Trẻ em có thực sự thích cãi lại không?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khi trẻ muốn bày tỏ ý kiến, cha mẹ sẽ kiên nhẫn lắng nghe hay vội vàng phán xét? Bạn chọn cách “Cha mẹ hỏi con phải trả lời” hay là “Con nói cha mẹ nghe”?!

Trẻ đang vẽ nguệch ngoạc trên tường, bạn bước tới ngăn cản: “Xem con làm bẩn bức tường rồi, đừng vẽ nữa!”

“Con không chịu, con muốn vẽ”. Trẻ cố nói lại.

Cuối tuần khi cả nhà đi ăn ở nhà hàng, thấy em bé ở bàn bên cạnh phụng phịu không chịu ăn, vì người bố cho hết rau vào đĩa nhỏ của cậu ấy.

“Con không ăn rau, món bố không thích sao lại muốn con ăn!” Cậu bé nhăn nhó nói lại.

Những cảnh này bạn có thấy quen thuộc không? Bạn nói xem có khó chịu không? Liệu bé cưng trong nhà bạn có như vậy không?

Lý do trẻ cãi lại

Trẻ con vốn nhanh nhảu và rất thích nói lại, đừng vội trách trẻ thiếu hiểu biết. Đầu tiên các bậc cha mẹ có thể tự mình suy ngẫm xem, liệu trong cuộc sống hằng ngày có xảy ra những tình huống như thế này không:

Cha mẹ không thực hiện lời hứa khiến trẻ thất vọng, từ đó trẻ bộc lộ những cảm xúc tiêu cực trong lòng.

Cha mẹ yêu cầu trẻ sửa chữa khuyết điểm, nhưng bản thân mình không làm gương, nên trong tâm trẻ cảm thấy không phục và phản ứng lại.

Cha mẹ ép trẻ làm những việc trẻ không thích, trẻ phản kháng.

Cha mẹ thường bỏ qua ý kiến của trẻ, không hỏi trước ý kiến ​​của trẻ mà luôn đưa ra mệnh lệnh yêu cầu trẻ nên thế này, nên thế kia, dần dần khiến trẻ nảy sinh phản cảm.

Cha mẹ hiểu lầm và trách oan trẻ, cũng không muốn lắng nghe trẻ giải thích, khiến trẻ bày tỏ sự bất bình bằng cách cãi lại.

Việc trẻ cãi lại không phải là chúng cố ý ‘khiêu chiến’, mà chỉ đơn giản là trẻ muốn thể hiện ý kiến của bản thân.

Ở độ tuổi 2-4, là giai đoạn đầu tiên của sự bướng bỉnh trong đời trẻ. Giai đoạn này, bé bắt đầu có ý thức tự lập, mong muốn thoát khỏi sự phụ thuộc vào cha mẹ, và biểu hiện chính là cãi nói. Vì vậy hành vi cãi lại là bình thường trong thời kỳ ‘nổi loạn’ này, nhưng nó sẽ nhanh qua thôi, nó không phải là hành vi lâu dài.

Vì vậy, đây không phải là một vấn đề xấu, chỉ là một giai đoạn cần thiết trong sự trưởng thành của trẻ. Ví dụ, trẻ không thích ăn rau, ngay cả khi chúng ta ép trẻ ăn để cân bằng dinh dưỡng, nhưng nếu bản thân người lớn không thể làm gương và không muốn ăn, thử hỏi trẻ có muốn ăn không?

Những đứa trẻ biết ‘cãi lại’ có lợi thế hơn.

Những đứa trẻ biết cãi lại, chúng có khả năng tự nhận thức vấn đề nhanh nhạy và mạnh mẽ hơn, ngoài ra còn có những ưu thế khác.

Giỏi bày tỏ suy nghĩ của bản thân. Khi trẻ cãi lại, chúng thông qua cách này để thể hiện quyền được nói của chúng. Trong cuộc sống, chúng cũng sẽ thể hiện tốt hơn những ý tưởng của mình so với những đứa trẻ khác.

Dám thách thức quyền uy. Trong quá trình nói lại với cha mẹ, khả năng tự nhận thức của trẻ sẽ tiếp tục được cải thiện. Quá trình này thực sự là thách thức của trẻ đối với quyền hạn của cha mẹ.

Bởi khi trẻ biết thắc mắc về hành vi hoặc kết luận của cha mẹ, ấy là lúc trẻ bắt đầu học cách phân biệt đúng sai. Một khi trẻ nhận ra bạn làm gì đó hay nói gì đó sai, trẻ sẽ nghĩ “Ồ, hóa ra người lớn cũng sai”, điều này mang lại cho trẻ cảm giác thành tựu trong lòng. Khi lớn lên, trẻ sẽ sáng tạo hơn, tự tin hơn, không ham thích uy quyền, dám bứt phá.

Cha mẹ không nên dồn hết trách nhiệm cho trẻ khi trẻ nói lại, cha mẹ phải học cách phân biệt giữa “mọi chuyện đều có lý do để nói lại” và “cố tình nói lại”.

Bình tĩnh và học cách đồng cảm. Trước khi giải quyết vấn đề, cả cha mẹ và con cái không nên quá kích động, nhất định phải bình tĩnh. Chúng ta phải học cách hiểu hành vi của trẻ từ góc độ của chúng, rằng lý do trẻ làm điều này là gì?

Kiên nhẫn lắng nghe và khoan phán xét. Cha mẹ nên chủ động thay đổi từ kiểu tư duy “Cha mẹ hỏi con phải trả lời” sang mô tuýp “Con nói cha mẹ nghe”.

Chúng ta cho phép trẻ nói trước, và kiên nhẫn lắng nghe trẻ nói xong, để trẻ bộc lộ hết những suy nghĩ trong lòng, cho trẻ biết rằng cha mẹ rất coi trọng cảm xúc và suy nghĩ của trẻ, rằng trẻ có quyền đưa ra những ý kiến ​​khác nhau.

Sự dạy bảo và giọng điệu của cha mẹ nên nhẹ nhàng, chúng ta dành cho trẻ sự kiên nhẫn và bao dung, cho phép trẻ cãi lại trong chừng mực cũng là cách để trẻ bộc lộ cá tính và cảm xúc, từ đó cha mẹ nhìn thấy được thiếu sót của trẻ, cũng là cơ hội nhìn lại thiếu sót của chính mình, rồi đôi bên cùng nhau khắc phục, như vậy chẳng phải tốt hơn sao!

Trong quá trình trẻ trưởng thành, cha mẹ cũng không ngừng học hỏi để làm phong phú bản thân từ mọi phương diện, trở nên đồng cảm và là bạn đồng hành của trẻ, từ đó mới có thể thiết lập được mối quan hệ tốt đẹp giữa cha mẹ và con cái.

Cao Nguyên
Theo Aboluowang

Văn hoá Giáo dục


BÀI CHỌN LỌC

Trẻ em có thực sự thích cãi lại không?