Toán mệnh: Đứa con bất hiếu đánh mẹ già, bị Lôi Thần giết chết

Giúp NTDVN sửa lỗi

Văn hóa truyền thống Á Đông có câu "Bách thiện hiếu vi tiên", hay còn có câu nói "Không hiếu thuận bị Trời đánh sét đánh". Chúng ta hãy xem một ví dụ thật sau đây.

Vào thời Càn Long nhà Thanh, ở Phượng Hoàng cổ trấn, tỉnh Hồ Nam, có một người tên Trương Nhị. Người này bản tính hung dữ. Cha của anh ta đã qua đời, chỉ còn lại người mẹ già sống với anh ta. Tuy nhiên, Trương Nhị coi người mẹ già 70 tuổi của mình như một người hầu. Người mẹ làm việc gì không vừa ý anh ta sẽ bị anh ta lớn tiếng quát mắng. Những người hàng xóm thấy Trương Nhị bất hiếu như thế không chịu nổi, họ sẵn sàng cùng nhau kiện anh ta lên quan phủ. Nhưng mẹ anh ta thương con, âm thầm chịu đựng tất cả, để bảo vệ cho con. Vì vậy, hàng xóm cũng đành không quan tâm đến việc nhà của Trương Nhị nữa.

Ngày 7 tháng 6 năm Càn Long thứ 35 là ngày sinh nhật của Trương Nhị. Anh ta hẹn một nhóm bạn xấu tới nhà uống rượu, ăn mì chúc mừng sinh nhật. Vì quá nghèo, Trương Nhị không thể lấy được vợ, và chỉ có mẹ anh ta ở trong bếp lo liệu. Khi rượu uống gần hết, Trương Nhị lớn tiếng quát: “Mau mang mì lên”.

Bà mẹ già đáp: “Củi ướt quá, lửa không bén. Đợi chút!”.

Trương Nhị nghe vậy, tức giận lao ngay vào bếp, lớn tiếng trách móc mẹ. Người mẹ già vội vàng bưng bát mì cho anh ta, nơm nớp lo sợ đặt lên bàn. Vì hoảng sợ nên bà quên cho hành và gừng. Trương Nhị thấy vậy càng tỏ vẻ khó chịu, cầm bát mì ném vào mặt người mẹ, làm bà ngã xuống đất. Người mẹ đau khổ, ngửa mặt lên trời khóc lóc.

Lúc này, bầu trời đang trong veo đột nhiên u ám, mây đen như mực ùn ùn kéo tới, tiếng sấm dần dần vang lên. Trương Nhị biết hành vi bất hiếu của mình đã khiến Trời nổi giận, vội đỡ mẹ dậy, quỳ xuống van xin tha thứ. Mẹ già cũng vì anh ta mà quỳ xuống van xin ông Trời tha thứ cho con. Trương Nhị núp sau lưng mẹ già, ôm lấy chân bà không rời.

Sấm chớp bao quanh nóc nhà họ Trương, cứ vòng quanh không rời đi. Người mẹ già đứng dậy thắp hương khấn vái, đột nhiên sấm sét như sao băng lao thẳng vào giữa gian nhà bắt Trương Nhị đi, tiếp theo là tiếng sấm nổ lớn đánh chết Trương Nhị trên đường lớn. Những người hàng xóm sau khi nghe thấy tiếng sét chạy ra đường, khi họ nhìn thấy Trương Nhị bị sét đánh, mọi người đều vui mừng.

Vào thời điểm đó, cử nhân Chu Cẩm đang giảng bài tại trường Kính Tu ở địa phương, nghe tin Trương Nhị bất hiếu bị sét đánh, cũng lập tức tới nơi xem. Ở hiện trường chỉ thấy khuôn mặt của Trương Nhị bị cháy xém, thái dương trái bị thủng một lỗ to bằng cái kim lớn và có mùi lưu huỳnh. Xác chết nằm co ro như con tằm chết khô, xương khớp bị sét đánh tan tành, khi nhấc lên thì duỗi ra, lúc buông ra thì cuộn tròn lại. Người ta còn phát hiện một hàng chữ trên lưng Trương Nhị, kiểu chữ trông giống như chữ triện mà không phải chữ triện, và không ai biết rõ nó.

(Nguồn: "Tử bất ngữ")

Trong “12 thiên Tề luật” thời Nam Bắc triều, thì “vi phạm đạo hiếu” là một trong 10 trọng tội. Vi phạm đạo hiếu là: "chửi mắng ông bà, cha mẹ. Khi ông bà cha mẹ đang còn thì lập hộ khẩu riêng, lập gia sản khác, không phụng dưỡng cha mẹ. Trong thời gian cử tang lễ cha mẹ mất lại làm hôn lễ, bỏ tang phục vui chơi như bình thường. Khi biết ông bà, cha mẹ mất thì giấu không cử hành lễ tang. Nói dối là ông bà, cha mẹ đã mất”.

Trong Phật giáo cũng có nói về “thập ác” sẽ phải chịu ác báo, bao gồm: sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói hai lời, ác khẩu, nói lời hoa ngôn xảo ngữ, tật đố, sân hận, ngạo mạn tà kiến.

Trong câu chuyện trên, người con trai bất hiếu đã thốt ra những lời ác độc với mẹ mình, tức giận (sân hận) và thậm chí còn hành hạ, ngược đãi mẹ. Tất cả đều là những hành vi nằm trong "thập ác" và đã tích lũy ác nghiệp. tạo thành quả báo bất hạnh cho kiếp sau. Người con trai bất hiếu này đã phải nhận báo ứng tức thời, bị sấm sét đánh chết. Việc Lôi Công thực thi chính nghĩa, từ xưa tới nay đây không phải là ví dụ duy nhất, mà với xã hội đạo đức luân lý ngày càng đi xuống như ngày nay, khiến chúng ta càng phải cảnh giác.

Trời Đất biết rõ, mắt Thần như điện. (pixabay)
Trời Đất biết rõ, mắt Thần như điện. (pixabay)

Tất nhiên, nhân vật chính của câu chuyện trên bị sét đánh, không có vận mệnh tốt. Đối với những đọc giả yêu thích tử vi, hãy cùng xem ví dụ về mệnh một người cả đời luôn phải chịu hình phạt và mất mát, không có được giàu có và hạnh phúc

Thời Nhật chủ Nguyệt Niên Mệnh nam
Giáp Mộc Bính Hỏa Mậu Thổ Quý Thủy Can
Ngọ Hỏa Thìn Thổ Ngọ Hỏa Dậu Kim Chi

Tử vi bát tự lấy Nhật Can của ngày sinh (Thiên Can) đại biểu cho bản thân, tạo ra Thiên Can của ngày sinh là Bính Hỏa, vì vậy nó thuộc mệnh Bính Hỏa. Sinh vào mùa hạ tháng năm, Ngọ Hỏa nên vượng, Ngọ Hỏa là dương nhẫn của Nhật chủ Bính Hỏa, là hỏa căn mạnh nhất trong 12 địa chi. Thời chi gặp Giáp Ngọ, Mộc sinh Hỏa vượng, có thể thấy Nhật chủ Bính Hỏa vô cùng mạnh mẽ, cũng giống như mặt trời tháng năm mùa hè, mặt trời chiếu dữ dội trên mặt đất. Trên mặt đất có hai cái bếp lò lớn (hai Ngọ Hỏa), lại liên tục cho thêm củi gỗ (Giáp Mộc). Điều gì là cần thiết nhất? Tất nhiên cần nước để hạ nhiệt và làm dịu cơn khát. Nhưng vào mùa hè, nước yếu, nên có nước, ta cần phải xem nguồn nước sinh từ Kim (Kim sinh Thủy) thì mới có thể nước chảy không ngừng.

Tiếp đó, nhìn lại trong bát tự, thấy rằng Quý Thủy lộ ra Thiên Can, Dậu Kim tự có thể sinh Thủy, có vẻ tốt. Hơn nữa, Dậu Kim là Tài tinh của Nhật chủ Bính Hỏa, Quý Thủy là Quan tinh của Nhật chủ Bính Hỏa và Giáp Mộc là Ấn tinh của Nhật chủ Bính Hỏa. Trong bát tự, Tài tinh sinh Quan tinh, Quan tinh sinh Ấn tinh, Ấn tinh sinh Nhật chủ, Tài-Quan-Ấn tương sinh, ngũ hành có được sự tuần hoàn, có vẻ là một mệnh tốt. Nhưng trên thực tế, đây là vận mệnh xấu, cả đời chỉ có hình, thương, phá, hao, không có một sự việc vui nào, không có tiền tài nào. Tại sao lại như thế? Có phải các nguyên tắc của toán mệnh không chính xác?

Không phải vậy, chúng ta hãy bắt đầu với hai câu trong tướng học, đó là "thập thanh nhất trọc" (mười trong một đục) và "thập trọc nhất thanh" (mười đục một trong). Ý nghĩa là gì? "Thập thanh nhất trọc" chỉ hầu hết các bộ phận trên khuôn mặt như lông mày, tai, mũi, sống mũi, thần thái và trán trông đều đẹp, nhưng có một bộ phận, hoặc một khía cạnh nào đó rất xấu, hoặc bố trí không đẹp, sẽ phá hết những cái đẹp trước và ngược lại sẽ là tướng mạo không tốt, và tất nhiên là số mệnh cũng xấu. Ngược lại, “Thập trọc nhất thanh” có nghĩa là trong tướng mạo, ngũ quan và hầu hết các đường nét trên khuôn mặt của một người đều không đẹp, nhưng chỉ có một điểm rất đẹp, hoặc một phương diện rất đẹp, cũng bù đắp tất cả những khuyết điểm. Như thế, đây lại có thể trở thành vận mệnh tốt.

Lấy một ví dụ, tác giả từng biết một người ở phương Bắc. Từ đầu những năm 90, người này bước ra kinh doanh, nhìn các đường nét trên khuôn mặt của anh ta như mắt, tai, miệng, mũi, môi, nếu nhìn riêng thì bộ phận nào cũng đầy đặn, không có gì phải chê. Nhưng khi nhìn tổng thể, chiếc mũi của anh ấy rất nhỏ, đặc biệt là khi đường nét khuôn mặt của người miền Bắc tương đối rộng, chiếc mũi nhỏ của anh ấy lại càng lộ ra vẻ thiếu hài hòa. Vì vậy, có cảm giác lúc đó anh sẽ không đạt được thành tựu gì trong kinh doanh. Vì mặt to mà mũi nhỏ không may mắn, mũi vừa là sao chủ tài, sao tài không đủ tiêu chuẩn, rất khó thành công trong kinh doanh.

Sau đó, quả thực người này không thành công. Đây là tướng mặt ‘thập thanh nhất trọc’, mọi thứ đều tốt, chỉ có chiếc mũi quá nhỏ và không phù hợp với toàn bộ hình dáng khuôn mặt nên phá hỏng toàn bộ khuôn mặt và khiến số mệnh không tốt.

Mọi người đều hiểu đạo lý ‘thập thanh nhất trọc’, giờ nhìn lại bát tự, cũng thuộc loại thập thanh nhất trọc. Bởi vì từ bề ngoài xem ra muốn gì được nấy, lửa mùa hè quá lớn, Hỷ Kim Thủy tới điều chỉnh, trong mệnh còn có Quý Thủy cùng Dậu Kim. Hơn nữa trong mệnh Kim sinh Thủy, Thủy sinh Mộc, Mộc sinh Hỏa, Hỏa sinh Thổ, chúng tuần hoàn tương sinh. Nghĩa là: Tài sinh Quan, Quan sinh Ấn, Ấn sinh thân, thân sinh Thực Thần, ngũ hành lưu thông, dường như là mệnh tốt.

Nhưng mấu chốt nhất là trong Hỷ Dụng Thần Quý Thủy, Dậu Kim, bị cô lập bởi Nhàn Thần và Kị Thần Mậu Thổ, Ngọ Hỏa. Quý Thủy có lợi cho Nhật Chủ Bính Hỏa, được dùng để hạ nhiệt và làm dịu cơn khát, nhưng Mậu Thổ ngăn cách ở giữa, và Mậu Quý kết hợp hóa Hỏa, biến Hỷ thành Kị và giúp ngọn lửa. Địa chi Dậu Kim vốn tương hợp với Thìn Thổ (Thìn Dậu hợp hóa Kim) để sinh ra Thủy, nhưng nó đã bị Ngọ Hỏa ngăn cách và không thể điều hợp được, hơn nữa Dậu Kim bị Ngọ Hỏa khắc chế. Hỷ Dụng Thần đều bị hợp hóa và khắc chế, bị mất tác dụng, bị phá hết thảy những chỗ tốt nói trên. Đây chính là cái "trọng" của "thập thanh nhất trọc".

Minh An
Theo Thái Nguyên - Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Toán mệnh: Đứa con bất hiếu đánh mẹ già, bị Lôi Thần giết chết