Truyền thuyết về ma Trành [Radio]

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tiếng kêu thét đau đớn của hổ làm kinh động lũ ma Trành khi đó đã đi khá xa, bọn chúng tớn tác chạy quay lại, ôm xác hổ vẫn đang chảy máu từ vết thương trên ngực mà khóc rống lên.

Tương truyền, người bị hổ bắt ăn thịt thì linh hồn không siêu thoát, thành một loại ma gọi là ma Trành. Ma Trành không những không căm hận hổ ăn thịt thân xác họ đời trước, trái lại còn coi hổ đã sinh ra mình, nên có lòng cảm kích mà phụng thờ hổ. Ma Trành đi trước mở đường cho hổ, khi hổ đi săn, thấy có cạm bẫy, hoặc thấy thợ săn rình thì ma Trành sẽ mách bảo hổ tránh đi, vì thế xưa nay săn hổ là việc vô cùng khó khăn. Hơn nữa, ma Trành còn dụ dỗ những người có những ý nghĩ không chính, khơi dậy lòng tham của họ, khiến họ ‘ma đưa lối, quỷ dẫn đường’, đi qua nơi hổ ẩn nấp cho hổ bắt ăn thịt. Và những người bị hổ ăn thịt này lại trở thành ma Trành, lại đi dụ dỗ người đến cho hổ ăn thịt. Đây cũng chính là nguồn gốc câu thành ngữ “Làm ma Trành cho hổ”. Nhưng ma Trành có nguồn gốc như thế nào?

Xưa có chàng thư sinh tên là Mã Thừa, là người thích du ngoạn núi non. Một ngày nọ, Mã Thừa đến núi Hoành Sơn, đây là một trong Ngũ Nhạc, được gọi là Nam Nhạc. Phong cảnh Hoành Sơn tươi đẹp tú lệ, Mã Thừa say mê cảnh non nước, dạo chơi trong rừng thông, lưu luyến chẳng muốn về. Có câu thơ tả lại rằng:

Non xanh xanh vẫn như xưa
Du nhân đi mãi mà chưa thấy về

Chàng cứ lưu luyến nơi đó mãi, bất giác đã đến hoàng hôn. Trời đã gần tối, xem ra Mã Thừa không thể về kịp nữa rồi.

Mã Thừa đang lo lắng, bỗng nhiên chàng nhìn thấy một cái lều bắc trên một cây đại thụ phía trước, có một người thợ săn ở trên cây đang ra hiệu cho anh. Mã Thừa cúi đầu xem xét, thì ra ngay trước mặt anh không xa là một cái bẫy mà người thợ săn đã đặt. Chàng kinh hãi kêu lên: “Nguy hiểm quá!”.

Người thợ săn từ trên cây leo xuống đất rồi hỏi: “Anh là ai? Tại sao trời tối thế này mà đi lang thang trong rừng?”

Mã Thừa kể lại chuyện chàng say mê cảnh sắc núi non quên thời gian. Người thợ săn nói: “Ở đây rất nhiều hổ, rất nguy hiểm, anh một mình thì chớ đi đêm, nên ở đây nghỉ qua đêm, sáng hôm sau hãy ra về”.

Nói rồi, người thợ săn bước tới hố bẫy, đặt cơ quan dùng để bắt hổ, sau đó dẫn Mã Thừa leo lên chiếc lều trên cây. Mã Thừa cảm kích cảm tạ mãi.

Nửa đêm, Mã Thừa tỉnh giấc, bỗng chàng nghe thấy ở dưới gốc cây có tiếng của nhiều người đang nói chuyện rầm rì, tiếng nói cũng càng ngày càng đến gần. Mã Thừa liền cảnh giác, qua ánh trăng lờ mờ, chàng thấy phía trước có một đám người đang tiến đến, có cả nam cả nữ, cả giả cả trẻ, khoảng mấy chục người. Những người này đến gần gốc cây mà Mã Thừa và người thợ săn đang trú thì người đi đầu bỗng phát hiện ra phía trước có cạm bẫy, hắn rất tức giận nói lớn: “Mọi người xem, có kẻ nào đặt cạm bẫy ở đây, muốn hại chết đại vương của chúng ta, quả là quá ác độc. Kẻ nào dám to gan như thế này!”.

Nói rồi, người này cùng với 2 người khác tháo dỡ cạm bẫy mà người thợ săn đã đặt, sau đó bọn họ gọi nhau í ới rồi đi qua nơi đặt bẫy.

Đợi nhóm người này đi qua, Mã Thừa vội vàng gọi người thợ săn dậy, và kể lại những gì anh đã trông thấy. Người thợ săn nói: “Những người đó là ma Tràng, họ vốn là những người bị hổ ăn thịt, nhưng sau khi họ thành ma thì lại cam tâm thờ phụng phục vụ hổ. Ban đêm, trước khi hổ xuất hiện, họ sẽ đi trước mở đường cho hổ. Thế nên chỉ lát nữa là hổ sẽ xuất hiện, anh mau giúp tôi đặt lại bẫy đi”.

Người thợ săn nhanh nhẹn leo xuống, Mã Thừa cũng leo xuống giúp người thợ săn đặt lại cạm bẫy rồi leo lên cây. Vừa mới chui vào lều thì họ nghe thấy một tiếng hổ gầm, một con hổ hung dữ từ trên núi lao xuống. Chỉ nghe thấy tiếng “rầm” một cái, hổ rơi vào bẫy. Liền sau đó lại nghe thấy tiếng “vèo” một cái, một mũi tên bắn ra, trúng vào tim hổ. Mã Thừa thấy hổ điên cuồng nhảy loạn lên, tiếng gầm thét rung động núi rừng, khiến rừng thông lao xao run rẩy. Hộ giãy giụa một lúc rồi ngã lăn ra chết.

Vừa mới chui vào lều thì họ nghe thấy một tiếng hổ gầm, một con hổ hung dữ từ trên núi lao xuống.
Vừa mới chui vào lều thì họ nghe thấy một tiếng hổ gầm, một con hổ hung dữ từ trên núi lao xuống.. (Ảnh chụp màn hình phim Tam Tự Kinh)

Tiếng kêu thét đau đớn của hổ làm kinh động lũ ma Tràng khi đó đã đi khá xa, bọn chúng tớn tác chạy quay lại, ôm xác hổ vẫn đang chảy máu từ vết thương trên ngực mà khóc rống lên. Vừa khóc, lũ ma Trành vừa kêu gào: “Kẻ nào giết chết đại vương của chúng ta? Kẻ nào đã giết hại đại vương của chúng ta?”

Ở trên cây, Mã Thừa nghe rất rõ ràng, bất giác anh nổi giận lôi đình, lớn tiếng mắng chửi chúng: “Lũ ma Trành kia, chúng mày vì sao trở thành ma, chẳng lẽ không nhớ nổi chút gì sao? Chúng mày vốn là những người đã chết trong miệng hổ, vậy mà đến nay vẫn còn mê lạc không tỉnh ngộ, vẫn còn khóc lóc thương xót hổ. Quả là khiến người ta tức giận”.

Mã Thừa vốn là người quang minh chính trực, chính khí rất lớn mạnh. Người ta vẫn nói, nhất chính áp bách tà, lũ ma Trành bị chính khí của Mã Thừa át chế, khiến chúng bừng tỉnh. Lũ ma Trành kể lại cho Mã Thừa và người thợ săn rằng, khi chúng còn là con người, bị hổ bắt ăn thịt, linh hồn không siêu thoát, cứ luẩn quẩn trong rừng và theo hổ để đòi mạng. Hổ lừa dối rằng, nếu họ dẫn dụ được những người khác đến để hổ bắt ăn thịt thì linh hồn của họ sẽ sớm siêu thoát. Linh hồn họ lúc đó u u mê mê, cứ thế nghe theo, rồi trở thành ma Trành giúp hổ làm ác mà không tự biết, lại coi hổ như ân nhân cứu mạng. Giờ đây tạo nghiệp đã nhiều, không biết đến khi nào mới siêu thoát được.

Mã Thừa vốn là người có thiện tâm, vừa thương những người này, lại lo lắng rằng họ lại quay lại đường cũ, lại tìm con hổ khác mà làm ma Trành cho hổ thì gây nguy hại cho bách tính xa gần. Thế là chàng quyết tâm phải cứu giúp họ và cứu giúp người dân quanh vùng, bèn nói với chúng rằng: “Nếu các ngươi thề không làm ma Trành hại người nữa, ta thề sẽ xây ngôi miếu để các ngươi trú ngụ, và ta sẽ xuất gia làm Đạo sĩ, hàng ngày tụng kinh siêu độ cho các ngươi, hy vọng các ngươi sẽ sớm được siêu thoát”.

Người thợ săn mang vò rượu ra, Mã Thừa rót chén rượu nâng ngửa mặt lên trời thề. Chàng đổ chỗ rượu còn lại xuống phía trước, lũ ma Trành kéo đến hít hơi rượu và ngửa mặt lên trời thề.

Một thời gian sau, dưới gốc cây cổ thụ đã xuất hiện một ngôi miếu, trong miếu là một Đạo sĩ trẻ ngày ngày niệm kinh Đạo tạng. Khu rừng vắng vẻ xưa kia giờ đã có những bóng người đi lại buôn bán, du ngoạn. Quanh vùng không còn xuất hiện dấu vết hổ nữa. Còn người thợ săn đã giải nghệ, ông làm thương nhân buôn bán nơi xa. Mỗi lần trở về quê nhà, ông đều đến ngôi miếu nọ cúng dường cho Đạo sĩ và hỏi chuyện về những linh hồn đã từng làm ma Trành kia. Mỗi khi biết được đã có người siêu thoát, đã đi đầu thai thì ông lại cảm kích chớp chớp mắt, gương mặt bừng sáng một niềm vui.

Ngày nay, người ta vẫn còn dùng câu thành ngữ "Làm ma Trành cho hổ" để chỉ những người cam tâm giúp kẻ ác hành ác, vì họ cũng là nạn nhân của cái ác mà vẫn mê mờ không tỉnh ngộ, giống như ma Trành giúp hổ vậy.

Tường Hòa



BÀI CHỌN LỌC

Truyền thuyết về ma Trành [Radio]