Trường Mỹ thuật Đông Dương và Họa sư Nam Sơn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngay sau đó, vào năm 1923, Nam Sơn đã vẽ "Nhà nho xứ Bắc", chân dung cụ Nguyễn Sỹ Đức, làm cho V. Tardieu phải ngạc nhiên khi thấy người thanh niên VN này chưa cần phải sang Paris, nhưng vẫn vẽ được sơn dầu rất đẹp, có cả hiệu ứng (effet) Clair Obscur như các danh họa thời Phục Hưng!

Ngày 12 tháng 6, ngày mất của Họa sư Victor Tardieu ( 1870- 1937). Ông An Kiều, con trai họa sư Nam Sơn, vẫn như cha mình trước đây, năm nào ông An Kiều cũng làm lễ giỗ, để tưởng nhớ công ơn ân nhân của nền Mỹ thuật hiện đại Việt Nam! Ông khấn bằng tiếng Pháp, nhờ khói hương gửi tới chốn Thiên thai để họa sư Victor Tardieu và cha ông, họa sĩ Nam Sơn, sẽ thấy ông là người hiếu nghĩa, hiếu nghĩa với người đã cùng cha một thời ở Trường Mỹ thuật Đông Dương. Sống với cha, hiểu việc cha làm và là một nhân chứng, nên ông chỉ làm theo những gì mà lương tâm thôi thúc. Trong thời khắc đó, ông cũng trình lên bàn thờ tấm ảnh chụp góc phố mang tên Nam Sơn, mà Hà Nội mới đặt cho một con phố ở gần Hồ Linh Đàm Hà Nội.

Trường Mỹ thuật Đông Dương

Vẫn còn một vài ý kiến khác nhau, do một thời thiếu thông tin nhưng điều quan trọng cho chúng ta một ý nghĩ: không có Trường Mỹ thuật Đông Dương, chắc chắn nền mỹ thuật Việt Nam sẽ rất khác, sẽ không như ngày nay. Thông tin mới nhất về những phiên đấu giá từ nước ngoài cho thấy tên tuổi và tác phẩm các họa sĩ Việt Nam thời Mỹ Thuật Đông Dương đang được trọng vọng. Như: bức “Portrait de Mademoiselle Phuong” (Chân dung cô Phương) của họa sỹ Mai Trung Thứ vừa tạo nên kỷ lục mới của hội họa Việt Nam khi được bán đấu giá 3,1 triệu USD (tương đương 72 tỷ đồng) trong phiên đấu giá "Beyond Legends: Modern Art Evening Sale" tại Sotheby's Hong Kong diễn ra vào ngày 18/4,. vào ngày 18/4. Trước Mai Trung Thứ, cũng đã có nhiều hoạ sỹ Việt Nam khẳng định tên tuổi và tài năng khi bán được những bức tranh có giá triệu USD.

Cũng trong phiên đấu giá ngày 18/4, bức “View of a Famous Old Pagoda’s landscape in North Vietnam” (Phong cảnh chùa Thầy) của tác giả Phạm Hậu đạt mức giá một triệu USD. Tác phẩm sơn mài được vẽ trong những năm 1930, có kích thước 104 cm x 153cm, cũng thuộc bộ sưu tập của bà Dothi Dumonteil.

Tranh của họa sỹ Việt Nam có giá vượt ngưỡng 1 triệu đô xuất hiện lần đầu tiên ở phiên đấu giá “Modern and Contemporary Art” (Sotheby’s Hong Kong) ngày 2/4/2017. Đó là bức tranh “Family Life” (Đời sống gia đình) của danh họa Lê Phổ. Bức tranh có giá bán dự kiến chỉ từ 1.800.000 đến 2.400.000 HKD, kết quả bức này bán được 9.100.000 HKD (gần 1,2 triệu USD). Hay bức "Đời sống gia đình" có giá gần 1,2 triệu USD. Họa sĩ Lê Phổ còn nhiều bức có giá triệu đô khác.

chan-dung-1-1623924484.jpg
Bức "Sĩ Phu Bắc Hà" tác giả Họa sĩ Nam Sơn

Những bức tranh của các hoạ sỹ Việt Nam có giá triệu USD như vậy chủ yếu của các hoạ sỹ thời kỳ đầu của trường Mỹ thuật Đông Dương. như danh họa Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân, Trần Văn Cẩn, Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Lê Thị Lựu, Vũ Cao Đàm… Nhờ có Trường Mỹ thuật Đông Dương thì chúng ta có các nghệ sĩ ấy và có: Lê Văn Đệ , Công Văn Trung, Georges Khánh , Nguyễn Phan Chánh , Tô Ngọc Vân, Thang Trần Phềnh, Trần Quang Trân , Vũ Đăng Bốn, Nguyễn Văn Thịnh, Phạm Hậu, Nguyễn Đỗ Cung, Lưu Đình Khải, Tôn Thất Đào , Nguyễn văn Thịnh ,Nguyễn Cát Tường, Lương Xuân Nhị, Tôn Đức Lượng... và những tác phẩm giá trị cao của họ đang được thế giới “gõ búa” ở mức giá đáng ngưỡng mộ kể trên.

Các tác giả ấy là lứa đầu tiên bước ra từ cái nôi đào tạo họa sĩ của cả Đông Dương, được giới chuyên môn trong và ngoài nước tôn vinh. Những năm 1930, một số họa sỹ đã tổ chức triển lãm tại Pháp, gây tiếng vang lớn. Họ đại diện cho một thời kỳ lịch sử đầy biến động của Việt Nam cũng như thế giới, khiến tác phẩm của họ còn được xem như chứng nhân lịch sử.

Người đồng sáng lập Trường Mỹ Thuật Đông Dương

Ngày nay, thế giới phẳng, thời đại internet nên chúng ta có nhiều thông tin hơn, Ông An Kiều không chỉ căn cứ vào niềm tin, vào những gì đã chứng kiến, với một người giỏi tiếng Pháp như ông, ông đã không ngừng tìm kiếm các tư liệu về cha mình, về giai đoạn lịch sử đó.

Ông Nguyễn Văn Thọ (tên thật của họa sư Nam Sơn) mồ côi cha từ năm lên 4, mẹ làm nghề khâu vá, ở vậy nuôi con. Nam Sơn lại được hai nhà nho, cụ Sỹ Đức đã tham gia Đông Kinh Nghĩa Thục, cụ Phạm Như Bình, dạy chữ nho và hội họa Á đông, trước khi vào học Trường Bưởi, rồi đỗ Diplôme (Thời đó gọi là Cử Tú Pháp Việt). Nhờ vậy họa sĩ Nam Sơn biết chữ nho và tiếng Pháp như tiếng Việt.

Năm 1920, họa sĩ Pháp Victor Tardieu ( 1870-1937 ) được Giải thưởng Đông Dương (Prix de l'Indochine, một dạng Học bổng do Toàn quyền Kloboukovski đặt ra), đã sang Việt Nam để sáng tác trong một năm, được đài thọ mọi sinh hoạt, rồi lại trở về Pháp trưng bày tác phẩm… Theo quy định Giải thưởng, sau 1 năm sáng tác, ông V. Tardieu sẽ đem các tác phẩm về Paris và triển lãm. Khi trở lại Việt Nam Tardieu đi thăm Hà Nội, tới Câu Lạc Bộ sinh viên An Nam (Club des étudiants annamites) ở số 9 Phố Vọng Đức và gặp Nam Sơn đang trang trí giúp Câu Lạc Bộ, Tardieu nhận thấy Nam Sơn một họa sĩ trẻ có tài, tính tình vô tư giúp đỡ mọi người, ông đã kết bạn.

Để giới thiệu với V. Tardieu về mỹ thuật Việt Nam, Nam Sơn dẫn Tardieu đi thăm các đền chùa, đình miếu, danh lam thắng cảnh, giới thiệu lối vẽ lụa, vẽ trên giấy Tuyên Chỉ (thấm nước) mà ông được học từ xưa. Và họa sĩ Nam Sơn cũng rất kính trọng tài năng của Tardieu, nhờ sự giúp đỡ của họa sĩ người Pháp này mà ông có thêm nhiều kiến thức hội họa Âu châu. Có thể coi là một "Tiếp biến văn hóa" (Acculturation) đầu tiên tại Việt Nam giữa hai họa sĩ Á và Âu qua cặp đôi tình bạn vong niên này!

Thú vị với hội họa Âu châu, Nam Sơn nghĩ phải đưa hội họa Âu châu vào Việt Nam, đào tạo những con người chăm chỉ và thông minh trở thành các họa sĩ có thêm những nhận thức hội họa mới! Ông ngỏ ý với Tardieu, nhưng Tardieu cho rằng sơn dầu là môn vẽ đặc biệt của người Âu châu, người VN chỉ quen vẽ lụa và trên giấy Tuyên chỉ! Ngay sau đó, vào năm 1923, Nam Sơn đã vẽ "Nhà nho xứ Bắc", chân dung cụ Nguyễn Sỹ Đức, làm cho V. Tardieu phải ngạc nhiên khi thấy người thanh niên VN này chưa cần phải sang Paris, nhưng vẫn vẽ được sơn dầu rất đẹp, có cả hiệu ứng (effet) Clair Obscur như các danh họa thời Phục Hưng!

Nam Sơn luôn nhắc với họa sư V. Tardieu về ý tưởng mở Trường, năm 1923 ông đã viết Đề Cương giảng dạy và như mưa dầm thấm lâu, Tardieu đã chấp nhận đề nghị của Nam Sơn rồi trao đổi với Bộ Mỹ thuật Paris, chính quyền Đông Dương, và Nghị Định của Toàn quyền Merlin ra đời cuối năm 1924, đã cho phép thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương.

Sau đó, theo quyết định của Toàn quyền, Nam Sơn đã cùng V. Tardieu sang Pháp theo Mission Tardieu (Công vụ Tardieu) để tuyển mộ giảng viên và mua sắm họa cụ cho Trường Mỹ thuật dự kiến khai giảng vào tháng 10 / 1925.

Ở Paris, Nam Sơn tranh thủ tu nghiệp thêm tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Paris (Xưởng vẽ của họa sư Jean P. LAURENS) và Trường quốc gia Trang Trí Paris (Xưởng vẽ của danh họa Félix Aubert), nơi họa sĩ J.Inguimberty theo học.

ricoh-1623924485.jpg
Bức "Chân dung mẹ tôi" của họa sĩ Nam Sơn

Những bức tranh sơn dầu của họa sĩ Nam Sơn chúng ta có thể tra trên mạng (www. Culture.Fr/documentation/arcade/Index/autr 41.htm) sẽ thấy trong 10.140 danh họa thế giới như Léonard de Vinci, Raphael, Rembrandt, Michel Ange, Cézanne, Degas, Rodin, Foujita, Monet, Picasso, Braque, Dufy...được chính phủ Pháp mua để đưa vào Bảo tàng quốc gia, ở trang 41, có tên Nam Sơn với tác phẩm mực nho trên vải 1930 "Hồng Hà Hữu ngạn mãi mại mễ xứ" ( Hay gọi là “Chợ gạo bên hữu ngạn Sông Hồng” ) được Bộ Mỹ thuật Pháp mua ngay tại Triển lãm Salon de Paris năm 1930…

Nhắc đến Mỹ thuật Đông Dương chúng ta không quên nhắc đến V. Tardieu và Nam Sơn - Nguyễn Vạn Thọ, những người số phận đặt cho vai trò sáng lập. (Sách in năm 1937 của Toàn quyền Đông Dương đã ghi nhận điều đó).

Sau bữa giỗ, tôi gặp ông An Kiều, ông cho biết, ngoài những ngày giỗ của dòng họ, ngày giỗ cụ Nam Sơn- Nguyễn Văn Thọ, ông An Kiều luôn làm giỗ ông V. Tardieu. Trên bàn thờ nhà ông, hiện có pho tượng đồng họa sư Victor Tardieu do Georges Khánh (sinh viên khóa 1) sáng tác, và bàn tay bằng đồng của họa sĩ Nam Sơn gia đình nghệ sĩ Văn Chi đổ khuôn. Ông An Kiều bảo, điều này thì sinh thời các nhà văn hóa, họa sĩ: Hữu Ngọc, Tôn Đức Lượng, Triều Dương, Ngô Quang Nam, Đinh Quang Tỉnh, Nguyễn Văn Chiến… đều biết rất rõ.

con-trai-hoa-so-nam-son-tranh-tran-thi-truong-1623926364.jpg
Bức chân dung Nguyễn An Kiều, con trai họa sĩ Nam Sơn, Trần Thị Trường vẽ

Cũng là một người yêu hội họa, trước khi học Đại học Mỹ thuật Công Nghiệp VN, tôi có theo học một số họa sĩ có tên kể trên, và giờ đây tiếp tục học và sáng tác phong cách hội họa châu Âu, như một người ăn quả, tôi nhớ ơn kẻ trồng cây và viết bài viết này.

Trần Thị Trường



BÀI CHỌN LỌC

Trường Mỹ thuật Đông Dương và Họa sư Nam Sơn