Trung nghĩa truyện: Lăng Thống - từ niên thiếu báo thù đến Hổ tướng Giang Đông

Giúp NTDVN sửa lỗi

Lăng Thống thân đầy thương tích, nhưng đến tận khi thấy tráng sĩ cuối cùng của Lăng gia nhắm mắt, Lăng Thống mới thấy tâm tràn bi thống, hai mắt mở căng. Nhưng Lăng Thống vẫn không ngã xuống, quyết không cô phụ quân gia đã dùng sinh mạng mà bảo vệ mình. Dự đoán Tôn Quyền đã thoát khỏi hiểm nguy, Lăng Thống vừa đánh vừa lui, lùi đến bờ sông, liền tung mình nhảy xuống sông...

Giang Đông là đất lắm anh tài, họ tuy sinh bên sông quê hiền hòa, xóm làng trù phú, nhưng mang tinh thần trượng nghĩa, khí khái con nhà võ sẵn sàng xông pha. Thời Tam quốc, các vị khai cơ lập quốc cùng mãnh tướng hổ thần đã lưu lại hàng loạt tên tuổi trong chiều dài lịch sử.

Hai cha con họ Lăng xuất hiện nổi bật trong trang sử anh hùng Đông Ngô.

Người cha là Lăng Tháo, được sử ghi là “Khinh hiệp hữu đảm khí”, hành hiệp trượng nghĩa, đảm lược dũng khí hơn người. “Tiểu Bá Vương” Tôn Sách khi mới khởi binh, Lăng Tháo theo nhà họ Tôn tranh đoạt thiên hạ. Khi hành quân đánh trận, ông là người tiên phong, xung phong hãm trận lập nhiều chiến công; trị lý địa phương, dẹp bằng phản loạn, trừng phạt gian tà, duy hộ an định một phương.

Khi Tôn Quyền hoạch định Đông Ngô, Lăng Tháo cùng Tôn Quyền thảo phạt Giang Hạ. Lần này, ông vẫn đảm nhận tiên phong, một mình dùng thuyền nhẹ tấn công quân địch, không may gặp ngay thần xạ Cam Ninh bên quân địch, bị trúng tên mất mạng nơi sa trường. Lăng Tháo mất, để lại cậu con trai mới 15 tuổi, tức Lăng Thống, tự Công Tích. Tôn Quyền thấy công lao Lăng Tháo vì nghiệp lớn mà mất, nên đặc cách đề bạt Lăng Thống làm Biệt bộ Tư mã, Đô úy Phá tặc, thống lĩnh quân cũ của cha. Nhân vật chính trong chuyện này là Lăng Thống, một vị nam tử chưa thành niên, kế thừa chí cha, nắm giữ gia nghiệp, được vận mệnh an bài nơi đỉnh cao quần hùng tranh bá thời Tam quốc.

Thiếu niên khí thịnh, hiếu nghĩa vi tiên

Vị thiếu chủ họ Lăng tuy mới 15 tuổi, nhưng có uy danh rất cao trong ba quân, tướng sĩ đều khen ngợi. Cũng do Lăng Thống kế nhiệm vị trí thống lĩnh “Quân họ Lăng”, nên được mọi người quy phục. Lúc ban đầu chinh chiến, ông theo đại quân Đông Ngô bình định sơn tặc. Tại địa danh Ma Truân, sơn tặc đông quá vạn, không thể coi thường, Đốc quan ước định thời gian cùng Lăng Thống bao vây.

Tôn Quyền vượt sông đánh Hoàng Tổ
Tôn Quyền vượt sông đánh Hoàng Tổ (Phạm vi công cộng)

Trước khi đại quân xuất phát, mở yến tiệc khích lệ sĩ khí. Lẽ ra không khí bữa tiệc rất vui vẻ, nhưng bị người phụ trách tiệc rượu tên Trần Cần làm hỏng. Trần Cần là người kiêu mạn bừa bãi, dựa chức vụ khinh mạn tướng sĩ, rượu mời, rượu phạt không theo quy củ. Lăng Thống thấy nóng mắt, trách mắng thẳng mặt, không nghe hiệu lệnh uống rượu của hắn. Thiếu niên bồng bột, không tránh được chọc tức người ta. Trần Cần thấy Lăng Thống như vậy, đang lúc rượu vào, liền lăng mạ cả phụ thân đã mất của Lăng Thống.

Cổ nhân rất trọng Đạo hiếu, con nhà võ nếu cha mẹ bị xúc phạm, thường tuốt kiếm tương đấu. Lăng Thống suy xét đến trận đại chiến trước mắt, không vì phẫn nộ cá nhân mà ảnh hưởng đại cục, nên nuốt hận, không đáp trả. Tướng sĩ thấy tình hình không tốt, cũng mau mau kết thúc tiệc rượu rồi giải tán, tránh xa xung đột của hai người.

Sự tình đâu chỉ vậy, Lăng Thống và Trần Cần lại đụng độ ngoài doanh, thật đúng cảnh oan gia ngõ hẹp. Trần Cần hơi rượu còn nồng, lại nhìn thấy Lăng Thống, nộ khí lại bốc lên, mượn rượu làm càn, chửi bới thậm tệ. Lăng Thống nhẫn vô khả nhẫn, lập tức tuốt kiếm, chém thẳng Trần Cần. Ánh kiếm vừa lóe, máu đào nhuộm đất, Trần Cần trọng thương. Vài ngày sau, có tin Trần Cần chết. Sát hại quân quan là phạm trọng tội. Hiện tại, chỉ còn đường thoát duy nhất là lập công chuộc tội.

Thế là, Lăng Thống chiêu tập quân Lăng gia, nói: “Chúng ta chỉ còn cách tử chiến chuộc tội, không còn cách nào khác”. Tướng sĩ đều biết Lăng Thống vì cha mà phạm quân pháp, không những không trách tội, mà còn nắm chặt tay, sĩ khí bừng bừng, sẵn sàng tử chiến. Tại chiến trường Ma Truân, đại quân Đông Ngô xuất kích, Lăng Thống như cha ngày nào, dẫn đầu quân xung trận, chẳng kể tên bắn đá rơi, nhằm thẳng địch quân mãnh liệt công kích. Mũi nhọn của Lăng Thống nhanh chóng chọc thủng địch quân, tướng sĩ thừa thắng xông lên, đại phá sơn tặc.

Lăng Thống lập công đầu, về tới bản doanh, chủ động đến quan chấp pháp chịu tội. Vận mệnh gia tộc Lăng Thống, dường như rất giống với quân chủ Tôn gia. Hai nhà đều có phụ thân qua đời khi còn trẻ, để lại con vị thành niên, Lăng Thống lúc tiếp quản gia nghiệp so với Tôn Sách lĩnh binh mở rộng Giang Đông vẫn ít hơn hai tuổi. Nếu Lăng Thống phải chịu tội, thì thật đáng tiếc cho gia tộc họ Lăng.

Tôn Quyền đối diện với tình cảnh này, ngoài đạo nghĩa quân thần, còn có phần đồng cảm. Do vậy, sau khi cân nhắc sự tình đầu cuối, Tôn Quyền không những không trách tội sát nhân trước trận, mà còn khen Lăng Thống quả cảm cương nghị, cho phép lấy công chuộc tội. Hơn nữa, Tôn Quyền coi Lăng Thống là người hiếu nghĩa vô song, dũng mãnh tác chiến, điều về cạnh mình cùng chinh chiến.

Lăng, Cam giải oán, lấy Trung làm Hiếu

Năm Kiến An thứ 13 ( năm 208), Tôn Quyền thảo phạt Hoàng Tổ ở Giang Hạ, Lăng Thống lại đảm nhiệm tiên phong xuất chinh. Giang Hạ, nơi lưu dấu bi thương của hai gia tộc, Tôn Kiên, Lăng Tháo đều nối nhau tử trận ở đây. Cho nên đây cũng là trận phục thù của Tôn Quyền cùng Lăng Thống. Lần hành quân này dùng đường thủy, đặc biệt là Lăng Thống mang vài chục thân tín võ nghệ cao cường, luôn đi trước đại quân mấy chục dặm, thẳng đến bờ phải, đánh úp địch quân. Vừa xung trận đã hạ sát một danh tướng của Hoàng Tổ tên Trương Cáp, bắt giữ nhiều tù binh.

Tôn Trọng Mưu đại chiến Hợp Phì
Tôn Trọng Mưu đại chiến Hợp Phì (Phạm vi công cộng)

Rồi quay về gặp quân chủ lực của Tôn Quyền, báo rằng quân địch bên phải sông phòng ngự sơ hở, có thể đánh thẳng vào. Sau đó, đại quân đi suốt ngày đêm, hai đường thủy, bộ cùng đến. Đại tướng Lã Mông đánh tan thủy quân tiên phong của Hoàng Tổ, Lăng Thống cùng tướng quân Đổng Tập đánh chiếm quận thành Giang Hạ. Cuối cùng, Hoàng Tổ thua chạy, bị chém đầu nơi sa trường. Tôn Quyền lấy thủ cấp, hiến tế phụ thân Tôn Kiên, báo được thù nhà. Trong trận này, Lăng Thống cũng nhiều công lao, nên được phong Đô úy. Về sau, ông đánh bại Tào Tháo ở Ô Lâm, chống cự Tào Nhân ở Nam Quận, phá Hoán thành, đoạt Kinh Châu, tham dự rất nhiều trận đại chiến, một mạch thăng tiến tới chức Hữu Bộ Đốc. Trong “Tam Quốc chí”, Lăng Thống còn là một trong số ít nhân vật được bình là vị tướng “Quốc sĩ chi phong”, tạm dịch là: Bậc sĩ phu của quốc gia. Trong sách bình rằng, tuy thân nơi binh nghiệp, nhưng gần người hiền tài, tiếp nhận nhân sĩ, trọng nghĩa khinh tài, thể hiện ra một vị đại tướng nho nhã ôn hòa.

Tuy nhiên, dù Lăng Thống là một chiến tướng đã trưởng thành nơi sa trường, nhưng lửa thù trong tâm chưa bao giờ nguội lạnh, trái lại, thấy Cam Ninh quy hàng, lửa thù càng thêm bốc. Khi trước, Lăng Tháo, Cam Ninh đều vì chủ mà chiến, cái chết của Lăng Tháo không nên khắc nghiệt trách Cam Ninh. Nhưng suy cho cùng, thì Cam Ninh cũng vẫn là người gây nên cái chết của Lăng Tháo, Lăng Thống biết vậy, nhưng không sao buông được niềm đau mất cha, mà tâm bình khí hòa đối đãi Cam Ninh.

Thực ra, Cam Ninh cũng biết ân oán với Lăng Thống khó mà hóa giải, nên có chút phòng bị, cố tránh gặp mặt. Nhưng sao tránh được, một lần trong yến tiệc Lã Mông thết đãi, hai người ngẫu nhiên ngồi cùng chiếu, không khí lập tức trở lên căng thẳng như cung đã căng dây, kiếm ra khỏi vỏ. Lúc ngà say, Lăng Thống đột nhiên đứng dậy, lấy đao múa võ cho thêm phần náo nhiệt. Với binh khí đã qua bao trận trên tay, đâu có thấy chút hàm ý mua vui, trái lại tỏa sát khí trùng trùng, chiêu thức đều nhắm Cam Ninh mà tới.

Lăng Thống thần nhãn sắc bén, không bỏ qua nhất cử nhất động của Cam Ninh. Cam Ninh cũng không nhường, cầm song kích nói: “Tôi cũng xin dùng song kích mua vui một khúc cho mọi người!”. Lúc này người vung đao kẻ múa kích, khí thế dũng mãnh, bỗng một giọng trầm hùng uy nghiêm nói với Cam Ninh: “Trông được đấy, nhưng không hay bằng ta!”. Mọi người tròn mắt nhìn, thì ra là Lã Mông, ông dùng lực tách hai người, hóa giải một trận ác chiến.

Từ đó về sau, Tôn Quyền phái Cam Ninh đi Bán Châu trấn thủ, cũng răn bảo Lăng Thống không tìm Cam Ninh báo thù. Không biết lúc đó tâm trạng Lăng Thống ra sao, nhưng sau này lịch sử cũng không có ghi chép gì về mâu thuẫn này. Có lẽ Lăng Thống vẫn ôm thù cũ, nhưng phải tuân quân mệnh mà chôn sâu trong lòng, đem lòng chí hiếu với cha chuyển thành tinh thần trượng nghĩa trung quân báo quốc.

Tử chiến bảo vệ chủ, cố nhân tan tác

Năm Kiến An thứ 20 (năm 215), Tôn Quyền tập trung 10 vạn đại quân, phát động trận chiến Hợp Phì lần thứ 2, Lăng Thống cũng xuất chinh. Trong lịch sử, Đông Ngô và Tào Ngụy phát sinh sáu lần xung đột ở Hợp Phì, đại đa số là quân Đông Ngô phải rút lui. Ở chiến dịch lần thứ 2 này, đối thủ của Tôn Quyền là danh tướng Tào Ngụy Trương Liêu, nên Đông Ngô bị một phen đại bại. Đây cũng là trận chiến bi tráng nhất, là trận đại chiến cuối cùng của Lăng Thống và gia tộc họ Lăng, cũng là trận mà kiến chứng Lăng Thống và Cam Ninh đồng tâm tác chiến.

Trương Liêu đại chiến bến Tiêu Dao
Trương Liêu đại chiến bến Tiêu Dao (Phạm vi công cộng)

Lúc đó, quân trấn thủ Hợp Phì chỉ có khoảng 7 nghìn, Tào Tháo phái người gửi mật hàm, bày cách cho tướng sĩ đối phó. Sách lược của ông là : Đợi Tôn Quyền dẫn binh tới chân thành, Trương Liêu, Lý Điển tức khắc xuất thành nghênh chiến, Nhạc Tiến phụ trách thủ thành. Do binh lực hai bên chênh nhau quá lớn, nên tướng sĩ Tào quân có chút e dè, chỉ có Trương Liêu tín tâm đầy đủ, giải thích thâm ý của Tào Tháo: Nếu đợi đại quân của Tào Tháo đến, e là Tôn Quyền chiếm được Hợp Phì, do vậy chúng ta cần ra tay trước, lung lạc sĩ khí địch quân, an định quân tâm bên mình. “Thành bại đều ở trận này!”

Đang đêm, Trương Liêu chiêu mộ 800 quân cảm tử. Sáng sớm hôm sau, Trương Liêu mặc giáp cầm thương, dẫn quân đột kích doanh trại quân Ngô. Quân tướng Đông Ngô trở tay không kịp, mãnh tướng Trần Vũ tử chiến, Tống Khiêm, Từ Thịnh bị thương triệt thoái, Tôn Quyền vội lên chỗ cao, quan sát trận chiến. Trận chiến kéo dài đến tận trưa, quân Đông Ngô sĩ khí tiêu tán, thua chạy về doanh trại. Sau đó, Tôn Quyền và quân Tào đối kháng hơn 10 ngày. Do trong quân dịch bệnh bùng phát, không hy vọng đoạt thành, Tôn Quyền chỉ còn cách hạ lệnh lui quân.

Nhưng nguy hiểm thực sự đang ở đằng sau. Các lộ quân lục tục thoái lui, đến bến Tiêu Dao, chuẩn bị vượt sông. Tôn Quyền và Lăng Thống phụ trách đoạn hậu, đợi đại bộ phận quân đội qua sông, lúc chuẩn bị triệt thoái thì Trương Liêu đột ngột dẫn quân lao đến, truy kích quân Đông Ngô còn lại trên bờ Bắc. Nhìn thấy đại quân đã đi xa, khó kịp quay lại cứu viện, nguy nan lại chồng chất nguy nan, khi Trương Liêu cho hủy cầu nối, đoạn tuyệt đường thoát của Tôn Quyền. Quân Đông Ngô sĩ khí tiêu tán, trông thấy Trương Liêu thì sợ mất vía, đến mức không nhấc nổi dùi mà đánh trống báo hiệu.

Cam Ninh thấy vậy, lập tức lớn tiếng trách mắng, đồng thời vung đao hạ sát một binh sĩ đánh trống, trấn nhiếp quân binh. Lúc này mới bắt đầu cử quân nhạc hùng tráng, quân sĩ nghe thấy, phấn khởi tinh thần. Sau đó Cam Ninh tự thân hộ tống Tôn Quyền đến chân cầu gãy, cầu còn hai đoạn, giữa trống cả trượng, dưới sông nước chảy cuồn cuộn, khó mà vượt qua, có người hiến kế, để Tôn Quyền thúc ngựa vọt qua, người chạy sau vụt ngựa trợ thế. Tôn Quyền nhờ vậy mà thoát hiểm, bình an triệt thoái. Còn lại nơi chiến trận là Lăng Thống cùng 3 trăm quân đối đầu với Trương Liêu thống lĩnh đội cảm tử quân. Lăng Thống chỉ cố gắng làm sao cầm cự giữ chân, không để Trương Liêu chia quân truy đuổi Tôn Quyền. Các tráng sĩ họ Lăng đều nghĩ như vậy. Thế là, Lăng Thống cầm đao, thi triển bình sinh tuyệt học; quân Lăng gia cố sức sát địch, quyết tử mà đánh; có người lấy thân che đỡ cho thiếu chủ tránh khỏi đòn chí mạng.

Lăng Thống thân đầy thương tích, nhưng đến tận khi thấy tráng sĩ cuối cùng của Lăng gia nhắm mắt, Lăng Thống mới thấy tâm tràn bi thống, hai mắt mở căng. Nhưng Lăng Thống vẫn không ngã xuống, quyết không cô phụ quân sĩ đã dùng sinh mạng mà bảo vệ mình. Dự đoán Tôn Quyền đã thoát khỏi hiểm nguy, Lăng Thống vừa đánh vừa lui, lùi đến bờ sông, liền tung mình nhảy xuống sông, nhờ ý chí kiên cường mà sang được bờ Nam, hội ngộ Tôn Quyền.

Thấy Lăng Thống còn sống quay về, Tôn Quyền vừa mừng vừa lo, lưu Lăng Thống trên thuyền của mình, cho mời thầy thuốc giỏi, dùng các loại thuốc tốt nhất để phục thương. Lăng Thống tuy giữ được sinh mệnh, nhưng nghĩ đến bao người trong gia tộc, tùy thân chinh chiến, nay không một ai quay về, khó ngăn bi thống, tuôn dòng lệ rơi. Tôn Quyền dùng tay áo mình lau nước mắt cho Lăng Thống, an ủi: “Công Tích, người đã mất rồi. Chỉ cần còn cậu, đâu ngại không có Lăng quân?” đợi Lăng Thống phục hồi, Tôn Quyền phong ông làm Tướng quân, cấp binh lực cho gia tộc gấp đôi khi trước.

Tuy nhiên, người khuất đã xa, cho dù có thành lập đội quân mới, thì vẫn không thể so được với quân lực họ Lăng khi xưa, những người anh em cùng đồng sinh cộng tử. Hai năm sau, trên đường bình định sơn tặc, qua quê cũ, vào thành thăm lại thân bằng cố hữu, thái độ hết sức cung kính biết ơn. Có lẽ nơi đây cũng có nhiều thân nhân của binh sĩ trong đội quân, Lăng Thống cũng thay mặt họ mà nói lời cáo biệt. Sau đó, Lăng Thống đột nhiên bị bệnh qua đời, vĩnh viễn lưu lại thời khắc huy hoàng tráng liệt, khi cùng gia tộc đánh trận bên bến nước Tiêu Diêu.

Năm đó, Lăng Thống mới 29 tuổi. Tôn Quyền nhận tin dữ, đổ sụp xuống giường. Không cầm được bi thống ngập lòng, tiếc thương một trung thần lương tướng, suốt mấy ngày ăn uống cầm hơi, mỗi khi nhắc tên Lăng Thống lại tuôn hai hàng lệ. Có lẽ, Tôn Quyền cũng hoài niệm anh trai Tôn Sách và cha mình, cùng các tướng sĩ một đời vào sinh ra tử, giành được thiên hạ Đông Ngô, tinh thần trung nghĩa ấy, còn được lưu truyền mãi.

Chiến tướng Đông Ngô Lăng Thống mất, để lại hai con trai. Tôn Quyền nhìn bọn trẻ, phảng phất hy vọng phục hưng gia tộc họ Lăng. Ông thu nhận bọn trẻ, nuôi dưỡng trong cung, coi như con mình. Mỗi khi có khách, ông đều mang hai cậu bé cạnh mình, rồi nói: “Đây là con Hổ của ta.” Để hai cậu lớn dần, Tôn Quyền dạy dỗ chu đáo, bồi dưỡng văn võ, nhằm kế thừa tước vị và binh quyền của Lăng Thống.

Từ một thiếu niên tuổi mười lăm, đến đại tướng năm 29 tuổi, cuộc đời một anh hùng sớm khuất làm thế nhân tiếc nuối. Trong sử sách cũng có một ghi chép khác, cho là Lăng Thống mất năm 49 tuổi, nhưng như vậy thì mâu thuẫn với chính sử. Cho dù cuộc đời ngắn ngủi thế nào, thì Lăng Thống và quân sĩ họ Lăng vẫn ôm lòng trung hiếu, anh dũng vô úy xông pha, vì đại nghĩa mà xả bỏ thân mệnh. Cuối cùng, Lăng Thống trở thành một trong những “Hổ thần” của Đông Ngô lưu danh sử sách; Uy danh của quân họ Lăng, cũng vĩnh viễn lưu danh hậu thế.

Thái Bình

Tư liệu tham khảo: "Tam Quốc chí"



BÀI CHỌN LỌC

Trung nghĩa truyện: Lăng Thống - từ niên thiếu báo thù đến Hổ tướng Giang Đông