Trí huệ Lão Tử: những câu danh ngôn thú vị trong Đạo Đức Kinh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trí huệ của Lão Tử sáng lấp lánh chân lý của Đạo nhân sinh, trong Đạo Đức Kinh mà ông để lại, có rất nhiều câu từ thể "hồi văn" rất tự nhiên, tỏa sáng đại trí huệ của Lão Tử. Những câu mang phong cách tu từ hồi văn này biểu đạt rõ ràng súc tích mối liên hệ nội tại giữa các sự vật, và cũng rất tự nhiên triển hiện ra cảnh giới Đại Đạo vô hình.

Bộ sách Đạo Đức Kinh được coi là khởi nguồn của kỹ thuật "hồi văn" tuyệt mỹ. Lương Lưu Hiệp thời Nam triều đã viết trong "Văn tâm điêu long" rằng: "Sở dĩ thể hồi văn hưng thịnh là có nguồn gốc khởi đầu từ Đạo".

Ví dụ:

- Chương 81: Tín ngôn bất mỹ, mỹ ngôn bất tín (Lời nói chân thực thì không đẹp, lời nói đẹp thì không chân thực)

- Chương 63: Vi vô vi, sự vô sự, vị vô vị (Dùng thái độ vô vi làm việc, dùng phương pháp không sinh thêm việc để xử lý sự việc, coi thanh đạm vô vị là hương vị)

Những câu từ thể hồi văn trong Đạo Đức Kinh của Lão Tử là thể hồi văn có các cụm từ là một hoặc hai chữ trở lên, triển hiện ý nghĩa tinh thần của Đạo gia một cách chất phác tự nhiên. Từ, chữ ở 2 phân câu có trật tự trái ngược, hình thành nên lý lẽ cô đọng ăn khớp nhau và vẻ đẹp phản chiếu lẫn nhau. Cách biểu đạt này là sự thể hiện huyền diệu của tư tưởng Lão Tử, mà ý cảnh của thơ từ cố ý truy cầu câu chữ lặp lại không thể nào sánh nổi.

Chúng ta cùng thưởng thức một vài câu thể hồi văn trong Đạo Đức Kinh, từ đó thấy được đạo lý huyền diệu của nhân sinh ẩn tàng trong đó.

1. Tri giả bất ngôn, ngôn giả bất tri

(Người biết thì không nói, người nói thì không biết)

Người thực sự biết được Đại Đạo của trời đất sẽ không nói về Đạo, ung dung tự tại ngộ được Thiên ý, niềm vui ở trong nội tâm. Họ cả ngày tự cường không ngừng nghỉ, tu thân tự tỉnh, chỉ mong không phạm lỗi lầm.

Người thường nói về Đạo, nói những điều khiến người ta chấn động, thì khẳng định không phải là bậc trí giả thực sự hiểu được Đại Đạo. Bởi vì Đạo là thứ mà người quân tử dùng để tu hành, chứ không phải dùng để thuyết giảng.

2. Vi vô vi, sự vô sự, vị vô vị

(Dùng thái độ vô vi làm việc, dùng phương pháp không sinh thêm việc để xử lý sự việc, coi thanh đạm vô vị là hương vị)

"Vi vô vi, sự vô sự, vị vô vị", đây là một cảnh giới trong Đạo của nhân sinh, hoàn toàn thuận theo tự nhiên. Con người sống giữa trời đất, Lão Tử nói: "Nhân pháp địa, địa pháp thiên, thiên pháp tự nhiên" (người thuận theo đất, đất thuận theo trời, trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo tự nhiên). Đạo của tự nhiên chính là Đạo của sinh mệnh, thế nên Đạo gia coi trọng "Phản bổn quy Chân", không cố gắng làm những việc hữu vi. Đời người bất kỳ lúc nào, ở đâu cũng đều là trường tu luyện, thế nên hành vi và cách xử sự đều phải buông bỏ truy cầu về danh - lợi - tình, để trừ bỏ các loại gông cùm trói buộc hậu thiên, để được ung dung tự tại, hợp với Đạo của tự nhiên.

Vi vô vi: là không tạo tác lỗ mãng, không cưỡng cầu công thành danh toại, từ đó có thể không mắc lỗi, không bị nạn, phản bổn quy chân, tiếp đến là có thể phát huy được thiên phú tự nhiên một cách tốt nhất.

Sự vô sự: là vui với thiên mệnh và biết thiên mệnh, coi vô sự là tốt nhất. Sinh mệnh sinh ra là đã có vận mệnh Thiên định, vui với thiên mệnh, biết thiên mệnh, kiên trì tu tâm, không cầu tìm bên ngoài, tu bỏ danh lợi tình, không thể hiện, hiển thị bản thân. Nếu có thể bỏ được những gông cùm nhân sinh này thì sinh mệnh mới có được tự do tự tại.

Vị vô vị: là tu bỏ ham dục của thân và miệng, không còn chấp trước của dục vọng. Nếu con người không còn chấp trước vào dục vọng ăn uống và mỹ sắc, thế thì các loại dị đoan, tà ma sẽ không tìm đến làm loạn không gian của mình, khi đó con người mới có thể làm chủ nhân thực sự của tự ngã.

đạo đức kinh
Đời người bất kỳ lúc nào, ở đâu cũng đều là trường tu luyện, thế nên hành vi và cách xử sự đều phải buông bỏ truy cầu về danh - lợi - tình. (Ảnh: Pngtree)

3. Tín ngôn bất mỹ, mỹ ngôn bất tín. Thiện giả bất biện, biện giả bất thiện. Tri giả bất bác, bác giả bất tri.

(Lời nói chân thực thì không đẹp, lời nói đẹp thì không chân thực. Người thiện lương thì không xảo biện, người xảo biện thì không thiện lương. Người biết Đạo thì không học rộng, người học rộng thì không biết Đạo)

Câu này chủ yếu là nói về tri thức thực sự của con người và Đạo thực sự của nhân sinh, thể hồi văn so sánh đối chiếu thể hiện ra chiều sâu, đồng thời thúc đẩy tiến lên từng tầng từng cảnh giới ý nghĩa chân thực của sinh mệnh.

Tín ngôn bất mỹ, mỹ ngôn bất tín: lời thành tín thì không văn vẻ hoa mỹ, nhưng lại rất chất phác, thực tại. Lời hoa mỹ khéo léo nghe rất hay rất đẹp, nhưng lại trống rỗng, không thực. Thế nên khi nói, và nghe đều cần coi trọng lời "Chân".

Thiện giả bất biện, biện giả bất thiện: người thiện không nói những lời xảo biện, người xảo biện đa ngôn, nói nhiều ắt có sai sót, lầm lỗi, hoặc vô ý làm tổn hại người khác tạo thành kẻ thù, có thể gây ra tai họa, thậm chí họa sát thân. Chiêu quan trọng nhất khi nói chuyện, biện luận chính là giữ được nguyên soái: Thiện.

Tri giả bất bác, bác giả bất tri: người biết về Đạo hiểu được mục đích chân chính của sinh mệnh là phản bổn quy chân, nên họ chuyên tâm giữ Đạo, một lòng cầu Đạo, toàn tâm tu thiện. Người biết nhiều hiểu rộng, nhưng lại không rõ mục đích nhân sinh, không biết nơi trở về của sinh mệnh, tự hào về tài học nhiều hiểu rộng của mình, thì trái lại chính là người mê lạc trong biển học vô biên vô tế, bỏ lỡ mất ý nghĩa chân thực của sinh mệnh. Mục đích cuối cùng của học tập là ở chỗ tăng tiến trí huệ của sinh mệnh, ở chỗ ngộ Đạo của nhân sinh.

4. Họa hề phúc chi sở ỷ, phúc hề họa chi sở phục.

(Họa là nơi phúc nương tựa, phúc là nơi họa ẩn nấp)

Họa và phúc có một quá trình biến hóa nương tựa tương hỗ. Khi xảy ra họa thì chính là thời khắc tạo ra phúc, bởi vì nếu con người có thể vì gặp họa mà hối lỗi tự trách mình sửa chữa, từ đó tu Đạo hành thiện, thì họa đi phúc đến. Còn trong phúc thực tế đã tiềm phục mối họa, con người nếu vì có được phúc mà kiêu ngạo phóng túng, đắc ý vong hình, thì phúc đi họa đến cũng không còn xa nữa.

5. Tri bất tri, thượng hĩ; bất tri tri, bệnh hĩ.

(Biết mình còn những điều chưa biết, đó là cao thượng; Không biết mà tỏ ra biết, thì đó là bệnh)

Biết mình còn những điều chưa biết, từ đó chất phác giữ gìn chính Đạo, khiêm tốn nhận rõ những thiếu sót, bất cập của mình, đó mới là đức cao thượng. Người không thực sự biết rõ, lại gắng tỏ ra mình hiểu biết, thì có thể điên đảo thị phi, lầm đường lạc lối, sẽ là nguyên nhân gây ra bệnh tật tai họa.

6. Thiện nhân giả, bất thiện nhân chi sư. Bất thiện nhân giả, thiện nhân chi tư.

(Người thiện là thầy của người bất thiện. Người bất thiện là tấm gương soi của người thiện)

Người thiện thì nội tâm có lương tri lớn mạnh, tỏa ra ánh sáng của đạo đức. Người thiện có thiện đức tiên tha hậu ngã (vì người trước, vì mình sau), hoàn toàn vô tư, tự nhiên tỏa sáng, cảm động lòng người. Người bất thiện cảm nhận được đức của người thiện, nên cũng tự nhiên tôn kính và coi người thiện là thầy. Người thiện khiêm tốn, không tự mãn, thấy người bất thiện thì coi người đó là tấm gương, thấy ưu điểm của người bất thiện thì học tập, thấy khuyết điểm của người bất thiện thì tự soi xét bản thân xem mình còn khuyết điểm như thế không, nếu có thì lập tức sửa chữa.

Lời kết

Đạo Đức Kinh của Lão Tử có những câu văn súc tích đầy sức mạnh, lượng thông tin đầy đủ, lại có sức mở rộng vô cùng, tiết tấu rõ ràng lại hài hòa trôi chảy, khiến người đọc lĩnh hội sâu sắc, mạnh mẽ, có ấn tượng đậm nét lâu dài, là người bạn hiền, là ngọn đèn sáng trên con đường của người cầu Đạo.

Trung Hòa
Theo Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Trí huệ Lão Tử: những câu danh ngôn thú vị trong Đạo Đức Kinh