Trung Nghĩa truyện: Cao thủ võ lâm Hứa Chử trung thành hộ vệ Tào Tháo

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vậy nên, Mã Siêu hỏi Tào Tháo: “Vị hổ tướng thường bên cạnh ông, nay ở đâu?” Tào Tháo chỉ vị tráng sĩ đứng sau, nhẹ cười không nói. Chỉ thấy Hứa Chử trợn tròn mắt hổ nhìn chằm chằm vào Mã Siêu, tinh quang phát ra, tự như nộ khí sắp tuôn trào.

Gió mây vần vũ, anh hùng hào kiệt ở nơi đâu? Năm Kiến An hiệu Hưng Bình, chính quyền Tào Ngụy vừa mới trải qua thời kỳ đầu gian nan, Ngụy Vũ Tào Tháo giữ Duyện Châu, Dự Châu, do giang sơn chia cắt mà nhọc tâm. Vào ngày nọ, trong đại doanh, có hơn một trăm tráng sĩ cao lớn khôi ngô đột nhiên xuất hiện trước mặt Tào Tháo, xin gia nhập quân đội.

Các tráng sĩ ai nấy đều đeo bảo kiếm, vừa nhìn đã thấy oai phong lẫm liệt, nghĩa khí tràn đầy của hiệp sĩ kiếm khách. Tào Tháo vui mừng, nhìn người dẫn đầu thì vui ra mặt.

Hán tử trước mặt, thân cao hơn tám thước, eo rộng, mày rậm, mắt hổ, uy nghiêm phi thường, tựa như Thần binh Thần tướng giáng trần vậy. Tiếng nói mang âm địa phương huyện Tiêu quen thuộc, nghe thanh âm trầm bổng truyền đến tai, Tào Tháo bất giác cảm thấy thân thiết ấm áp. Vị tráng sĩ này, có phải là Hứa Chử, vị tráng sĩ trí dũng song toàn nổi danh khắp Hoài, Nhữ, Trần, Lương, mà đạo tặc chỉ nghe danh cũng đã run sợ?

“Đây chính là Phàn Khoái bên cạnh ta rồi!”, Tào Tháo cười lớn. Lúc này ông đang mở rộng thế lực bên bờ sông Hoài, Nhữ, đúng là lúc đang cần dùng người. Hứa Chử đến khác gì Trời ban của quý, thật thỏa lòng mong cầu ngày đêm của Tào Tháo.

Ném đá, dắt trâu, dùng mưu thoát địch

Hứa Chử, tự Trọng Khang, là người đồng hương Tào Tháo. Cổ nhân rất coi trọng mối quan hệ họ tộc và đồng hương, vậy nên mới gặp lần đầu mà tự nhiên hình thành quan hệ quân thần thân mật. Tất nhiên, thực lực của Hứa Chử mới là điều Tào Tháo coi trọng nhất. Ông sinh vào thời loạn, lại có tài lực Trời cho, sớm đã tinh thông võ nghệ. Nhưng Hứa Chử không phải là kẻ phàm phu cậy sức, mà ông có tài quan sát và quyết sách nhạy bén, vào thời khắc quan trọng bảo vệ được người dân và họ tộc, làm danh tiếng của ông vang xa.

Chân dung Tào Tháo. (Phạm vi công cộng)

Lúc đó, có rất nhiều giặc cướp giết người phóng hỏa, dân thường chỉ còn cách bỏ quê mà đi để bảo toàn tính mệnh. Nhưng ở huyện Tiêu tình hình lại khác. Hứa Chử xuất thân ở một hộ lớn, ông chủ động đảm nhận trọng trách bảo vệ gia đình. Ông chiêu tập trai tráng trong thôn và họ tộc tổng cộng khoảng mấy nghìn người, cùng nhau xây tường lũy kiên cố để ngăn giặc cướp xâm nhập. Vùng Nhữ Nam Cát Bi có một toán giặc cướp khoảng vạn người, nhằm gia tộc Hứa Chử tiến đánh, triển khai thế lực rất mãnh liệt, Hứa Chử chỉ huy người nhà ứng chiến.

Nhưng địch nhiều ta ít, lực lượng chênh lệch quá lớn, bên Hứa Chử cung tên sắp cạn, lương thực cũng sắp hết, mọi người chiến đấu căng thẳng sắp đến lúc sức cùng lực kiệt. Cường tặc bên ngoài, cậy đông, không ngừng bổ xung quân số và khí giới, thế công càng lúc càng mạnh. Hứa Chử biết rằng, cứ thế này kéo dài không được, cần phải nghĩ kế sách mà trấn nhiếp cường đạo, không đánh mà phải lui.

Ông bảo mọi người, bất kể nam nữ đều cần hành động, gom những cục đá to, bày xung quanh tường lũy. Bố trí xong, Hứa Chử bước lên thành nhìn ra, vừa lúc gặp ngay một đợt tiến công của địch. Chỉ thấy ông hai mắt mở tròn, nhặt một cục đá, cũng chẳng rõ động tác thế nào, cục đá bay vù trúng ngay một tên địch. Kẻ đó lập tức máu văng tứ phía, ngã xuống bất động. Liên tiếp những cục đá bay vèo vèo khi ông vung tay, khi đá rơi xuống có uy lực như đạn pháo, kẻ không gân đứt xương gãy thì cũng chảy máu mất mạng, kẻ may mắn không bị thương thì dắt díu nhau bỏ chạy.

Hứa Chử thể hiện tuyệt kỹ ném đá, không phát nào không trúng, giải thể tham vọng chiếm cướp của cường đạo. Thế giặc hung hãn giờ xẹp xuống, tiếng rên la khắp nơi, bọn chúng có lẽ nghĩ, không nhẽ trong đó có Thần Tiên? Hứa Chử thấy thời cơ đã đến, liền nói lớn: Muốn giữ mạng thì ngừng chiến ngay, chúng ta đổi trâu lấy lương thực được không? Lúc này cường đạo chỉ muốn nhanh giảng hòa mà tránh xa vị tráng sĩ cao lớn kia, nên đồng ý ngay điều kiện của Hứa Chử.

Chẳng ngờ lại có việc phát sinh, trâu quen chủ cũ, trong khi trao đổi, vừa mới dắt sang trao cho địch thì tung bốn vó chạy về. Không để cho đạo tặc bị thiệt, Hứa Chử chạy ra khỏi lũy, đến cạnh trâu, nắm lấy đuôi kéo ngược lại. Con trâu ước nặng vài trăm cân, mà không thể tiến, bị Hứa Chử lôi xềnh xệch từng bước,từng bước đến trước mặt cường đạo.

Đám đạo tặc nhìn Hứa Chử cao to, cứ như cái bóng lớn che khuất ánh mặt trời trên đầu, càng lúc càng gần. Tiếng mỗi bước chân có khí thế long trời lở đất. Họ triệt để bái phục, có một vị đại lực Thần trấn thủ như vậy thì còn mong gì thắng trận? nên khi Hứa Chử vừa đến nơi, họ sợ quá co cẳng chạy, nào là trâu, lương thực đều bỏ cả lại sau. Từ đó, tên tuổi ông vang khắp giang hồ, không kẻ nào dám xâm phạm nhà họ Hứa nữa.

Hứa Chử ở trận này, tuy chỉ là một trận chiến bảo vệ thông thường, nhưng đã thể hiện được trách nhiệm, dám gánh vác, cùng trí dũng song toàn, lâm nguy bất loạn.

Những phẩm chất ưu tú này cũng là cơ sở quan trọng để ông thành công trong việc hộ vệ Tào Tháo.

Lấy thân bảo hộ, dự đoán siêu thường

Ngày đầu tiên, Tào Tháo giao cho ông chức Đô úy, cũng là chức đội phó cận vệ. Tào Tháo ví Hứa Chử như Phàn Khoái thời Hán Sở, là đặt kỳ vọng lớn vào ông. Phàn Khoái được người đời biết đến do sự tích anh dũng toàn lực cứu Lưu Bang ở Hồng Môn yến và phong thái uống rượu hào sảng của ông. Lúc này, Điển Vi nếu còn sống, thì là đội trưởng cận vệ. Nếu so sánh, tính cách hào sảng của Điển Vi rất gần với hình tượng Phàn Khoái. Có lẽ lúc đó, Tào Tháo thấy Hứa Chử cũng giống như Điển Vi là người tận trung tận chức mà hộ vệ bên mình. “Tam Quốc chí” có bình về hai ông: “Hứa Chử, Điển Vi tả xung hữu đột, như Phàn Khoái nhà Hán vậy.”

(Phạm vi công cộng)

Trước trận đại chiến Uyển thành, có một đoạn thời gian ngắn, Điển Vi, Hứa Chử hai vị tráng sĩ phối hợp cùng nhau, bên trái, bên phải hộ vệ Tào Tháo. Sau khi Điển Vi tạ thế, Hứa Chử trở thành đứng đầu cận vệ quân. Khi Điển Vi đứng trước, Hứa Chử theo sát hộ vệ, ông cũng có những điểm mạnh riêng, mà về mặt cơ mưu thì có phần nổi trội.

Năm Kiến An thứ 5 (năm 200), Tào Tháo và Viên Thiệu quyết chiến ở Quan Độ, do binh lực yếu, Tào Tháo hết sức vất vả, có lúc định cho quân quay về để phục hồi lực lượng. Lúc này, nội bộ quân Tào nhân tâm dao động, có một số người không muốn sát cánh cùng chủ tướng mà lại tìm đường tháo lui.

Trong đội cận vệ có người họ Từ, tâm sinh ác niệm, câu kết vài đồng bọn, mật mưu thích sát Tào Tháo, chạy sang bên Viên Thiệu. Chúng nhận định, chỉ có Hứa Chử là chướng ngại lớn nhất. Mang thân thể cao lớn cùng Thần lực trời phú, Hứa Chử quả là tường đồng vách sắt; khi hộ vệ thì một bước không rời Tào Tháo, không sơ hở chút nào. Bọn Từ ước định, sẽ hành động lúc Hứa Chử nghỉ về thăm nhà.

Cuối cùng, đợi đến ngày Hứa Chử nghỉ, bọn Từ xác nhận là Hứa Chử đã rời bản doanh Tào Tháo, nhân lúc bốn phía không người, liền giấu vũ khí lẻn vào. Trong trướng có một bóng người cao lớn, dưới ánh sáng lờ mờ, đám thích khách thận trọng tiến vào, chuẩn bị rút đao hành thích. Đến gần, bỗng lạnh toát người : Thân ảnh này cao lớn hơn Tào Tháo rất nhiều, đâu có phải là Tào Tháo, mà chính là ông ném đá, dắt trâu Hứa Trọng Khang đây mà! Ông có thuật phân thân sao ?

Hứa Chử thấy bọn Từ lén lén lút lút tiến vào đại trướng Tào Tháo, thấy ông thì sợ mặt trắng bệch, chân run lẩy bẩy, như kẻ mất hồn. Chẳng cần thẩm vấn cũng biết bọn họ định hành thích Tào Tháo. Hứa Chử lập tức rút binh đao, xông đến truy sát. Sao Hứa Chử lại ở trong trướng? Do là, khi ông về tới phòng mình, bỗng cảm thấy bất an, như có việc trọng đại gì sắp phát sinh. Hứa Chử là con nhà võ, linh cơ mẫn tiệp, lập tức quay lại đại trướng xem xét, vùa lúc gặp bọn Từ mà tóm gọn.

Qua sự việc kinh động này, Tào Tháo lại càng thêm tín nhiệm, từ đó hai vị như hình với bóng mà đồng hành. Cũng có người cho rằng đó là màn kịch tự biên tự diễn của Hứa Chử:

Ông sớm biết trong quân có mưu phản, lấy danh nghĩa nghỉ phép thăm quê mà dụ thích khách chủ động ra tay, từ đó mà tóm gọn. Một tên trúng hai đích, vừa hóa giải nguy hiểm, vừa trấn nhiếp kẻ địch ẩn trong quân. Vô luận đó là linh cảm Trời ban, hay là kế sách cẩn mật, thì đều chứng minh rằng Hứa Chử không hổ danh là người kế tục Điển Vi - đệ nhất bảo tiêu.

Đồng Quan cứu chủ, dọa Mã Siêu lui

Tuy nói, thành tích chủ yếu của Hứa Chử là bảo vệ an toàn cho Tào Tháo, nhưng khi cùng Tào Tháo trên chiến trường ông cũng triển hiện năng lực chiến đấu kinh người của mình. Lúc Tào Tháo chinh phạt Trương Tú, ông xông lên trước sát địch, cùng tướng sĩ lập công, được phong làm hiệu úy. Khi cùng Tào Tháo đánh Nghiệp thành, Hứa Chử cũng lập công được thưởng Quan nội hầu. Trong quân sĩ, thấy ông chiến đấu như hổ, bảo vệ chủ như si ngốc (không quản sống chết), nên vừa kính vừa mến đặt cho ông danh hiệu là “Hổ si”.

(Phạm vi công cộng)

Còn với trăm vị kiếm khách đi cùng Hứa Chử lúc trước, Tào Tháo biên chế thành đội “Hổ sĩ” dưới quyền Hứa Chử. Trước trận đánh, tất cả họ đều được phong thành tướng lĩnh, cùng thủ lĩnh của họ sát địch lập công. Không chỉ mình Hứa Chử, các kiếm khách đều được phong Đô úy, Hiệu úy, phong Hầu cũng hơn chục người.

Có thể tưởng tượng, hơn trăm kiếm sĩ, dàn trận thế không gì phá vỡ, thi triển kiếm pháp tuyệt luân, thật là Hổ si lại thêm Hổ sĩ, hổ hổ sinh uy, thiên hạ vô địch. Giáp vàng sáng ngời, bóng kiếm mờ ảo, lấp loáng tương giao, thật là một màn tráng quan ngoạn mục trên chiến trường.

Thời gian thấm thoắt, đến năm Kiến An thứ 16 ( năm 211), Tào Tháo mưu đồ lấy Quan Trung, Hàn Toại, Mã Siêu suất lĩnh 10 vạn liên quân hợp chiến Đồng Quan. Trong đó, Mã Siêu cát cứ Kinh Châu là nhân vật trung tâm của liên quân. Ông là hậu duệ của Phục Ba Tướng Quân Mã Viện, là vị tướng trẻ tuổi nhưng có nhiều kinh nghiệm chiến trường. Người ta đồn rằng ông là con sư tử của Văn Thù Bồ Tát chuyển sinh, dũng lực phi phàm; cũng là chưởng môn của một võ đường, có các tuyệt kỹ “Xuất thủ pháp” kiếm thuật, Tây Lương chưởng. Hứa Chử mà gặp Mã Siêu sẽ là một trận tranh hùng Hổ và Sư Tử, cũng là trận quyết đấu giữa hai cao thủ tuyệt luân.

Vào một ngày tháng 8, quân Tào từ Đồng Quan vượt sông Hoàng Hà phía Bắc, Tào Tháo thể hiện rõ chí khí của bậc anh hùng, lệnh đại quân đi trước, còn ông cùng Hứa Chử và trăm vị Hổ sĩ lưu lại bờ Nam chặn phía sau. Đúng vào lúc Tào Tháo dẫn đội quân cuối cùng vượt sông, thì Mã Siêu mang vạn quân đột nhiên xuất hiện. Quân địch ngựa nhanh, tên cũng nhanh, khoảnh khắc ập đến, tên bắn sát sạt như mưa. Hứa Chử thấy vậy, bẩm Tào Tháo: “Đại quân đã qua sông, cần lập tức rời khỏi đây” nói xong liền dìu Tào Tháo lên một chiếc thuyền nhỏ.

Tình huống tồi tệ nhất đã phát sinh. Quân địch trên bờ bắn tên như mưa, trên thuyền không nơi ẩn nấp, lái thuyền trúng tên tử vong, thuyền không ai lái. Hứa Chử không biết từ lúc nào đã cầm theo một cái yên ngựa, tay trái che chắn cho Tào Tháo, tay phải cầm mái chèo, cứ như vậy vừa chèo thuyền vừa che chắn hộ vệ Tào Tháo sang bờ bên kia. Thật may, cái yên ngựa trở thành tấm khiên kiên cố, bảo vệ Tào Tháo không mảy may rụng sợi tóc. Hứa Chử lâm nguy bất loạn, triển hiện Thần uy, thành tựu lên uy danh kinh tâm động phách trong lịch sử Tam Quốc.

"Tam Quốc chí” viết ý rằng, nếu hôm đó không có Hứa Chử bên cạnh, thì Tào Tháo đã lâm nguy rồi. Bờ bên, quân Tào thấy lửa cháy tên bay, ai nấy đều lo sợ bất an, thấy Tào Tháo lành ít, dữ nhiều. Khi Hứa Chử đưa được Tào Tháo sang bờ bên này, quân tướng mừng rơi lệ. Tào Tháo sảng khoái cười lớn: “Hôm nay chút nữa thì bị thằng nhóc Mã Siêu làm khó rồi!”

Đây cũng là phong độ của bậc anh hùng cái thế, cho dù phải chạy thoát thân, vẫn y nhiên cười đùa, thản nhiên bất động.

Nhưng Tào Tháo cũng là người giàu tình cảm, từ lúc Điển Vi mất, trong lòng ông luôn có cảm giác mất mát. Hứa Chử đến, không chỉ bù đắp khoảng trống này, mà còn làm ông thêm an tâm. Vị tráng sĩ trung hậu cung khiêm này, tuy không giống Điển Vi tiệc rượu hào sảng, nhưng đều là bậc võ công trác tuyệt, can đảm nghĩa hiệp, trung thành hộ vệ.

Sau đó, Tào Tháo hẹn gặp Hàn Toại, Mã Siêu. Các bên đều không mang tùy tùng, Tào Tháo chỉ đem theo một mình Hứa Chử. Mã Siêu tự phụ võ công, chuẩn bị tập kích Tào Tháo trong lúc hội đàm, nhưng Hứa Chử danh chấn giang hồ, e ngại nhất là người này. Vậy nên, Mã Siêu hỏi Tào Tháo: “Vị hổ tướng thường bên cạnh ông, nay ở đâu?” Tào Tháo chỉ vị tráng sĩ đứng sau, nhẹ cười không nói. Chỉ thấy Hứa Chử trợn tròn mắt hổ nhìn chằm chằm vào Mã Siêu, tinh quang phát ra, tự như nộ khí sắp tuôn trào.

Mã Siêu vừa thấy ánh mắt của Hứa Chử, tất cả mưu đồ ám toán bay sạch. Đến tận hội đàm kết thúc, Mã Siêu cũng không dám ra tay – Hứa Chử lại cứu Tào Tháo một lần nữa. Thực ra khi các cao thủ so tài, không cần phải dùng đến chiêu thức động thủ, chỉ cần nhìn thần thái thì thắng bại, cao thấp đã rõ.

Phụng công thủ pháp, có thủy có chung

Trong trận chiến Đồng Quan, Hứa Chử lập nhiều công, được Tào Tháo phong làm “Võ vệ trung lang tướng”. Võ vệ, nghĩa là dùng võ công để hộ vệ, đây là danh hiệu đặc biệt mà Tào Tháo đặt riêng để ghi nhận công lao của ông. Ngay danh hiệu “Hổ si” khi được Mã Siêu hỏi đến lại càng vang dội, thế nhân thậm chí cho “Hổ si” chính là tên ông. Nhưng không phải là si ngốc thật, trái lại chỗ cao minh của ông không chỉ là thể hiện trên chiến trường đánh địch, nguy nan cứu chủ, mà trong triều ông là người ít nói, cẩn thận chấp pháp, cung kính giữ bổn phận, được Tào Tháo và quần thần tín nhiệm.

Thái Bình
Tác giả: Lan Âm -Theo Epochtimes



BÀI CHỌN LỌC

Trung Nghĩa truyện: Cao thủ võ lâm Hứa Chử trung thành hộ vệ Tào Tháo