Từ câu chuyện: 'Tam Nhân Thành Hổ' nhìn về hiệu ứng 'dắt mũi đám đông'...

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một sự giả dối nếu một người nói có thể bạn sẽ không tin, hai người cùng nói có thể bạn vẫn còn kiên định. Nhưng khi ba, bốn, và năm người cùng nói bạn sẽ bắt đầu nghi hoặc và cuối cùng rất có thể - đến 90% - là bạn sẽ tin theo.

Tam Nhân Thành Hổ

Thời Chiến Quốc, nước Ngụy có một trọng thần tên là Bàng Thông. Một lần ông phụng mệnh Ngụy vương tháp tùng thế tử đến Hàn Đam, kinh thành nước Triệu làm con tin. Trước khi lên đường, Bàng Thông nói với Ngụy vương: “Đại vương, nếu như có người nói với ngài rằng trên phố có một con hổ, đại vương tin không?”. Trên phố đông người qua lại, làm sao có thể có hổ hoang ở đó được, đương nhiên là Ngụy vương không tin nên đáp: “Làm sao có việc đó được, quả nhân không tin".

Bàng Thông lại nói: “Nếu như lại có một người nữa đến báo với đại vương trên phố quả thực có một con hổ, vậy đại vương có tin không?”. Ngụy vương nghĩ một hồi đáp: “Điều này đáng để suy nghĩ".

“Nếu như lại có một người nữa đến bẩm báo đại vương trên phố có hổ hoang, thì sao?” Bàng Thông lại hỏi.

“Nếu đã có ba người cùng nói như vậy, vậy theo lý điều đó là thật" Ngụy vương đáp.

Tung tin đồn
Chỉ là dùng lời dối trá để truyền tin mà thôi, sao đại vương có thể cho đó là thật được? (Ảnh: Shutterstock)

Sau khi nghe Nguỵ vương trả lời như vậy, Bàng Thông mới bày tỏ chân ý của mình, ông nói: “Thực tế trên phố không hề có con hổ nào cả, chỉ là dùng lời dối trá để truyền tin mà thôi, sao đại vương có thể cho đó là thật được? Nguyên nhân là bởi có nhiều người cùng nói một chuyện như thế. Nay thần cùng thế tử phải rời xa tổ quốc đi làm con tin tại nước Triệu. Tình cảnh của thần và thế tử ở nơi xa xôi ấy, đại vương hoàn toàn không thể nắm bắt chính xác được, nói không chừng sẽ có người loan tin xảo trá “trên phố có hổ", lẽ nào đại vương lại tin theo? Vậy nên để đảm bảo sau này thế tử có thể trở về nước được thuận lợi, kế thừa đại nghiệp. Xin đại vương cho ba người truyền tin đại chúng, nói thần chỉ rời xa kinh thành chứ không hề đi Hàm Đan".

Tuy nhiên Ngụy vương lại không cho đó là điều thực tế. Sau khi Bàng Thông tháp tùng thế tử đến nước Triệu không lâu quả nhiên có người cố ý hãm hại, nói Bàng Thông một dạ hai lòng, có ý đồ riêng với thế tử.

Nhiều người cùng nói, Ngụy vương tin theo, cho đó là lời chân thật nên lệnh cho thế tử về nước, còn Bàng Thông thì không được trọng dụng nữa. Bàng Thông tuy đã tiên liệu trước được điều này, đồng thời cũng đã cảnh báo với Ngụy vương nhưng kết cục vẫn khó thoát khỏi đại nạn.

Tăng Sâm giết người

Cũng còn có một câu chuyện tương tự trong thời Chiến Quốc. Khổng Tử có một học trò tên là Tăng Sâm, nổi danh xa gần là hiếu tử - người con có hiếu. Hồi Tăng Sâm sống ở ấp Phí, trong thôn khi ấy có một kẻ sát nhân trùng tên với Tăng Sâm. Có người vì ngộ nhận kẻ sát nhân đó là Tăng Sâm nên đã xôn xao bàn luận. Tiếng đồn nhanh chóng truyền đến tai của thân mẫu Tăng Sâm, lần thứ nhất nghe xong bà bình tĩnh đính chính: “Con trai ta sẽ không làm chuyện này". Không lâu sau lại có người đến nói: “Tăng Sâm giết người rồi", mẹ Tăng Sâm tuy vẫn kiên định nhưng lòng đã có chút nghi hoặc không vui. Lúc sau lại có người nữa đến loan tin, lần này bà đã không giữ được bình tĩnh nữa mà đứng dậy thu dọn đồ đạc để rời đi.

Đọc chuyện xưa lại ngẫm chuyện nay, trong đời sống xã hội hiện tại, nếu chúng ta có thể bình tâm mà quan sát, cũng bắt gặp không ít những tình cảnh tương tự, hơn nữa không chừng còn nhận ra mình cũng từng là nạn nhân ở trong số ấy. Ví như, khi một sự việc giả dối được ai đó cố ý đưa ra và một số người vì hồ đồ mà tin theo rồi tiếp tục lan truyền đi... vậy là nghiễm nhiên những người hùa theo dư luận này vừa là "nạn nhân" nhưng đồng thời cũng là "đồng phạm" của sự việc. Kết quả lại càng có nhiều người tin theo và tiếp tục trở thành nạn nhân, trở thành đồng phạm...

Thiện ác phân minh
Trong cuộc sống người ta không ngừng thêu dệt sự kiện, bóp méo thông tin, lèo lái dư luận... (Ảnh: Shutterstock)

Kỳ thực trong một xã hội mà đâu đâu cũng đầy rẫy những thị phi, thật giả khó phân, vàng thau lẫn lộn, vì mục đích cá nhân hoặc lợi ích nhóm mà người ta không ngừng thêu dệt sự kiện, bóp méo thông tin, lèo lái dư luận... thì không phải ai trong chúng ta cũng đủ tỉnh táo mà minh xét.

Trong mọi sự việc, tình huống nếu chúng ta không bình tâm tĩnh ý mà nhận định vấn đề, không thể dùng đạo đức mà đo lường sự việc thì rất dễ có thể bị "dắt mũi" như những chú lừa ngoan ngoãn.

Không tùy tiện tin vào tin đồn, không lan truyền tin tức bừa bãi vô căn cứ, suy nghĩ kỹ trước khi làm, đứng từ nhiều góc độ khác nhau để nhận định đánh giá sự việc, bạn ắt sẽ tìm ra chân tướng và đó cũng là một trong những phương thức để chấm dứt tin đồn và những thật giả thị phi không đáng có. Điềm tĩnh và minh xét cũng là bản lĩnh của người có trí tuệ xưa nay.

Minh Vũ



BÀI CHỌN LỌC

Từ câu chuyện: 'Tam Nhân Thành Hổ' nhìn về hiệu ứng 'dắt mũi đám đông'...