Trung nghĩa truyện: Một mình một ngựa cứu chủ, Triệu Vân nghĩa nặng như núi (2)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tào Tháo quan sát chiến trận từ xa, thấy Triệu Vân uy dũng vô song, thì chấn động trong tâm. Liền vội dặn dò tướng sĩ không được bắn lén, cố gắng bắt sống. Trận này, Triệu Vân ôm ấu chúa, một mình cự địch, không những thoát trùng vây, mà còn chặt đổ hai lá cờ lớn, đoạt 3 ngọn giáo, chém hạ hơn 50 vị tướng của quân Tào.

(Xem lại phần 1)

Có thơ rằng “Cổ lai xung trận phù nguy chủ, chỉ hữu Thường Sơn Triệu Tử Long”. Ngàn năm sau, tiểu thuyết “Tam Quốc diễn nghĩa” tái hiện cho chúng ta tình thế kinh tâm động phách lúc đó.

Triệu Vân tả xung hữu đột, sát thanh chấn động chiến trường, quan sát tứ phương, nghe ngóng tin tức, được biết hai vị phu nhân Lưu Bị ôm A Đẩu chạy nạn lẫn trong dân chúng. Liền phi lên dốc Trường Bản, cứu được Cam phu nhân; lại tìm thấy Mi phu nhân cùng A Đẩu đang khóc bên bức tường đổ. Quân địch đang đến, Triệu Vân nhường ngựa cho Mi phu nhân, còn mình độc bộ tử chiến, bảo vệ phu nhân và ấu chúa đột phá trùng vây. Nhưng Mi phu nhân bị thương nặng, không muốn phiền lụy, nên gieo mình giếng khô tự sát.

Xuất nhập chiến trường, nghĩa tình vàng đá

Sứ mệnh duy nhất của Triệu Vân lúc này là cứu ấu chúa. Ông cởi bỏ áo giáp, miếng hộ tâm, một tay ôm A Đẩu vào lòng, một tay cầm thương, xoay người lên ngựa nghênh đón quân địch. Một toán quân Tào lao đến, Triệu Vân không đến ba hồi giao tranh đã chém ngã chủ tướng, đánh địch tan tác, mở đường máu thoát ra.

Tiếp đó, ông lại gặp một viên mãnh tướng, cầm thương giao chiến mấy chục hồi, khó phân thắng bại. Ông không muốn đánh lâu, nên tìm cơ hội thúc ngựa chạy thoát. Không để ý phía trước có một cái hào, nên cả người ngựa rơi xuống rãnh, tướng Tào thừa cơ cầm thương đâm tới. May thay, ấu chúa có Thần linh bảo hộ, một đạo hồng quang lấp lánh phát ra, chiến mã bỗng đại hiển Thần uy, phi thân ra khỏi rãnh.

Triệu Vân thúc ngựa chạy nhanh, lại gặp phải bốn viên Tào tướng cùng binh sĩ xông đến. Ông rút cây Thanh Cang Bảo Kiếm vừa đoạt được, tung hoành trái phải. Theo ánh kiếm lên xuống mà địch quân y giáp tả tơi, máu chảy như suối. Ông chẳng còn đường lui, chỉ còn cách đánh đến cùng.

Tào Tháo quan sát chiến trận từ xa, thấy Triệu Vân uy dũng vô song, thì chấn động trong tâm. Liền vội dặn dò tướng sĩ không được bắn tên, cố gắng bắt sống. Trận này, Triệu Vân ôm ấu chúa, một mình cự địch, không những thoát trùng vây, mà còn chặt đổ hai lá cờ lớn, đoạt 3 ngọn giáo, chém hạ hơn 50 vị tướng của quân Tào.

Khi trao được A Đẩu vào tay Lưu Bị, Triệu Vân người ngựa mệt nhoài, dường như đã dùng đến chút lực cuối cùng. Khi thấy Triệu Vân xuống ngựa nhỏ lệ mà hành lễ, Lưu Bị nước mắt cũng rơi ướt vạt áo.

Nếu như không có hồng phúc của A Đẩu cùng lòng quý tiếc nhân tài của Tào Tháo, e là tin tức mà Lưu Bị đang đợi chỉ là tin về một vị anh hùng tuẫn tiết mà thôi. Lần này, thoát được truy sát của Tào Tháo, gặp lại nhau ai nấy tưởng như cả thế kỷ đã trôi qua !

Tranh Tam Quốc chí “ Cẩm nang kế Triệu Vân cứu chủ ( Miền công cộng)

Theo chính sử, trong những năm theo cạnh Lưu Bị ở Kinh Châu, Triệu Vân đã lập công lớn cứu chủ, nhưng không hề kiêu ngạo, luôn giữ đức: cẩn ngôn thận hành, phụng công thủ pháp. “Tam Quốc chí” có ghi dẫn trong “Vân biệt truyện”, Triệu Vân không vì tư giao mà nhiệm dụng các tù binh quê nhà; cũng không vì nữ sắc mà dao động tâm trí thu nhận nữ nhân của hàng tướng. Sau này, khi hai nhà Tôn, Lưu giao hảo, Lưu Bị lấy em gái Tôn quyền. Nhưng thị vệ và quan binh Đông Ngô mà Tôn phu nhân mang theo, đa số có hành vi không theo pháp. Để ước thúc hậu cung, Lưu Bị biết chỉ có Triệu Vân là thích hợp, liền giao cho ông đại quyền làm Chưởng Quản Nội Sự.

Khi nhà Tôn Quyền đến đón Tôn phu nhân về Đông Ngô, Tôn phu nhân dựa thời cơ bế A Đẩu theo cùng. Có phải đây là dự mưu từ trước, hay là nhất thời khởi ý, chúng ta không cần biết, nhưng có thể khẳng định rằng, nếu người kế thừa Thục Hán lưu lạc nước Ngô sẽ dẫn đến hậu quả vô cùng nghiêm trọng. May thay Triệu Vân và Trương Phi đuổi kịp, triển hiện truyền kỳ “Chặn sông cứu A Đẩu”, tránh được những rắc rối sau này, Triệu Vân không phải là hộ vệ nhưng hai lần đóng vai trò hộ vệ, che chở A Đẩu vượt qua quan nạn.

Tham dự quốc sách, tận chức cận thần

Trong các mưu thần danh tướng của Lưu Bị, Triệu Vân có một vai trò đặc biệt. Ông lên ngựa xông pha chiến trường, xuống ngựa quản lý nội cung, võ năng cứu chủ thủ thành, văn thời nghị chính khuyên can rõ ràng. Triệu Vân quả là cận thần toàn năng, chỉ cần nhà Thục Hán cần thì ông có thể đảm nhận rất nhiều nhiệm vụ, vì xã tắc mà tận trung phục vụ. Không như những vị cận thần thân thiết với Lưu Bị như Quan Vũ, Trương Phi, trong sử sách không có ghi chép gì về việc soạn bàn triều chính, mà trong “Vân biệt truyện” (Truyện viết riêng về Triệu Vân) nhiều lần nhắc đến Triệu Vân can gián, thảo luận các chính sách cùng Lưu Bị.

Tranh Tam Quốc chí “Triệu Tử Long trí thủ Quế Dương” (Miền công cộng)

Có lần, sau khi Lưu Bị bình định Ích Châu, có người khuyên Lưu Bị lấy nhà cửa, ruộng vườn trong ngoài thành để thưởng cho tướng sĩ. Triệu Vân đứng ra phản bác, ông dẫn câu danh ngôn của một đại tướng thời Tây Hán “Hung nô vị diệt, vô dụng gia vi”, tạm dịch: Chưa diệt xong Hung Nô thì không làm việc nhà. Ông nói: “Hiện nay, giặc trong nước không chỉ có Hung Nô, quân sĩ chưa đến lúc được nghỉ ngơi. Nhất định phải đợi đến bình định xong loạn tặc, thì mới cho mọi người về quê trồng dâu cày ruộng, đó mới là đúng đắn.”

Ông lại cứu giúp dân chúng Ích Châu. Đây là lần đầu tiên dân chúng gặp chiến tranh, chi bằng đem tài sản ruộng vườn trả lại cho dân. Bách tính an cư lạc nghiệp, thì mới nguyện ý phục vụ quân dịch, đóng góp tiền, lương, thật sự khiến nhân tâm quy phục. Lưu Bị là người nhân đức, nên lập tức nghe theo kiến nghị của Triệu Vân.

Còn có một lần, sau khi Lưu Bị xưng Đế, để báo thù Kinh Châu thất thủ, Quan Vũ mệnh vong, nên chuẩn bị khởi binh phạt Ngô. Nhưng Triệu Vân cực lực khuyên can, ông nhận định kẻ địch lớn nhất của Thục Hán là Tào Ngụy chứ không phải là Tôn Quyền. Chỉ cần diệt Ngụy, Ngô quốc sẽ tự nhiên thần phục. Nếu chỉ vì thù riêng mà đánh nước Ngô, khi khai chiến rồi thì khó dừng lại. Triệu Vân còn đề xuất sách lược cụ thể thảo phạt Tào Ngụy: Do Tào Phi soán Hán xưng đế, dẫn đến thiên hạ phẫn uất, Thục Hán xuất binh, là phía chính nghĩa; đầu tiên chiếm Quan Trung, sau chiếm thượng lưu Hoàng Hà, Vị Thủy để làm trận địa thảo phạt quân Tào. Tới lúc đó, Quan Đông nghĩa sĩ tất sẽ đem lương thảo ngựa xe trợ giúp quân Thục, nội ứng ngoại hợp cùng đối kháng quân Tào.

Cổ nhân nói: “Thiên tử chi nộ, phục thi bách vạn, lưu huyết thiên lý”. Tạm dịch: “Khi vua nổi giận, trăm vạn xác người, máu chảy nghìn dặm”. Lưu Bị ôm bi phẫn thịnh nộ xuất chinh, mà Triệu Vân không sợ cơn thịnh nộ của thiên tử, giúp Lưu Bị phân tích chính xác và lý tính chiến lược tác chiến. Đây cũng là con mắt quân sự của một vị đại tướng đã kinh qua trận mạc, cũng là sứ mệnh khuyên can minh chủ của vị nguyên lão công thần.

Tiến công, thoái thủ, dụng binh như Thần

Trong ba nước, lãnh địa Thục Hán của Lưu Bị nhỏ, binh lực yếu, Triệu Vân không có cơ hội trấn thủ một phương hoặc làm chủ tướng lĩnh binh đánh trận, cũng khó để ông phát huy tài năng dụng binh, cưỡi ngựa bắn cung. Trong sử sách, chiến công của Triệu Vân không hiển hách như các danh tướng khác trong Tam quốc, nhưng chúng ta vẫn y nhiên cảm nhận được uy dũng vô song và trí tuệ của ông.

Tranh vẽ Triệu Vân (của Vương Song Khoan)

Năm Kiến An thứ 24 (năm 219), khi Lưu Bị đánh trận Hán Trung, lão tướng Hoàng Trung chuẩn bị cướp lương thực, quân nhu của quân Tào, nhưng đã quá thời gian ước định mà vẫn chưa về. Triệu Vân cùng xuất chinh lần này đoán rằng Hoàng Trung đã trúng mai phục, liền dẫn vài chục kỵ binh đi dò xét tình hình. Đi chưa lâu, gặp ngay chủ lực quân Tào, bị đội tiên phong mãnh liệt công kích. Hai bên vừa giáp chiến, thì đại quân Tào tràn đến như nước lũ, Triệu Vân võ nghệ cao cường, ung dung chỉ huy thuộc hạ đột phá trùng vây, vừa đánh vừa lui.

Quân Tào tuy bị hao tổn, nhưng ỷ thế đông quân, lớp lớp vây chặt Triệu Vân. Ông lùi dần về phía hàng rào của đại doanh quân Thục, bỗng nhìn thấy một bộ tướng của mình bị thương, cô độc trong trùng vây. Không chần chừ, ông quay đầu ngựa, lần nữa lao vào đột kích vòng vây giữa đao quang kiếm ảnh, cứu được bộ tướng về doanh trại. Lúc này, quân Tào đã tới hàng rào. Tướng phòng vệ chuẩn bị đóng cửa cố thủ, Triệu Vân liền ngăn lại, hạ lệnh mở rộng cửa, toàn quân lặng cờ tắt trống. Hôm nay Triệu tướng quân sao vậy, định để mọi người bó tay chờ chết, đợi quân Tào xông vào tùy ý tàn sát sao? Vị tướng lòng đầy nghi hoặc nhưng vẫn y lệnh Triệu Vân mà hành động.

Nguyên là, quân Tào đa nghi, họ nhìn thấy trong doanh yên ắng, không có biểu hiện phòng ngự gì cả, liền cho là Triệu Vân đã sắp đặt phục binh gần đây, đợi địch quân vào rồi cho quân vây khốn. Triệu Vân ngầm quan sát thấy quân Tào hoang mang, liền hạ lệnh nổi trống trận, bắn tên, làm như là đại quân đang đến. Trong khoảnh khắc, trống trận rầm trời, tên bắn như mưa, Tào quân kinh sợ, cho rằng quân chủ lực mai phục ở đây, nên vội vàng cướp đường tháo lui. Do quân đông, nên giẫm đạp lên nhau mà chạy, một số rơi xuống sông, chết đuối rất nhiều.

“Không doanh kế” của Triệu Vân lần này so với “Không thành kế” của Gia Cát Lượng trong “Tam quốc diễn nghĩa” có chỗ vi diệu riêng, đoạn này được sử sách ghi lại rất chi tiết chân thực. Triệu Vân vào tình thế vô cùng nguy cấp, đã vận dụng binh pháp hư thực tương sinh, mưu chiến tâm pháp một cách hết sức cao diệu. Do vậy, vào hôm sau, Lưu Bị đến xem xét chiến trường, phải thốt lên lời tán thán: “Tử Long quả là một người gan góc!”

Đến năm Kiến Hưng thứ sáu (năm 228), Gia Cát Lượng tiến hành Bắc phạt, Triệu Vân cùng tướng quân Đặng Chi phụng mệnh ngăn quân Tào, cố thủ Kỵ Cốc. Lúc giáp chiến, quân Tào người đông thế mạnh, Triệu Vân lâm thế bất lợi, đành thu gom tàn quân cố thủ nơi trọng yếu, làm quân Tào không sao truy kích được đại quân của Gia Cát Lượng. Sau đó, quân Thục chủ lực bị đại bại ở Nhai Đình, quân Tào toàn lực tấn công Triệu Vân ở Kỵ Cốc. Triệu Vân một mặt chỉ huy quân Thục trật tự rút lui, còn mình chặn hậu, đồng thời cho đốt sạn đạo cản đường quân Tào. Cho nên, Thục quân tuy bại, nhưng tổn hao về binh lực, lương thực rất ít.

Lần lui quân rất trật tự lần này, khiến Gia Cát Lượng kinh ngạc tán thán: “Khi rút lui ở Nhai Đình, quân của ta hàng ngũ hỗn loạn, mà khi Kỵ Cốc lui binh, hàng ngũ chỉnh tề như lúc xuất quân!”, cho thấy năng lực cầm quân của Triệu Vân thật xuất sắc.

Năm Kiến Hưng thứ 7 (năm 229), ánh quang huy của một ngôi sao sáng trên bầu trời vụt tắt, Triệu Vân - một đời bảo vệ nhà Thục Hán - đã ra đi. Mấy chục năm sau, ông được phong thụy hiệu “Thuận Bình Hầu”. Ở Thục Hán, chỉ những nhân vật lao khổ công lớn như Gia Cát Lượng, cho đến các tướng Quan, Trương, Mã, Hoàng mới có được vinh dự như vậy. Thụy pháp viết, nhu hiền từ huệ viết Thuận, chấp sự hữu ban viết Bình, khắc định họa loạn viết Bình. Hai từ Thuận Bình đã khái quát lên tài năng, phẩm hạnh một đời của Triệu Vân.

Hai con trai của Triệu Vân, đều kế thừa chí cha, một vị đảm nhiệm Hổ Bôn Trung Lang, bảo vệ an toàn cho vua Thục; một vị đảm nhiệm Nha Môn Tướng Quân, dẫn quân chinh chiến sau tử trận nơi sa trường, hai vị tướng này, cũng như cha Triệu Vân năm nào bảo vệ tiên chủ, xung phong hãm trận, chẳng kể sinh tử.

Triệu Vân mất đi, nhưng anh linh trung nghĩa vẫn còn mãi. Dưới bầu trời Thục Hán, vô luận lúc còn sống hay đã mất, ông đều lặng lẽ cống hiến, đoái hiện lời hứa nghĩa trọng như sơn thời trai trẻ.

(Hết)

Tác giả: Lan Âm - Theo Epochtimes

Thái Bình biên dịch

Tài liệu tham khảo :

"Tam quốc chí. Thục thư lục" “ Triệu vân truyện”; "Tam quốc diễn nghĩa, chương 41"



BÀI CHỌN LỌC

Trung nghĩa truyện: Một mình một ngựa cứu chủ, Triệu Vân nghĩa nặng như núi (2)