Trân trọng cái đẹp trước khi nó tan biến: Họa phẩm 'Ảo tưởng đã mất'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tiếp Cận Nội Tâm: Những Gì Mà Nghệ Thuật Truyền Thống Mang Đến Cho Trái Tim

Chúng ta đôi khi để các cơ hội tuột khỏi tầm tay, mà quên mất rằng cuộc đời nhanh chóng kết thúc như một cái chớp mắt.

Gần đây, tôi đã trao đổi với một người bạn về sự nhận thức muộn màng. Bạn có từng nghĩ: “Nếu tôi có thể quay ngược thời gian, tôi sẽ làm khác đi” hoặc “Nếu tôi biết trước những gì hôm nay...”

Những thử nghiệm suy nghĩ như vậy có thể khiến chúng ta hoặc là sẵn sàng cho tương lai thận trọng hơn hoặc là u sầu về quá khứ.

Bức tranh của Charles Gleyre “Ảo Tưởng Đã Mất” (cũng gọi là “The Evening”) minh họa sự sầu muộn và trầm ngâm, những gì có thể nhận được khi đánh mất cơ hội.

Charles Gleyre và “Ảo Tưởng Đã Mất”

Gleyre là hoạ sĩ người Thụy Sĩ thế kỷ XIX, ông ấy đã vẽ phần lớn ở Pháp và đã vẽ rất nhiều tranh lãng mạn, một trong số đó là tác phẩm nổi tiếng nhất, “Ảo Tưởng Đã Mất”.

“Ảo Tưởng Đã Mất” là bức tranh dựa vào ảo giác mà Gleyre đã trải qua khi còn trẻ ở bên bờ sông Nin trong chuyến du lịch Ai Cập. Năm 1843, ở vào độ tuổi 37 - gần 10 năm sau khi gặp ảo giác - Gleyre đã vẽ “Ảo Tưởng Đã Mất” và đã tham gia vào cuộc thi Triển Lãm Pháp. Bức tranh đã được nhận huy chương vàng và được Chính Phủ Pháp mua lại.

Phiên bản được mô tả ở đây là bản sao chép vẽ năm 1867 bởi Gleyre và học trò của ông, Léon Dussart, theo yêu cầu của thương nhân và cũng là nhà sưu tập nghệ thuật người Mỹ William Thompson Walters.

Bên phải bức tranh là một người đàn ông đang cúi đầu và sụp đôi bờ vai trong nỗi buồn. Mặt trăng trên nền trời vàng tía gợi ý rằng hoàng hôn đang buông xuống, và những tia nắng cuối ngày gần như in bóng người đàn ông vào trong bóng đêm.

Ông ta đặt cây đàn lia xuống đất kế bên mình, ngồi trên bến và nhìn một con thuyền chở cả tá người chuẩn bị rời đi.

Những nhân vật trên chiếc thuyền, không giống như người đàn ông, được chiếu sáng theo cách mà tất cả các đặc điểm của họ đều được nhìn rõ; nó như thể là một nguồn sáng khác đang soi chiếu họ.

Tất cả các nhân vật này đều là nữ ngoại trừ thần Cupid đang lái con thuyền. Những người phụ nữ này đang chơi các nhạc cụ, đọc thơ và vỗ tay. Và cũng có những người lặng lẽ lắng nghe và nhìn những người khác. Thần Cupid thả những cánh hoa xuống nước trong khi con thuyền từ từ trôi đi.

“Ảo tưởng đã mất”, giữa 1865 và 1867, của Charles Gleyre và Léon Dussart. Dầu trên vải, 34 inch x 59 inch. Bảo tàng nghệ thuật Walters. (Phạm vi công cộng)
“Ảo tưởng đã mất”, giữa 1865 và 1867, của Charles Gleyre và Léon Dussart. Dầu trên vải, 34 inch x 59 inch. Bảo tàng nghệ thuật Walters. (Phạm vi công cộng)

Hiểu rõ giá trị của vẻ đẹp

Người đàn ông buồn bã nhìn những người phụ nữ biểu diễn trên con thuyền. Điều này có phải chỉ đơn giản đại diện cho người đàn ông đang nhìn những khát khao tuổi trẻ cũng trôi xa trên dòng đời khi mà ông ta đã vào tuổi xế chiều?

Thần Cupid, một đại diện điển hình của tình yêu say đắm và mãnh liệt, đang thả những cánh hoa xuống nước như thể những cánh hoa này là những cơ hội đã bị bỏ lỡ cho những mối quan hệ lãng mạn.

Những người phụ nữ giống như nàng thơ, tất cả đều là sự đại diện cho các hình thức nghệ thuật tiếp sức cho cái đẹp, đang từ từ trôi đi xa như thể người đàn ông đã bỏ lỡ nhiều vẻ đẹp của cuộc đời, sự mất mát đã nhấn chìm ông ta vào nỗi sầu muộn mà ông ấy đang trải qua.

Và điều gì đã làm cho ông ta bỏ lỡ nhiều thứ đến vậy? Có phải là cây đàn lia, cái mà ông ấy đã đặt sang một bên? Có thể nào ông ấy đã dành quá nhiều thời gian theo đuổi sự điêu luyện với đàn lia mà quên mất việc sống thực sự? Có phải ông ta đã quá xao lãng đến mức không nhận ra sự đẹp đẽ ở xung quanh mình, ông ta chỉ nhận ra nó khi mà nó đã chạy trốn trong bóng đêm của cuộc đời.

Tất cả những điều này có lẽ đúng, nhưng sự giải thích này có vẻ như còn thiếu một khía cạnh khác bởi vì tiêu đề của bức tranh. Gleyre đã ám chỉ tất cả những gì “mất đi” chính là “ảo tưởng”.

Đối với các nghệ sĩ lãng mạn, ảo tưởng là quan trọng hơn bất cứ điều gì, một sự cân bằng cần thiết cho sự theo đuổi chân lý khoa học trong thế kỉ XVIII - XIX. Ảo tưởng, sự tưởng tượng và những điều đẹp đẽ làm mê đắm tinh thần con người đều bị gạt sang một bên để nghiên cứu khoa học một cách khách quan và hợp lý.

Có lẽ nỗi sầu muộn mà ông ấy trải qua không chỉ giới hạn trong những mất mát của chính ông ấy. Có lẽ người đàn ông này đại diện cho một thế hệ đã đánh mất đi sự tiếp cận đến những cái đẹp mà đã khuấy động tâm trí của con người.

Có phải những thứ tốt đẹp - thơ ca, lịch sử, và âm nhạc - được hiện thân bởi nàng thơ và được định rõ đặc điểm nhiều lần qua những câu chuyện của nhân loại đã bị gạt sang một bên bởi sự theo đuổi chân lý khoa học đầy lạnh lùng và toan tính? Hoặc có phải những nàng thơ này cảm thấy không còn nơi nào cho họ, nên giương buồm lên để tìm một nơi khác, một thời điểm, một thời đại mà sẽ coi trọng họ lần nữa?

Có phải đây là lý do mà ông ấy đã để cây đàn lia sang một bên? Bởi vì thiếu sự đánh giá đúng đắn cho việc chạy theo âm nhạc trong thế giới mà ngày càng trở nên lạnh lùng, phân tích và khoa học? Có phải sự cực đoan khoa học này là nguồn gốc của sự buồn bã?

Có phải ông ấy gần như khuất bóng bởi vì chân lý khoa học được coi là phổ quát che mờ đi các cá tính độc đáo vốn có của ông ấy trong việc đánh giá cao vẻ đẹp và theo đuổi sáng tạo? Hay phải chăng ông ấy đã bị khuất bóng bởi vì thực chất sự sáng tạo không chú trọng đến thể hiện bản thân mà thiên về vẻ đẹp, do đó nó là nguồn sáng cho các nhân vật trên con thuyền?

Có lẽ bức tranh này không phải là sự công kích vào khoa học mà là minh chứng cho sự mất mát bởi sự cực đoan của tính khách quan lạnh lùng và toan tính gây ra bởi chủ nghĩa khoa học - một sự mất mát mà chúng ta sẽ nhìn lại với câu ngạn ngữ: “Nếu tôi biết trước những gì hôm nay…”

Có lẽ bức tranh này như sự động viên để nhìn về tương lai một cách thấu đáo, với sự nhận thức mới và sự coi trọng vẻ đẹp được bao bọc bởi tinh thần con người, một vẻ đẹp “ảo giác” để cân bằng lại các thái cực của khoa học.

Thông điệp và sự cảnh báo của nó là sự cảnh tỉnh sâu sắc và khuyến khích sự suy ngẫm về cách mà chúng ta có thể cân bằng kỷ nguyên khoa học, đời sống, và sự nỗ lực của chúng ta với sự trân trọng tăng tiến đối với vẻ đẹp của đời sống trước khi nó xa dần về đường chân trời và mãi mãi vượt tầm mắt.

Nghệ thuật truyền thống thường hàm chứa các đại diện tinh thần và biểu tượng cho những điều ý nghĩa mà có thể đã bị đánh mất trong đời sống tinh thần hiện đại. Trong loạt bài “Tiếp Cận Nội Tâm: Những Gì Mà Nghệ Thuật Truyền Thống Mang Đến Cho Trái Tim”, chúng tôi sẽ giải thích nghệ thuật một cách trực quan mà sâu sắc về mặt đạo đức cho con người ngày nay. Chúng tôi không nói rằng cung cấp các câu trả lời xác thực đối với những câu hỏi mà hàng bao thế hệ đã vật lộn tìm kiếm, nhưng hy vọng rằng những câu hỏi này sẽ truyền cảm hứng về một hành trình mà nhân loại trở nên chân thật, nhân ái và can đảm hơn.

Du Du
Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Trân trọng cái đẹp trước khi nó tan biến: Họa phẩm 'Ảo tưởng đã mất'