Trí huệ nhân sinh: Càng trưởng thành, càng nên rèn giũa một tâm hồn trẻ thơ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trí huệ nhân sinh nằm ở đâu? Trong dòng chảy cuồn cuộn hỷ nộ ai lạc của một kiếp người, trong cõi hồng trần phồn hoa này liệu đâu là bến đỗ cuối cùng của chúng ta?

Mấy ai có thể cưỡng lại nụ cười đáng yêu của những đứa trẻ? Mỗi khi nhìn thấy gương mặt trong sáng ánh lên nụ cười ngây ngô và hồn nhiên ấy là biết bao mệt mỏi ưu phiền liền biến mất. Tại sao chúng lại giữ trong mình được cái vẻ đẹp cùng tâm hồn thanh khiết không gợn chút xấu ác nào như vậy? Xưa kia Khổng Tử đã dùng toàn bộ nội dung trong Kinh Thi để giải rõ vấn đề này, không lẽ mục đích cuối cùng sống trên đời của con người là chính quay trở về được bản tính thuần phác như trẻ thơ?

Có một vị thương nhân nọ đi lên từ hai bàn tay trắng, để có được thành công như vậy anh đã phải dẫm lên biết bao chông gai, đổ biết bao mồ hôi công sức. Nhưng đến một ngày nọ, do suy thoái kinh tế trầm trọng, công việc làm ăn của anh rơi vào cảnh khó khăn khốn cùng, lợi nhuận của công ty trượt dốc nghìn dặm, nợ nần chồng chất. Chán nản và tuyệt vọng, chàng trai trẻ cả ngày chỉ biết thở dài ngao ngán. Đến khi không thể tìm được lối thoát cứu vãn sự nghiệp đang trong những bước huy hoàng ấy, anh quyết định đến bên vách núi cạnh bờ biển nhảy xuống tự sát.

Chán nản và tuyệt vọng, chàng trai trẻ cả ngày chỉ biết thở dài ngao ngán.
Chán nản và tuyệt vọng, chàng trai trẻ cả ngày chỉ biết thở dài ngao ngán. (Ảnh: pexels.com)

Đêm khuya yên tĩnh, chàng trai trẻ đến bên bờ biển, anh nhìn thấy một thiếu nữ đang khóc lóc thảm thiết. Thấy vậy anh liền đi đến và hỏi: “Cô gì ơi! đêm khuya hoang vắng cô một mình đến đây làm gì vậy?” Cô gái trẻ đáp: “Bạn trai tôi đã bỏ tôi rồi, tôi không muốn sống nữa, không có anh ấy thì tôi không thể sống được".

Anh thương nhân vừa nghe xong thở dài một tiếng rồi hỏi: “Vậy thời trước đó khi cô chưa đến với anh ta, cô sống như thế nào?” Cô gái vừa nghe xong như bừng tỉnh ngộ, thoạt nhiên cũng không muốn vùi mình vào biển lớn nữa. Trong tâm anh thương nhân lại tiếp tục suy nghĩ: “Trước đây mình cũng không có nhiều tiền, vậy mình đã sống thế nào? Mình chẳng phải cũng đã sống rất tốt hay sao đó thôi!”

Vừa hay cô gái hỏi lại anh: “Giờ cũng đã nửa đêm canh ba, anh đến đây làm gì vậy?” Chàng trai trẻ khi này cười nói: “Không có gì, tôi chỉ là đêm tối không ngủ được, nên ra đây đi tản bộ chút".

Thuận theo dòng chảy xã hội, tư tưởng con người cũng càng ngày càng phức tạp. Chúng ta càng truy cầu sự phồn hoa thịnh vượng trong thế giới này nhiều bao nhiêu, thì chúng dường như lại càng rời xa chúng ta bấy nhiêu; ngược lại, nếu như biết thuận theo lẽ tự nhiên, biết thỏa mãn với những được mất mà ông Trời cấp cho chúng ta, lấy đó để đong đo ý nghĩa và giá trị của sinh mệnh, thì những cái gọi là buồn phiền, lo lắng cũng sẽ không cánh mà bay.

Công danh tài lộc hay hạnh phúc ái tình, trước mắt chúng ta chỉ cảm thấy nó đem lại niềm vui hân hoan. Nhưng kỳ thực những gì nó mang lại cũng chỉ là nhất thời, ngắn thì vài năm, lâu hơn thì là mấy chục năm, rồi đến cái tuổi gần đất xa trời chúng ta ai rồi cũng sẽ không mảy may để ý đến sự tồn tại của nó. Quay đi ngó lại mà nhìn, vui buồn tủi nhục cả một đời, cũng chỉ như một cái chớp mắt là qua, vậy cớ sao lại phải chìm đắm trong đó, tại sao không như một đứa trẻ, giữ vững thuần khiết đi qua hết quãng đường nhân sinh?

tại sao không như một đứa trẻ, giữ vững thuần khiết đi qua hết quãng đường nhân sinh? 
Tại sao không như một đứa trẻ, giữ vững thuần khiết đi qua hết quãng đường nhân sinh? (Ảnh: Pexels.com

Có lẽ khi chìm vào bụi trần, chúng ta đã quên đi mục tiêu đầu tiên khi đến thế gian của mình. Phật gia thường giảng: “phản bổn quy chân", chính là quay về với con người chân chính của bản thân, quay về bản tính thuần phác vốn có, đó không phải là lời ngẫu nhiên xuất ra mà kỳ thực người ta thấy rằng: dục vọng danh lợi, tất cả mọi thứ trong xã hội dường như đang bóp nghẹt chúng ta, dần dần chúng ta bị cái gọi là “hiện thực xã hội" chôi vùi mất bản tính tiên thiên vốn có. Vậy nên hãy để tâm tình quay về với sự trong sáng thiện lương như những đứa trẻ, đó mới là trí tuệ nhân sinh.

Dân gian thường nói: “Lùi một bước biển rộng trời trong". Trương Quả Lão trong Bát Tiên sớm đã nhìn thấy được nơi hồng trần cuồn cuộn tuột dốc, thấy rằng khi con người càng hưởng thụ lại càng không biết ước thúc đạo đức bản thân, cuối cùng ông quay ngược người lại mà cưỡi lừa, ngụ ý rằng, càng tiến lên lại chính là thụt lùi, con người tuy tiến bộ, nhưng lại không ngừng đánh rơi bản tính của mình. Hòa thượng Bố Đại cũng từng ngâm thơ rằng: “Tay cầm mạ xanh gieo khắp đồng, cúi đầu nhìn thấy Trời trong nước; tâm địa thanh tịnh chính là Đạo, lùi bước lại chính là tiến hướng lên". Vậy nên sống trên đời, thân xác càng trưởng thành lớn lên thì càng cần rèn dũa tâm tính lùi trở lại bản tính tiên thiên của một đứa trẻ, đó mới là trí tuệ nhân sinh chân chính, không bị ràng buộc bởi dục vọng trần thế, mới có thể cảm nhận được sự tuyệt diệu của một kiếp người.

Trúc Lâm

Theo: Epochtimes

Văn hoá


BÀI CHỌN LỌC

Trí huệ nhân sinh: Càng trưởng thành, càng nên rèn giũa một tâm hồn trẻ thơ