu vì mỹ nữ nào giữa hai người Sơn Tinh và Thủy Tinh, sự việc đó chỉ được thêm vào để giải thích cho sự việc mưa lũ hằng năm. Thế thì càng cho thấy tâm tính của Sơn Tinh là tốt đồng thời có thể giải nỗi oan nghìn năm dâng nước lũ cho Thủy Tinh. Nếu vậy Thủy Tinh cũng nên được xếp vào một trong các vị Thánh bất tử.

Nếu xét theo Hùng Vương Ngọc Phả thì Tản Viên Sơn Thánh sau này sống tiêu dao tự tại ở “làng quê bất lão”, là nơi chốn mà không có sự già đi như con người. Người tu Đạo giảng về đạo trường sinh, người đạo hạnh cao thâm sống nghìn năm nhìn vẫn trẻ như thanh niên, không có sự già đi về thân thể. Nếu Tản Viên Sơn Thánh đã tu đến cảnh giới này, thì xứng là một trong tứ bất tử của Việt Nam.

3. Phù Đổng Thiên Vương

Tượng Thánh Gióng trên đỉnh núi Sóc, Sóc Sơn, Hà Nội. (Ảnh: Wikipedia/CC BY-SA 3.0)

Trong kinh sách của Phật giáo thì tứ đại thiên vương là bốn vị Thiên Chủ thống lĩnh cõi trời tứ thiên vương ở tầng trời thứ nhất trong cõi dục giới. Tứ đại thiên vương ngoài việc thống lĩnh thiên chúng ra còn có trách nhiệm hộ vệ, che chở và giám sát thiện ác ở thế gian.

Truyền thuyết kể rằng: “Thời vua Hùng thứ 6, giặc Ân xâm lược nước Văn Lang, chúng hung tàn, độc ác, đi đến đâu thì đốt phá nhà cửa, giết người, cướp của đến đấy”. Là người hộ vệ, cai quản và giám sát thiện ác ở thế gian, thì việc ác của giặc Ân trên diện rộng như vậy thì Thiên Vương không thể không quản, có lẽ vì vậy Thiên Vương đã an bài đầu thai xuống làm thánh gióng để trừ giặc Ân, sau khi xong việc thì lại nhanh chóng bay về trời.

Thời kỳ vua Hùng là thời kỳ nhân thần đồng tại, đến thời vua Hùng thứ 18 vẫn còn có người tài giỏi phép thuật như Sơn Tinh, Thủy Tinh. Vì vậy sự xuất hiện của một tướng nhà trời đến giúp vua Hùng đánh giặc, người có phép thuật có thể biết được nguồn gốc Thánh Gióng là Thiên Vương chuyển sinh, mà nơi chuyển sinh là làng Phù Đổng. Do đó người xưa đặt tên là Phù Đổng Thiên Vương.

Nếu như Chử Đồng Tử và Tản Viên Sơn Thánh cần phải trải qua một chặng đường tu luyện mới đắc đạo thành Tiên, thì Thánh Gióng vốn là Thiên Vương trên trời, chỉ chuyển sinh xuống nhân gian để hoàn thành sứ mệnh, xong việc thì lại bay về trời. Nhưng từ đó, người Việt Nam có thể biết được Phù Đổng Thiên Vương là vị thần hộ vệ, che chở cho nước Nam.

Trong kinh sách Phật giáo có ghi chép tuổi thọ của tứ đại thiên vương trong cõi dục giới là 50 tuổi. Nhưng thời không nơi các Thiên Vương ở không giống trái đất. Một ngày nơi chư thiên bằng 50 năm ở cõi người. Tính theo năm ở trái đất thì tuổi thọ của Thiên Vương là 900.000 tuổi, so với tuổi thọ con người thì đúng là bất tử rồi.

4. Liễu Hạnh Công Chúa

Cung thờ Sơn Trang trong Phủ Tây Hồ. (Wikipedia/CC BY-SA 3.0)

Theo truyền thuyết Liễu Hạnh là con gái thứ hai của Ngọc Hoàng thượng đế, tên thật là Hồng Liên công chúa, khi xuống trần gian du sơn ngoạn thủy thì lấy tên là Liễu Hạnh. Khác với các vị Thánh ở bên trên, Liễu Hạnh là do tính tình không tốt nên bị Ngọc Hoàng đày xuống trần gian để tu sửa tâm tính.

Theo kinh sách Phật giáo, ở cung trời tầng thứ hai của cõi dục giới, thì Ngọc Hoàng thượng đế hay còn gọi là Đế Thích Thiên, là Thiên Chủ cung trời Đao Lợi. Tuổi thọ Ngọc Hoàng là 1000 tuổi tại thời không cung trời đó. Nếu chiểu theo kinh sách Phật gia mà nói, thì mỗi một tầng trời tương ứng với tâm tính của chúng sinh tại tầng thứ đó, tầng càng cao thì tâm tính càng tốt, sống càng lâu. Một khi giáng sinh xuống cõi người đã bị nhiễm thói hư tật xấu của con người, muốn quay trở về thiên giới thì phải tu luyện, trừ bỏ tâm xấu nơi cõi người.

Nếu theo kho tàng truyện cổ tích, thì Liễu Hạnh ỷ mình có phép thuật hay trừng trị người chòng ghẹo, cợt nhả mình thành đổ bệnh hoặc rơi vào điên rồ. Có một lần lại làm cho hoàng tử con Lê Thái Tổ bị mất trí, cười nói một mình. Vì thế mà xảy ra trận tranh đấu với tám vị kim cang. Các lần giáng sinh khác cũng vẫn xảy ra các sự việc tương tự. Nếu chiểu theo tiêu chuẩn lễ nghĩa của con người thì đã là không đạt, huống chi Liễu Hạnh cần phải tu luyện để trở về thiên đình. Bởi vậy, sự lưu truyền trong dân gian về công chúa Liễu Hạnh có thể đã bị sai lệch quá nhiều.

Căn cứ vào Phả ký, Bi ký thì công chúa Hồng Liên giáng sinh lần thứ nhất tên là Phạm Tiên Nga. Cha mẹ đều già yếu nên Tiên Nga không lấy chồng, ở vậy phụng dưỡng cha mẹ, cho đến ngoài 30 tuổi cha mẹ đều mất. Sau khi để tang 3 năm thì Tiên Nga đi chu du làm việc thiện. Năm 36 tuổi, Tiên Nga đến bờ sông Đồi dựng một ngôi chùa nhỏ đặt tên là Chùa Kim Thoa, bên trên thờ Nam Hải Quan Thế Âm Bồ Tát, bên dưới thờ cha mẹ.

Tu ở chùa Kim Thoa hai năm thì Tiên Nga tới Hà Nam tu sửa chùa Long Sơn, chùa Thiện Thành, chùa Đồn Xá. Tại đó Tiên Nga dạy dân trồng dâu nuôi tằm dệt vải. Năm 39 tuổi Tiên Nga trở lại chùa Kim Thoa, giúp họ hàng tu sửa đền thờ tổ; sau đó Tiên Nga chu du quanh vùng, dùng những hiểu biết của mình từ kinh sách khuyên răn con người những điều phải trái. Năm 40 tuổi thì hóa thân về trời.

Trong ghi chép không nói về việc Tiên Nga tu hành như thế nào, nhưng có thể thấy nàng đã một đời chịu khổ hành thiện. Nếu như tối đọc kinh Phật, ngày hành thiện tích đức, chịu khổ tu tâm thì đúng là người đang tu hành rồi. Vậy thì việc trở lại thiên đình chỉ còn là thời gian mà thôi. Lần giáng sinh này công chúa Liễu Hạnh đã đắc đạo thành Tiên.

Tuy nhiên, truyền thuyết về thánh mẫu Liễu Hạnh có quá nhiều dị bản, rất khó để biết được đâu là câu chuyện đầy đủ nhất. Nhưng nếu lấy mười tiêu chuẩn được coi là đạo đức căn bản của người tu hành làm thước đo thì có thể phân biệt được đâu mới là sự thật lịch sử. Người tu Phật thì kiêng kị việc đấu Pháp với nhau, cũng như phải tránh xa sắc dục, tránh sự ràng buộc của tình thân.

Nếu như Liễu Hạnh đã đắc đạo thành Tiên vẫn còn nhớ mong cha mẹ và chồng con, điều này không hợp đạo lý. Thần Tiên ở trên trời cũng không được tùy tiện gặp gỡ người thường nơi nhân thế. Ai bị rơi xuống nhân gian đều phải vào lục đạo luân hồi chuyển sinh thành người, ký ức bị xóa hết, chỉ có chuyên tâm tu luyện mới có thể trở lại được. Tất nhiên, nếu là vì sứ mệnh như Thánh Gióng thì lại khác, xong nhiệm vụ thì lại trở về thiên giới.

5. Từ Đạo Hạnh

Từ Đạo Hạnh – Wikipedia tiếng Việt
Tượng Từ Đạo Hạnh tại chùa Thầy. (Wikipedia/CC BY-SA 3.0)

Trong các sử sách ghi chép, Từ Đạo Hạnh sau khi theo kinh sách của Quán Thế Âm, cảm ứng có thần đi theo phù trợ liền trở về dùng gậy phép đánh chết Đại Điên, trả thù cho cha. Đại Điên là một pháp sư, được cho là đã dùng tà thuật giết hại cha của Từ Đạo Hạnh. Sau đó, Từ Đạo Hạnh lại biết Đại Điên đã chuyển sinh thành đứa bé 3 tuổi, sắp được vua Lý Nhân Tông nhận làm con nuôi. Từ Đạo Hạnh bèn dùng bùa chú giết chết đứa bé.

Trong kinh sách Phật gia giảng, nếu người tu Phật mà sát sinh giết người thì tội nghiệp quá lớn, đời đó là hủy bỏ rồi, tu không thành được. Ở đây, Từ Đạo Hạnh hai lần giết người, nếu chiểu theo pháp lý thì đoạn đời còn lại không thể tu Phật được, phép thuật tu được cũng sẽ bị mất hết. Nhưng nếu một người tu theo tà pháp thì làm việc xấu trong đời đó sẽ không ai ngăn cản, nếu tạo quá nhiều tội nghiệp thì thọ mệnh sẽ bị cắt giảm và xuống địa ngục mới phải chịu hết thảy tội họ gây ra.

Các bản kể đều giống nhau một chi tiết nữa, đó là đời sau Từ Đạo Hạnh đầu thai làm con của Sùng Hiền Hầu để trả ơn năm xưa đã cứu thoát khỏi sự trừng phạt của vua Lý Nhân Tông. Sau đó được vua Lý nhận làm con nuôi, rồi lên ngôi vua hiệu là Lý Thần Tông. Năm 21 tuổi bị bệnh hóa hổ vì phải trả nghiệp khi xưa dùng phép thuật hóa ra hổ để dọa hai người bạn đạo Nguyễn Minh Không và Giác Hải. Năm 23 tuổi thì mất.

Đời sau Từ Đạo Hạnh đã trả xong một ân cứu thoát, một tội nghiệp ở kiếp trước gây ra. Nhưng còn hai lần sát sinh giết người nữa thì có thể sẽ phải trả vào đời tiếp theo nữa. Vậy nên cuối câu chuyện Từ Đạo Hạnh vẫn chưa đắc đạo. Có lẽ vì vậy mà Từ Đạo Hạnh bị loại khỏi danh sách tứ bất tử ở Việt Nam, thay vào đó là công chúa Liễu Hạnh.

Tạm kết

Tứ bất tử ở Việt Nam là những người đã đắc đạo thành Tiên, nhưng họ không phải “bất tử” thật sự, vì Thần Tiên vẫn nằm trong sinh tử luân hồi, đến khi hết thọ mệnh thì lại rơi vào lục đạo luân hồi, chuyển sinh sang kiếp khác. Nhưng nếu so sánh tuổi con người với tuổi thọ của họ tại thời không trái đất thì họ như là bất tử rồi.

Gọi là tứ bất tử nhưng thực ra là có hơn bốn vị, công chúa Tiên Dung cũng là người đắc đạo thành Tiên cùng với Chử Đồng Tử nhưng khi xếp vào danh sách người ta chỉ tính là một người. Thủy Tinh là người ngang sức ngang tài với Sơn Tinh, nhưng trong danh sách người ta hoàn toàn quên đi Thủy Tinh.

Để bất tử thật sự, con người chỉ có tu theo chính đạo chính pháp mới có thể bước qua sinh tử luân hồi, vượt qua tam giới, chứng đắc quả vị La Hán, Bồ Tát, Phật khi ấy sinh mệnh sẽ trường tồn cùng vũ trụ.

(Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả Vân Hải, không nhất thiết là quan điểm của trang NTDVN)

Vân Hải

Tham khảo: https://vi.wikipedia.org/
Tham khảo: https://www.nhatkychucuoi.com/
Tham khảo: https://truyencotich.vn/
Tham khảo: Etviet.com và Ntdvn.com



BÀI CHỌN LỌC

Từ góc độ Phật gia nhìn lại tứ bất tử ở Việt Nam