Truyền thuyết về Bà Chúa Ba: Câu chuyện tu hành của Bồ Tát Quán Âm Nam Hải [Radio]

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tu hành trong động Hương Tích được 9 năm thì Bà Chúa Ba đắc Đạo. Ở trong hang, bà có thể nghe thấy tất cả những lời cầu cứu đau thương bên ngoài. Thế nên bà thường xuống núi vào làng chữa bệnh, cứu khổ cứu nạn cho những người thiện lương, truyền dạy Phật Pháp cho người hữu duyên.

Truyền thuyết xưa kể rằng, vào thời vua Diệu Trang của nước Hương Lâm ở bên Ấn Độ cổ đại. Nhà vua mãi không có con nên đã đến miếu Tây Nhạc cầu tự. Sau đó vua và hoàng hậu đã lần lượt sinh ra 3 người con gái rất xinh đẹp, và đặt tên cho các nàng là Diệu Thanh, Diệu Âm và Diệu Thiện.

Thời gian trôi qua, các công chúa càng lớn càng xinh đẹp, trong đó công chúa thứ ba Diệu Thiện là người vừa xinh đẹp lại có lòng thiện tâm, cô rất thông minh và ít nói. Trong khi hai người chị đã lần lượt lấy chồng, vui hưởng vinh hoa phú quý thì Diệu Thiện nhất định không lấy chồng, cô chỉ muốn tu Phật tu Đạo, thành Tiên thành Phật, để có thể cứu độ hết thảy chúng sinh đang chìm trong bể khổ.

Diệu Thiện nhất định không lấy chồng, cô chỉ muốn tu Phật tu Đạo, thành Tiên thành Phật, để có thể cứu độ hết thảy chúng sinh đang chìm trong bể khổ. (Ảnh minh họa: Miền công cộng)

Tuy nhiên, vua cha lại muốn cô lấy được người chồng tốt để truyền ngôi, vì hai chàng rể là chồng của hai công chúa chị đều là người tham lam, nên vua cha chỉ còn đặt hy vọng duy nhất vào cô công chúa thứ ba. Nhưng Diệu Thiện một mực từ chối, cô chỉ muốn được xuất gia tu hành. Vua cha tức giận nhốt công chúa thứ ba trong vườn ngự uyển, cách ly với mọi người. Nhưng công chúa lại thấy một mình ở trong khu vườn rừng rộng lớn này thật tốt, cô có thể tĩnh tâm tu hành.

Vua cha thấy vậy thì càng tức giận, bèn đưa nàng đến chùa Bạch Tước và lệnh cho các nhà sư phải bắt nàng làm thật nhiều việc nặng nhọc, để nàng phải từ bỏ cái tâm tu luyện mà trở về hoàng cung. Nàng phải lấy nước, kiếm củi giã gạo, nấu cơm, làm lụng vất vả từ sáng sớm đến tận khuya. Nhưng nàng lại cho rằng đó là việc tốt, lấy khổ làm vui, chịu nhiều khổ cực thì nhanh hoàn trả nợ nghiệp, càng nhanh đắc Đạo hồi thăng trở về. Đến khuya, nàng còn thức khuya chăm chỉ đọc kinh, ngồi thiền.

Nhà vua càng tức giận, sai người nửa đêm phóng hỏa đốt chùa Bạch Tước. Công chúa thấy vậy cắt tay chảy máu và vung lên trời, lập tức một cơn mưa lớn ập xuống dập tắt lửa. Việc này khiến cho vua cha tức giận mất hết lý trí, sai quân lính bắt trói nàng đem ra pháp trường xử trảm. Mặc dù hoàng hậu và triều thần căn ngăn, cầu xin, nhưng vua vẫn không tha, lệnh cho đao phủ xử chém ngay lập tức.

Vua cha đích thân ra pháp trường chứng kiến cuộc hành quyết đứa con gái bướng bỉnh, không nghe theo lời mà ông coi là bất hiếu bất trung. Công chúa Diệu Thiện bị trói hai tay ngược ra sau, hai bên là hai tên lính cao lớn áp giải. Công chúa nét mặt hòa ái, vừa đi vừa đọc kinh và cầu Phật xá tội cho vua cha. Dân chúng hai bên đường quỳ xuống khóc thương công chúa.

Công chúa bị bắt quỳ xuống pháp trường, cô cúi đầu vươn cổ ra sẵn sàng đón nhận lưỡi đao của đao phủ. Khi hồi trống thứ ba vừa dứt, lưỡi đao sáng loáng vung lên thì một cơn cuồng phong tối sầm trời đất ào tới. Một con hổ trắng phóng đến gầm vang khiến mọi người khiếp sợ chạy tán loạn. Khi mọi người định thần lại thì cơn cuồng phong cũng ngừng, trời ửng sáng trở lại. Mọi người ngơ ngác nhìn pháp trường trống vắng, không thấy công chúa đâu.

Hổ trắng đưa công chúa đi rất sâu vào rừng, đến một ngọn núi có gốc cây cổ thụ lớn thì hổ trắng đặt công chúa xuống rồi chạy đi. Công chúa nằm dưới gốc cây cổ thụ rồi thiếp đi. Nàng thấy Hắc Bạch Vô Thường đến đưa nàng đi. Đến Âm phủ, nàng được sứ giả của Diêm Vương đưa xuống thăm 18 tầng Địa ngục. Ở đây, nàng chứng kiến rất nhiều sự tra tấn và cực hình của những tội nhân rất thương tâm và đau lòng, nàng cầu xin được xá tội cho những tội nhân và nàng than rằng:

Ước sao Địa ngục vắng không
Bao nhiêu tội chúng sạch trong lầu lầu.

Sau đó sứ giả đưa nàng đến điện Diêm Vương. Diêm Vương vội đứng lên nghênh đón, và hỏi nàng đã thăm hết Địa ngục chưa. Những cảnh tượng đau khổ của chúng sinh và tiếng kêu la rên rỉ của họ khiến công chúa bất giác nước mắt ròng ròng. Nàng chắp tay niệm Phật, phát nguyện cứu độ tất cả chúng sinh. Niệm lực lớn mạnh cùng lòng từ bi của nàng lập tức chấn động thập phương thế giới, tiếng rên rỉ, la hét đau đớn trong Địa ngục cũng lập tức im bặt. Diêm Vương chắp tay lễ bái nàng và nói: “Lòng từ bi của công chúa thật to lớn và nhiệm màu, những chúng sinh trong địa ngục vì thế mà đã giảm được nhiều đau khổ. Sau khi công chúa trở về tiếp tục tu hành, có thể đắc Đạo trong đời này”. Nói rồi, Diêm Vương sai người đưa công chúa trở về.

Công chúa tỉnh dậy thấy mình nằm dưới gốc cây cổ thụ, hai tay vẫn bị trói ngược phía sau. Nàng thấy dây trói lỏng, bèn lựa rút tay ra. Bỗng nghe thấy tiếng nhạc ngựa, rồi một chàng trai tuấn tú cưỡi con bạch mã xuất hiện. Chàng trai vô cùng ngạc nhiên, giữa núi sâu rừng thẳm lại có người con gái xinh đẹp như thế này. Chàng trai nói, mình là hoàng tử nước Ðại Việt, thường thích một ngựa dạo chơi những nơi non nước thanh tú. Nghe chuyện công chúa, hoàng tử lấy làm ngạc nhiên và thương cảm, bèn đưa nàng về triều đình yết kiến vua cha. Hoàng tử nói với nàng rằng, nếu nàng ưng thuận thì sẽ xin phép vua cha cho chàng cưới nàng làm vợ. Công chúa nói nguyện vọng của nàng là tu thành đắc Đạo để cứu độ hết thảy chúng sinh đang chìm trong bể khổ.

Hoàng tử Đại Việt vốn là người tín Phật, nên rất kính trọng công chúa, xin nàng hãy ở lại Đại Việt tu hành. Hoàng tử để công chúa lên ngựa, còn chàng dắt ngựa 3 ngày 3 đêm, đến động Hương Tích ở núi Hương Sơn. Quả là nơi non xanh nước biếc, thanh tĩnh, u nhã, như miền Tịnh thổ chốn nhân gian:

Đá ngũ sắc long lanh như gấm dệt.
Thăm thẳm một hang lồng bóng nguyệt,
Chập chờn mấy lối uốn thang mây.
Chừng giang sơn còn đợi ai đây,
Hay tạo hoá khéo ra tay xếp đặt? (*)

Công chúa, mừng lắm, nàng ở lại trong động Hương Tích tĩnh tu, ngồi thiền, còn hoàng tử liền trở về kinh đô. Ngoài thời gian học Kinh Phật và ngồi thiền, nàng vào rừng tìm trái cây, rau củ để sinh tồn. Mấy tháng liền không biết đến mùi ngũ cốc. Sau này những người tiều phu phát hiện ra sự có mặt của nàng, biết được câu chuyện của nàng, họ thỉnh thoảng đem lương thực đến cúng dường, và gọi nàng là Bà Chúa Ba.

Chim rừng và khỉ thường đến bầu bạn với bà, chúng kêu hót vui đùa, nhưng khi bà ngồi thiền thì chúng lùi ra xa và giữ im lặng. Có khi bà thình định xong, mở mắt ra thì đã thấy những trái cây ngon lành do lũ khỉ đặt ngăn ngắn trước mặt bà.

Tu hành trong động Hương Tích được 9 năm thì Bà Chúa Ba đắc Đạo. Ở trong hang, bà có thể nghe thấy tất cả những lời cầu cứu đau thương bên ngoài. Thế nên bà thường xuống núi vào làng chữa bệnh, cứu khổ cứu nạn cho những người thiện lương, truyền dạy Phật Pháp cho người hữu duyên. Tin tức về Bà Chúa Ba cứu độ chúng sinh lan đến kinh thành, hoàng tử cùng vua cha và đoàn tùy tùng đến Hương Sơn bái kiến. Chỉ thấy:

Kìa non non, nước nước, mây mây,
Đệ nhất động hỏi là đây có phải?
Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái,
Lửng lơ khe Yến cá nghe kinh. (*)

Hoàng tử nhận ra Bà Chúa Ba chính là công chúa năm xưa, vua và hoàng tử cùng đoàn tùy tùng được nghe Bà thuyết Pháp. Vua vui mừng trở về bố cáo thiên hạ Bà Chúa Ba là người tu hành đắc Đạo ở nước Đại Việt, tu thành Bồ Tát, danh hiệu là Bồ Tát Quán Âm Nam Hải.

Những người tu luyện Phật Pháp đều tin rằng, công chúa Diệu Thiện là do Quán Thế Âm Bồ Tát chuyển thế. Mục đích của Bồ Tát khi tới thế gian này không chỉ là cứu độ chúng sinh mà còn để lưu lại quá trình tu luyện của mình cho hậu thế. Người hy vọng nhân loại có thể gìn giữ đạo đức, chờ đợi Chuyển Luân Thánh Vương chuyển sinh xuống cứu độ thế gian.

Tường Hòa

(*) Trích từ bài thơ "Hương Sơn phong cảnh ca" của Chu Mạnh Trinh.

Tài liệu tham khảo: Sự tích Quan Âm Hương Tích, Sự tích Bà Chúa Ba



BÀI CHỌN LỌC

Truyền thuyết về Bà Chúa Ba: Câu chuyện tu hành của Bồ Tát Quán Âm Nam Hải [Radio]