Trung Quốc giữa muôn trùng vây, vực thẳm đã cận kề [Radio]

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bắt đầu từ đây, mặt nạ của Trung Quốc mới dần dần bị lột bỏ, đến ngày nay đã hiện nguyên hình là một quốc gia hung đồ. Giờ đây nó khó có thể che giấu bản chất và dã tâm được nữa, giống như một thứ ma quỷ bị soi kính chiếu yêu, đang mất dần khả năng biến hóa.

Những chuyển động ngoại giao quân sự và những mưu toan

Những ngày gần đây, bên cạnh điểm nóng Afghanistan vốn cuốn hút đại chúng, giới quan sát không thể không chú ý đến những chuyển động nhộn nhịp trong khu vực, gồm cả ngoại giao và quân sự.

Đó là những cuộc tập trận hải quân hùng hậu trên Biển Đông và Hoa Đông của quân đội “Bộ Tứ Kim Cương” Mỹ-Nhật-Ấn-Úc, đôi khi có thêm Anh quốc, Hà Lan. Ở một phía khác là cuộc tập trận chung của Nga -Trung Quốc trên khu tự trị Hồi Ninh Hạ, và sắp tới là cuộc tập trận của Nga, Trung và các quốc gia Trung Á tại Orenburg miền tây nam nước Nga.

Một phái đoàn bao gồm các Thượng nghị sĩ Tammy Duckworth (Thứ 3), Christoper Coons (Thứ 3) và Dan Sullivan (Thứ 2), chụp ảnh với Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan Joseph Wu (Thứ 2) và Viện trưởng Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan (AIT) Brent Christensen (R) sau khi họ đến sân bay Songshan ở Đài Bắc vào ngày 6 tháng 6 năm 2021. (Pei Chen / POOL / AFP qua Getty Images)
Một phái đoàn bao gồm các Thượng nghị sĩ Tammy Duckworth (Thứ 3), Christoper Coons (Thứ 3) và Dan Sullivan (Thứ 2), chụp ảnh với Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan Joseph Wu (Thứ 2) và Viện trưởng Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan (AIT) Brent Christensen (R) sau khi họ đến sân bay Songshan ở Đài Bắc vào ngày 6 tháng 6 năm 2021. (Pei Chen / POOL / AFP qua Getty Images)

Đó còn là những chuyến ngoại giao con thoi của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tới Việt Nam, Singapore, Philippines vào cuối tháng 7; Ngoại trưởng Mỹ tới Hàn Quốc, Nhật Bản giữa tháng 3. Vào tháng 6 có chuyến thăm Đài Loan và hội kiến Tổng thống Thái Anh Văn của ba thượng nghị sĩ Hoa Kỳ. Gần nhất là chuyến thăm thành công của phó Tổng Thống Mỹ Kamala Harris những ngày tháng 8 vừa rồi tại Việt Nam, Singapore

Ở phía bên kia, là những hình ảnh tay bắt mặt mừng giữa Trung Quốc và Taliban, là cuộc gặp vào tháng 5 và tháng 7 giữa Trung Quốc và các nước Trung Á.

Trung, Mỹ và các quốc gia đang mưu tính với nhau chuyện gì? Không rõ. Nhưng nếu đi sâu phân tích các bên liên quan, dường như có một thông điệp đang ngày càng lộ rõ: Trung Quốc giữa muôn trùng vây.

Trung Quốc giữa vòng vây bên trong

Chính trị xung đột

Hội nghị Bắc Đới Hà vừa kết thúc vào đầu tháng 8. Như thường lệ, hoạt động chính trị này chính là “sới vật” lớn nhất, nơi các phe phái chính trị đấu đá nhau kịch liệt. Hội nghị năm nay càng kịch liệt hơn vì diễn ra ngay trước Đại hội 20 vào năm 2022, thời điểm chính thức xác định ông Tập Cận Bình có tiếp tục tại vị hay không.

Trước và trong thời gian diễn ra hội nghị này, đã có các cuộc thanh trừng 90 quan to của hệ thống Chính trị Pháp luật; điều tra các quan chức cấp cao của tỉnh Hàng Châu; dằn mặt các doanh gia tư nhân cỡ bự; và phong sát giới văn nghệ sĩ.

Có tin nội bộ rằng các “nguyên lão” trong chính giới đang có mâu thuẫn với cách làm của ông Tập. Năm 2012, khi vừa được bầu làm Tổng Bí Thư, ông Tập đã được chuyển giao ngay chức Chủ tịch Quân ủy Trung Ương, và sau đó một năm tiếp tục được bầu làm Chủ tịch nước. Đây là một sự dàn xếp giữa các phe đối lập trong Đảng, để ông Tập có thể tập trung quyền lực và giải quyết vấn đề của các phe nhóm. Tuy vậy, đến nay dường như ông Tập không đáp ứng được kỳ vọng của họ.

Nó biểu hiện ra ở tuyên bố “đầu Ngô mình Sở” của ông Tập tại Hội nghị Công tác Kinh tế và Tài chính Trung ương ngày 17/8/2021, vừa “thịnh vượng chung” lại vừa cho phép “một bộ phận người và khu vực của Trung Quốc sẽ có thể được giàu lên trước để thúc đẩy toàn dân cùng giàu lên, đây là mục tiêu trăm năm lần thứ hai...” Dường như, cuộc đấu tranh nội bộ đang ở thế giằng co. “Những đàn hổ” đang gườm gườm quan sát nhất cử nhất động của ông Tập Cận Bình.

Xã hội bất ổn

Giả sử như giới thượng tầng chính trị của Trung Quốc thống nhất được với nhau mọi điều thì ai sẽ là người thực hiện mục tiêu kinh tế của họ khi tỷ suất sinh ở Trung Quốc ngày càng giảm? Người dân cười nhạo những khẩu hiệu vận động sinh 3 con của chính quyền, giới trẻ thì ưa thích trào lưu “nằm ngửa” hơn là “văn hóa 996” (làm việc từ 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày trong tuần) vắt kiệt sức lực. Và rốt cuộc người ta không biết số dân Trung Quốc hiện là bao nhiêu khi ĐCSTQ liên tục trì hoãn việc công bố các số liệu của cuộc điều tra dân số lần thứ 7 vào năm 2020.

Hai chị em sống sót sau lũ lụt Trịnh Châu ngày 20 tháng 7, dâng hoa ở ga tàu điện ngầm đường Sa Khẩu (Ảnh chụp màn hình video)

Gần đây, tai trời ách nước cũng liên tục giáng xuống lãnh thổ Trung Quốc: châu chấu, hạn hán, động đất, bão to, lũ lụt, mất mùa và nạn đói đang cận kề . Đặc biệt, trận lụt tại Trịnh Châu - Hà Nam theo ước tính sơ bộ đã cướp đi tính mạng của hàng trăm nghìn người dân một cách oan uổng chỉ vì tính toán lạnh người của chính quyền, càng khiến cho lòng dân thêm uất ức căm hận, như củi khô chờ lửa đỏ. Chưa kể Tây Tạng, Nội Mông và đặc biệt là Tân Cương vốn đã nóng như những thùng thuốc súng có thể khai hỏa bất cứ lúc nào.

Trong khi đó thì trí thức quay lưng, tư doanh ngoảnh mặt, quan chức tìm đường đào tẩu khi chứng kiến những cuộc đàn áp những tập đoàn tư nhân như Alibaba, Didi, Tencent, Meituan và thanh trừng phe cánh... khiến cho lòng người càng thêm ly tán. Tài sản của đất nước, quan trọng nhất là nhân tài đang bỏ chạy khỏi Hoa lục.

Quân đội mục ruỗng

Tờ Vision Times đưa tin về Quách Bá Hùng, cựu Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, được gọi là “Sói Tây Bắc”, đang thụ án trung thân trong nhà tù Tần Thành.

Quách chịu án vì tội nhận hối lộ vào ngày 25/7/2016. Nhưng tội của Quách đâu chỉ có thế, nào là buôn quan bán chức, bao nuôi cả chục bồ nhí, xu nịnh để thăng cấp, tham ô tài vật, gia đình trị, dung túng người nhà làm bậy v.v.

Thế nhưng chính ông ta lại từng viết trong bản kiểm điểm rằng: “sự gia tăng tham nhũng trong đảng đã làm xói mòn quân đội, dẫn đến tham nhũng trong các vị thượng tướng quân". Đây là sự hủ bại có tính hệ thống của quân đội Trung Quốc mà Quách Bá Hùng là điển hình.

Ông Quách Bá Hùng, cựu Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc. (STR/AFP qua Getty Images)
“sự gia tăng tham nhũng trong đảng đã làm xói mòn quân đội, dẫn đến tham nhũng trong các vị thượng tướng quân" - Quách Bá Hùng. (STR/AFP qua Getty Images)

Tướng lĩnh cao cấp nhất đã như vậy, cả một hệ thống từ trên xuống dưới ra sao không cần nói cũng biết.

Ngày nay, người Trung Quốc có thể ngửa mặt lên trời mà than rằng: đâu rồi những Nhạc Phi trung liệt, Văn Thiên Tường khí phách? Đâu rồi những Bao Chửng, Tư Mã Quang, Trương Cửu Linh... thanh liêm cương trực? Chỉ còn những Quách Bá Hùng, Từ Tài Hậu, Cốc Tuấn Sơn v.v. mà thôi.

Thành ra sức mạnh của quân đội Trung Quốc không phải nằm ở đống khí tài quân sự đồ sộ, cũng chẳng phải trong “đội quân con một” được cưng chiều, khi người ta hiểu ra ai là người điều khiển chúng, chính là những kẻ mục nát như Quách Bá Hùng, Từ Tài Hậu. Thậm chí ngay cả khí tài quân sự của Trung Quốc cũng không đáng tin cậy. Trong quân đội Trung Quốc, chuyện máy bay rơi, tàu ngầm nổi, xe tăng lội nước bị đắm v.v. là phổ biến.

Kinh tế bất ổn

Theo tiến sĩ Tạ Điền từ đại học Nam Carolina, Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không còn nhiều tiền, lại phải gánh bộ máy công chức quá cồng kềnh trong khi tài chính thâm hụt. Đây có thể là nguyên nhân mà ông Tập phải sử dụng chiêu bài “thịnh vượng chung” hay một sự đánh tráo khái niệm như thường lệ, bản chất của nó là “lấy của nhà giàu”, nhưng cái vế sau là “chia cho người nghèo” thì chưa chắc đã xảy ra. Và “thịnh vượng chung” có giúp ích gì không?

Các chuyên gia kinh tế quốc tế cho rằng, chính 500 gia đình quyền uy hàng đầu của ĐCSTQ nắm giữ đến 40% của cải xã hội. Đó là một dạng “Kho báu của 40 tên cướp” nhưng liệu ông Tập có dám làm chàng Alibaba?

Cựu thủ tướng Ôn Gia Bảo đã từng chỉ ra điểm yếu “Bốn Không” của nền kinh tế Trung Quốc: “Không cân đối, Không phối hợp, Không bền vững và Không công bằng”, điểm yếu này chỉ có thể bị loại bỏ bằng cải cách thể chế chính trị - vốn đã bị ĐCSTQ lần lữa quá lâu và nay thì chính quyền đương nhiệm còn đi ngược hẳn lại.

Chỉ dấu của sự “Không công bằng” này thể hiện rõ rệt qua hệ số bất bình đẳng thu nhập (GINI) rất lớn của nước này là 0,67 - theo ước tính của giáo sư Chương Thiên Lượng, một chuyên gia nghiên cứu lâu năm về Trung Quốc.

Sự chênh lệch quá lớn về thu nhập, mức sống ở Trung Quốc còn là một vấn đề nan giải liên quan đến địa dư, đã tồn tại lâu dài từ trong lịch sử.

Những phần lãnh thổ nằm ở vùng duyên hải miền Đông luôn là những vùng đất giàu có nhất, càng đi vào trong nội địa về phía Tây, cuộc sống càng khốn khó hơn.

Chẳng hạn vào thời Chiến Quốc, hai nước Tề, Sở nằm ở phía Đông Bắc và Đông Nam, nơi đây đất đai màu mỡ, sản vật phì nhiêu, khí hậu thuận lợi. Ngoài ra vì giáp biển nên có nguồn lợi về hải sản, về muối và đặc biệt là có lợi thế về giao thông và thương mại hàng hải. Nên Sở và Tề có nền kinh tế mạnh nhất trong Thất Quốc.

Bảy nước thời Chiến Quốc năm 220 TCN (Nguồn: Wikipedia, Phiên bản Việt hóa của File:EN-WarringStatesAll260BCE.jpg, By vi:User:Sholokhov, User:Benjamin Trovato)

Nếu đi lên phía Bắc là Yên và Triệu khí hậu rất lạnh, canh tác khó khăn, lại hay bị người Hung Nô quấy nhiễu. Còn đi về phía tây vào trung tâm có nước Hàn nhiều đồi núi, ít đất nông nghiệp, kinh tế đã có phần eo hẹp. Đi tiếp về phía tây là nước Tần phong tục lạc hậu, đời sống nghèo nàn. Vượt quá lãnh thổ của nước Tần về phía tây bắc là địa phận Tây Vực (tức Tân Cương hiện nay) thì đa phần còn nghèo nàn hơn nữa do địa hình phức tạp, đất đai khô cằn, khí hậu khắc nghiệt, giao thông bất tiện.

Đặc điểm địa dư này vẫn giữ nguyên cho tới ngày nay. Vùng duyên hải miền đông tập trung nhiều khu kinh tế lớn, hiện đại, mức sống cao, giao lưu thương mại hàng hải tấp nập... như là Thượng Hải, Thâm Quyến, Hàng Châu, Tô Châu, Quảng Đông v.v. Còn sâu trong lục địa thì đời sống dân cư nghèo nàn lạc hậu, thu nhập rất thấp, chịu bế quan tỏa cảng. Vì thế, chính quyền Tập Cận Bình mới bám riết ý tưởng “Nhất đới Nhất lộ” để khai thông bế tắc cho phần lục địa phía Tây, tức là từ Tân Cương theo con đường tơ lụa khi xưa đi qua các nước Trung Á, xuống Nam Á, hoặc sang Trung Đông và các nước phương Tây. Con đường chưa đi được đến đâu thì đã gặp vòng vây bên ngoài đang chờ sẵn.

Trung Quốc trong vòng vây bên ngoài - ngoại giao thất bại

Ngày 12/5, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã có cuộc họp với người đồng cấp của 5 nước Trung Á (bao gồm Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan, Uzbekistan) tại Tây An Trung Quốc. Đến ngày 16/7 họ họp với nhau lần nữa trong khuôn khổ chuyến thăm Trung Á của ông Vương Nghị. Phát biểu tại cuộc họp, ông Vương nhận định: "Trung Quốc luôn tin rằng Trung Á có vị trí chiến lược quan trọng trên trường quốc tế hôm nay".

Trung Quốc hứa hẹn cung cấp chủng ngừa và phương pháp điều chế chủng ngừa COVID-19 theo kiểu Trung Quốc cho các nước Trung Á, đổi lại Trung Quốc muốn mượn đường Trung Á cho “Nhất đới Nhất lộ” để thông thương sang các nước Âu Châu, tìm một cửa ra khác trên lục địa và khai thông phần lãnh thổ phía Tây nghèo nàn.

Nhưng chính các nước Trung Á này lại tỏ ra khá dè chừng trước những tham vọng của Trung Quốc.

Và Trung Á lại là sân sau của nước Nga, xưa kia vốn cùng trong Liên Bang Xô Viết. Bản thân Tổng thống Putin đã từng có một sáng kiến tương tự với “Nhất đới Nhất lộ”, có thể tạm gọi là kế hoạch kết hợp Đại lục Âu - Á, chỉ khác là con đường này xuất phát từ Nước Nga, đi qua Trung Á và sang vùng Viễn Đông.

Một va chạm khác của Trung Quốc với Nga là tại khu vực Bắc Cực - một sân sau khác của Nga và cũng lại được Trung Quốc coi là một nhánh lớn của “Nhất đới Nhất lộ”. Con đường thứ hai đi ra thế giới của Trung Quốc cũng đang gặp bế tắc.

Thành thử, Trung - Nga vẫn đang tập trận chung nhưng họ chưa bao giờ là bạn hay đồng minh thân thiết, đó là chưa kể đến lịch sử xung đột biên giới giữa hai nước suốt hàng trăm năm khiến Trung - Nga hiểu bụng dạ của nhau rất rõ.

Trung Quốc hiện vẫn chỉ có tuyến thông thương duy nhất, là huyết mạch vận chuyển năng lượng của họ, xuất phát từ vùng duyên hải phía đông xuống đến Biển Đông (tức Nam Hải theo cách gọi của họ), đi qua eo biển Malacca. Eo biển này đi qua vùng biển của Singapore, là nước mà phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris vừa thực hiện chuyến công du thành công.

Đi quá eo biển Malacca là vào đến Ấn Độ Dương vẫn thuộc kiểm soát của Ấn Độ - nước đang có xung đột lãnh thổ với Trung Quốc. Vậy nên, tuyến vận chuyển duy nhất này của Trung Quốc sẽ gặp nhiều rủi ro lớn.

Trung Quốc cũng rào chắn biên giới với Myanmar vì tình hình chính trị nước này vẫn bất ổn, kéo theo rủi ro về đường ống dẫn khí Trung Quốc - Myanmar. Philippines cũng đang có xung đột trên biển với Trung Quốc. Xa nhất về phía Nam, nước Úc đã tỏ rõ lập trường với Trung Quốc và hai nước cũng đang có cuộc chiến thương mại và ngoại giao.

Đài Loan thì thể hiện tinh thần quyết không khoan nhượng với Trung Quốc, và đằng sau Đài Loan ít nhất là có Nhật Bản vì tình thế “môi hở răng lạnh”.

Hàn Quốc - đồng minh của Hoa Kỳ, cũng tỏ ra không mặn mà với Trung Quốc. Còn Triều Tiên giống như một thứ của nợ hơn là người bạn đồng chí sát vai chiến đấu.

Chỉ có Taliban, người bạn mới đang tỏ ra vồ vập với Trung Quốc vì họ đang thiếu đủ thứ, thiếu nhất là tiền. Nên nhớ rằng trong 20 năm qua, Mỹ đã phải nuôi Afghanistan mất hơn 2200 tỷ Mỹ kim mà cuối cùng tay trắng. Trung Quốc có thể đáp ứng được không? Mặt khác, Trung Quốc muốn khai thác trữ lượng khoáng sản dồi dào ở đây cũng cần tiền, thời gian và lực lượng an ninh để bảo vệ. Hơn nữa, “Nhất đới Nhất lộ” ở “nghĩa địa các đế chế” liệu có trở thành một con đường đi qua bãi tha ma của Trung Quốc khi xét đến tình hình xung đột rắc rối của các phe phái nơi đây?

Trung Quốc đổ tiền đầu tư vào Afghanistan liệu có ích gì hay lại tiếp tục sa lầy theo kiểu “Chu Du mẹo giỏi yên thiên hạ, đã mất phu nhân lại thiệt quân” - nói theo lối chế giễu Chu Du của Gia Cát Lượng trong Tam Quốc Diễn Nghĩa.

Các nhà ngoại giao "chiến lang" của Đảng Cộng sản Trung Quốc. (Epoch Times tổng hợp)
Chính sách ngoại giao “chiến lang” khiến cho Bắc Kinh bị cô lập chưa từng thấy. (Ảnh: Tổng hợp)

Và với thế giới bên ngoài nói chung, thì chính sách ngoại giao chiến lang đang khiến cho các quốc gia thấy rõ bộ mặt thật của chính quyền ĐCSTQ. Sau một trận đại dịch, thế giới dường như đã bừng tỉnh về dã tâm không giới hạn của chế độ này. Đến nay, người dân nhiều nước mới thực sự tin rằng những tội ác mà Trung Quốc đã gây ra tại Tân Cương, Tây Tạng, hay với người Cơ Đốc… và đặc biệt là cuộc bức hại dai dẳng hơn 20 năm qua của chính quyền ĐCSTQ với những người tu luyện Pháp Luân Công là hoàn toàn có thật.

Trung Quốc không có bạn, không có đồng minh tin cậy, cũng không có chư hầu, chỉ có các mối quan hệ lợi dụng bên ngoài và nghi kỵ bên trong.

Trung Quốc có đáng sợ không?

Có một người đã từng hỏi lãnh tụ Trung Quốc là Đặng Tiểu Bình rằng tại sao ông ta lại vội vàng đến Mỹ sau khi Trung Quốc mở cửa vào tháng 12/1978? Đặng trả lời: “Tôi đã quan sát thế giới trong nhiều năm và rút ra một kết luận: Các nước có quan hệ tốt với Mỹ đều trở nên giàu có.” (*)

Sau sự kiện Thiên An Môn tháng 6 năm 1989, Đặng đã đề ra một chính sách đối ngoại mang tên “thao quang dưỡng hối”, ông ta căn dặn các thế hệ lãnh đạo sau này cần phải biết “náu mình chờ thời”, cần phải ngấm ngầm xây dựng quốc lực dựa vào Mỹ và phương Tây, và chỉ phô bày ra bên ngoài sự thân thiện, cho đến khi Trung Quốc đã đủ mạnh để “giương vây giương cánh”.

Nhưng Trung Quốc “chưa hùng mà đã hung”, chính sách “thao quang dưỡng hối” của Đặng Tiểu Bình đã bị dẹp bỏ sau khi Tập Cận Bình lên làm lãnh đạo cao nhất của nhà nước và ĐCSTQ. Bắt đầu từ đây, mặt nạ của Trung Quốc mới dần dần bị lột bỏ, đến ngày nay đã hiện nguyên hình là một quốc gia hung đồ. Giờ đây nó khó có thể che giấu bản chất và dã tâm được nữa, giống như một thứ ma quỷ bị soi kính chiếu yêu, đang mất dần khả năng biến hóa.

Trung Quốc vẫn là một quốc gia nguy hiểm, nhưng không đáng sợ như người ta nghĩ. Càng đi sâu tìm hiểu về Trung Quốc, người ta sẽ thấy kết cục sụp đổ của chính quyền ĐCSTQ là không thể tránh khỏi. Những ngày ấy đang đến. Thậm chí, ngoại giới chỉ cần án binh bất động, không giúp, không chống, không quan hệ... thì Trung Quốc cũng sẽ tự hủy diệt với những mâu thuẫn nội tại.

Câu hỏi mà mỗi quốc gia và cá nhân cần tự đặt ra là: “Ai vẫn đứng về phía Trung Quốc để cùng bị kéo xuống vực thẳm sâu không cùng?”

(Bài viết chỉ thể hiện quan điểm của tác giả, không nhất thiết là quan điểm của trang mạng NTDVN)

Nguyên Vũ

Chú thích

(*): Theo Tetsushi Takahashi, Beijing Diary, Nikkei Asian Review, 8/2020.



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc giữa muôn trùng vây, vực thẳm đã cận kề [Radio]