TQDN luận hào kiệt: Giải mã bí ẩn Thủy Kính tiên sinh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tư Mã Huy chỉ xuất hiện có đôi lần trong truyện Tam Quốc Diễn Nghĩa (TQDN) mà dường như mang tới thay đổi có tính bước ngoặt trong thế lực của tập đoàn Thục Hán và thế cục thiên hạ tam phân.

“Ngọa Long tuy gặp chủ, nhưng không gặp thời. Đáng tiếc thay!”, một ẩn sĩ ngẩng mặt lên trời cười lớn rồi ung dung bái biệt Huyền Đức. Bóng người đã đi khuất mà còn để cho kẻ ở lại biết bao hâm mộ, luyến tiếc, hy vọng mà lại băn khoăn. Tưởng như thuận miệng nói ra nhưng đó lại chính là một lời sấm truyền về số phận Gia Cát Lượng và công cuộc khôi phục Hán thất của Lưu Bị rồi sẽ không thành. Cao nhân thế ngoại này tên gọi Tư Mã Huy, tự là Đức Tháo, đạo hiệu Thủy Kính tiên sinh, nhà ở Nam Dương.

Tư Mã Huy chỉ xuất hiện có đôi lần trong truyện Tam Quốc Diễn Nghĩa (TQDN) mà dường như mang tới thay đổi có tính bước ngoặt trong thế lực của tập đoàn Thục Hán và thế cục thiên hạ tam phân. Lần đầu tiên Lưu Bị gặp Thủy Kính là sau cuộc đào thoát ở Kinh Châu. Khách không mời chưa tới chủ nhà đã biết trước, cứ như thể Thủy Kính ngồi một chỗ mà không việc gì có thể qua mắt ông được. Chỉ bằng vài lời, Thủy Kính đã vạch ra điểm yếu lớn nhất của tập đoàn Thục Hán đó là thiếu một mưu sĩ đủ tầm hoạch định chiến lược tranh thiên hạ. Nhưng vận mệnh Lưu Bị sắp thay đổi, điềm bay nhảy “rồng cất cánh bay” đã đến, ấy là qua lời cắt nghĩa của Thủy Kính về bài đồng dao nổi tiếng ở xứ này. Chừng như họ Lưu đã tin rồi, ông mới phán: “Phục Long, Phượng Sồ, chỉ cần một trong hai người ấy cũng đủ bình định thiên hạ.” Và chỉ nói đến thế là đủ, Thủy Kính cười to để mặc Lưu Bị với bao nhiêu háo hức và băn khoăn. Và độc giả chúng ta cũng thế.

Tranh vẽ chân dung Tư Mã Huy của một danh họa đời nhà Thanh
Tranh vẽ chân dung Tư Mã Huy của một danh họa đời nhà Thanh. (Ảnh: Wikipedia)

Cái băn khoăn ấy của Lưu Bị càng tăng qua cuộc trò chuyện bí ẩn trong đêm giữa Tư Mã Huy và Từ Thứ. Rồi tuồng như tình cờ, Thủy Kính đến thăm Lưu Bị lần thứ hai sau cuộc dứt áo ra đi đầy thương tiếc của Nguyên Trực. Lúc này, ông mới cho Lưu Bị biết cụ thể về Phục Long và Phượng Sồ khiến cho họ Lưu cứ như kẻ sắp chết đuối lại vớ được cọc.

Và thế là hết vai trò của Thủy Kính, ông lại khuất sau cánh gà giống như một diễn viên thượng thặng đã diễn xong vai của mình, để lại cho độc giả bao nhiêu điều tò mò. Con thần long sau hai lần cuộn mình, nhe nanh múa vuốt giữa bầu không lại biến vào mây xanh khiến cho nhân gian bồi hồi ngơ ngẩn. Còn gì nữa về con người này?

Đất Dĩnh lắm anh tài nhưng chí hướng khác nhau. Những Thôi Châu Bình, Thạch Quảng Nguyên, Mạnh Công Uy… đều là những tinh hoa của giới trí thức của miền này. Và đề tài của đám trí thức ấy mỗi khi tụ họp chắc chắn không ngoài chuyện thế sự. Nhưng cũng như Thủy Kính, họ chọn thái độ khoanh tay rũ áo, ẩn cư nơi thanh vắng. Tuy vậy, Thủy Kính có khác đôi chút. Sứ mệnh của ông là làm kẻ tiến dẫn những trí thức tinh anh như Nguyên Trực, Phục Long, Phượng Sồ đến với “chân chúa Lưu Bị”. Đó là vai diễn cuộc đời giao phó cho ông.

Sứ mệnh của ông là làm kẻ tiến dẫn những trí thức tinh anh như Nguyên Trực, Phục Long, Phượng Sồ đến với “chân chúa Lưu Bị”.
Sứ mệnh của ông là làm kẻ tiến dẫn những trí thức tinh anh như Nguyên Trực, Phục Long, Phượng Sồ đến với “chân chúa Lưu Bị”. (Ảnh chụp màn hình Tam Quốc Diễn Nghĩa hoàn hoạ)

Và đời cũng đã chọn mặt gửi vàng. Chỉ có Thủy Kính mới nhìn ra Phượng Sồ Bàng Thống là kẻ tài ba quán thế khi thiên hạ coi người này chẳng có gì đặc biệt, có khi còn ngây ngốc, xấu xí. Không thế thì Phượng Sồ đã chẳng bỏ Giang Đông mà đi sang với Thục Hán. Rồi sau khi gặp Lưu Bị cũng đành ngậm ngùi làm anh tri huyện Lỗi Dương chán đời say khướt suốt một thời gian. Tôn Quyền, Lưu Bị, những minh chúa có con mắt sắc bén trong chọn lựa nhân tài còn bỏ qua Phượng Sồ không dùng nữa là.

Từ Thứ cũng nghe lời Thủy Kính mà đến giúp Huyền Đức. Từ Thứ đi thì Thủy Kính lại chỉ vẽ cho Lưu Bị tìm đến Gia Cát Lượng. Có thể nói, nếu không có Thủy Kính thì chẳng có Phục Long, Phượng Sồ và cũng chẳng thể có một thế lực Thục Hán hùng mạnh chia ba thiên hạ với Đông Ngô và Bắc Ngụy. Chưa hết, Thủy Kính còn là thầy học của thế hệ quan lại trụ cột của Thục Hán sau này như Hướng Lãng, Duẫn Mặc… Như vậy thì, Thủy Kính chưa làm quan cho Thục Hán ngày nào nhưng quả thực giống như công thần khai quốc cho Thục Hán vậy.

Phân cảnh mà Thủy Kính xuất hiện cũng thể hiện bút lực như thần của La Quán Trung trong thủ pháp đối lập và xâu chuỗi sự việc. Đang cảnh ăn tiệc ồn ào ở nhà trước thì lập tức chuyển cảnh Y Tịch rỉ tai Lưu Bị về âm mưu thích khách ở nhà sau. Rồi lập tức chuyển sang cảnh truy sát khẩn trương của Sái Mạo với Lưu Bị. Cao trào ở cảnh Đích Lư phi như bay qua suối Đàn Khê cứu Lưu Bị thoát chết, rồi ngay lập tức khung cảnh trở nên hòa hoãn như chưa hề có việc gì xảy ra. Huyền Đức nhẩn nha dạo bước giữa miền quê bao la thanh bình tới một nơi lâng lâng thoát tục, tùng trúc xanh um, vượn dâng quả, hạc vào ra – nhà của Thủy Kính. Đấy là thủ pháp đối lập.

Sự việc được xâu chuỗi thế nào? Không có vụ Triệu Vân cướp ngựa Đích Lư dâng Lưu Bị làm sao Bị được ngựa cõng thoát suối dữ Đàn Khê? Không qua được Đàn Khê sao gặp được Tư Mã Huy? Không gặp Tư Mã Huy sao có ấn tượng về cái tên Phục Long, Phượng Sồ? Nhưng nếu Thủy Kính ca ngợi Phục Long Phượng Sồ xong mà hai ông này xuất hiện ngay thì có gì là quý? Phải để Từ Nguyên Trực tạm thời thế vào chỗ đó để làm nên những chiến công nức lòng người. Nhưng Nguyên Trực mắc mưu gian khiến Lưu Bị hụt hẫng chán nản, hình như độc giả chúng ta cũng thế. Ngay lúc ấy Thủy Kính tái xuất để nói về Phục Long Gia Cát Lượng – kẻ có thể sánh với Khương Thượng, Trương Lương... khiến Lưu Bị như sực tỉnh cơn mê. Lúc này mới có thể đến Long Trung để cầu Gia Cát được.

Không có vụ Triệu Vân cướp ngựa Đích Lư dâng Lưu Bị làm sao Bị được ngựa cõng thoát suối dữ Đàn Khê? Không qua được Đàn Khê sao gặp được Tư Mã Huy?
Không có vụ Triệu Vân cướp ngựa Đích Lư dâng Lưu Bị làm sao Bị được ngựa cõng thoát suối dữ Đàn Khê? Không qua được Đàn Khê sao gặp được Tư Mã Huy? (Ảnh chụp màn hình Tam Quốc Diễn Nghĩa hoàn hoạ)

Chưa xong. Họ lặn lội đường xa đến cầu hiền với một tấm lòng chí thành mà hai lần phải ra về ngậm ngùi, gặp ai cũng mừng hụt tưởng là Gia Cát. Phải đến lần thứ ba đến Long Trung, khi hai ông em kết nghĩa đã phát chán rồi Lưu Bị mới toại nguyện khi vời được Khổng Minh. Lưu Bị mãn nguyện, độc giả cũng thở phào. Các tình tiết trước sau liền lạc kín như áo trời. La Quán Trung không có văn tài thì còn ai nữa? Và đó là cái thú mà một tác phẩm văn học sử như TQDN mang lại khác với tác phẩm lịch sử như Tam Quốc Chí. Có vậy mới xứng đáng gọi là “diễn nghĩa”.

Đúng là chẳng hề có việc gì ngẫu nhiên. Mọi việc đều giống như một vở kịch mà con người chỉ là những diễn viên không tự biết, chỉ là đến vai diễn của mình thì diễn cho tròn vai rồi rút. Không thế thì Gia Cát đã chẳng nhiều lần nhắc đến “Ý Trời” và Thủy Kính tài ba đoán trước nhân mệnh, thiên thời đã chẳng cam chịu chết già nơi rừng núi.

Người viết cũng xin tạm rời vai diễn của mình để trả lại sân khấu cho các độc giả bình luận.

Thanh Phong



BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

BÀI CHỌN LỌC

TQDN luận hào kiệt: Giải mã bí ẩn Thủy Kính tiên sinh