Trung nghĩa truyện: Trương Phi chặn cầu cứu chủ, quát lùi Tào quân

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngay sau đó, Trương Phi lại quát lớn lần thứ ba: “Đánh không đánh, lui không lui, là cớ sao!” thanh âm chưa dứt, một bộ tướng bên cạnh Tào Tháo sợ đến mức vỡ mật, ngã lăn xuống ngựa mà chết. Quân Tào lập tức bị tiêu tán ý chí chiến đấu, vội vàng thoái lui. Lúc đó, kẻ rơi đao, rụng mũ nhiều không đếm hết, người chạy như lũ quét, ngựa lồng như núi lở, đại quân hoảng loạn đạp lên nhau, hao binh tổn tướng không ít.

Năm thứ nhất Trung Bình (Năm 184), mùa xuân tiết trời ấm áp, tại vườn đào hoa nở rợp trời, ba vị thanh niên tuấn kiệt vừa gặp đã thân, cùng đốt hương kết nghĩa, với thệ nguyện “Trên báo quốc, dưới an dân”. Từ đây, ba anh em cùng nhau chinh chiến, hùng cứ một phương.

Khung cảnh đẹp và trang nghiêm, nơi vườn đào ba người kết nghĩa, là bức tranh kinh điển đầu tiên trong "Tam Quốc Diễn Nghĩa". Tuy tình tiết là sáng tác của tiểu thuyết gia, nhưng tình nghĩa của ba nhân vật chính Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi đã vượt trên sinh tử và quan hệ quân thần, lưu lại lịch sử một câu chuyện chân thực, cảm động lòng người. Lưu Bị là hùng chủ đương thời, hai vị Quan, Trương như hai cánh tay đắc lực. Trong quá trình phát triển của chính quyền Thục Hán, từ buổi ban đầu đến khi thịnh vượng, Quan, Trương hai vị luôn theo cạnh Lưu Bị, phò tá và cổ vũ khích lệ. Quan Vũ là vị chiến Thần Hoa Hạ, nhà nhà đều hay biết, nhưng Trương Phi trong đoạn sử này có công lao gì đây?

Niên thiếu đầu quân, chủ thần tụ nghĩa

Trương Phi, tự Ích Đức, cùng quê Lưu Bị ở Trác Quận, U Châu. Ban đầu, Trương Phi tuổi mới hai mươi, lòng tràn nhiệt huyết, kết giao cùng Quan Vũ, lưu lạc giang hồ. Sau này mới biết Quan, Trương hai vị đều ôm chí lớn khôi phục nhà Hán, an định thiên hạ. Thế là, hai vị cùng đầu quân cho quân khởi nghĩa của Lưu Bị, bắt đầu bước vào truyền kỳ Tam Quốc, nơi Hổ nằm Rồng cuộn, mây gió xoay vần.

Đạo viên kết nghĩa
Đạo viên kết nghĩa

Bộ ba Lưu , Quan , Trương là một liên kết vàng vào cuối thời Đông Hán. Thế lực của họ lúc đó không phải là mạnh nhất trong các lộ chư hầu, nhưng ba vị sống cùng nhau, tác chiến cùng nhau, vì đại nghĩa mà xả thân, tấm ân nghĩa ấy, lòng kiên trì ấy, đã làm lòng người cảm động và hâm mộ. Lưu Bị là anh cả, là hồn cốt của ba người, cùng hai em Trương Phi, Quan Vũ thắp sáng lên một con đường chính đạo trong thời loạn thế tối tăm. Hai vị Trương, Quan theo Lưu Bị không chút hối tiếc, bên ngoài là tướng đánh trận xông pha, bình thời hộ vệ hai bên, gánh vác trách nhiệm đảm bảo an toàn cho Lưu Bị. Họ được xem như hai vị môn thần dũng mãnh nhất, trợ giúp sự nghiệp của Lưu Bị.

Cho dù chúng ta không thể xác định ba vị Lưu, Quan , Trương đã làm lễ kết giao hay không, nhưng trong sử sách có ghi rõ, do Quan Vũ hơn vài tuổi, nên Trương Phi đối đãi tương kính như anh ruột. Do tình nghĩa của ba người, mà sử gia đã dùng cụm từ “Ân như huynh đệ” mà hình dung. Tam đệ Trương Phi, đang tuổi thanh xuân, tràn đầy dũng khí cùng hoài bão, may mắn gặp được minh chủ cùng hiền huynh, bước vào một đoạn nhân sinh, cầm đao lên ngựa, tiếu ngạo sa trường.

Đương nhiên, con đường gây dựng cơ đồ bao giờ cũng lắm chông gai. Sau khi khởi binh hơn mười năm, Lưu Bị thiếu nhân tài, binh lực yếu, thường xuyên thua trận, không chỗ đặt chân. Trương Phi theo Lưu Bị chinh chiến, đối kháng Viên Thiệu, đánh đuổi Hoàng Cân, đối đầu Viên Thuật, giao tranh với bao quần hùng, sinh tử tùy thân, hiểm nguy theo gót. Tuy nhiên, Trương Phi, Quan Vũ vẫn luôn giữ lòng trung, bảo hộ Lưu Bị qua nhiều gian nguy, hưng khởi Đông Sơn.

Ba vị đã nhiều lần thể hiện vai trò nổi bật trong chiến đấu, ngay đến cả những hùng chủ, danh tướng của địch quân đều không dám coi nhẹ thực lực của ba anh em. Lúc Lưu Bị còn nương nhờ Tào Tháo, Tào Tháo từng nói: “Nay anh hùng thiên hạ, chỉ có ngươi và Tháo ta.” Ngay mưu sĩ Trình Dục cũng nhắc đến rằng Lưu Bị có tiếng anh hùng, Quan, Trương có dũng khí địch vạn người. Quách Gia cũng nhận định, Quan, Trương không chỉ địch vạn người mà còn trung nghĩa quyết tử cùng Lưu Bị, tuyệt không thể xem thường. Khi Tôn Quyền Lưu Bị kết minh, Chu Du nhận định, Lưu Bị là bậc anh hùng, Quan, Trương đều là Hổ tướng, tương lại sẽ không chịu ở dưới trướng người khác.

Trong phần Trương Phi chuyện "Tam Quốc chí", chiến tích trong những năm đầu của ông ghi chép rất ít, nhưng ngay chương thứ nhất, đã có ghi sự kiện chiến Thần Trương Phi đánh lui quân Tào, làm tên tuổi ông tỏa sáng ngay khi vào chuyện. Năm Kiến An thứ 13 (năm 208), Tào Tháo phái 5 nghìn kỵ binh tinh nhuệ truy sát Lưu Bị, do Lưu Bị mang dân qua sông, nên tốc độ hành quân rất chậm, chỉ có một ngày một đêm quân Tào đã đuổi kịp. Lúc đó, danh tướng bậc nhất trong Ngũ Hổ tướng -Triệu Vân ra tay cứu chủ, Trương Phi cũng lưu lại chiến công soi sáng sử xanh.

Chặn cầu đoạn hậu, dọa lui Tào quân

Vào thời khắc vô cùng nguy cấp đó, Lưu Bị không kịp mang gia quyến, chỉ cùng Gia Cát Lượng, Trương Phi, Triệu Vân vài chục người chạy vội. Chạy đến sườn dốc Đương Dương Trường Bản, Lưu Bị tiếp tục đi, Triệu Vân không biết từ lúc nào quay lại cứu ấu chúa, Trương Phi dẫn theo hai chục kỵ binh, phụ trách chặn hậu. Sử sách có miêu tả ngắn gọn súc tích: “Phi cứ thủy đoạn kiều, sân mục hoành mâu viết: ‘Thân thị Trương Ích Đức dã, khả lai cộng quyết tử!’ địch giai vô cản cận giả, cố toại đắc miễn.” Tạm dịch : “Trương Phi dựa nước chặn cầu, trợn mắt cầm giáo quát lớn : Ta là Trương Ích Đức, kẻ nào dám quyết tử với ta! Kẻ địch không ai dám đến gần, do vậy mà thoát hiểm.”

“Yên nhân Trương Dực Đức ở đây! Kẻ nào dám tử chiến?”
“Yên nhân Trương Dực Đức ở đây! Kẻ nào dám tử chiến?”

Trương Phi dừng ngựa đầu cầu, bên kia sông là quân Tào, như một cửa ải chặn ngang thông đạo độc nhất. Mắt mở tròn xoe, giáo cầm ngang ngực, quát lớn: “Ta là Trương Ích Đức, kẻ nào dám lại đây quyết tử?” âm thanh chứa nộ khí chấn động thiên địa, làm cho bao hổ báo tinh binh, không ai dám bước lên, Bưu Bị nhờ vậy mà bình an triệt thoái. Lấy 20 người làm lui 5000 người, đây tuyệt đối là một dẫn chứng kinh điển trong lịch sử chiến tranh về lấy ít địch nhiều.

Nói về hình tướng Trương Phi, nhiều người thuận miệng tả ông: “Đầu Báo mắt tròn, râu hùm hàm én”, đây cố nhiên là cách miêu tả của văn học dân gian. Nhưng thông qua khí thế quát lùi quân Tào của Trương Phi, chúng ta dễ hình dung được sát khí đằng đằng, dũng mãnh ngang nhiên, uy dũng như hổ báo, đại bàng vậy. Trong võ thuật truyền thống, Thiếu Lâm Tự có 72 tuyệt kỹ, trong đó có một công phu gọi là “Sư tử hống”, âm thanh dữ dội truyền vài dặm, làm kẻ nghe tim đập chân run, không đánh mà thua. Không biết tiếng quát của Trương Phi có phải là công phu “Sư tử hống” của Phật môn không, nhưng công dụng thì cũng vi diệu tương đồng.

Nhìn chung, hình tượng Trương Phi thường được người ta hình dung là dũng mãnh và lỗ mãng, nhưng qua câu chuyện này có thể phản ánh tính cách Trương Phi trong thô có tinh, trong vũ dũng còn hàm mưu lược. Dựa võ công địch vạn nhân, chặn nơi xung yếu, lợi dụng địa thế thiên nhiên, cách sông đối kháng địch quân. Ông cũng biết rõ tâm lý địch quân, nên dùng uy danh địch vạn nhân mà hạ chiến thư. Võ công thâm hậu thông qua tiếng hống phát ra, đồng thời thi triển công phu, tạo ra thanh thế coi thường quần hùng, đã sinh hiệu quả rất lớn chấn nhiếp địch quân. Trong mắt quân Tào, vị tráng hán võ công cái thế vô song, nếu đơn độc đối kháng thì không thể thắng; đã thế nhìn vị này sĩ khí ngút trời, không biết đằng sau còn nhiều quân mai phục? vậy là tâm tồn nghi hoặc, chưa đánh đã sợ, quân Tào cuối cùng không dám khiêu chiến Trương Phi.

Những ghi chép quý giá, càng cấp thêm không gian cho sáng tác của tiểu thuyết gia. Trong “Tam Quốc diễn nghĩa”, đoạn chuyện này của Trương Phi được diễn dịch hết sức sinh động. Triệu Vân vào, ra chiến trận 7 lần cứu A Đẩu, khi đến dốc Trường Bản thì người ngựa mệt nhoài, vừa hay gặp Trương Phi trên cầu tiếp ứng. Triệu Vân vừa đi khỏi, thì đại quân của Tào Tháo ập đến, dẫn đầu là Tào Nhân, Lý Điển, Hạ Hầu Đôn, Nhạc Tiến, Trương Liêu, Trương Cáp, Hứa Chử toàn là thượng tướng. Trương Phi trông xa thấy thanh la lọng che, biết là Tào Tháo đích thân đến, liền cố ý bày nghi trận.

Trước tiên dùng thanh âm như sấm động mà lớn tiếng: “Ta là Trương Dực (Ích) Đức người nước Yên! Kẻ nào dám cùng ta tử chiến?” quân Tào nghe thấy, tim đập chân run; Tào Tháo cũng vội hạ bỏ lọng che. Trương Phi lại quát to: “Yên nhân Trương Dực Đức ở đây! Kẻ nào dám tử chiến?” Tào Tháo thấy ông anh hùng khí khái như vậy, nên có ý muốn lui quân.

Ngay sau đó, Trương Phi lại quát lớn lần thứ ba: “Đánh không đánh, lui không lui, là cớ sao!” thanh âm chưa dứt, một bộ tướng bên cạnh Tào Tháo sợ đến mức vỡ mật, ngã lăn xuống ngựa mà chết. Quân Tào lập tức bị tiêu tán ý chí chiến đấu, vội vàng thoái lui. Lúc đó, kẻ rơi đao, rụng mũ nhiều không đếm hết, người chạy như lũ quét, ngựa lồng như núi lở, đại quân hoảng loạn đạp lên nhau, hao binh tổn tướng không ít.

Đời sau có thơ rằng:

Trường Bản cầu này sát khí sinh,
Ngang mâu, chững ngựa, mắt long lanh.
Bên tai một tiếng vang như sấm,
Khiếp vía quân Tào vội rút nhanh.

Nghĩa thích Nghiêm Nhan, đại phá Trương Cáp

Theo sử sách ghi chép, sau đại chiến dốc Trường Bản, Trương Phi theo cạnh Lưu Bị tham chiến trận Xích Bích, cùng các chiến dịch lớn tranh đoạt Kinh Châu, tương trợ Lưu Bị trấn giữ nửa già Kinh Châu. Tiếp sau đó, Lưu Bị theo kế sách “Long trung đối” (Đối sách chấn hưng Trung Nguyên) của Gia Cát Lượng, năm Kiến An thứ 17 (năm 212) tiến đánh Ích Châu, để lại bốn trụ cột trấn thủ Kinh Châu là: Gia Cát Lượng, Quan Vũ, Triệu Vân, Trương Phi. Trong thời gian này, Đông Ngô từng cho người đến đón Tôn phu nhân, Trương Phi và Triệu Vân cùng dẫn binh chặn sông, yêu cầu Tôn phu nhân giao trả ấu chủ A Đẩu. Đây cũng là một công lao lớn của Trương Phi về mặt trung nghĩa hộ chủ.

Trương Phi nghĩa cử thả Nghiêm Nhan
Trương Phi nghĩa cử thả Nghiêm Nhan

Năm thứ hai, do Lưu Chương phản bội Lưu Bị, quân sư Bàng Thống không may tử trận, Trương Phi cùng Gia Cát Lượng, Triệu Vân nhận trọng trách dẫn quân nhập Thục chi viện, Trương Phi một mạch dẫn quân, khi đến Giang Châu thì gặp tướng thủ thành Nghiêm Nhan không chịu đầu hàng. Một thành trì nhỏ bé vậy, sao cản được bước chân của “Địch vạn nhân” Trương Phi, rất nhanh thành bị công phá, Nghiêm Nhan bị bắt sống dẫn đến dưới trướng Trương Phi.

Trương Phi vừa thấy Nghiêm Nhan, không kìm được nộ khí bộc phát, lớn tiếng trách mắng: “Đại quân của ta đến, sao không mau đầu hàng, mà còn ngoan cố chống cự?” Nghiêm Nhan ngẩng cao đầu khí khái đáp: “Là các ông xâm phạm châu quận của chúng tôi trước, người Ích Châu chúng tôi chỉ có tướng quân bị chặt đầu, không có tướng quân cúi đầu!”

Trương Phi nghe xong, nộ khí xung thiên, lập tức hạ lệnh cho người lôi đi chặt đầu. Nghiêm Nhan lâm tử, diện sắc bất biến, ung dung nói: “Chặt đầu thì chặt đầu, sao phải nổi giận?”

Câu nói ấy làm Trương Phi tĩnh lại. Ông tuy tính có thô bạo, nhưng cả đời kính phục đại nghĩa, kính phục những đại anh hùng không sợ tử sinh. Nghiêm Nhan thân là tướng địch, biết rõ đối diện là mãnh tướng Trương Phi, vẫn y nhiên trấn thủ thành trì quyết không buông bỏ. Biết không thể giữ thành mà vẫn giữ, tinh thần cô dũng này khiến Trương Phi thán phục. Thế là, Trương Phi thu hồi lệnh, nâng Nghiêm Nhan làm thượng khách, dùng lễ đối đãi.

Lúc đầu, Lưu Chương mời Lưu Bị nhập Thục, Nghiêm Nhan ôm ngực mà than: “Thế có khác gì người ngồi trong núi sâu không đường thoát, mà lại thả hổ ra để bảo vệ mình!”

Nghiêm Nhan không có danh tiếng lớn trong Tam Quốc, nhưng lại có huệ nhãn, thấy rõ Lưu Bị sẽ là chủ nhân thời loạn của Ích Châu. Sau khi thành bị phá, được Trương Phi xá tội, hậu đãi, trong tâm chuyển sang thần phục quân của Lưu Bị. Do vậy mà ông nguyện theo Trương Phi, hoạch định mưu lược, dùng năng lực siêu xuất của mình trợ giúp cho cơ nghiệp của Thục Hán.

Khi sự việc nghĩa cử phóng thích Nghiêm Nhan được truyền rộng trong đất Thục, Trương Phi tiếp tục hành quân, đến nơi nào cũng thuận lợi khắc chế, cuối cùng hợp quân với Lưu Bị ở Thành Đô. Sau khi bình định Ích Châu, Lưu Bị luận công ban thưởng, Trương Phi, Gia Cát Lượng, Pháp Chính, Quan Vũ bốn người đều được phong thưởng hạng nhất, có thể thấy Trương Phi đã lập chiến công hiển hách trong vai trò quân chi viện, đóng góp ý nghĩa trọng đại cho việc bình định Ích Châu.

Không lâu sau, Tào Tháo từ phương Bắc đánh xuống phía Nam, chiếm Hán Trung. Là bình phong phía Bắc của Ích Châu, Hán Trung thất thủ, toàn bộ đất Thục bị Tào quân uy hiếp. Lúc đó có người đề xuất: “Hán Trung là yết hầu của Ích Châu, là nơi quyết định tồn vong của đất Thục.”

Do đó Tào Tháo tiến quân rầm rộ, chấn động bách tính đất Thục. Sau đó, Tào Tháo để lại đại tướng Trương Cáp, Hạ Hầu Uyên trấn thủ Hán Trung, cũng lệnh cho Trương Cáp thừa cơ chiếm Ba Tây quận, di dời dân chúng về Hán Trung.

Năm Kiến An thứ 20 (năm 215), Trương Phi đảm nhiệm trấn thủ Ba Tây Thái Thú, có trách nhiệm bảo vệ địa phương, ông lập tức đốc suất vạn tinh binh phản kích. Khi tới dải Đãng Cừ thì gặp quân Trương Cáp, hai bên đối kháng hơn 50 ngày, có thắng có bại, lâm thế giằng co. Thế trận chỉ biến chuyển trong một trận của Trương Phi, cũng là trận huy hoàng để đời trong binh nghiệp của ông. Nguyên là trong những ngày này, Trương Phi một mặt đánh chặn Trương Cáp, một mặt ngầm xem xét địa hình, tìm khe núi có đường dốc hẹp.

Xác định xong địa hình, lộ tuyến, Trương Phi chủ động xuất kích, dẫn nhử đại quân Trương Cáp đến nơi này, do hành quân khó khăn, trước sau khó ứng cứu. Lại dựa lực chiến đấu dũng mãnh “Địch vạn nhân”, Trương Phi nhanh chóng đánh tan quân chủ lực của Trương Cáp. Đến cuối cùng, Trương Cáp chỉ còn cách vứt bỏ chiến mã, cùng vài chục thuộc hạ trèo núi mà trốn thoát, Ba Tây quận từ đó yên định. Trận Ba Tây này, Trương Phi đã thể hiện võ công cùng mưu lược phi phàm, quả không hổ danh “Địch vạn nhân”; Trận thắng này, không chỉ bảo toàn được Ba Tây, mà còn đặt định nền móng cho toàn thắng sau này. Đến năm Kiến An thứ 24 (năm 219), Lưu Bị đại thắng Hán Trung, kết thúc chiến tranh, Lưu Bị xưng Vương, chính quyền Thục Hán tiến nhập thời kỳ toàn thịnh.

Cho tới lúc này, Trương Phi luôn cùng Lưu Bị chinh chiến Nam Bắc, trợ giúp Lưu Bị vượt qua những khúc khó khăn nhất của thời kỳ đầu, cũng là kiến chứng cho một thời oanh liệt. Có lẽ, tính cách ông chưa hoàn mỹ, những chiến công cũng chưa phải là đỉnh cao, nhưng lòng trung dũng, nghĩa tình suốt đời không phai nhạt của ông đối với Lưu Bị, là tuyệt đối vẹn toàn. Duyên phận của Lưu, Quan, Trương ba anh em, đã tạo lên một câu chuyện cảm động lòng người về quan hệ chủ thần kiêm huynh đệ trong lịch sử Tam Quốc, cùng thành tựu nên hồng đồ đế nghiệp của Lưu Bị và thành tựu nên Quan Vũ, Trương Phi hai vị anh hùng lưu danh thiên cổ.

Thái Bình
Theo Epochtimes



BÀI CHỌN LỌC

Trung nghĩa truyện: Trương Phi chặn cầu cứu chủ, quát lùi Tào quân