Trà Đạo Nhật Bản: Lấy 'Trà' truyền 'Đạo'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Toàn bộ quá trình pha trà của Trà Sư cũng như đang biểu diễn nghệ thuật, động tác rót trà chính xác, ưu nhã như vũ đạo. Trong khi thưởng trà và pha trà, vô luận chủ khách, đều có thể quên đi những tạp niệm nơi thế tục phàm trần, tại nơi ưu nhã an tĩnh này mà cảm thụ sự tịnh hóa thân tâm.

Trà Đạo Nhật Bản bắt nguồn từ Trung Quốc, từ trà nghệ thời Đường, Tống, lấy giá trị tinh thần, đạo đức làm cơ sở diễn biến mà thành, là nét tiêu biểu cho văn hóa truyền thống và tính cách dân tộc của Nhật Bản. Nó được kết hợp giữa nghệ thuật trà với lễ nghi, giữa đạo đức luân lý làm người với sự tinh tế thẩm mỹ, tạo thành một bộ môn rèn luyện thân tâm, bồi dưỡng đạo đức, là hoạt động văn hóa nghệ thuật chứa đựng thẩm mỹ cao nhã.

Trà Đạo chính tông Nhật Bản hình thành vào cuối thế kỷ 16, cư sĩ Thiên Lợi Hưu (Sen No Rikyū) đề xuất “Hòa, Kính, Tĩnh, Tịch”, 4 chữ này chính là nội hàm tinh thần của Trà Đạo, hình thành nên các trình tự lễ nghi, lấy trà truyền “Đạo”, đây cũng là địa vị tối cao trong văn hóa truyền thống của Nhật Bản. Cũng chính do đặc điểm này, mà Nhật Bản đã lưu giữ được những giá trị truyền thống trước những trào lưu biến động của thời đại, trong khi đó ở Trung Quốc thì lại dần mất đi kỹ nghệ Trà Đạo thời Đường Tống, mất đi lễ nghĩa, phong cách, nội hàm của Nho gia, Phật gia trong văn hóa xử thế truyền thống.

Dùng lễ nghi nghiêm cẩn khải ngộ “Hòa, Kính, Tĩnh, Tịch”

Trà Đạo Nhật Bản cực kỳ chú trọng trình tự lễ nghi, quy cách thủ tục làm người hiện nay thấy rất phức tạp rườm rà.

Chủ, khách đều phải tuân theo những quy cách cố định và các bước tiến hành để hoàn thành nghi thức. Trước khi khách đến phòng trà, cần qua một khuôn viên nhỏ, để thân tâm lắng dịu, thoát ly tạp niệm nơi phàm thế trần tục. Trước cửa phòng trà đặt một chum nước nhỏ, nơi ta dùng gáo cán dài, múc nhẹ nước rửa tay, súc miệng, làm thân tâm ninh tĩnh, rửa đi những ý niệm phàm trần. Nữ trà sư mặc trang phục Kimono, cử chỉ văn nhã, mời khách nhân vào phòng trà, chủ nhân trong tư thế ngồi quỳ, tay kéo nhẹ cánh cửa đón khách vào trong.

Trà Đạo Nhật Bản cực kỳ chú trọng trình tự lễ nghi, qui cách thủ tục (Ảnh: pixabay)
Trà Đạo Nhật Bản cực kỳ chú trọng trình tự lễ nghi, qui cách thủ tục (Ảnh: pixabay)

Khi có hội trà lớn, thì cả chủ nhân, trà sư (bậc thầy pha trà), người phục vụ (người bê trà, điểm tâm…), người điểm trà (người rót trà ), cùng phục vụ khách. Vị khách đầu tiên bước vào phòng trà được gọi là chính khách, là người quan trọng nhất trong các vị khách, cũng là vị khách đầu tiên được thưởng thức trà và điểm tâm. Sau khi khách bước vào phòng trà, chủ khách hành lễ cúi chào đặc trưng của người Nhật (gọi là Cúc cung chí lễ). Lúc này, trà sư mang trà và dụng cụ pha trà bày xếp ngay ngắn, sau khi hành “Cúc cung chí lễ” xong, bắt đầu pha trà. Chủ khách trong lúc trà sư pha trà, thường ngắm nhìn các bức thư pháp bài trí trong phòng mà nhàn đàm.

Trước khi uống trà, người phục vụ đưa lên các món điểm tâm tinh mỹ, với mục đích tránh để bụng rỗng trước lúc thưởng trà. Chủ khách trước khi dùng điểm tâm cũng mời nhau thành kính, xong rồi mới bắt đầu dùng, khách dùng điểm tâm xong, cầm đĩa đặt ra cạnh tấm đệm ngồi (Tatami) biểu thị đã dùng xong điểm tâm, lúc này nhất định phải bày tỏ lòng cảm tạ đầy thành kính.

Sau đó chính thức đến bước thưởng trà, chủ nhân nâng chén trà, hướng phần hoa văn trên chén về phía khách mà kính lễ, khách tiếp nhận chén trà, xong xoay phần có hoa văn về phía chủ, cung kính uống trà, uống xong, lau sạch phần nhấp miệng, đặt chén xuống trước mặt, lần nữa cung kính cảm tạ chủ nhân. Kết thúc hội trà, khách nhân từ biệt ra về, cùng chủ nhân kính lễ ở cửa phòng trà. Hoàn tất hoạt động nghi thức.

"Dĩ trà truyền Đạo”: Tu thân tịnh tâm

Đương nhiên, lúc bình thường tụ hội cùng bằng hữu, thì các nghi thức trà đạo cũng đơn giản đi nhiều, chủ nhân đảm nhận cả vai trò của trà sư và người phục vụ, chủ nhân sẽ rất bận rộn, nhưng cũng làm tăng thêm không khí thân thiết tự nhiên. Phòng trà thường sắp xếp theo phong cách thư viện, trang nhã đơn giản, treo tranh thư pháp và cắm hoa theo mùa.

Tuy nhiên, người ta cho là người Nhật quá ư chú trọng lễ nghi quy củ, kỳ thực trong các thủ tục lễ nghi của trà đạo chứa đựng nội hàm tinh thần “ Hòa, Kính, Tĩnh, Tịch” cùng với “Nhất kỳ nhất hội” (Nghĩa là: trân trọng từng thời khắc quý giá, hãy đối đãi bằng tất cả sự chân thành vì sẽ không bao giờ có lại lần thứ hai.).

Việc thi lễ được lặp lại nhiều lần, biểu hiện sự hòa ái tương thân, tôn trọng lẫn nhau, trong luân lý đạo đức của phép xử thế, đồng thời, với nhân sinh quan “Nhất kỳ nhất hội”, người Nhật cảm thụ được sự ngắn ngủi, vô thường của kiếp người, nên cơ hội gặp nhau là vô cùng quý giá, do đó thi lễ đãi khách càng cần chú trọng lễ nghi quy phạm, lấy mỗi lần tụ hội dùng trà coi như lần duy nhất hoặc lần cuối trong đời, do vậy mà chủ nhân tận tâm tận lực dùng lòng thành pha trà cùng lễ nghi tiếp đãi, nên đến ngay cả động tác lau sạch bộ đồ trà cũng tận tâm tỉ mỉ, nâng lên đến mức nghệ thuật của động tác và quy phạm.

Người Nhật khi đãi khách tận tâm tận lực dùng lòng thành pha trà cùng lễ nghi tiếp đãi (Ảnh: pixabay)
Người Nhật khi đãi khách tận tâm tận lực dùng lòng thành pha trà cùng lễ nghi tiếp đãi (Ảnh: pixabay)

Toàn bộ quá trình pha trà của trà sư cũng như đang biểu diễn nghệ thuật, động tác rót trà chính xác, ưu nhã như vũ đạo. Trong khi thưởng trà và pha trà, vô luận chủ khách, đều có thể quên đi những tạp niệm nơi thế tục phàm trần, tại nơi ưu nhã an tĩnh này mà cảm thụ sự tịnh hóa thân tâm.

Ở Trà Đạo chính tông Nhật Bản, người nơi phòng trà tâm tình nhàn nhã, đàm luận sơn thủy, tự nhiên, nghệ thuật, tuyệt đối cấm chỉ bàn luận những chủ đề chính trị, tiền bạc, nữ sắc, danh lợi, có thể thấy Trà Đạo có vị trí Thần Thánh thanh khiết đến thế nào trong tâm trí người Nhật Bản, do vậy, trong cuộc sống ồn ào hiện đại nơi trần thế vẫn có thể đến phòng trà mà lặng hưởng chút thanh tĩnh du nhàn, nơi ý thức thẩm mỹ được rèn luyện trong tĩnh lặng, nơi ta phản tỉnh tự thân mà đạt đến tư tưởng thăng hoa .

Trà Đạo Nhật Bản thụ ích từ văn hóa trà Đường Tống.

Cũng chính do các bước nghi thức hết sức nghiêm cách quy phạm mà đạt được mức độ hòa kính trong luân lý đạo đức, kỹ nghệ trà lấy hình thức lễ nghi để bảo tồn tinh hoa truyền thống cho tới ngày nay, cũng là lưu giữ và phục hưng văn hóa truyền thống Trung Hoa.

Kỳ thực, danh từ “Trà Đạo” xuất hiện sớm nhất trong văn hiến là từ thời nhà Đường, văn hóa của Nho gia, Phật gia hưng thịnh đã truyền nhập vào Nhật Bản, các tăng nhân Nhật Bản đã đem nguyên bản Trà Đạo, đang rất thịnh hành ở thời Đường, truyền nhập Nhật Bản, từ đây Nhật Bản mới có lịch sử uống trà. Thời Đường văn hóa Trà Đạo rất thịnh hành, tại cung đình, chùa viện, quan phủ, cho đến chúng dân đều lấy trà thay rượu trong các yến hội cao nhã, sau dần hình thành lên các lễ tiết nghi thức một cách quy ước tự nhiên.

Thời Đường, trà dùng cách nấu, vừa đun vừa nấu, chú trọng độ sôi của nước, sôi độ một - nghe tiếng nước reo, độ hai - sủi bọt như nước nguồn phun trào, độ ba - như sóng cuộn, khi nào thì đổ nước sôi vào trà, rồi trình tự đun như thế nào, được hết sức chú trọng. Thời Đường, trà làm thành bánh, sấy trên lửa tới khi tỏa hương, xong nghiền thành mạt vụn, đun nước sôi, lấy các điểm sôi khác nhau làm trình tự ninh trà, vừa ninh vừa uống, mạt trà cùng nước được uống cả.

Cách nấu mạt trà thời Đường truyền vào Nhật Bản cũng hưng thịnh một thời, sau này thời Tống có cách pha trà, không trực tiếp cho mạt trà vào nước sôi đun, mà dùng nước sôi ở một mức độ nào đó, rót vào bát đựng trà, dùng bàn chải tre nhỏ, khuấy nhẹ loại bỏ bọt trà, khi rót trà yêu cầu chính xác cẩn trọng, khuấy trà loại bọt cũng không phải là đơn giản, cần qua luyện tập kỹ năng, còn trà thì vẫn như thời nhà Đường, dùng trà dạng bánh, sấy khô, nghiền thành bột.

Vào thời Tống, một tăng nhân Nhật Bản tên Koei Tay từng hai lần sang Tống, mang văn hóa Trà Đạo thời Tống cùng dụng cụ pha trà truyền nhập Nhật Bản, chính thức truyền bá phổ cập cách thức uống trà. Do vậy, kỹ nghệ Trà Đạo Nhật Bản chú trọng độ sôi của nước, kỹ thuật khuấy trà khử bọt của thời Đường Tống, đặc biệt là phương pháp pha trà thời Tống. Sau này, kinh qua chế độ cai trị Mạc Phủ cùng thời kỳ chiến tranh, Nhật Bản cuối cùng đã lấy trà nghệ Trung Quốc cùng nội hàm tinh thần của Nho gia, Phật gia dung nhập văn hóa dân tộc, kết hợp phong cách kiến trúc thư viện với lễ pháp nghi thức của võ sĩ và chùa viện, lấy những giá trị mà dân tộc Nhật Bản tôn sùng như: Tự nhiên, trang nhã, đạm bạc, tĩnh tịch tổng hòa vào Trà Đạo rồi dung nhập vào trong kiến trúc, thư họa, cắm hoa, đạo đức tinh thần, các hoạt động văn hóa, tiến nhập vào đời sống thường ngày.

Nói một cách chính xác, Trà Đạo triển hiện văn hóa lễ nghi truyền thống Nhật Bản một cách điển hình, hiển hiện bản chất đặc trưng “Lấy Trà truyền Đạo”.

Nhật Bản trọng truyền thống, giữ lễ nghi, tất cả hình tượng đều thể hiện trong Trà Đạo, thực chất đây cũng là những điều được lưu lại từ thời Đường Tống.

Người ta ngạc nhiên sự uống trà cầu kỳ của người Nhật, cầu kỳ từ độ sôi của nước, cầu kỳ vừa đun vừa hưởng hương trà, cầu kỳ lễ nghi, thực ra đây chính là từ văn hóa thời Đường Tống, phát triển cực thịnh ở Nhật Bản, mà lưu lại về sau này. Người Trung Quốc cổ đại, tại các ngành nghề, trong các cử chỉ, giao tiếp nói chuyện hàng ngày đều cẩn trọng giữ lễ, quan hệ xã hội phân thứ bậc lớn bé cao thấp rõ ràng mà định lễ nghi, khí chất tao nhã cùng lễ nghi quy phạm làm cho người Nhật bội phục.

Những lễ nghi quy phạm này cùng với nghề Trà sau khi dung nhập Nhật Bản, được người dân nơi đây đón nhận và hấp thụ, Trà Đạo đã hệ thống lại, kế thừa, truyền dương và gìn giữ cho tới ngày nay.

Đối với người Trung Quốc mà nói, hiểu được Trà Đạo Nhật Bản không chỉ là hiểu được văn hóa chính thống của dân tộc Nhật Bản, mà còn ngược dòng thời gian tìm về ký ức, nơi thời kỳ Đường Tống được gọi là đất nước của lễ nghi .

Thái Bình
Theo Epochtimes



BÀI CHỌN LỌC

Trà Đạo Nhật Bản: Lấy 'Trà' truyền 'Đạo'