Triển lãm ‘Nhà nguyện Sistine của Michelangelo’ trên khắp Hoa Kỳ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cách đây 500 năm, Michelangelo đã ‘buộc’ các giáo hoàng, hoàng tử và các vị giáo chủ phải ngửa cổ nhìn lên trời. Ngày nay, vinh quang của ‘vòm bích họa’ của ông đã được hạ xuống thông qua chương trình du lịch “Triển lãm Nhà nguyện Sistine của Michelangelo”.

Triển lãm hấp dẫn này được trưng bày ở một số thành phố của Hoa Kỳ như Chicago; San Francisco; San Antonio, Texas; và Charlotte, Bắc Carolina; những du khách may mắn thưởng ngoạn 34 bức tranh tái hiện kích thước như thật từ các bức tranh gốc của Michelangelo, được sắp xếp theo trình tự giống như trong nhà nguyện ở Vatican và đủ gần để chạm vào.

Năm 1508, một Michelangelo Buonarroti bất đắc dĩ được mời đến để vẽ mái vòm của Nhà nguyện Sistine, do Giáo hoàng Sixtus IV xây dựng khoảng năm 1475.

Nhà điêu khắc 33 tuổi đã nhanh chân đến Rome vài năm trước đó, ông bị thu hút bởi triển vọng thiết kế một lăng mộ khổng lồ cho đương kim Giáo hoàng Julius II (cháu trai của Giáo hoàng Sixtus). Tuy nhiên, ước mơ tạo ra một di sản bằng đá cẩm thạch hoành tráng của ông đã tan thành mây khói khi người bảo trợ giáo hoàng chuyển hướng và yêu cầu ông vẽ 12 tông đồ trên trần nhà nguyện Sistine.

Bức vẽ ‘Michelangelo Buonarroti’ vào năm 1545 bởi họa sĩ Daniele da Volterra. Trưng bày tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, New York. (Phạm vi cộng đồng)
Bức vẽ ‘Michelangelo Buonarroti’ vào năm 1545 bởi họa sĩ Daniele da Volterra. Trưng bày tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, New York. (Phạm vi cộng đồng)

Nếu bạn đi ngang qua những hình ảnh khổng lồ của cuộc triển lãm, được tái tạo tỉ mỉ bằng kỹ thuật nhiếp ảnh có độ phân giải cao và kỹ thuật in sáng tạo trên vải để mô phỏng bức bích họa, bạn sẽ không tìm thấy một tông đồ nào trên trần nhà Sistine, vì người nghệ sĩ quá tham vọng và không muốn lặp lại những họa tiết trang trí lâu đời (ám chỉ bức tranh 12 tông đồ mà Giáo hoàng yêu cầu ông vẽ). Thay vào đó, ông thuyết phục Giáo hoàng Julius II cho phép ông đảm nhận công việc lớn là thuật lại Genesis (Sáng thế ký), cuốn sách đầu tiên của Kinh Thánh, dọc theo chiều dài của trần nhà.

Sự chân thật của các bức tranh trong cuộc triển lãm gây ra một cú sốc tương tự như những gì mà Giáo hoàng Julius II và đồng sự cảm nhận trong lần đầu tiên nhìn thấy khung vòm được hoàn thành vào ngày 31 tháng 10 năm 1512. Hình ảnh Đức Chúa Cha già nua nhưng vạm vỡ, xoay vần khi tạo ra ánh sáng, bóng tối, mặt trời và mặt trăng; những du khách nam nữ tham quan không khỏi trầm trồ và bị cuốn hút bởi những bức tranh lộng lẫy xung quanh, tất cả đều đắm chìm trong bài diễn thuyết với ngôn từ và hàm ý cao cả. Bức ‘Delphic Sibyl’ khổng lồ thu hút sức mạnh thị giác tuyệt đối của người xem, tiết lộ bí quyết thành công của Michelangelo. Ông ấy tập trung vào một thứ và chỉ một thứ duy nhất: hình dáng con người.

Bức nhà tiên tri nữ ‘Delphic Sibyl’ khổng lồ (khoảng 3.6m) trên trần nhà nguyện Sistine, vẽ bởi Michelangelo Buonarroti, ‘người khổng lồ’ này như lao ra khỏi mặt phẳng bức tranh, xuyên thủng không gian trong một nhịp trống, mọi sắc màu bùng cháy và các hình thể leo thang lên đỉnh cao. (Ảnh: Wikimedia)
Bức nhà tiên tri nữ ‘Delphic Sibyl’ khổng lồ (khoảng 3.6m) trên trần nhà nguyện Sistine, vẽ bởi Michelangelo Buonarroti, ‘người khổng lồ’ này như lao ra khỏi mặt phẳng bức tranh, xuyên thủng không gian trong một nhịp trống, mọi sắc màu bùng cháy và các hình thể leo thang lên đỉnh cao. (Ảnh: Wikimedia)

Trong khu vực triển lãm, dù chiêm ngưỡng ở bất cứ góc cạnh nào, thì ấn tượng đều hướng về những hình thể, từng bức tranh được đóng khung bởi những dầm và hốc kiến trúc sơn giả thành một giàn liên tiếp, đa dạng kiểu dáng, các ‘cơ thể trần trụi’ nhưng đầy ắp tính nhân văn như hoa nở rộ vậy.

Kể từ lần đầu ra mắt năm 2016 tại Dallas, triển lãm đã đi qua nhiều thành phố và được lắp đặt ở nhiều địa điểm, chẳng hạn như ở lâu đài Gothic, nhà thờ, Trung tâm mua sắm của Mỹ và một cửa hàng bách hóa lâu năm, các khuôn tranh của Michelangelo thích ứng với mọi bối cảnh xung quanh.

Một trong những thách thức lớn nhất của việc vẽ trần nhà nguyện Sistine là độ cao cách mặt đất khoảng 13,4m. Để bù cho khoảng cách quan sát, Michelangelo đã phối hợp ánh sáng, bóng tối và màu sắc một cách hợp lý, nhưng bên trong triển lãm, các màu chói lọi có thể lấn át.

Các bức ảnh triển lãm được cung cấp bởi Bridgeman Image, một đại diện toàn cầu về tác quyền ảnh của Vatican, được chụp sau đợt trùng tu đặc biệt từ năm 1981 đến 1999. Cuộc trùng tu đã xóa sạch bụi bẩn tồn tại hàng thế kỷ để lộ ra những mảng màu đáng kinh ngạc, từ màu xanh da trời cho đến màu cam rực rỡ. Các sắc màu tươi sáng nhất được dành cho bức vẽ các nhà tiên tri (ngôn sứ) và các nhà tiên tri nữ (sibyls), đó là những người đàn ông và phụ nữ từ truyền thống Do Thái và Dân ngoại, họ đã báo trước sự xuất hiện của Đức Giêsu.

Bắt đầu từ nhà tiên tri nữ Delphic quyến rũ, du khách có thể tận mắt chứng kiến những hình ảnh này tăng kích thước và độ sáng như thế nào khi bức vẽ được đặt ở không gian gần hơn. Những người khổng lồ này như lao ra khỏi mặt phẳng bức tranh, xuyên thủng không gian trong một nhịp trống, mọi sắc màu bùng cháy và các hình thể leo thang lên đỉnh cao.

Triển lãm “Nhà nguyện Sistine của Michelangelo” ở Los Angeles, khán giả đang chiêm ngưỡng bức họa “Sự phán xét cuối cùng”. (SistineChapel)
Triển lãm “Nhà nguyện Sistine của Michelangelo” ở Los Angeles, khán giả đang chiêm ngưỡng bức họa “Sự phán xét cuối cùng”. (SistineChapel)

Những thuận lợi của cuộc triển lãm

Martin Biallas, người sáng lập và Giám đốc điều hành của Sự kiện Giải trí Đặc biệt (Special Entertainment Events - SEE), là công ty đã đưa ra ý tưởng tổ chức cuộc triển lãm, đã phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với Chicago Sun Times về trưng bày của SEE Sistine, nhằm giải quyết các vấn đề đám đông, dòng người di chuyển, đồng thời người giám sát đảm bảo nội quy tham quan, ví như du khách không được nói chuyện ồn ào, không quay phim và chụp ảnh.

Nhưng ngoài những lợi ích về mặt hậu cần, triển lãm còn mang đến cho người xem một cơ hội duy nhất để suy ngẫm về vẻ đẹp này một cách sâu sắc hơn. Khán giả có thể chiêm ngưỡng năng lượng tiềm ẩn của Adam trong bức “The Creation of Adam” (Chúa tạo ra Adam), có thể thấy hình ảnh Adam nằm dài dọc theo phiến đất sét, nơi mà Adam được tạo ra, một đầu gối uốn cong của Adam sẵn sàng hoạt động khi ngón tay Adam được chạm vào ngón tay của Chúa.

Bức “The Creation of Adam” (Chúa tạo ra Adam) của Michelangelo Buonarroti. (Ảnh: Wikimedia)
Bức “The Creation of Adam” (Chúa tạo ra Adam) của Michelangelo Buonarroti. (Ảnh: Wikimedia)

Khi nhìn vào chiếc áo choàng bao quanh Đức Chúa trong cùng một khung cảnh, được Tiến sĩ Frank Meshberger mô tả một cách xuất sắc vào năm 1990, trông như một mặt cắt của bộ não người, chúng ta có thể nhận thấy Eve nép vào khuỷu tay còn lại, như thể nàng vốn đã nằm trong tâm trí của Đấng Tạo hóa, là cách mà con người được tạo ra, ngụ ý rằng tất cả vạn vật đã được an bài từ hằng xa xưa.

Có lẽ đây là dịp mà người xem nhận thấy rằng “Chúa tạo ra phụ nữ” chỉ huy niềm kiêu hãnh nằm chính trọng tâm của trần nhà, chứ không phải cách tạo ra con người. Đây cũng là cơ hội hoàn hảo để so sánh lời hứa về hình tượng mạnh mẽ, thức tỉnh của Adam với cơ thể già nua, gầy gò và say khướt của Noah ở giai đoạn cuối của vòng tuần hoàn.

Bức bích họa “Sự phán xét cuối cùng” (The Last Judgment) của Michelangelo, 1536-1541, trên trần Nhà nguyện Sistine, Thành Vatican. (Phạm vi công cộng).
Bức bích họa “Sự phán xét cuối cùng” (The Last Judgment) của Michelangelo, 1536-1541, trên trần Nhà nguyện Sistine, Thành Vatican. (Phạm vi công cộng).

Sự phán xét cuối cùng

Cuối cùng, triển lãm đưa người xem đến trước tác phẩm khó nhất của họa sĩ Michelangelo ‘Sự phán xét cuối cùng’, được vẽ 25 năm sau tác phẩm trên trần nhà nguyện, sau cuộc Cải cách Tin lành và sau khi chính Michelangelo nhận ra rằng dự án lăng mộ của ông sẽ không bao giờ thành hiện thực, hình ảnh miêu tả lời tiên tri trong Kinh thánh về ngày tận thế càng gây ấn tượng sâu sắc hơn hết.

Tại đây, Michelangelo đã vẽ 391 cơ thể khác nhau trên nền xanh coban đầy mê hoặc, nét bút tự do không theo khuôn khổ cấu trúc. Ở phía dưới, các hình vẽ nhỏ và tối, vươn lên ánh hào quang rực rỡ với hình ảnh đáng kinh ngạc của Chúa Giêsu trên đỉnh cao.

Kích thước áp đảo về một thế gian hỗn loạn trông thật đáng sợ, vì vậy người ta hoan nghênh niềm đam mê sáng tạo vô hạn của người họa sĩ thể hiện trong bức chân dung tự họa ma quái nổi bật trên nền xanh Thần thánh, vốn là màu biểu tượng của Thiên đàng. Nhân dịp các mật nghị của giáo hoàng, bức họa này đã được dùng làm bối cảnh cho việc bầu chọn giáo hoàng, bức ‘Sự phán xét cuối cùng’ là hình ảnh cuối cùng của trách nhiệm giải trình, là lời nhắc nhở cho mọi hành động đều có hậu quả tương ứng.

Có một lý do cho những “kẻ thì thầm” cố gắng duy trì sự im lặng trong Nhà nguyện Sistine. Họ được giao nhiệm vụ cố gắng bảo tồn một trong những địa điểm thiêng liêng nhất của tín đồ Cơ Đốc giáo, nơi mà Giáo hoàng dẫn dắt 1,4 tỷ linh hồn được chọn và là nơi các tín đồ đã cầu nguyện hơn 500 năm qua. Một không gian uy nghiêm và bí ẩn của Nhà nguyện Sistine phút chốc được thu nhỏ trong khuôn viên triển lãm, khiến mỗi con người, bất kể tín ngưỡng hay màu da, đều chia sẻ chung sự nhạy cảm với vẻ đẹp thăng hoa và thiên tài sáng tạo.

Để biết thêm thông tin về tác phẩm trần Nhà nguyện Sistine của Michelangelo, vui lòng xem ‘Sự bền bỉ của Michelangelo: Bài học để đạt đến sự vĩ đại’

Thiên Hòa

Theo Elizabeth Lev - The Epoch Times

Giới thiệu tác giả: Elizabeth Lev là một nhà sử học nghệ thuật sinh ra ở Mỹ, là người giảng dạy, thuyết trình và hướng dẫn tại Rome.



BÀI CHỌN LỌC

Triển lãm ‘Nhà nguyện Sistine của Michelangelo’ trên khắp Hoa Kỳ