TQDN luận hào kiệt: Trương Liêu - anh hùng bến Tiêu Diêu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cái dũng của Trương Liêu đã có Quan Vũ xác nhận. Nhưng nào chỉ có thế, Trương Liêu còn có sự thận trọng, có định lực và mưu lược – những phẩm chất của bậc đại tướng...

Người ta hay nhớ đến Trương Liêu ở trận bến Tiêu Diêu – một trong những trận đánh khốc liệt nhất của Tam Quốc. Chắc chắn đó là đỉnh cao của sự nghiệp chinh chiến của Trương Liêu. Nhưng trước Tiêu Diêu đã có trận Hợp Phì. Trước Hợp Phì đã có vô số lần Trương Liêu thể hiện cái dũng, cái trí mưu và đảm lược của mình. Ai không biết Quan Vũ nổi tiếng kiêu ngạo, ít khi chịu phục người khác? Vậy mà Vũ còn thừa nhận với Trương Phi rằng: “Võ nghệ người ấy chẳng kém gì anh em ta đâu” thì phải biết rằng Trương Liêu cũng là tay chẳng vừa.

Cái dũng của Trương Liêu đã có Quan Vũ xác nhận. Nhưng nào chỉ có thế, Trương Liêu còn có sự thận trọng, có định lực và mưu lược – những phẩm chất của bậc đại tướng.

Hãy xem lại Trương Liêu ở trận đánh Hợp Phì:

Có thận trọng thì thắng trận rồi mà vẫn lệnh cho ba quân không được cởi giáp nằm nghỉ, phòng khi bị cướp trại ban đêm. Và y như rằng chuyện xảy ra.

Có định lực mới không hoang mang khi Đông Ngô cho gián điệp sang đốt trại khi trời tối, đồng thời lại tóm được thủ phạm gây rối.

Có mưu lược mới lập tức “tương kế tựu kế” lừa lại Đông Ngô trong thời gian hết sức gấp rút đó. Nếu không phải người có tài ứng biến, lại giỏi chỉ huy, làm sao có thể làm được việc ấy?

Lại nhớ đến chuyện Trương Liêu vừa bảo vệ Tào Tháo chạy thoát lửa Xích Bích đỏ rực trời, vừa giương cung bắn rụng Hoàng Cái xuống sông. Lâm nguy không loạn, Trương Liêu vừa có định lực, vừa có dũng lực hơn người.

Trương Liêu vừa bảo vệ Tào Tháo chạy thoát lửa Xích Bích đỏ rực trời, vừa giương cung bắn rụng Hoàng Cái xuống sông.
Trương Liêu vừa bảo vệ Tào Tháo chạy thoát lửa Xích Bích đỏ rực trời, vừa giương cung bắn rụng Hoàng Cái xuống sông. (Ảnh chụp màn hình Tam Quốc Diễn Nghĩa liên hoàn hoạ)

Trận chiến Hợp Phì, Trương Liêu đánh cho Đông Ngô thất điên bát đảo, mất cả Tống Khiêm, đặc biệt mất đại tướng Thái Sử Từ. Chẳng trách, thành Hợp Phì là nơi hiểm yếu nhất, Tháo chẳng giao cho ai, chỉ giao cho Trương Liêu giữ.

Trận Tiêu Diêu còn kinh khủng hơn. Quân Đông Ngô vừa qua cầu Tiểu Sư, Liêu sai Lý Điển chặt đứt cầu, rồi quân Tào trước sau đánh ập lại, kẹp Đông Ngô vào giữa. Trận này Cam Ninh, Lăng Thống, Lã Mông bị đánh thừa sống thiếu chết, may còn giữ được mạng. Chu Thái thì đưa lưng ra làm thớt chặt thịt, cũng suýt vong thân. Bản thân Tôn Quyền “sợ cuống cả chân tay lại” và chỉ có chân mệnh đế vương mới giúp cho Quyền thoát chết. Trận này Trương Liêu khét tiếng tới mức trẻ con Giang Nam sau đó nghe đến tên Trương Liêu là nín khóc.

Nhưng phải biết rằng, nếu Trương Liêu không giỏi tâm lý chiến, sao có thể thuyết phục Lý Điển bỏ xích mích với mình để đồng lòng ra sức cho nước nhà? Rồi mới có chiến thắng vang dội ở bến Tiêu Diêu chứ.

Đỉnh cao nghệ thuật tâm lý chiến, phải nói đến màn chiêu hàng của Trương Liêu với Quan Vũ. Thực ra, hai con người này có uyên nguyên rất sâu xa.

Khi Trương Liêu còn theo Lã Bố, đánh Lưu Bị ở Tiểu Bái, có lần Quan Vũ đứng trên thành trông xuống, Trương Liêu ở dưới trông lên. Thay vì xuống giao chiến thì Quan Vũ mới nói câu này:

“Tôi trông ông nghi biểu cũng không phải người thường, sao lại khuất thân theo giặc?”

Trương Liêu nghe vậy cúi đầu không nói và dẫn quân lui. Chính lời nói ấy của Quan Vũ gieo mầm cho tình bạn của đôi bên sau này.

Trương Liêu nghe vậy cúi đầu không nói và dẫn quân lui.
Trương Liêu nghe vậy cúi đầu không nói và dẫn quân lui. (Ảnh chụp màn hình Tam Quốc Diễn Nghĩa liên hoàn hoạ)

Đến khi Lã Bố thua Tào Tháo, Trương Liêu cũng bị bắt. Quan Vũ quỳ tâu với Tháo rằng Liêu là người trung nghĩa, xin đem tính mạng ra đảm bảo cho Liêu. Liêu không chết lại được Tháo trọng đãi.

Cái ơn ấy, một người nghĩa khí như Trương Liêu làm sao quên được? Vì đó là ơn “tri ngộ”. Ơn tri ngộ tức là cái ơn dành cho người mới gặp mà nhìn ra những phẩm chất tốt đẹp của mình, điều thiên hạ không làm được.

Nên sau này Quan Vũ thất trận ở Hạ Phì, một mình một ngựa lẻ loi trên quả núi đất, quân đội đại bại, anh em mất còn chẳng biết thì Trương Liêu lại nghĩ kế bảo toàn mạng sống cho Vũ. Nhưng Vũ trung nghĩa, lại tâm cao khí ngạo, coi cái chết như không. Dùng danh lợi dụ hàng Vũ không được, lấy cái chết đe dọa không xong, chỉ có dùng cái nghĩa vườn đào để cột Vũ lại mà thôi. Liêu làm được, vừa lập công với Tào Tháo, vừa giữ lại được tính mạng cho bạn mình. Liêu hiểu Vũ không kém gì Vũ hiểu Liêu. Vậy nên chuyện dụ hàng Quan Vũ nói theo ngôn ngữ Tam Quốc thì: “việc này phi Trương Văn Viễn không xong”.

Tất cả những lần Tháo muốn dò hỏi về Quan Vũ cũng đều phải thông qua Trương Liêu. Khi Tháo cùng đường ở Hoa Dung, nếu không có Trương Liêu xuất hiện, ta cũng chưa biết Quan Vũ sẽ quyết định thế nào? “Bắt” hay “thả” Tháo?

Quyết định ấy có thể thay đổi hoàn toàn cục diện Tam Quốc. Vì thế, nói như Khổng Minh cũng đúng: Tháo chưa đến lúc tận số nên sắp xếp Quan Vũ ra phục ở đường Hoa Dung. Vũ chịu ơn Tháo mà trù trừ không giết. Không giết thì theo quân lệnh đã lập, Vũ phải thế mạng vào đó. Đúng lúc Vũ phân vân chưa quyết thì Trương Liêu xuất hiện khiến Vũ nhớ đến tình bạn xưa mà đành thở dài cho đi. Vậy mới nói có lẽ đó là sự sắp xếp của định mệnh. Ai nhận vai gì, đều có an bài hết cả, không vai nào thừa.

Cùng chơi thân với Quan Vũ, Trương Liêu có cái chết từa tựa như Từ Hoảng. Trương Liêu cũng bị tên bắn vào lưng chết trong trận đánh Nam Từ. Mũi tên này của Đinh Phụng – Đông Ngô, dường như vô tình trả lại mũi tên mà Trương Liêu dành cho Hoàng Cái ở Xích Bích, cho vô số tướng sĩ Đông Ngô chết trận ở Hợp Phì và Tiêu Diêu. Nếu Tào Tháo còn cầm binh, chưa chắc Bắc Ngụy đã bại ở Nam Từ và Trương Liêu chưa chắc đã mất mạng. Trương Liêu chết sớm hơn Từ Hoảng, được làm ma to hơn. Kể ra chết sớm hơn chút lại là may, khỏi phải nhìn thấy sự suy bại qua các thế hệ của Tào Ngụy.

Thanh Phong



BÀI CHỌN LỌC

TQDN luận hào kiệt: Trương Liêu - anh hùng bến Tiêu Diêu