Tống Mỹ Linh có một 'tật xấu' mà hầu hết đàn ông không chịu nổi, nhưng Tưởng Giới Thạch bao dung bà suốt 30 năm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chính vì “tật xấu” này của Tống Mỹ Linh mà ngay cả những người hầu xung quanh bà cũng không thể chịu đựng được. Và Tưởng Giới Thạch cảm thấy bất lực về việc này, nhưng đã âm thầm bao dung suốt 30 năm.

'Tật xấu' của đệ nhất phu nhân Tống Mỹ Linh

Mọi người đều biết trong lịch sử cận đại Trung Quốc, Tống Mỹ Linh là một người phụ nữ vô cùng xuất chúng, bà cũng là viên ngọc quý trong tay nhà họ Tống, một trong tứ đại gia tộc của Trung Hoa Dân Quốc. Việc bà cùng nhà lãnh đạo Tưởng Giới Thạch kết làm vợ chồng không chỉ trợ giúp rất lớn cho Tưởng Giới Thạch về mặt chính trị, mà với vẻ đẹp tự nhiên hào phóng, đã thể hiện trọn vẹn nét duyên dáng của một đệ nhất phu nhân Trung Hoa Dân Quốc.

Không ngoa khi nói rằng Tống Mỹ Linh chính là chuẩn mực cho phụ nữ thời đó. Tuy nhiên, bà có một 'tật xấu' mà hầu hết đàn ông không chịu đựng nổi, đó chính là sở thích của nhiều người ngày nay - hút thuốc. Tống Mỹ Linh có niềm yêu thích đặc biệt với thuốc lá, bất kể bà tham dự dịp nào, điếu thuốc sẽ không bao giờ rời tay.

Chính vì “tật xấu” này của Tống Mỹ Linh mà ngay cả những người hầu xung quanh bà cũng không thể chịu đựng được. Và Tưởng Giới Thạch cảm thấy bất lực về việc này, nhưng đã âm thầm bao dung suốt 30 năm. Tưởng Giới Thạch nổi tiếng là con người biết tự khắc chế bản thân, chưa từng chạm vào thuốc lá hay rượu. Nhưng Tống Mỹ Linh không mảy may lo lắng về điều này, và Tưởng Giới Thạch không có biện pháp nào khác, chỉ có thể bao dung.

tống mỹ linh
Tưởng Giới Thạch và Tống Mỹ Linh tham gia yến hội ở Dương Minh Sơn, Đài Loan, và ăn tối với các học giả. (Ảnh: chụp tháng 9 năm 1961)

Tưởng Giới Thạch không bao giờ động đến ba thứ

Nói đến Tưởng Giới Thạch, ai cũng biết ông là một huyền thoại. Ông cả cuộc đời chinh chiến, ngoài xông pha chiến trường gió tanh mưa máu, ông còn lặn lội trong dòng chảy xiết của chính trường nguy hiểm, có thể nói là một cuộc đời đầy sóng gió. Đồng thời, Tưởng Giới Thạch là một tín đồ Cơ Đốc sùng đạo, cũng là người bảo vệ kiên định nhất và là người kế thừa văn hóa truyền thống Trung Hoa.

Đặc biệt, Tưởng Giới Thạch nổi tiếng là một người sống rất kỷ luật, bản thân kiên quyết không bao giờ làm những việc không được làm như hút thuốc, đánh bài, uống rượu. Cả ba thứ này xưa nay ông không bao giờ đụng đến.

Những thói quen sinh hoạt tốt đẹp này của Tưởng Giới Thạch chịu ảnh hưởng rất lớn đến người mẹ của ông. Khi Tưởng Giới Thạch lên 8 tuổi, ông nội và cha ông lần lượt qua đời, mẹ ông là bà Vương Thải Ngọc đã một tay nuôi ông khôn lớn. Tưởng mẫu kỷ luật rất nghiêm khắc đối với con trai, ngoài việc giám sát việc học, bà còn dạy cho ông phép xã giao đối xử với người khác, để ông giúp đỡ người hầu chia sẻ việc nhà, bồi dưỡng cho ông tính tự lập và phẩm cách khoan hậu nhân ái. Ông nổi tiếng là một người con hiếu thảo và rất tôn trọng ý kiến ​​của mẹ.

Về sau, khi Tưởng Giới Thạch ra ngoài, ông thường viết thư cho mẹ, có dịp sẽ về quê thăm mẹ, ông rất có tình cảm với quê hương. Mẹ ông ghét những người trẻ tuổi uống rượu, hút thuốc và chơi bài, bà đã yêu cầu con trai mình không được làm điều này, và Tưởng Giới Thạch đã làm theo lời bà. Cứ như vậy, Tưởng Giới Thạch đã hình thành một thói quen tốt. Cả một đời đều giữ được như vậy.

tật xấu tống mỹ linh
Ảnh chụp trong hôn lễ của Tưởng Giới Thạch và Tống Mỹ Linh, tháng 1 năm 1927. (Ảnh: Wikipedia)

Vợ - chồng khác biệt, làm thế nào để có một cuộc hôn nhân mỹ mãn?

Có thể thấy rằng, ngoài chuyện 'hút thuốc', hai vợ chồng Tưởng Giới Thạch và Tống Mỹ Linh có những tính cách và thói quen rất khác biệt. Thế nhưng, họ lại có một cuộc hôn nhân mỹ mãn, khiến nhiều người yêu mến và cảm phục. Vậy điều gì đã giúp họ làm được như vậy?

Tống Mỹ Linh là “cú đêm”, ngủ muộn và dậy muộn, còn Tưởng Giới Thạch thì luôn ngủ sớm dậy sớm, rạng sáng 5 giờ đã thức dậy, ông rửa mặt nhẹ nhàng cẩn thận từng li từng tí, sợ đánh thức Tống Mỹ Linh còn đang ngủ say.

Thói quen ăn uống của hai người cũng khác biệt như ngày với đêm. Tưởng Giới Thạch chỉ ăn đồ ăn kiểu Trung Quốc ở quê hương Ninh Ba, trong khi chế độ ăn uống của Tống Mỹ Linh gần như hoàn toàn của phương Tây, bà thích ăn salad xà lách. Tuy vậy, hai người luôn kiên trì ăn cùng một bàn, trò chuyện về việc nhà.

Mặc dù là đệ nhất phu nhân nhưng Tống Mỹ Linh vẫn thường xuyên tự mình mang món điểm tâm ngọt cùng đồ uống đến thư phòng của Tưởng Giới Thạch. Khi hai người đi du lịch, cũng thường chuẩn bị đồ ăn cho nhau.

Về giải trí và thư giãn, Tống Mỹ Linh rất thích xem phim, bà có thể thức trắng đêm để xem. Nhưng Tưởng Giới Thạch khi có thời gian nghỉ ngơi thì nhất định là đi ngủ, và chưa từng bị những thứ khác lôi kéo khiến trì hoãn công việc và nghỉ ngơi của mình.

Đam mê chung duy nhất của hai người là văn hóa truyền thống Trung Hoa, Tưởng Giới Thạch rất giỏi nhạc Trung Hoa, mỗi lần quốc yến đều sẽ mời đoàn nhạc Trung Hoa diễn tấu. Tống Mỹ Linh thích hội họa truyền thống của Trung Quốc, cả đời bà đều không ngừng theo học hội họa.

Sau khi đến Đài Loan, họ thường sống những năm cuối đời trong tòa dinh thự Sĩ Lâm cách thành phố Đài Bắc không xa. Họ là một đôi vợ chồng già ân ái, thường thường thắp nến cả đêm trò chuyện với nhau.

cuộc sống viên mãn của tống mỹ linh và tưởng giới thạch
Sau khi đến Đài Loan, họ thường sống những năm cuối đời trong tòa dinh thự Sĩ Lâm cách thành phố Đài Bắc không xa. (Ảnh: Wikipedia)

Buổi chiều, sau khi dùng trà bánh xong, Tưởng Giới Thạch sẽ hỏi vợ: “Darling, em có muốn đi ngồi xe một chút hay không?”, ý là, em có muốn lái xe đi hóng mát không?

Buổi tối dinh thự thường chiếu phim. Bộ phim mà Tưởng Giới Thạch yêu thích nhất là “Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài”, “Thất Tiên Nữ”, ông đặc biệt thích xem những bộ phim của quê nhà. Ông và vợ cùng từng tranh thủ xem bộ phim truyền hình “Bao Công truyện”, cả hai đều rất lấy làm vui thích.

Tháng 11/1948, “Tòa nhà chính phủ” lung lay sắp đổ, Tưởng Giới Thạch phải lao tâm chèo chống. Tống Mỹ Linh quyết định đi sang Mỹ tìm kiếm viện trợ, Tưởng Giới Thạch trong lòng hiểu rõ dù có đi cũng là uổng công, hiện giờ đã không còn là hoàn cảnh chiến tranh chống Nhật của 5 năm về trước nữa.

Trước đó, năm 1943, Tống Mỹ Linh đến Mỹ, diễn giảng lưu loát bằng tiếng Anh ở Nhà Trắng. Những nơi mà bà ghé qua, mọi người đều đổ xô ra đường, bà được mọi người khen là người phụ nữ xinh đẹp nhất châu Á.

Nhưng đến năm 1948, khi bà lần nữa sang Mỹ tìm kiếm viện trợ, ai nấy đều trốn tránh. Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Harry S. Truman nói rằng, bà “đến nước Mỹ là vì để nhận được sự bố thí!”.

Vào đêm trước khi Tống Mỹ Linh sang Mỹ, Tưởng Giới Thạch cùng với vợ trò chuyện thâu đêm. Ông viết trong quyển nhật ký của mình rằng: “Đêm qua cùng ngồi trò chuyện với vợ, thật là quyến luyến không nỡ rời xa, tình cảm vợ chồng, càng già càng thêm nồng!”.

Con người ta khi đã có tuổi rồi, trải qua biết bao mưa gió, cùng chung hoạn nạn mới biết rằng vợ chồng thời trẻ được bầu bạn đến lúc già thật sự đáng trân quý biết bao.

Tính cách, thói quen trong cuộc sống có khác biệt, nhưng vợ chồng Tưởng Giới Thạch và Tống Mỹ Linh vẫn giữ được ngọn lửa hạnh phúc cho cuộc hôn nhân của mình. Họ là cặp vợ chồng “tương kính như tân”, tôn trọng và bao dung cho những khuyết điểm của nhau. Vậy mới biết rằng, nếu trong hôn nhân, vợ kính yêu chồng, chồng trân quý vợ, thì cuộc sống gia đình hòa thuận, vợ chồng tương trợ cho nhau trong sự nghiệp và cuộc sống, và sẽ cùng nhau trưởng thành.

Quỳnh Chi



BÀI CHỌN LỌC

Tống Mỹ Linh có một 'tật xấu' mà hầu hết đàn ông không chịu nổi, nhưng Tưởng Giới Thạch bao dung bà suốt 30 năm