Trung nghĩa truyện: Quan Vũ - chiến Thần Hoa Hạ, nghĩa khí ngút trời

Giúp NTDVN sửa lỗi

Danh hiệu “Uy chấn Hoa Hạ” của Quan Vũ là do thực mà nên danh, không quá khi nói ông là đệ nhất võ tướng trong Tam Quốc. Điều quan trọng hơn là, Quan Vũ Bắc phạt là vì đế nghiệp của Lưu Bị, vì lý tưởng phục hưng nhà Hán mà xuất chinh, làm cho lòng trung nghĩa của ông lần nữa được hiển lộ.

Có ai không muốn có một thuộc hạ, trước dẫn dụ của phú quý công danh vẫn y nhiên tâm niệm chủ cũ, vì sự nghiệp chung mà tận tụy phục vụ?

Có ai không muốn có một huynh đệ, vào cảnh trắng tay vẫn y nhiên cùng đội gió mưa, không rời bỏ nghĩa tình?

Thời mạt Hán loạn thế, thiên hạ tràn ngập quyền mưu binh lửa, thân nhân có thể trở mặt, bạn bè có thể quay lưng, nếu gặp được anh hùng hào kiệt trung nghĩa vẹn toàn như vậy, thật quý biết bao.

Luận đàm trung nghĩa, sao có thể không nói đến đệ nhất võ tướng nhà Thục Hán, nghĩa khí ngút trời Quan Vũ? mọi nhà đều biết đến những sự tích anh hùng của ông, như là: “Ôn tửu trảm Hoa Hùng” (Chém Hoa Hùng xong chén rượu vẫn còn ấm), “tam anh chiến Lữ Bố”, “trảm Nhan Lương tru Văn Xú”, “quá ngũ quan trảm lục tướng”, “cạo xương chữa độc”, “nghĩa thích Tào Tháo”…, đều là những điển tích nổi bật trong bức tranh Tam Quốc. Một số điển tích lấy từ tiểu thuyết “Tam Quốc diễn nghĩa”. Sử sách ghi chép chân thực về Quan Vũ có lẽ thiếu nhiều chi tiết kịch tính, nếu không sẽ lưu lại cho chúng ta những dư âm sâu lắng.

Trẻ tuổi mới quen, ân như huynh đệ

Quan Vũ, tự Vân Trường, tên gốc là Trường Sinh, người Giải Lương Hà Đông. Không rõ nguyên nhân gì mà Quan Vũ thay tên, rời quê, lưu lạc đến Trác Quận. Lúc này Hoàng Cân làm phản, anh hùng các nơi chiêu binh mãi mã, tổ chức nghĩa quân dẹp loạn. Quan Vũ nghe thấy Lưu Bị tuy gia cảnh bần hàn, nhưng là người phóng khoáng đạm bạc, thích kết giao hào kiệt, các anh hào lúc đó đều đến quy phục ông. Cạnh nhà Lưu Bị, có một cây dâu cao 5 trượng, tán rộng che phủ, không phải vật tầm thường, dân quanh vùng đều nói nhà Lưu Bị tất xuất quý nhân.

< Tranh Tam Quốc chí) “ Tế Thiên Địa đào viên kết nghĩa” (Ảnh: Miền công cộng)

Cùng lúc ấy, Quan Vũ kết giao với một vị thanh niên anh hùng tên Trương Phi, hai người cùng đầu quân cho Lưu Bị. Vậy là, mối tương giao quân thần huynh đệ Lưu, Quan, Trương nổi tiếng nhất Thục Hán ra đời trong bối cảnh hồng trần loạn thế. Năm đó Lưu Bị mới 24 tuổi, Quan Vũ, Trương Phi còn trẻ hơn. Tuy nhiên, họ đều có tướng mạo anh vũ xuất chúng, hoài bão nhiệt thành tận trung giúp nước, kiến lập sự nghiệp, ba người hội đủ nhân duyên, tự nhiên có cơ hội gặp mặt, trong lòng đều dâng cảm xúc kính trọng, trân quý.

Trong chiến tranh, cùng chung kẻ thù, cùng kinh qua sinh tử, càng làm cho họ thêm gắn kết. Trong khi dẹp loạn, ba vị Lưu, Quan, Trương đều đánh địch lập công, năm thứ hai Sơ Bình (năm 191) Lưu Bị được phong Bình Nguyên tướng, hai vị Quan, Trương đảm nhiệm Biệt Bộ Tư Mã làm thủ lĩnh nhánh quân dưới quyền Lưu Bị. Họ không chỉ là quan hệ chủ tướng và thuộc hạ, mà còn có tình nghĩa gắn bó mật thiết. Chốn riêng tư, họ ngủ cùng giường, ân như huynh đệ, nơi công đường, Quan Vũ, Trương Phi tả hữu hộ vệ bên Lưu Bị.

Thời đầu tam quốc, cơ sở, lực lượng của Thục quốc là yếu nhất. Lưu Bị dường như tay trắng làm lên, nhiều lần phải dựa nhờ thế lực khác, rồi thua trận chạy trốn, nhưng phát tích của ông quả là đáng được ghi nhận như một tấm gương về chí hướng không gì lay chuyển. Lưu Bị từng bước mở rộng lãnh địa, xưng Vương, xưng Đế, ngoài tài thao lược cùng ý chí kiên định của mình, thì cạnh ông còn có hai vị hào kiệt Quan, Trương cùng lời thề sinh tử có nhau, luôn theo phò tá.

Những chiến công ban đầu của Quan Vũ, trong sử sách không có ghi chép, nhưng uy danh Thần tướng vô địch của ông được lan truyền rộng trong các lộ chư hầu. Nếu muốn lấy một nhân vật trong lịch sử để so sánh năng lực tác chiến, thì người đó nhất định phải là Sở Bá Vương Hạng Vũ. Hay ở chỗ, hai vị có tên gần giống nhau. Hạng Vũ từng nói ông muốn học bản sự “Sức địch vạn người”, còn trong “Tam Quốc chí”, tác giả Trần Thọ cũng xưng tụng Quan Vũ “Sức địch vạn người, là hổ thần đương đại”.

Ngay nhân sĩ ở địch quốc Ngụy, Ngô cũng dành cho Quan Vũ những đánh giá rất cao. Như Ngụy quốc Quách Gia, Trình Dục, Phụ Can nhận định Quan Vũ dũng mãnh thiện chiến, xứng đáng danh hiệu “Sức địch vạn người”; Ngô quốc Chu Du, Lã Mông, Lục Tốn nhận định ông là hùng kiệt hổ tướng đương thời.

Năm Kiến An thứ 5 (năm 200), cơ đồ của Lưu Bị gặp biến chuyển. Do sự vụ “Y đai chiếu” (Chiếu thư giấu trong đai áo) bị tiết lộ, nên Tào Tháo thân chinh chinh phạt Lưu Bị, Lưu Bị thua chạy sang Viên Thiệu lánh nạn, Quan Vũ bị Tào Tháo bắt sống. Do xuất tự lòng quý tiếc nhân tài mà Tào Tháo hết mực hậu đãi Quan Vũ, nghĩ nhiều kế sách để làm Quan Vũ quy thuận. Đây cũng là thử thách đầu tiên của vận mệnh đối với Đạo trung nghĩa của ông.

Nhớ ân xưa, rời Tào Tháo về với Lưu Bị

Từ ngày đầu quân đến nay, Quan Vũ đã cùng Lưu Bị xông pha 16 năm. Qua 16 năm tôi luyện, Quan Vũ từ lúc trai trẻ nhập bước giang hồ đã trở thành vị đại tướng kinh qua trăm trận. Thoạt nhìn còn trẻ, nhưng đao kiếm chiến trường đã khắc họa nên một vóc hình tuấn vĩ, thần thái lầm lẫm tự nhiên. Không biết ông để râu dài từ khi nào, thường tự hào vì bộ râu đẹp của mình.

Nhưng sự nghiệp mà họ đang dấn thân thì sao? mười sáu năm rồi, chẳng chút công danh, cũng không tấc đất, thất bại liên miên, sinh tử khó lường.

< Tranh Tam Quốc chí> Trương Liêu nghĩa thuyết Vân Trường ( Miền công cộng)

Quan Vũ lúc này, chỉ có thể vuốt râu thở dài, Thiên Địa tuy rộng, nhưng ba anh em lại không có chỗ đặt chân; không biết Lưu Bị, Trương Phi lưu lạc nơi nào, cũng không biết làm sao thoát khỏi doanh trại quân Tào đây?

Vào tình huống thông thường, dựa vào vũ dũng của mình, cho dù trùng trùng bảo vệ thì ông vẫn dễ dàng đào thoát. Do ông sinh thời trọng nghĩa khí, hữu ân tất báo, Tào Tháo nếu dùng vũ lực, quyền thế mà bức bách thì cũng kết thúc rồi, nhưng trái lại Tào Tháo đối đãi nồng hậu, lại còn bái tướng phong hầu, làm ông khó lòng dứt áo mà đi.

“Thanh thanh tử khâm, du du ngã tâm. Đãn vi quân địch, trầm ngâm chí kim.”- Tạm dịch: “Hiền tài thân khoác áo xanh, tâm ta du nhiên bình thản; do vướng quân địch, làm ta trầm tư đến nay”. Không biết khi Tào Tháo viết đoạn thơ chứa đựng khát vọng cầu hiền kiến nghiệp này, có nghĩ đến việc Quan Vân Trường sẽ ra đi ?

Tào Tháo, Lưu Bị đều là những hùng chủ giỏi việc chiêu hiền đãi sĩ. Tào Tháo nhìn thấy trang tuấn kiệt Quan Vũ, sao không có ý chiêu vời? Mặt khác, Lưu, Quan, Trương ba người tình nghĩa quân thần, sinh tử không thay đổi, làm sao để lung lạc đây? Công danh, quyền lực, châu báu, tất cả những gì thế nhân truy cầu, Tào Tháo đều đưa ra, nhưng Quan Vũ luôn đặt ân nghĩa Lưu Bị lên trên, tuyệt không vì ân huệ nhất thời mà dao động nửa phân.

Thế nhưng, ngàn vàng dễ bỏ, ân sâu khó báo. Chí hướng và khí độ của Tào Tháo làm Quan Vũ cảm phục. Khi Tào Tháo phái đại tướng Trương Liêu đến thăm dò tâm ý, Quan Vũ thở dài một tiếng rồi nói: “Tôi biết Tào Công đối đãi rất tốt, nhưng tôi đã chịu ân sâu của Lưu tướng quân, phát thệ đồng sinh cộng tử, tôi quyết không phản bội ông.” Quan Vũ nói thêm: “ Tôi không thể lưu lại đây lâu, đợi tôi lập công báo đáp Tào Công rồi sẽ ra đi.”

Vốn Quan Vũ và Trương Liêu là bạn thân, nghe thấy vậy lâm cảnh khó xử. Nếu cứ y lời mà báo, e là Tào Tháo sẽ động sát tâm, nếu không nói sự thật thì vi phạm đạo quân thần: “Tào Công là vua; Quan Vũ là huynh đệ.” Cuối cùng ông quyết định lấy quân thần đại nghĩa làm trọng, bẩm báo chân thực, Tào Tháo nghe xong, trái lại chân thành khen ngợi vị danh tướng của địch quốc: “Hành xử không quên gốc, thật xứng là nghĩa sĩ trong thiên hạ.”

< Tranh Tam Quốc chí> “Vân Trường bến nước chém Văn Xú và Vân Trường thúc ngựa trảm Nhan Lương”. ( miền công cộng)

Không lâu sau, cơ hội báo đáp Tào Tháo đã đến. Bên kia bá chủ phương Bắc Viên Thiệu phái thuộc hạ là Đại tướng Nhan Lương, tại Bạch Mã bao vây Đông quận Thái thú. Tào Tháo liền phái Trương Liêu, Quan Vũ suất lĩnh tiên phong ứng cứu. Lúc hai bên giao chiến, Quan Vũ dừng ngựa trông xa, trong trùng trùng hộ vệ của địch quân, một lá cờ tướng quân rực rỡ tung bay, chính là xe của Nhan Lương ngồi trên đó. Phát hiện mục tiêu xong, Quan Vũ thúc ngựa lên trước, nhắm thẳng Nhan Lương. Quân sĩ Viên Thiệu không kịp ngăn chặn sự thần tốc của Quan Vũ, trái lại tựa như sóng nước rẽ ra, bị ông đánh xẻ ra một đường. Quan Vũ chớp mắt đã tới trước Nhan Lương, vung đao, thế như sấm sét.

Nhan Lương đâu có biết Quan Vũ thần dũng như vậy, bị giết mà trở tay không kịp. Chưa kịp rút binh khí thì đã bị chém rơi xuống xe. Nhan Lương là dũng tướng dưới trướng Viên Thiệu, chiến công hiển hách, vậy mà bị Quan Vũ một chiêu chế phục, không cần thu tay về.

Quan Vũ không muốn giằng dai, xuống ngựa chém xuông một đao, nhặt thủ cấp Nhan Lương, cầm đao phi thân lên ngựa, thúc ngựa như bão lốc xung qua địch quân. Quân Tào sĩ khí dâng cao, thừa thắng xông lên, quân Viên Thiệu đại bại.

Quan Vũ lập đại công, giải vây Bạch Mã, Tào Tháo lại càng thêm lưu luyến. Ông biết rằng, báo ân xong Quan Vũ sẽ ra đi, thế là ông ban thưởng rất hậu, nhằm níu kéo Quan Vũ. Quan Vũ trả lại tất cả tài vật, sau đó hai tháng, ông biết được tin tức của Lưu Bị, liền để lại một bức thư, rồi rời Tào doanh, bôn tẩu về phía đại doanh Viên Thiệu nơi Lưu Bị đang tá túc. Do trảm Nhan Lương nên Quan Vũ trở thành cừu địch của quân Viên Thiệu, nhưng ông không quan tâm đến an nguy, y nhiên ôm giữ lòng trung nghĩa mà đến, chẳng màng sống chết.

Bên quân Tào, có tướng sĩ đề nghị truy đuổi Quan Vũ, Tào Tháo ngăn lại, ông nói: “Ai cũng có chủ của mình, không cần truy đuổi.” Tuy ôm lòng tiếc nuối sâu sắc, nhưng Tào Tháo vẫn tôn trọng lựa chọn của Quan Vũ, giúp Quan Vũ thành tựu tấm lòng trung nghĩa. Quan Vũ sát địch dương uy, lập công báo Tào; để lại thư, trả lại châu báu, ngàn dặm tầm Lưu Bị, tinh thần trung dũng đó, vô luận vào thời đại nào thì cũng siêu xuất chúng nhân, là tấm gương lưu mãi sử xanh.

Trấn thủ Kinh Châu, tận trung tận nghĩa

Sau đó, chính quyền ba nước tranh chấp Kinh Châu kịch liệt. Quan Vũ theo Lưu Bị, phối hợp liên quân Tôn Quyền tác chiến, tiến khả công, thoái khả thủ, hoàn thành vai trò đại tướng liên quân, cuối cùng giúp Lưu Bị trấn thủ một nửa Kinh Châu.

< Tranh Tam Quốc chí> “Quan Vân Trường cạo xương trị độc” ( Miền công cộng)

Sau trận Xích Bích, Kinh Châu chia ba: Tào Tháo nắm giữ ba quận phía Bắc, đại tướng Tào Nhân trấn thủ Giang Lăng Nam Quận; Đông Ngô phái thống soái Chu Du đánh chính diện, qua một năm khổ chiến, cuối cùng lấy được Nam Quận và một phần Giang Hạ; Lưu Bị đi đường khác, xuống phía Nam thu phục 4 quận Nam Kinh. Sau đó, Đông Ngô lấy danh nghĩa “Mượn Kinh Châu”, trả lại Nam Quận cho Lưu Bị, giảm bớt áp lực quân sự. Vậy là, Kinh Châu trở thành cục diện đối đầu Bắc, Nam của hai nhà Tào, Lưu.

Trong khoảng thời gian này, Quan Vũ từng suất lĩnh trăm chiến thuyền, giúp Lưu Bị giải nguy Đương Dương; độc tự dẫn quân nhận trách nhiệm “Tuyệt Bắc đạo”, chặn đường tiếp viện của Tào Nhân; sau đó trú quân bờ Bắc, khôi phục thành Giang Lăng. Đến năm Kiến An thứ 16 (năm 211), Lưu Bị nhập Thục, Quan Vũ cùng Gia Cát Lượng, Trương Phi, Triệu Vân cùng trấn thủ Kinh Châu. Ba năm sau, quân sư Bàng Thống trúng mưa tên mà tử trận, Gia Cát Lượng phụng mệnh đến chi viện, Quan Vũ nhận trọng trách trấn thủ 5 quận Kinh Châu.

Kinh Châu thời xưa, là nơi giao thông trọng yếu của 4 vùng chiến địa, là vùng tranh chấp của 3 nước. Do đó trấn giữ Kinh Châu có ý nghĩa trọng đại, tướng được chọn phải là người tận trung, có năng lực thống lĩnh, uy danh lớn. Đối với Lưu Bị mà nói, trong tình huống Gia Cát Lượng nhập Thục, thì Quan Vũ là lựa chọn duy nhất. Không chỉ vậy, trong mắt của địch quốc Ngô, Ngụy thì “Thục tiểu quốc nhĩ, danh tướng duy Vũ”, “Dĩ cứ Kinh Châu, ân tín đại hạnh” (nước Thục nhỏ bé, chỉ có Quan Vũ là danh tướng, trấn giữ Kinh Châu là người có đức lớn ân tín), vậy cũng nói Quan Vũ tọa trấn Kinh Châu vừa ổn định hậu phương, thu phục dân tâm, còn có tác dụng trấn nhiếp quần hùng.

Mặt khác, Kinh Châu thủy bộ đều lợi, bốn phương tám hướng thông thuận, thích hợp là một cửa ngõ kiểm soát. Do đó trấn thủ Kinh Châu, cần binh lực sung túc làm hậu thuẫn. Nhưng thực tế, Lưu Bị thực lực trong ba nước là yếu nhất, nhưng lại nắm nửa Kinh Châu từ sớm. Tại nơi đây, họ không chỉ chiến đấu chính diện với quân Tào, mà còn thời khắc phòng bị Đông Ngô tấn công. Do vậy, Quan Vũ trấn thủ Kinh Châu. Thấy ông chức quyền to lớn, kỳ thực đó là nhiệm vụ hết sức gian nan.

Hãy xem xem Quan Vũ độc trấn Kinh Châu, nắm giữ yết hầu Trung Nguyên, cũng là chỗ các lộ chư hầu lôi kéo, lung lạc. Ví như Tôn Quyền sai sứ đến gặp Quan Vũ, hy vọng làm thông gia với Quan Vũ. Không chỉ vậy, Lưu Bị xa tận Ích Châu, Quan Vũ độc thủ Kinh Châu, trong tay nắm vạn thủy binh, hoàn toàn có cơ hội cắt đất xưng vương, thậm chí hình thành nên thế lực quân phiệt độc lập ngoài 3 nước. Nhưng trước quyền lợi dẫn dụ của các bên, ông y nhiên giữ lòng trung với Lưu Bị, cũng là trung với đạo nghĩa và lựa chọn của lương tâm, không làm bất cứ việc gì khiến người khác nghi ngờ. Ông không ngại đắc tội với Tôn Quyền mà trách mắng sứ giả, dùng thái độ cứng rắn cự tuyệt hôn sự.

Năm Kiến An thứ 20 ( năm 215), Lưu Bị đoạt Ích Châu, Tôn Quyền phái Lỗ Túc thảo phạt Kinh Châu, trước trận Quan Vũ và Lỗ Túc có tranh luận nhưng không kết quả, hai bên liền dàn quân bên sông. Tôn Quyền phái Lã Mông, Lỗ Túc, Cam Ninh phân lộ nghiêm trận ở biên giới Kinh Châu. Quan Vũ lấy đại cục làm trọng, đồn trú trong doanh, không để chiến sự leo thang. Do Tào Tháo ở phía Bắc mới là kẻ thù lớn nhất của Lưu Bị và Tôn Quyền, do đó Lưu Bị quyết định nhượng bộ, lấy Tương thủy làm ranh giới, cùng Tôn Quyền phân chia phía Nam Kinh Châu. Sau đó Quan Vũ trên thực tế chỉ trấn giữ 3 quận Kinh Châu.

Về sau, Tôn Quyền tiến đánh phía Bắc, tập trung chủ lực đánh Từ Châu, bại trận ở Hợp Phì. Tại thời điểm này, Quan Vũ không tính hiềm thù trước, vẫn giữ thỏa ước Tương thủy, không lợi dụng lúc Đông Ngô yếu nhược mà phát binh lấy lại đất mất khi xưa. Làm việc nên làm, không làm việc không nên làm, đó chính là phong độ của bậc Đại tướng.

Nước lũ dìm quân địch, uy danh chấn Trung Nguyên

Năm Kiến An thứ 19 (năm 214), Lưu Bị khuyên hàng Lưu Chương, lấy được Ích Châu Mục; năm thứ 24 (năm 219), lại đánh thắng Tào Tháo ở Hán Trung, xưng là “Hán Trung Vương”. Từ đây, chính quyền Thục Hán tiến vào thời kỳ toàn thịnh, Lưu Bị nắm giữ 10 châu quận, gồm cả Kinh, Ích; thủ hạ lương tướng như nước, binh mã lên tới 20 vạn. Năm đó Gia Cát Lượng hoạch định một kế hoạch lớn cho Lưu Bị gọi là “Long Trung đối” ( Tạm dịch : Đối sách chấn hưng Trung Nguyên), từng bước thực hiện kế hoạch, Thục Hán cách giấc mộng thống nhất thiên hạ ngày càng gần.

< Tranh Tam Quốc chí> Quan Vân Trường thủy yêm thất quân. ( Miền công cộng)

Gia Cát Lượng liên tưởng: Đợi thiên hạ có biến, Lưu Bị phái một vị đại tướng, suất lĩnh quân đội Kinh Châu trực chỉ Trung Nguyên, còn Lưu Bị dẫn đại quân từ Ích Châu, từ Tần Xuyên xuất kích, Thục Hán xưng bá, thậm chí phục hưng nhà Hán, ngày đó sẽ đến. Lúc này, Lưu Bị đã lấy được Hán Trung, Quan Vũ thừa thế đưa ra một quyết định vĩ đại, nguyện làm tướng tiên phong, xuất quân từ Kinh Châu, Bắc phạt Tương, Phàn.

Phàn thành và Tương Dương là trọng điểm của Kinh Châu, tướng trấn thủ là hai vị đại tướng Tào Nhân và Lữ Thường, lại còn có các danh tướng Vu Cấm, Bàng Đức, Mãn Sủng, Từ Hoảng, đặc biệt Tào Tháo còn sắp đặt 3 vạn quân chia 7 đạo để chi viện. Bên Quan Vũ, do còn phòng bị Đông Ngô, nên lần này chỉ điều quân Kinh Châu xuất chinh. Quân Tào bố trí lực lượng hùng hậu để nghênh đón trận thư hùng với vị chiến tướng có danh hiệu “Địch vạn nhân”. An bài này, có lẽ là để thành tựu nên một chiến tích huy hoàng nhất, một trận chiến hùng tráng nhất trong cuộc đời Quan Vũ.

Trận chiến này được phát động sau khi Quan Vũ và Tào Nhân qua hơn một năm giao tranh. Năm Kiến An thứ 23, Tào Tháo muốn chinh thảo Quan Vũ, phái Tào Nhân đồn trú Phàn Thành. Sau đó, nội bộ Tào Ngụy hai lần bạo phát phản loạn, Quan Vũ nắm thời cơ quý giá này phát động tấn công Tào Nhân. Vào mùa hạ khoảng tháng 7 tháng 8, mưa lớn liên miên mấy ngày, nước sông Hán Thủy dâng cao tới 5,6 trượng. Vu Cấm suất lĩnh 7 đạo quân chi viện, hầu hết bị hồng thủy nhấn chìm, chưa đánh mà thực lực đã bị tổn hại lớn. Quan Vũ tận dụng Thiên thời, Địa lợi, dẫn thủy quân toàn lực tấn công, nhanh chóng hạ hàng Vu Cấm, bắt Bàng Đức, hàng binh lên tới 3 vạn.

Ngay sau đó, Quan Vũ chuyển hướng vây Tào Nhân ở Phàn Thành, lúc đó tường thành bị hồng thủy làm ngập chỉ còn lại vài thước, nước lũ đổ vào trong thành, khắp nơi sụp đổ, quân dân hoảng sợ bất an. Tào Nhân chỉ còn cách tận trung với nước, cùng tướng sĩ lập lời thề giữ thành tử thủ. Quan Vũ bên này vẫn dư lực nên chia quân bao vây Tương Dương. Thế là Thích sử Kinh Châu, rồi Nam Hương Thái Thú nghe thấy tin lập tức đầu hàng; bao nhiêu lục lâm nghĩa sĩ nhất tề nổi dậy đầu quân Quan Vũ, làm tăng thêm lực lượng. Sử sách ghi lại, thời kỳ này Quan Vũ thanh danh đại hiển, “Uy chấn Hoa Hạ”.

Mũi tấn công của Quan Vũ bức bách đến cả đại bản doanh Tào Ngụy ở Hứa Đô, làm cho bá chủ Trung Nguyên uy phong lẫm liệt như Tào Tháo cũng kinh sợ, thậm chí còn định dời đô tạm tránh. Lúc này có một mưu sĩ đề xuất cùng Tôn Quyền hợp tác, dùng Đông Ngô đằng sau đánh Quan Vũ mà hóa giải mối nguy cho Hứa Đô. Thế là, thế cục lại chuyển thành Tào, Tôn liên minh, Đông Ngô phái Lữ Mông, Lục Tốn tập kích Công An và Giang Lăng, tướng lĩnh thủ thành do có hiềm khích với Quan Vũ nên không đánh mà hàng. Đoạn sau này, Quan Vũ chiến bại là nhiều, âu cũng là sự xoay vần của vận mệnh.

< Tranh Tam Quốc chí> “ Quan Vân Trường uy chấn Hoa Hạ” (Miền công cộng)

Tướng sĩ quân địch ồ ạt xông lên, còn tướng thủ thành lâm trận thì bỏ chạy, áp lực trong ngoài, binh sĩ tan tác, ông chỉ còn cách chạy về Mạch Thành, cuối cùng bị hại chết.

Nhất thế Hoa Hạ chiến Thần, đã từng tỏa ánh quang huy, mà nay tắt bóng, làm thế nhân không khỏi tiếc nuối. Mượn lời ông trước lúc lâm chung. “Thiên vong ngã, phi dụng binh chi tội dã.” -Tạm dịch : Ta chết là ý Trời chứ không phải lỗi dụng binh.

Nhìn suốt cuộc chiến, những thành công của ông đều có nhân tố tương trợ của Thiên thượng, thất bại này, âu cũng là theo Thiên ý mà thôi.

Sau khi Quan Vũ mất, Tôn Quyền đưa thủ cấp tới Tào Tháo, Tào Tháo dùng lễ nghi long trọng của chư hầu mà an táng ông ở Lạc Dương, Tôn Quyền cũng y lễ chư hầu mà an táng phần thân Quan Vũ. Hai vị hùng chủ, đều lấy lễ nghi cao nhất mà hành lễ. Còn Thục Hán tiên chủ Lưu Bị, để báo thù cho Quan Vũ, đích thân dẫn quân đánh Đông Ngô, đoạt lại Kinh Châu, khai mở ra một loạt các sự kiện thời mạt Hán. Mấy chục năm sau, hậu chủ Lưu Thiền truy tặng thụy hiệu cho các vị nguyên lão công thần, ông được tặng “Tráng Mậu Hầu”. Nhân gian tụng ông “Đầu gối nơi Lạc Dương, thân nằm xứ Đương Dương, linh hồn quy cố hương” lời ca buốt lạnh bi tráng, đau thương vô hạn. Trăm họ sùng bái võ công của ông, kính ngưỡng đại nghĩa của ông, bái ông làm “Vũ Thánh nhân” để tôn thờ tế lễ.

Kết cục của Quan Vũ khiến người ta tiếc nuối, nhưng đừng mang thành bại luận anh hùng. Quan Vũ chỉ dựa sức mình, đánh lấy Tương Phàn, đối kháng đại quân của hai địch quốc. Do ông mà Tào Tháo phải tính nước dời đô, vì ông mà Tôn Quyền phải thay đổi sách lược ngoại giao, nhiều vị danh tướng đều là bại tướng dưới tay ông, hào kiệt các nơi đều đến quy phục ông. Danh hiệu “Uy chấn Hoa Hạ” của Quan Vũ là do thực mà nên danh, không quá khi nói ông là đệ nhất võ tướng trong Tam Quốc. Điều quan trọng hơn là, Quan Vũ Bắc phạt là vì đế nghiệp của Lưu Bị, vì lý tưởng phục hưng nhà Hán mà xuất chinh, làm cho lòng trung nghĩa của ông lần nữa được hiển lộ.

Thái Bình

Theo TheEpochtimes

Tư liệu tham khảo: "Tam Quốc chí"



BÀI CHỌN LỌC

Trung nghĩa truyện: Quan Vũ - chiến Thần Hoa Hạ, nghĩa khí ngút trời