Trí tuệ cảm xúc cao nhất không phải là khôn khéo, biết ăn nói, mà là...

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mức độ cao nhất của trí tuệ cảm xúc (EQ) không phải là sự tròn trịa, lung linh, không phải là biết ăn nói, mà là lòng tốt biết nghĩ cho người khác.

Tôi từng đọc một câu chuyện nhỏ:

Một ông lão mù đang ăn xin trong công viên thành phố, chợt có người đi ngang qua và hỏi ông xem có được nhiều người rộng lượng bố thí không. Ông lão mù lắc chiếc lọ gần như rỗng không.

Vì vậy, người đàn ông nói với ông lão: “Hãy để tôi viết một vài dòng trên tấm biển của ông nhé.” Ông lão đồng ý.

Buổi tối, người đàn ông lại đến: "Chà, tình hình hôm nay thế nào?"

Ông lão đưa cho anh xem cái lọ đầy tiền.

“Chính xác thì cậu đã viết gì trên tấm biển đó?”

“Oh, tôi chỉ viết: Hôm nay đầu xuân dạt dào nhưng tôi lại không nhìn được.”

Vào một ngày mùa xuân lộng lẫy, ta sẽ cảm giác như thế nào khi bị mù đôi mắt? Câu nói này đã đánh thức thiện lương ẩn chứa trong lòng người.

Có một câu nói như thế này: “Mức độ cao nhất của trí tuệ cảm xúc (EQ) không phải là sự tròn trịa, lung linh, không phải là biết ăn nói, mà là lòng tốt biết nghĩ cho người khác.”

EQ cao thực sự chính là trong tâm luôn vì người khác. Những người có EQ cao thường biết cách chân thành đứng từ quan điểm của đối phương, nói chuyện và làm việc gì cũng khiến mọi người cảm thấy thoải mái.

EQ cao thực sự chính là trong tâm luôn vì người khác (Nguồn ảnh: China Photos/Getty Images)
EQ cao thực sự chính là trong tâm luôn vì người khác (Nguồn ảnh: China Photos/Getty Images)
  1. Những người có EQ cao biết cách tạo đường lui cho người

Lão Tử nói: “Đại đạo chi hành, bất trách vu nhân” (ý là: khi đại đạo được thi hành, không trách cứ người)

Những người thực sự có EQ cao biết rằng khi sự việc xảy ra, không tùy tiện chỉ trích người khác. Con người không phải bậc Thánh hiền, ai có thể không mắc sai, ai cũng sẽ không tránh khỏi lỗi lầm. Bao dung có sức mạnh hơn chỉ trích, không cho người khác đường lui không phải là hành vi sáng suốt, để cho người khác giữ được thể diện mới là người rộng lượng.

Vào thời Xuân Thu, vua Sở Trang từng mở tiệc chiêu đãi các quần thần, khi mọi người đang uống rượu vui vẻ thì đột nhiên có một cơn gió thổi đến, tất cả các ngọn nến bị thổi tắt, xung quanh hoàn toàn tối đen.

Trong số họ có một vị quan đại thần đã uống quá chén, lợi dụng kéo y phục của phi tần của Sở Trang, người phi tần thuận tay lôi dây mũ của ông ta xuống rồi sau đó kể lại với Sở Trang:

“Vừa rồi sau khi ngọn nến bị tắt, có kẻ vô lễ với thiếp, thiếp đã lôi dây mũ của hắn xuống. Xin bệ hạ kêu người thắp nến xem dây mũ của ai bị đứt.”

Không ai ngờ rằng vua Sở Trang lại nói với phi tần rằng: “Do trẫm bắt bọn họ uống rượu, vì thế nếu trừng phạt cận thần vì sai lầm nhất thời sau khi uống rượu thì sau này hắn làm sao?”

Đôi khi, bạn không bao giờ biết rằng lời chỉ trích tùy tiện của mình sẽ làm tổn hại tới người khác thế nào. Vì vậy, nghĩ đến thể diện của đối phương, vua Sở Trang đã ra lệnh cho các quần thần: “Hôm nay tất cả các khanh có một bữa rượu thoải mái cùng nhau. Nếu ai không kéo dây mũ xuống, có nghĩa là người đó không vui”

Các quan đại thần đều rút quai mũ ra, cũng không ai biết về chuyện vừa rồi ai đã làm chuyện thô lỗ với phi tần, và người đó thoát được nạn.

Ba năm sau, nước Tấn và nước Sở giao tranh, vua Sở Trang nhiều lần lâm vào nguy hiểm, và luôn được một vị tướng quân kịp thời cứu thoát. Vua Sở Trang cảm thấy khó hiểu đã hỏi: “Ta đối với khanh không có ân sủng gì đặc biệt, khanh sao lại bất chấp nguy hiểm cứu ta như vậy?”

Vị tướng này nói: “Thần tội đáng chết. Trong bữa tiệc lần đó, chính thần là người bị kéo đứt quai mũ.”

Có một câu nói đặc biệt hay: Người thiện, dù phúc chưa đến, nhưng họa đã rời xa.

Vua Sở Trang không ngờ rằng lúc đó ông nghĩ cho người khác, làm một việc tốt lưu lại đường sống cho kẻ khác mà cuối cùng lại cứu được mạng sống của mình. Không tùy tiện chỉ trích khi sự việc xảy ra chính là thể hiện năng lực khoan dung độ lượng của vị vua Sở Trang.

Khi người khác rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, bậc cường giả sẽ không đẩy họ đến tuyệt vọng. Lưu lại cho đối phương đường lùi, không làm họ khó xử mới chính là biểu hiện của trí tuệ cảm xúc cao. Những người có EQ cao, ngay cả khi họ có lý, thì vẫn thường đặt bản thân vào vị trí người khác mà cân nhắc.

Người thiện, dù phúc chưa đến, nhưng họa đã rời xa (Nguồn ảnh: ANDREJ ISAKOVIC/AFP via Getty Images)
Người thiện, dù phúc chưa đến, nhưng họa đã rời xa (Nguồn ảnh: ANDREJ ISAKOVIC/AFP via Getty Images)
  1. Những người có EQ cao nhìn thấu nhưng không chỉ thẳng

Một số người nói rằng EQ cao là có khả năng ăn nói tốt. Việc trau dồi trí tuệ cảm xúc của một người thường bắt đầu bằng việc nói tốt và nói tốt thường bắt đầu bằng việc “không nói loạn”.

Khổng Tử nói: “Nạp vu ngôn nhi mẫn vu hành” (ý là: thận trọng trong lời nói nhưng hành động nhanh nhạy).

Khi nói cần thận trọng, bởi vì họa từ miệng mà ra, nếu nói không cẩn thận, sẽ rất dễ làm tổn thương người khác và hại chính mình.

Tôi từng đọc được một câu chuyện rất ấn tượng:

Có một bạn nói lắp và nói rất chậm. Một hôm họ đang đi trên đường thì gặp người đến hỏi đường, không ngờ rằng hỏi người hỏi cũng nói lắp. Suốt quá trình hỏi đường, anh bạn nói lắp không nói một lời. Những người đi cùng anh ấy rất ngạc nhiên, khi người hỏi đường rời đi, họ hỏi anh ấy tại sao vừa rồi anh ấy lại im lặng như vậy.

Người bạn nói lắp nói: “Anh ấy cũng nói lắp. Nếu tôi nói, anh ấy sẽ nghĩ tôi đang bắt chước và trêu chọc mình.”

Đôi khi, những lời nói vô tâm của bạn có thể khiến tình cảnh trở nên khó xử và không khí trở nên căng thẳng. Biết ăn nói là một năng lực, không nói linh tinh cũng là sự thiện lương hiếm có.

EQ cao là một loại tu dưỡng nhân tính, những người có EQ cao có khả năng nhận biết được lòng người, có thể nhận thức được cảm xúc và lập trường của người khác, khi nói và làm họ sẽ quan tâm đến cảm xúc của người khác.

Một người dẫn chương trình nổi tiếng của Đài Loan, anh Thái Khang Vĩnh từng nói: “Tôi không quan tâm đến nghệ thuật nói, mà là cách nói. Cách nói của tôi là đặt bạn vào trong tâm mình.”

Đằng sau việc không nói linh tinh không chỉ là sự kiểm soát miệng của bản thân, mà còn là việc luôn đặt mình vào vị trí người khác của người có EQ cao.

  1. Những người có EQ cao rất giỏi lắng nghe người khác.

Tôi nhớ một câu nói là: “Điểm yếu của bản chất con người là họ sẵn sàng thổ lộ hết, nhưng không muốn lắng nghe.”

Trong cuộc sống hàng ngày, có rất nhiều người nói được tốt, nhưng ít người biết giữ im lặng đúng lúc, và người biết lắng nghe người khác lại càng hiếm. Trên đời này không bao giờ thiếu những người khoe khoang khoác lác, mà thiếu là những người biết dụng tâm chăm chú lắng nghe người khác. Những người thực sự có EQ cao biết lắng nghe người khác một cách chân thành và kiên nhẫn.

Từng có một chàng trai nghĩ rằng trên đời này không ai hiểu mình, cảm thấy cuộc sống thật tẻ nhạt và buồn chán. Anh quyết định tới thỉnh giáo Đạo trưởng, và Đạo trưởng hiểu được những phiền não của anh. Vì vậy, trong toàn bộ quá trình, chỉ có người thanh niên đang nói chuyện, Đạo trưởng từ đầu đến cuối không hề ngắt lời, vừa chăm chú lắng nghe, và luôn nhìn vào mắt anh như sự đáp lại.

Người thanh niên nói cả một buổi chiều, và vị Đạo trưởng chân thành bày tỏ sự tán thành, khẳng định, đồng ý và thông cảm với anh. Khi anh ấy rời đi, tinh thần diện mạo của anh khác nhiều so với khi mới đến. Bởi vì thường ngày, không ai dụng tâm lắng nghe anh ấy cả, và những người đó chỉ quan tâm đến những gì họ muốn nói. Hiện tại cuối cùng có được cơ hội để nói ra, anh cảm thấy tâm tình thật tốt.

Trong “Sử ký” có một câu: “Ngôn năng thính, đạo nãi tiến” (ý là: khuyên răn chúng ta phải chăm chú lắng nghe lời người khác nói mới có thu hoạch)

Trong nhiều trường hợp, mọi người cần được lắng nghe nhiều hơn là những lời thổ lộ thao thao bất tuyệt. Biết cách lắng nghe không chỉ có lợi cho việc rút ngắn khoảng cách với nhau mà còn dễ có được lòng tin của người khác. Lắng nghe đối phương một cách chân thành là một biểu hiện của trí tuệ cảm xúc cao, và đó cũng là một thiện ý thầm lặng.

Một người biết lắng nghe có trí tuệ cảm xúc cao sẽ không thờ ơ khi người khác nói, biết cách cân nhắc cảm xúc của đối phương, quan tâm đến cảm xúc của đối phương và hiểu được tâm tình của đối phương, biết cách đáp lại một cách nghiêm túc và cho đối phương sự tôn trọng.

Có một câu nói nổi tiếng: “Nếu chúng ta chỉ nhìn vấn đề từ góc độ của riêng mình, thì chúng ta sẽ không bao giờ biết được người khác đang nghĩ gì.”

Thiện ý nghĩ cho người khác là EQ cao nhất.

Người cho đi yêu thương, sẽ nhận lại yêu thương; trao đi yêu thương, nhận lại yêu thương. Để trở thành một người có EQ cao, hãy luôn mang theo sự thiện ý, ấm áp, nhu hòa trong tâm, và chân thành đứng từ góc độ của người khác. Bạn dành sự thấu hiểu và tôn trọng từ trong tâm mình dành cho người khác chắc chắn sẽ nhận được trở lại nhiều hơn thế.

Minh An

Theo Aboluowang



BÀI CHỌN LỌC

Trí tuệ cảm xúc cao nhất không phải là khôn khéo, biết ăn nói, mà là...