Truyền kỳ đại tướng Mộc Hoa Lê - từ nô lệ trở thành quốc vương

Giúp NTDVN sửa lỗi

Có một lần, Thiết Mộc Chân chiến trận gặp bất lợi, Mộc Hoa Lê cùng Bác Nhĩ Truật sát cánh hộ vệ, giữa đêm đen mưa tuyết gió lạnh nơi thảo nguyên hoang dã, hai người căng tấm chăn che cho Thiết Mộc Chân, đứng bất động suốt đêm không rời nửa bước.

Ông có thân phận thấp kém, một nô bộc vô danh, cũng lại là một vị đại tướng trầm tĩnh đa mưu, chiến công hiển hách, ở dưới một người, là “Quốc vương” vạn hộ, chức tước truyền đời. Trong các mãnh tướng của Thành Cát Tư Hãn, ông có khởi điểm thấp nhất, nhưng sau lại có thành tựu công danh cao nhất. Ông là một trong Mông Cổ “Tứ kiệt” tên Mộc Hoa Lê.

Thành Cát Tư Hãn tín nhiệm và trọng dụng ông, thân thiết gần gũi như với Bác Nhĩ Truật, sắp đặt hai người tả hữu hộ tùng, lại còn đem nửa giang sơn trọng trách giao cho Mộc Hoa Lê, mỗi người một phương Nam, Bắc cùng mưu việc Thiên hạ.

Do vậy, địch quốc của Mông cổ là nước Kim, cho ông là “quyền Hoàng Đế”, sử gia cũng tán tụng ông là có “Phong độ của Thành Cát Tư Hãn”. Mộc Hoa Lê đã làm thế nào để có danh phận này?

Thần dũng gặp minh chủ

Bộ lạc Trát Thích Nhi Thị của dân tộc Mông Cổ, sinh sống ở bờ Đông sông Oát Nan. Vào một ngày đẹp trời năm 1170 công nguyên, trong lều trướng xuất hiện một đạo khí trắng thần bí, cùng lúc đó, một cậu bé cất tiếng khóc chào đời, chính là Mộc Hoa Lê, con thứ ba của dũng sĩ Khổng Ôn Quật Oa giáng sinh. Pháp sư nhìn thấy cảnh tượng Thần dị như vậy, có dự ngôn rằng: “Đứa trẻ này phi thường.”

Đại tướng Mộc Lê Hoa (bên phải) và Bác Nhĩ Truật (bên trái) tại Bảo tàng Thành Cât Tư Hãn ở Ulanbato Mông Cổ (shutterstock)

Cậu bé này lớn lên, cũng giống như cha dũng lực phi phàm. Sử thư ghi lại: Đầu hổ râu rồng, mặt đen như mực, thân dài 7 thước, tay dài như vượn. Túc trí đa mưu, giỏi cưỡi ngựa bắn cung, tương truyền ông có thể kéo cây cung nặng 200 thạch, hùng dũng vô song một thời trên thảo nguyên Mông cổ.

Tuy nhiên, bộ lạc Trát Thích Nhi Thị của ông lại là thân phận nô lệ trong bộ tộc Mông cổ, khi lớn lên, cha ông Khổng Ôn Quật Oa đem ông và một người con nữa đến giao cho chủ nhân Thiết Mộc Chân, thủ lĩnh bộ tộc Khất Nhan, và hứa rằng: “Tôi đem hai con tôi dâng cho Ngài làm nô lệ, nếu chúng dám bỏ chạy thì sẽ bị hình phạt cắt gân chân, tim, gan.”

Người Mông Cổ thuần phác trung thành, không ngại dùng lời thề nặng để biểu đạt tâm mình. Khổng Ôn Quật Oa là một bộ tướng trung thành can đảm bên cạnh Thiết Mộc Chân, từng hộ tòng Thiết Mộc Chân chinh thảo các bộ lạc, lập công nhiều lần. Câu chuyện bảo vệ chủ của ông làm cảm động lòng người.

Có lần, bộ lạc đầu hàng trước đây tạo phản, Thiết Mộc Chân chỉ kịp cùng 6 kỵ binh chạy thoát thân, trong đó có cha của Mộc Hoa Lê.

Giữa đường hết lương ăn, Khổng Ôn Quật Oa liền phi tới bờ sông, thịt một con lạc đà, nướng chín thịt dâng Thiết Mộc Chân. Địch quân đang truy sát, không may con ngựa đang cưỡi của Thiết Mộc Chân lăn ra chết, 5 người ngơ ngác nhìn nhau, vô cùng bối rối, chỉ có Khổng Ôn Quật Oa đem ngựa của mình nhường ngay cho Thiết Mộc Chân, còn mình lấy thân chặn địch, dùng sinh mệnh của mình đổi lấy con đường sống cho Thiết Mộc Chân.

Là dũng sĩ sẵn sàng hy sinh vì chủ, thì yêu cầu của ông đối với con mình cũng hết sức nghiêm khắc, không cho phép chúng có một chút ý khác với Thiết Mộc Chân. Mộc Hoa Lê cũng không phụ lòng mong đợi của Thiết Mộc Chân, kế tục tính cách trung thành dũng cảm của cha, tận trung phò tá, hộ vệ bên cạnh Thiết Mộc Chân.

Có một lần, Thiết Mộc Chân chiến trận gặp bất lợi, Mộc Hoa Lê cùng Bác Nhĩ Truật sát cánh hộ vệ, giữa đêm đen mưa tuyết gió lạnh nơi thảo nguyên hoang dã, hai người căng tấm chăn che cho Thiết Mộc Chân, đứng bất động suốt đêm không rời nửa bước.

Lại có lần ông đỡ tên cho Thiết Mộc Chân. Một ngày, Thiết Mộc Chân mang theo 30 kỵ binh đi trong vùng rừng núi, dường như có linh cảm, Thiết Mộc Chân hỏi tùy tùng: “Nếu bây giờ gặp địch nhân, thì làm sao?”

Mọi người đáp: “Thì chúng tôi sẽ chặn chúng”.

Quả nhiên, một toán giặc cướp từ trong rừng xông ra, bắn tên như mưa, nhằm Thiết Mộc Chân mà tới. Mộc Hoa Lê xông lên trước, giương cung, lắp tên, bắn ra ba mũi, trúng ba tên địch.

Đầu lĩnh đám cướp bị chấn động, cất tiếng hỏi to: “Kẻ bắn cung kia là ai?”

Mộc Hoa Lê nói rõ tên mình, ung dung tháo yên ngựa để làm khiên chắn làn mưa tên, hộ vệ Thiết Mộc Chân thoát khỏi chiến trận. Quân địch thấy mất mục tiêu, nên cũng rời đi.

Vương Hãn của bộ tộc Khắc Liệt mật mưu đánh úp Thiết Mộc Chân, tin tức lọt ra ngoài, Mộc Hoa Lê phụng mệnh thảo phạt. Ông suốt đêm lựa chọn kỵ binh tinh nhuệ, tập kích doanh trại Vương Hãn, đại phá nghịch tặc. Cuối cùng Vương Hãn vội vàng bỏ trốn, bị bộ tướng hạ sát. Sau đó, các bộ lạc khác nghe tin mà sợ, lần lượt đến quy phục Thiết Mộc Chân. Mộc Hoa Lê không chỉ cứu mệnh Thiết Mộc Chân, mà còn có công lớn trong việc thống nhất các bộ lạc Mông Cổ.

Thụ phong Quốc vương - Chinh phạt Kim triều

Mộc Hoa Lê là trung thần quả cảm, lại có công cứu giá, nên được Thiết Mộc Chân rất tin dùng, và ban cho vinh dự cực cao. Sau khi chinh phục bộ lạc Thái Diệc Xích Ngột, Thành Cát Tư Hãn ban thưởng lớn cho 6 vị đại thần, trong đó có bình về Mộc Hoa Lê: “Chiến thắng địch nhân, bắt được tù binh, đập tan mũi nhọn, chặn đường tháo lui, sau tuấn mã có mây bay, trên bờm ngựa có dương quang chiếu, kiên định khí tiết, đó chính là con trai bộ lạc Trát Lạt Nhi - Mộc Hoa Lê!”

Thành Cát Tư Hãn chinh phục Tây Hạ, chinh phạt triều Kim, tấn công Trung Nguyên, thực hiện đại nghiệp thống nhất thiên hạ. Trong cuộc chinh phạt triều Kim, Mộc Hoa Lê lập chiến công. (Tranh Epochtimes)

Năm 1206 công nguyên, Thiết Mộc Chân kiến lập Mông Cổ Đại Quốc, tôn xưng “Thành Cát Tư Hãn”, luận công ban thưởng cho tướng lĩnh dưới quyền, ông khen ngợi Mộc Hoa lê và Bác Nhĩ Truật: “Quốc nội bình định như ngày hôm nay, là nhờ công lớn của hai vị. Ta có hai người, giống như xe có càng, người có hai cánh tay vậy.”

Vậy nên, hai người được phong cai quản vạn hộ, cùng đặc quyền 9 lần phạm lỗi không trách tội, công huân cao nhất trong các tướng lĩnh. Riêng Mộc Hoa Lê còn được phong thưởng: Thế Tập Quốc Vương, địa vị cao vượt, quản hạt phía Đông một vùng rộng lớn.

Năm 1205, Thành Cát Tư Hãn tiến quân Tây Hạ, 1211 chinh thảo Kim triều, triển khai tiến đánh Trung Nguyên, thực hiện sự nghiệp hồng đại thống nhất thiên hạ. Mộc Hoa Lê phò tá Thành Cát Tư Hãn, tại chiến trường chinh phạt Kim triều lập nhiều công lao.

Bấy giờ đại quân Mông Cổ có khoảng 10 vạn người, một mạch đánh tận đến Trương Gia Khẩu, lân cận Dã Hồ Lĩnh. Lúc đó, đại tướng Kim triều Hoàn Nhan Thừa Dụ lĩnh 40 vạn đại quân, trấn giữ nơi hiểm yếu Dã Hồ Lĩnh, tính dựa vào lợi thế núi rừng mà đương đầu quân Mông Cổ. Thành Cát Tư Hãn lại nhìn thấy ngay điểm yếu chí mạng của cách bài binh bố trận của quân Kim: Tin tức liên lạc giữa các lộ quân, cùng quân cứu viện không kịp thời, sẽ bị tổn hại lớn.

Thành Cát Tư Hãn quyết định tập hợp binh lực, dùng toàn lực đánh vào chủ lực của quân Kim. Mộc Hoa Lê phân tích tình thế, rồi kiến nghị: “Địch nhiều ta ít, nếu không liều mạng tác chiến, khó lòng mà phá được địch.”

Thế là ông dẫn đầu một đội quân cảm tử làm tiên phong, cầm giáo thúc ngựa, thét lớn xông vào quân địch. Do đường núi gập ghềnh, quân Mông Cổ đều xuống ngựa bộ hành, anh dũng chiến đấu, với sĩ khí cao ngút mà đối địch với quân Kim.

Ngay tiếp đó, Thành Cát Tư Hãn chỉ huy chủ lực, dốc toàn lực tấn công. Quân Kim dù đông đến 40 vạn, nhưng không cách nào cứu viện lẫn nhau, sĩ khí sụp đổ, binh bại như núi lở. Quân Mông Cổ thừa thắng truy kích, quân Kim đại bại. Trận chiến Dã Hồ Lĩnh này, đánh dấu bước ngoặt về lực lượng hai bên, cũng là trận đánh kinh điển lấy ít thắng nhiều trong lịch sử.

Sau đó, Mộc Hoa Lê tiếp tục tiến đánh các lộ Hà Bắc, Sơn Đông, Liêu Đông, đại quân đi đến đâu, đánh là thắng, công tất được, không bại lần nào. Trong thời kỳ này, ông còn thu phục hai đại tộc Sử Thiên Nghê và Tiêu Bột Điệt, bình định quân phản loạn Trương Kình, Trương Chí, quân Mông Cổ sĩ khí dâng cao. Kim quân khó địch Mông Cổ hùng sư, vua Kim bất đắc dĩ phải cầu hòa.

Ngang dọc khắp Trung Nguyên - Tạ thế chốn ba quân

Trong những năm dài chinh chiến, Mộc Hoa Lê đã triển hiện tài năng quân sự phi phàm, Thành Cát Tư Hãn đối với ông vô cùng tôn trọng. Năm 1217 công nguyên, Thành Cát Tư Hãn chuẩn bị đánh hướng Tây, tiến công Khwarazm (Khu vực Uzbekistan ngày nay). Vậy nên trọng trách kinh lược Trung Nguyên cần giao phó cho một vị đại tướng tâm phúc tài đức song toàn, dũng mưu kiêm bị, Mộc Hoa Lê là lựa chọn hàng đầu của Thành Cát Tư Hãn.

Năm 1217 công nguyên, Thành Cát Tư Hãn chuẩn bị đánh hướng Tây, tiến công Khwarazm (Khu vực Uzbekistan ngày nay). Vậy nên trọng trách kinh lược Trung Nguyên cần giao phó cho một vị đại tướng tâm phúc tài đức song toàn, dũng mưu kiêm bị, Mộc Hoa Lê là lựa chọn hàng đầu. (Hình: Epochtimes)

Cũng trong năm này, ông thêm lần nữa phong cho Mộc Hoa Lê làm Quốc vương, Thái Sư cùng ấn tín bằng vàng, đồng thời còn hứa “Tử tôn truyền quốc, thế thế bất tuyệt”, còn đem các bộ lạc Đông bộ cùng quân đội các tộc Khiết Đan, Nữ Chân, Hán tộc đến dưới trướng Mộc Hoa Lê, để ông phụ trách việc thảo phạt Kim quốc.

Thành Cát Tư Hãn còn ban “Cửu du đại kỳ” (lá cờ lớn có 9 tua), căn dặn chư tướng: “Mộc Hoa Lê cầm cờ này phát hiệu thi lệnh, cũng như Trẫm đang ở đây.”

Lá cờ lớn này được Thành Cát Tư Hãn chuyên dùng cho nghi lễ xuất hành, tượng trưng cho quyền uy vô hạn của Đại Hãn. Mộc Hoa Lê được ban đặc quyền này, biểu thị quyền lực cực lớn của ông.

Thành Cát Tư Hãn còn trịnh trọng tuyên bố: “Phạm vi phía Bắc, do Trẫm quản lý; toàn bộ phía Nam do khanh cai trị.”, điều này tương đương với việc giao phó cho Mộc Hoa Lê nửa giang sơn. Sau này, Thành Cát Tư Hãn quay về Mông Cổ trù tính chinh phạt hướng Tây, Mộc Hoa Lê ở lại Trung Nguyên làm Đại Nguyên Soái, tiếp tục đại nghiệp chinh phạt nước Kim.

Mộc Hoa Lê phát huy đầy đủ sở trường anh dũng thiện chiến của kỵ binh Mông Cổ, thuận lợi bình định các nơi trọng yếu của phía Bắc Trung Nguyên. Điều quan trọng hơn là ông lắng nghe khuyên gián của thuộc hạ, cải thiện các sách lược tác chiến cướp bóc của quân Mông Cổ, lấy nhân nghĩa mà quy phục thế lực các nơi, triển hiện phong cách của vị đại tướng bậc nhất Mông Cổ.

Lúc đầu khi đánh Bắc Kinh, Mộc Hoa Lê nổi giận định chôn sống toàn bộ tướng sĩ địch quân, những người chậm trễ đầu hàng. Thuộc hạ là Tiêu Dã khuyên can: “Bắc Kinh là nơi xa xôi trọng yếu, họ đã đầu hàng mà còn định chôn sống, hỏi sau này còn ai đến đầu hàng nữa?”

Mộc Hoa Lê nghe xong tĩnh khí trở lại, thiện đãi hàng tướng, để cho họ tiếp tục trấn thủ nơi đó. Kể từ đó, Mộc Hoa Lê đi đến nơi nào, thì hào kiệt nơi đó đều tới quy phục.

Đợi bình định Trung Nguyên xong, một vị tướng Hán tên Sử Thiên Nghê dùng vương Đạo kiến nghị lên Mộc Hoa Lê: “Hiện nay Trung Nguyên vừa mới bình định, những nơi đại quân tới, nếu buông thả cho sĩ binh cướp bóc tài vật của bách tính, thì vi phạm tâm nguyện chăm sóc chúng dân của bậc đế vương, cổ nhân thường nói : ‘Có thể lấy thiên hạ ngay lập tức, nhưng không thể trị thiên hạ ngay lập tức.’ Quân Mông Cổ uy chấn các nơi, quốc thế cường thịnh, nhưng không thể chỉ dựa vào vũ lực mà quản lý đế quốc.”

Mộc Hoa Lê khen phải, lập tức hạ lệnh, cấm chỉ các hành vi cướp bóc, còn trả các tù binh già yếu về quê. Quân Mông Cổ kỷ luật nghiêm minh, diện mạo đổi mới, khiến quan lại, bách tính Trung Nguyên vui mừng thần phục.

Năm 1223 công nguyên, một đời chinh thảo - Mộc Hoa Lê ôm hận mà qua đời tại quân doanh. Chỉ trong vòng sáu năm ngắn ngủi, Mộc Hoa Lê đã chinh phục Hà Bắc, Hà Nam, Sơn Đông các bộ quốc thổ, dường như san bằng thế lực của quân Kim. Điều tiếc nuối ở đây là, sự nghiệp chinh phạt quân Kim chưa thành, thì Mộc Hoa Lê lâm trọng bệnh, ra đi ở tuổi 54, không đợi được ngày Kim triều diệt vong.

Trước lúc lâm chung, ông để lại di ngôn cho người em: “Ta vì quốc gia thành tựu đại nghiệp, binh đao suốt 40 năm, đánh Đông dẹp Tây, ta không có điều gì tiếc nuối, chỉ hiềm thành Biện Kinh chưa hạ được, nên ngươi phải tiếp tục nỗ lực!”

Vài lời này, cũng tổng kết được công tích to lớn của Mộc Hoa Lê.

Một năm sau, Thành Cát Tư Hãn tự thân xuất binh đánh đến Phụng Tường, hoài cảm nói với tướng sĩ: “Nếu Mộc Hoa Lê còn sống, Trẫm không cần phải tự thân đến nơi này!”. Có thể thấy vị trí quan trọng của Mộc Hoa Lê trong tâm Thành Cát Tư Hãn.

Sau khi Mộc Hoa Lê tạ thế, vinh diệu của bộ tộc Trát Thích Nhi Thị của ông vẫn tiếp tục phát huy, con cháu ông có nhiều danh thần danh tướng, là hiền tài trụ cột quốc gia, sử thư có bình về gia tộc của ông: “Từ cổ đến nay, gia tộc công thần, phú quý dài lâu, phồn thịnh, không có đâu so được với tộc Trát Thích Nhi Thị.”

Xin đừng hỏi xuất xứ của anh hùng. Trong lịch sử chân thực, có nhiều cao nhân dị sĩ, gia thế không hiển hách, nhưng lại có nhãn quang phi phàm cùng tài năng, đã vượt qua nghịch cảnh nhân sinh mà lưu danh sử sách. Mộc Hoa Lê từ thân phận nô bộc mà làm tới địa vị Quốc vương tôn kính, cũng là chuyện ly kỳ của vận mệnh. Nhưng tấm lòng cúc cung tận tụy, không chút hối tiếc của ông đối với Đế quốc Mông Cổ, với Thành Cát Tư Hãn, mới là ánh quang rạng ngời của một sinh mệnh, là tấm gương trung nghĩa cho con cháu hậu thế noi theo.

Thái Bình

Theo tác giả: Lan Âm - The Epoch Times

Tư liệu tham khảo: “Quốc triều danh thần sự lược”; “ Nguyên sử”; “ Mông Cổ bí sử”



BÀI CHỌN LỌC

Truyền kỳ đại tướng Mộc Hoa Lê - từ nô lệ trở thành quốc vương