Trí huệ hơn cả bậc kỳ tài Gia Cát Lượng, người này vốn ẩn sâu, không lộ diện

Giúp NTDVN sửa lỗi

Gia Cát Lượng, một nhân vật lịch sử quan trọng, từ lâu đã được coi là hóa thân của trí tuệ phương Đông. Thật không ngờ, nhạc phụ Hoàng Thừa Ngạn của ông cũng sở hữu trí tuệ hơn người và có vẻ vượt bậc Gia Cát Lượng ở một số khía cạnh. Trong dân gian vẫn còn lưu truyền một số giai thoại về cặp cha vợ, con rể này!

Cưỡi lừa ngâm thơ, nâng cao giá trị để con rể ra làm quan

“Một ngày gió tuyết đến thăm hiền lương, không gặp quay về nghĩ buồn phiền”. Chuyện kể rằng, ba anh em Lưu Bị, Quan Vũ, và Trương Phi trong gió tuyết lần đầu tiên đến tìm gặp Gia Cát Lượng, bị từ chối, không gặp được, buồn rầu, đúng lúc muốn quay trở về; gió bắc phất phơ, tuyết dày bay phấp phới, cảm giác ớn lạnh phả vào mặt, Lưu Bị không khỏi rùng mình, nhớ tới mình trận nào cũng bị đánh bại, thân không mảnh đất cắm dùi, lâm vào tình cảnh thê lương phải ăn nhờ ở đậu, bất giác khóe mắt ươn ướt, ngửa mặt lên trời mà thở dài!

Đang lúc thở dài, bỗng nhiên có ai đó cất tiếng ngâm thơ ở xa vang lại gần, trầm bổng, phá tan bầu không khí lạnh giá, hiu quạnh.

Lời thơ tụng rằng: "Một đêm gió bắc lạnh, vạn dặm ráng chiều hồng. Trời cao tuyết bay loạn, đổi hết giang sơn xưa. Ngửa mặt xem bầu không, nghi là Ngọc Long đấu. Phất phới những vảy rồng, lan ra toàn vũ trụ. Cưỡi lừa qua cầu nhỏ, than rằng hoa mai gầy!"

Lời thơ này được viết với tràn đầy sự phóng khoáng, phong thái phi phàm; mỗi câu đều nói về tình, chữ chữ đều đi vào trong tâm, vậy mà nó còn phù hợp với tham vọng và chí lớn của Lưu Bị. Lưu Bị nghe say sưa, nỗi sầu muộn và uất ức vừa rồi đã được quét sạch, trong lòng không khỏi vui mừng khôn xiết: "Ồ! Người này chắc là Ngọa Long tiên sinh, không còn nghi ngờ gì nữa!". Ông vội vàng xuống ngựa, bước nhanh về phía trước thi lễ: "Tiên sinh vất vả quả! Lưu Bị đợi đã lâu!".

Lưu Bị ngước mắt nhìn kỹ thì thấy người này: đội mũ nhung dài ấm áp, khoác áo lông, giữa hai lông mày toát ra khí chất thanh khiết kỳ lạ, cử chỉ rất có Tiên phong Đạo cốt, quả thật là một bậc thế ngoại cao nhân hiếm có. Ông cưỡi một con lừa nhỏ, theo sau là một tiểu đồng áo xanh, trên tay cầm bầu rượu, bước đi trong tuyết trước mặt.

Người đàn ông nhìn thấy, vội vàng đáp lễ: "Lưu Hoàng Thúc bớt lễ, Ngọa Long mà ngài nói chính là con rể ta, lão phu là nhạc phụ Hoàng Thừa Ngạn của anh ta".

诸葛亮的岳父黄承彦​ (图片:出自清代版《三国演义》)
Bố vợ của Gia Cát Lượng là Hoàng Thừa Ngạn (Ảnh: Từ phiên bản "Tam quốc diễn nghĩa" thời nhà Thanh)

Lưu Bị nghe xong, sững sờ nói: "Tuy nhiên, những câu thơ tiên sinh vừa rồi ngâm tụng vô cùng tuyệt diệu, quả là hợp ý nguyện của Lưu Bị ta!"

“Ha ha ha!” Hoàng Thừa Ngạn lấy tay vê bộ râu mềm trước ngực, có chút tự hào cười to nói: “Đó chỉ là một trong số các bài trong “Lương Phụ Ngâm” mà con rể ta sáng tác khi nhàn rỗi. Lão phu chỉ nhớ được một bài mà thôi. Vừa hay ta tình cờ đi qua cây cầu nhỏ, nhìn thấy hoa mai nở rộ nơi hàng rào, không kìm lòng nên ngâm tụng”.

Nghe Hoàng Thừa Ngạn nói vậy, lòng ngưỡng mộ của Lưu Bị đối với Gia Cát Lượng chợt tăng thêm, ông cảm thấy những bài thơ của Gia Cát Lượng sáng tác trong lúc nhàn rỗi thật mỹ diệu, vô song, giữa mỗi hàng chữ đều biểu lộ ra lý tưởng và hoài bão, thật tình cờ trùng hợp với bản thân mình.

Lời khen ngợi có vẻ như vô tình của Hoàng Thừa ngạn dành cho con rể Gia Cát Lượng, khiến Lưu Bị nóng lòng muốn gặp người bạn tri kỷ mà ông ngưỡng mộ bấy lâu nay nhưng chưa bao giờ được gặp. Sau khi trở về, Lưu Bị càng thêm nóng ruột khao khát hiền tài Gia Cát Lượng, hết lần này đến lần khác lặp đi lặp lại những lời thơ của Gia Cát Lượng: "... Trời cao tuyết bay loạn, đổi hết giang sơn xưa. Ngửa mặt xem bầu không, nghi là Ngọc Long đấu. Phất phới những vảy rồng, lan ra toàn vũ trụ..... "

Con mắt tinh tường nhìn thấu anh tài, chọn rể tốt cho con gái

Hoàng Thừa Ngạn, là người ở Miễn Dương trong thời Tam Quốc vào cuối thời Đông Hán, tức là Tiên Đào thuộc tỉnh Hồ Bắc ngày nay. Gia Cát Lượng là người Dương Đô, Lang Gia, nay là huyện Nghi Nam, thành phố Lâm Nghi, tỉnh Sơn Đông. Hai địa phương này cách xa nhau hàng ngàn dặm, vậy làm sao hai người có thể biết nhau được, rồi thành cha vợ và con rể? Nói tới vấn đề này, trong đó còn có chút màu sắc truyền kỳ nữa.

Khi Gia Cát Lượng còn nhỏ, cha mẹ đều qua đời. Sau khi theo chú ruột của mình tới Tương Dương, Hoàng Thừa Ngạn đã sớm nghe nói rằng Gia Cát Lượng còn nhỏ nhưng có chí khí lớn, thông minh, nhanh trí lại còn tài hoa xuất chúng. Ông liền có ý muốn truyền thụ lại những kiến ​​thức của mình cho Gia Cát Lượng, vì vậy ông muốn tìm cơ hội để kiểm tra xem sự tài trí của Gia Cát Lượng, xem liệu Gia Cát Lượng có thực sự thông minh và lanh trí như đồn đại hay không.

Vì vậy, Hoàng Thừa Ngạn đã cải trang thành thầy bói đến khu vực gần nhà Gia Cát Lượng, để đoán mệnh và xem tướng cho người qua đường. Mọi người đều nói rằng ông thầy bói này nói rất chính xác. Gia Cát Lượng khi biết được chuyện này đã rất tò mò và muốn thử tài người xem bói già này một chút. Vì vậy, ông bắt một con dế mèn trong bụi cỏ dại của góc nhà, giữ nó trong tay và hỏi Hoàng Thừa Ngạn: "Lão tiên sinh, mọi người nói rằng ông đoán rất chính xác, vì vậy ông có thể đoán được đúng con dế mèn trong tay tôi còn sống hay đã chết không?"

Khi Hoàng Thừa Ngạn nghe Gia Cát Lượng hỏi như vậy thì sửng sốt, thầm nghĩ: Gia Cát Lượng tuy còn nhỏ nhưng quả thật có bản lĩnh. Nếu ta nói rằng con dế đã chết thì ngay khi cậu ta thả tay ra, con dế sống nhảy thoát vui sướng. Còn nếu ta nói rằng con dế còn sống, cậu ta chỉ cần dùng tay bóp nhẹ là nó sẽ bị bóp chết. Tưởng chừng đơn giản nhưng không phải vậy, chiêu thức này của cậu ta, quả là nắm giữ sinh tử Thần quỷ khó lường! Hoàng Thừa Ngạn suy nghĩ một chút, đứng thẳng người, xoạc chân, cười tủm tỉm và hỏi ngược lại Gia Cát Lượng: "Nếu cậu có thể nói được ta sẽ tiến hay lùi, ta có thể nói cho cậu biết biết con dế trong tay cậu còn sống hay đã chết".

Hoàng Thừa Ngạn và Gia Cát Lượng nhìn nhau không nói, rồi cả hai cùng hiểu ý và cười lên ha hả.

Tương truyền rằng, từng có người căn cứ vào câu chuyện này, và nói: Gia Cát Lượng có thể nắm quyền sinh sát, nhưng không biết tiến hay lui; Hoàng Thừa Ngạn tuy không làm quan nắm quyền sinh sát lớn trong nay, nhưng có thể tiến thoái tùy ý, như nhàn vân dã hạc.

Về sau, Gia Cát Lượng quả nhiên làm tới tể tướng, vị trí làm quan cao nhất, nắm quyền quân sự và chính trị của nhà Thục Hán, cúc cung tận tụy tới chết mới dừng.

诸葛亮(图片:出自清宫殿藏画本)
Gia Cát Lượng (ảnh: bản vẽ lưu giữ tại Thanh Cung Điện)

Lại nói tới Hoàng Thừa Ngạn khi thấy Gia Cát Lượng còn nhỏ đã biết dùng trí tuệ và tài thao lược, trong lòng rất vui mừng, thực sự là ‘tiểu tử có thể dạy được’ nên đã dốc hết các phương pháp bài binh bố trận mà cả đời học được để dạy Gia Cát Lượng. Hoàng Thừa Ngạn có một người con gái xấp xỉ tuổi Gia Cát Lượng, tên là Hoàng Nguyệt Anh, là một tài nữ có đạo đức tu dưỡng. Hoàng Thừa Ngạn có ý muốn gả con gái của mình cho Gia Cát Lượng, nhưng con gái của ông dung mạo xấu xí, tuy nhiên, điều đó cũng vừa đúng có thể dùng để khảo nghiệm một chút xem chí hướng và tu dưỡng đạo đức của Gia Cát Lượng rốt cục như thế nào. Khi Hoàng Thừa Ngạn đề cập vấn đề kết hôn của con gái mình với Gia Cát Lượng, ông đã không hề giấu giếm và nói rằng con gái mình xấu xí. Hoàng Nguyệt Anh xấu đến mức nào? Sử sách ghi lại bốn chữ: "tóc vàng da đen". Tóc ố vàng và làn da ngăm đen, theo tiêu chuẩn thẩm mỹ truyền thống là không đẹp. Nhưng Gia Cát Lượng đã không do dự và vui vẻ đồng ý cuộc hôn nhân này.

Khi đó, người dân vùng Tương Dương truyền nhau câu ca dao “Đừng làm Khổng Minh chọn vợ, đành phải nhận gái xấu”. Nghĩa là đừng học Gia Cát Lượng, lấy một cô gái xấu xí làm vợ.

Tiêu chuẩn chọn vợ của Gia Cát Lượng không đánh giá con người dựa trên vẻ bề ngoài như người thường, điều mà ông coi trọng là sự tu dưỡng nội tâm về đạo đức và tài năng.

Sau khi Gia Cát Lượng và Hoàng Nguyệt Anh kết hôn, họ sống ở Long Trung, nơi những người đàn ông canh tác phụ nữ dệt vải, tương kính như tân, "cùng thưởng thức áng văn lạ, cùng phân tích nghi vấn", chú ý đến việc thế sự và chờ đợi thời cơ, người ta gọi Gia Cát Lượng là "Ngọa Long".

Hoàng Nguyệt Anh giúp chồng, chăm con, thực sự là hiền thê của Gia Cát Lượng. Người ta nói rằng, sau này Gia Cát Lượng bắc phạt, các xe bò gỗ dùng để vận chuyển lương thực, các vũ khí lợi hại nơi chiến trường của họ Gia Cát, đều là Hoàng Nguyệt Anh trợ giúp Gia Cát Lượng chế tạo ra.

Mưu tính sâu xa, đại phá trận đồ bát quái

Gia Cát Lượng phò tá Lưu Bị xưng đế ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, thiết lập chế độ Thục Hán, định liên kết với Tôn Quyền tấn công Tào Tháo, không ngờ Quan Vũ kiêu ngạo đã bất cẩn để mất Kinh Châu và bị Tôn Quyền sát hại. Để báo thù cho nhị đệ của mình là Quan Vũ, Lưu Bị đã bất chấp lời khuyên can của Gia Cát Lượng và dốc toàn bộ binh lính cả nước tiến về phía đông hòng đánh bại Tôn Quyền. Do chiến tuyến quá dài, Lưu Bị chỉ huy không thích đáng, cộng thêm với địa hình bất lợi, kết quả bị Lục Tốn đốt cháy doanh trại 700 dặm, Lưu Bị thất bại thảm hại và bỏ chạy.

Lục Tốn chỉ huy đại quân Đông Ngô thừa thắng xông lên, đường núi quanh co khúc khuỷu, chợt thấy phía trước mây mù cuốn quanh, đá lởm chởm kỳ dị, sừng sững uy nghiêm, trông giống như có sát khí. Lục Tốn lo trước mặt có đại quân mai phục nên sai người đi kiểm tra, quân lính báo tin không có binh lính mai phục mà chỉ thấy hàng chục đống đá vây quanh đó.

Lục Tốn vô cùng cẩn trọng, hạ lệnh cho quân lui lại 10 dặm, lại phái người thân tín đi kiểm tra lần nữa. Kết quả khi tới kiểm tra vẫn báo rằng không thấy có người nào. Lục Tốn tìm người dân địa phương và truy hỏi sát khí từ đâu đến thì người này nói: Nơi này tên là Ngư Phúc Phố (cửa biển bụng cá), khi Gia Cát Lượng tiến vào Tứ Xuyên, ông đã yêu cầu quân lính đặt những tảng đá lớn trên bãi biển thành một trận thế. Sau này thường thấy các đám mây bay lên từ trận cự thạch. Lục Tốn nghe xong tin chắc là không có quân mai phục, bèn đích thân dẫn mấy chục kỵ binh đi kiểm tra kỹ càng, thấy 80, 90 đống đá nằm ngổn ngang ở đó, không khỏi cảm thấy buồn cười, cho rằng đây là một thủ thuật che mắt không có gì lạ, liền thúc ngựa trực tiếp nhập trận. Bất ngờ, trong trận cự thạch bỗng có một cơn cuồng phong, cát đá bay tứ tung, mây đen cuồn cuộn, che khuất bầu trời. Lục Tốn nhìn thấy thì hoảng sợ, vội vàng dẫn quân định rút lui khỏi trận cự thạch, ai ngờ không thấy đường lúc đến để rút, xông ra phía tây, xông ra phía đông, chạy tới chạy lui, vẫn chỉ đi lòng vòng trong trận cự thạch, không tìm được lối ra ở đâu.

Đúng lúc Lục Tốn thở dài, buồn bực thất thần thì bỗng thấy một ông già tiên phong đạo cốt, lướt tới đứng trước mặt, mỉm cười hỏi: "Có phải tướng quân muốn đi ra khỏi trận bát quái cự thạch này không?". Lục Tốn vội vàng trả lời: "Chính xác, xin hỏi đại danh tính của Lão tiên sinh?". Ông lão đáp: "Tôi là Hoàng Thừa Ngạn, nhạc phụ của Gia Cát Lượng. Đây là trận bát quái con rể tôi trước đã từng bày bố, mỗi ngày mỗi thời biến hóa vô tận, có thể ví với 10 vạn tinh binh. Con rể tôi trước khi rời đi đã nói với tôi: Sau này, nếu đại tướng Đông Ngô bị mê lạc trong thế trận, nhất định không dẫn anh ta ra ngoài. Nhưng bình sinh tôi vốn tốt bụng, thực sự không nhẫn tâm nhìn tướng quân bị vây chết ở chỗ này”.

Dưới sự hướng dẫn của Hoàng Thừa Ngạn, Lục Tốn đã có thể ra khỏi trận đồ bát quái và thoát chết. Đồng thời, Hoàng Thừa Ngạn cảnh cáo Lục Tốn không nên tiến quân tiếp nữa, đại cục thiên hạ đã định, nhanh chóng quay trở về mới có thể bảo vệ Đông Ngô an định. Lục Tốn vội vàng xuống xe bái tạ ân cứu mạng của Hoàng Thừa Ngạn, sau đó ra lệnh thu quân về triều.

Chẳng lẽ Hoàng Thừa Ngạn điên rồi sao, sao có thể can dự vào giúp Lục Tốn và phá vỡ trận cự thạch bát quái của Gia Cát Lượng, quay lại đối đầu với con rể?

Trên thực tế, đây chính là chỗ mưu tính sâu xa hơn người của Hoàng Thừa Ngạn. Chiến lược "thống nhất Tôn Quyền ở phía đông và chiếm giữ Tào Tháo ở phía bắc" của Gia Cát Lượng đã bị Lưu Bị phá hoại vì để báo thù cho Quan Vũ mà chinh phạt Đông Ngô. Nếu tiếp tục phá hoại chiến lược này và coi Đông Ngô là kẻ thù của mình, nhà Thục Hán tương đương với tự chịu diệt vong.

Về tình hình thiên hạ, Hoàng Thừa Ngạn là người nhìn thấy rất rõ. Trong trận chiến giữa Tôn và Lưu, Tào Tháo có thể chiếm thế ngư ông đắc lợi. Nếu quân Đông Ngô đưa quân đi chinh phạt Thục, đại quân Tào Ngụy sẽ thừa cơ tập kích Đông Ngô. Nếu là như vậy thì Đông Ngô sẽ ở bên bờ nguy hiểm, môi hở răng lạnh, vậy thì việc Thục quốc diệt vong cũng chính là không còn xa nữa. Ngay cả khi một Lục Tốn bị vây chết trong trận đồ bát quái cự thạch, nó sẽ không giúp nước Thục xoay chuyển tình thế mà sẽ làm sâu sắc thêm mâu thuẫn giữa Thục Hán và Đông Ngô, cấp cho Tào Tháo thời cơ để lợi dụng. Hoàng Thừa Ngạn mượn việc phá trận đồ bát quái cự thạch của Gia Cát Lượng, cứu mạng Lục Tốn, lấy lợi ích của thiên hạ đại cục để thuyết phục Lục Tốn rút quân, khiến liên minh Tôn Lưu một lần tan vỡ có thể tái thiết lập.

Quả thật không ngoài dự liệu của Hoàng Thừa Ngạn, vì Lục Tốn kịp thời điều quân trở về nên đã ngăn chặn được kế hoạch thôn tính Đông Ngô của Tào Ngụy, ổn định phần nào cục diện thiên hạ vào thời khắc mấu chốt, đồng thời giúp Gia Cát Lượng có thời gian để dốc sức cai quản ở Thục Hán. Công lao của Hoàng Thừa Ngạn không thể xóa nhòa.

Minh An
Theo SOH



BÀI CHỌN LỌC

Trí huệ hơn cả bậc kỳ tài Gia Cát Lượng, người này vốn ẩn sâu, không lộ diện