Tứ đại thần nhân (3): Gia Cát Lượng - Lai lịch bí ẩn của chiếc quạt lông vũ của Gia Cát Lượng [Radio]

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đối mặt với ba quân, Gia Cát Lượng ngồi trên một chiếc xe bốn bánh. Chỉ cần trong thời gian phe phẩy chiếc quạt lông, ông đã bày mưu tính kế,  quyết thắng ở xa ngàn dặm.

Xem lại:
Tứ đại Thần nhân (1): Khương Tử Nha - Nguồn gốc tên hiệu Phi Hùng của Khương Tử Nha
Tứ đại Thần nhân (2): Tôn Tẫn - Một đóa hoa cúc nhìn thấu cuộc đời Tôn Tẫn

Chúng tôi đã đề cập rằng sau khi Khương Tử Nha trợ Chu Vũ Vương tiêu diệt nhà Thương, hoàn thành sứ mệnh mà Nguyên Thuỷ Thiên Tôn giao phó và vui vẻ trở về núi Côn Luân. Kết quả, sư phụ nói, mệnh của con quá mỏng, còn phải đến nhân gian tu hành. Thế rồi Nguyên Thuỷ Thiên Tôn an bài cho Khương Tử Nha một cơ thể có tim 9 lỗ, chuyển sinh thành Tôn Tẫn.

Vì Tôn Tẫn có căn cơ của kiếp trước là Khương Tử Nha, nên sau khi chuyển sinh, thông minh hiếu học. Sau khi học xong thì xuống núi, bị sư huynh Bàng Quyên hãm hại, bị khoét đi xương bánh chè, bị thích chữ lên mặt, ông giả ngây giả dại chịu nhiều đau khổ, trả hết nghiệp lực đã giết hại nhiều người trong kiếp trước.

Sau khi trả thù trong trận Mã Lăng và giết chết Bàng Quyên, Tôn Tẫn quy ẩn tu hành. Cuối cùng, viên mãn thành Tiên. Sau khi thành Tiên, Tôn Tẫn biết được tiền nhân hậu quả (cái nhân gieo trước đây và quả nhận lại sau này), biết mình đời này chuyển sinh chính là vì tu đạo thành Tiên. Nhưng tiếc rằng, phát hiện đôi chân của mình đã bị tổn thương, thành Tiên như thế này, chẳng lẽ phải vĩnh viễn mang bộ dạng ngồi trên xe lăn sao? Thực sự làm mất đi sự uy nghiêm của chúng thần Tiên.

Vậy nên Tôn Tẫn quyết định chuyển sinh và tu luyện một lần nữa. Để đợi có trái tim 9 lỗ, ông phải đợi thêm 500 năm nữa trong âm tào địa phủ.

Trong nháy mắt cũng đến thời Tam Quốc, kiếp này Tôn Tẫn, người đã tu thành từ kiếp trước lại chuyển sinh thành Gia Cát Lượng.

Đối mặt với ba quân, Gia Cát Lượng ngồi trên một chiếc xe bốn bánh. Chỉ cần trong thời gian phe phẩy chiếc quạt lông, ông đã bày mưu tính kế, quyết thắng ở xa ngàn dặm.

Con người đều có những ký ức lưu lại từ kiếp trước, những ký ức này được thể hiện trong thói quen hàng ngày của họ. Sở thích đi xe bốn bánh của Gia Cát Lượng có thể là di chứng lưu lại từ kiếp trước của Tôn Tẫn.

诸葛亮像(图片:出自1921《晩笑堂竹荘画传》)
Chân dung Gia Cát Lượng (Nguồn: Vãn tiếu đường trúc trang họa truyện - 1921)

Làm một người đầu thai hết kiếp này đến kiếp khác để tu luyện thành Tiên, đời này của Gia Cát Lượng cũng được sư phụ chăm nom từ khi còn nhỏ.

Người có tài năng thì lúc sinh ra luôn có một cái gì đó khác thường. Gia Cát Lượng khi còn nhỏ khác hẳn những đứa trẻ khác. Khác nhau ở những điểm nào?

Gia Cát Lượng đến năm sáu tuổi không nói được, cha mẹ Gia Cát Lượng rất sầu muộn, hoá ra lại sinh ra một đứa con trai bị câm?

Vợ chồng già nhà Gia Cát ngẫm lại thấy họ không làm điều gì tổn hại đến luân thường đạo lý, sao lại chịu quả báo như vậy? Một bé trai trông ưa nhìn, điểm nào cũng tốt, không có chỗ nào khuyết thiếu, chỉ có điều không nói được. Sau nhiều năm khi tìm thầy hỏi thuốc mà không chữa được, nhưng cuộc sống vẫn cứ phải tiếp diễn.

Chớp mắt, Gia Cát Lượng đã hơn tám tuổi, gương mặt toát lên vẻ thông minh lanh lợi nhưng vẫn không nói được. Mấy năm nay, vợ chồng già nhà Gia Cát đều vì đứa con trai câm này mà lo lắng, tóc đã bạc đi không ít.

Ngay mùa hè năm đó, một lão Đạo sĩ đi vào thôn hoá duyên, đám trẻ con nhìn thấy người lạ, háo hức đến xem, cậu bé Gia Cát Lượng cũng ở trong đám trẻ con và chạy theo chúng. Lão đạo sĩ liếc mắt liền nhìn ra khí chất phi phàm của cậu bé Gia Cát Lượng này, thế là liền cùng cậu vào nhà.

Khi vợ chồng nhà Gia Cát nhìn thấy một Đạo sĩ già tới nhà, liền vội vàng tiến đến chào hỏi và chuẩn bị cơm chay cho vị Đạo sĩ.

Lão Đạo sĩ nói ông sống trên một ngọn núi cách đó không xa, hôm nay xuống núi vân du. Trong lúc ăn cơm, chủ và khách nói chuyện về bệnh câm của cậu bé Gia Cát Lượng.

Vị Đạo trưởng nói rằng ông có thể chữa khỏi bệnh câm của tiểu công tử đây, nhưng phải nhận Gia Cát Lượng làm đồ đệ và dẫn lên núi tu hành. Vợ chồng già nhà Gia Cát vui vẻ đồng ý. Gia Cát Lượng đập đầu vái lão Đạo sĩ ba cái xuống đất "Bang Bang Bang", sau khi đứng dậy liền nói chuyện được. Vợ chồng nhà Gia Cát vui mừng đến nỗi không ngậm miệng lại được, tin rằng đứa con trai bị câm của họ, bái kiến ​​sư phụ liền nói được. Thế là họ vui vẻ để lão Đạo sĩ đưa cậu bé Gia Cát Lượng lên núi tu hành.

Từ đó về sau, cậu bé Gia Cát Lượng theo vị Đạo trưởng học thuật, thiên văn, địa lý, bát quái và binh pháp, lão Đạo trưởng truyền lại mọi thứ cho Gia Cát Lượng. Hạ qua rồi đông đến, mặc cho mưa gió, thoáng cái 5 năm trôi qua, Gia Cát Lượng mỗi ngày đều lên núi đúng giờ để thỉnh giáo.

Vào hôm đó, khi Gia Cát Lượng xuống núi thì bất ngờ cuồng phong gào thét, mưa lớn trút xuống. Vừa hay ngay lưng chừng núi có một ngôi miếu hoang, ông chạy nhanh vào trong miếu trú mưa. Không ngờ, khi vừa đến gần cửa miếu, thì từ bên trong một nữ tử ra đón và cho Gia Cát Lượng vào miếu.

Trên ngọn núi này, ngược xuôi mấy năm, cho tới nay rất ít gặp được người, thỉnh thoảng gặp tiều phu, người đi lấy thuốc, nữ nhân làm sao có thể leo lên đến lưng chừng núi? Nhưng rồi Gia Cát Lượng cũng không có nghĩ nhiều về chuyện này nữa.

Mỗi lần đi ngang qua, nữ tử kia đều nhiệt tình tiếp đãi ông, có lúc hai người đánh cờ, có lúc chuyện trò, rất vui vẻ.

Bất tri bất giác, khi Gia Cát Lượng nghe vị Đạo sĩ giảng pháp, ông bắt đầu cảm thấy mơ hồ, những gì vị Đạo trưởng giảng ông đều nghe không vào đầu, khó nhớ kỹ được. Đạo sĩ cầm cây trượng đầu rồng, gõ vào đầu Gia Cát Lượng một cái và nói: "Gió không thổi thì cây không động; thuyền không chèo, thì nước không đục".

Đạo trưởng thuận tay chỉ vào một cái cây trong sân và hỏi ông: "Ngươi nhìn xem, gốc cây kia vì cớ gì không trưởng thành được, muốn chết không chết được, muốn sống sống chẳng xong?”

Gia Cát Lượng tư chất thông minh, nhìn thấy dây sắn dây bìm leo trên cây , ông lĩnh ngộ được: “Cây không lớn được vì dây sắn dây bìm vướng víu”. Lập tức minh bạch, sư phụ điểm hoá cho ông rằng nữ sắc giống như dây leo, một khi bị nó cuốn lấy, thì ma nạn càng lớn hơn nhiều.

Lão Đạo sĩ thấy ông đã hiểu chuyện, bèn nói cho ông biết nữ tử kia nguyên lại là một con Tiên hạc trên Thiên Cung. Vì ăn vụng đào của Vương Mẫu Nương Nương, nên bị giáng xuống trần gian để chịu khổ. Tiên hạc kia hạ phàm xuống thế gian, không nghĩ tới tu hành, mà chỉ một mực ham hưởng yên vui, "Nếu con bị sắc đẹp của nàng làm cho mê muội, nếu cứ tiếp tục ngây ngô dại dột, thì hết thảy nỗ lực đều là phí công nhọc sức".

Đạo sĩ đưa cây trượng đầu rồng cho Gia Cát Lượng và căn dặn ông, hãy thừa dịp ban đêm khi Tiên hạc đến Thiên Hà tắm rửa, hãy dùng lửa đốt quần áo của nó, nó không biến thành mỹ nữ dẫn dụ con nữa. Có điều lúc đó Tiên hạc sẽ thẹn quá hoá giận, chắc chắn sẽ không từ bỏ ý đồ. Sư phụ giao cho Gia Cát Lượng cây trượng đầu rồng để phòng vệ, có thể tránh bị tổn thương.

Gia Cát Lượng ghi nhớ lời căn dặn của sư phụ, ban đêm đến giờ tý, đêm đến phá am đốt quần áo của Tiên hạc. Tiên hạc nhìn thấy lửa cháy trong am, lập tức từ Thiên Hà lao xuống và mổ vào mắt Gia Cát Lượng. Gia Cát Lượng cầm cây trượng đầu rồng hất hạc xuống đất. Ông đưa tay ra bắt Tiên hạc, nó liều mạng thoát ra và bay lên không trung. Gia Cát Lượng chỉ tóm được lông đuôi của con Tiên hạc.

Để nhắc nhở bản thân không bê trễ việc học, Gia Cát Lượng dùng lông đuôi làm thành một cây quạt và luôn mang bên thân mình để nhắc nhở bản thân. Từ đó Gia Cát Lượng bắt đầu dốc lòng tu luyện, cho đến khi gặp Lưu Bị ba lần đến thỉnh cầu. Tại sao Gia Cát Lượng chưa ra khỏi mái nhà tranh mà có thể biết được sự việc của thiên hạ? Đó là vì Gia Cát Lượng từ lâu đã thông thuộc thuật số suy diễn sự biến thiên của thế đạo, thông qua xem xét thiên tượng có thể biết được chiều hướng của đại sự trong thiên hạ.

Nhờ có ký ức mạnh mẽ từ nhiều năm tu luyện của Khương Tử Nha, Gia Cát Lượng cả một đời, không chỉ thần cơ diệu toán viết ra cuốn dự ngôn “Mã tiền khoá" tiên đoán chuyện hậu thế, mà đánh trận cũng vô cùng lợi hại. Hỏa Thiêu gò Bác Vọng, hỏa thiêu Tân Dã, hỏa thiêu Xích Bích, hỏa thiêu quân Đằng Giáp, thần cơ diệu toán, dụng binh như có thần trợ giúp, đốt vài đóm lửa, đối thủ nghe tin đã sợ mất mật.

Bi thảm nhất là cuộc nam chinh đánh Mạnh Hoạch của Gia Cát Lượng, Mạnh Hoạch mượn ba vạn quân giáp mây để chống cự, quân giáp mây không sợ dao, không sợ nước, Gia Cát Lượng dụ họ vào sơn cốc, chặn cả hai đầu rồi phóng hỏa. Ba nghìn quân giáp mây vật lộn trong biển lửa, tiếng kêu rên thống khổ rốt cục đã khơi dậy bản tính của Gia Cát Lượng.

Ông nhớ tới kiếp trước của kiếp này, đến đây là để tu luyện, chiến tranh tuy thuận theo ý Trời, nhưng thiêu chết nhiều sinh mạng vô tội như thế, là phạm vào sai lầm sát sinh to lớn.

Bởi vậy, dù ở kiếp này Gia Cát Lượng đã hết lòng cúc cung tận tụy với Thục Hán, nhưng trong tu luyện lại có một sơ hở rất lớn, không chỉ ảnh hưởng đến thọ mệnh, mà còn bị rơi rớt tầng thứ.

Mang theo tiếc nuối của kiếp này, Gia Cát Lượng lại một lần nữa chuyển sinh.

(Còn tiếp)

Lam Sơn

Theo Vương Nhuận - SOH



BÀI CHỌN LỌC

Tứ đại thần nhân (3): Gia Cát Lượng - Lai lịch bí ẩn của chiếc quạt lông vũ của Gia Cát Lượng [Radio]