Hẹn nước thề non (P1): Lương duyên một mối thành ác duyên

Giúp NTDVN sửa lỗi

Lúc tử sinh hay khi cách biệt Chẳng bỏ nhau lời quyết thệ rồi Cầm tay nàng hẹn mấy lời Sống bên nhau mãi đến hồi già nua (Kinh Thi - Tạ Quang Phát dịch)

Ngày xưa, có hai người nọ, một người tên là Trần Thanh, còn người kia tên là Chu Thế Viễn, hai nhà sống đối diện nhau ở hai bên đường Đông Tây. Mặc dù hai nhà không thuộc kiểu gia đình đại phú, chỉ dựa vào ruộng nương tổ tiên để lại mà ra sức cày cấy nhưng cũng đủ ấm no. Tuổi của Trần Thanh và Chu Thế Viễn cũng ngoài tứ tuần, là hàng xóm lâu đời qua nhiều thế hệ với nhau, họ đều là những người tốt bụng sống vì người khác. Những lúc rảnh rỗi họ thường chơi cờ tướng với nhau, tiêu khiển qua ngày.

Những hàng xóm lân cận khác cũng thường đến xem họ chơi cờ. Trong đó có lão Vương Tam, tuổi ngoài lục tuần, cũng là người thích chơi cờ tướng và chơi khá giỏi.

Một ngày nọ, Chu Thế Viễn và Trần Thanh chơi cờ như thường lệ, lão Vương Tam cũng ngồi xem ở đó. Sau khi dùng bữa trưa xong, họ sắp xếp lại bàn cờ và muốn đánh tiếp, thì Thế Viễn trông thấy từ bên ngoài có một cậu học trò nhỏ bước vào. Có thể nói tướng mạo của cậu như thế nào nhỉ? Khuôn mặt trắng trẻo như được thoa phấn, môi đỏ như son, tay mềm mại như ngọc, dáng vẻ thanh nhã, bước đi khoan thai. Trông cậu rạng ngời như một tiên đồng trên thiên thượng, không giống như một tiểu tử ở trần gian.

Cậu học trò ấy chính là con trai của Trần Thanh, tên là Đa Thọ, tay cậu ôm cặp sách từ ngoài bước vào. Cậu đi thong thả, đặt cặp sách xuống ghế, trước tiên khoanh tay trước ngực hướng về phía lão Vương Tam chào Ông. Lão Vương Tam thấy cậu bé lễ phép muốn tặng quà đáp lễ, nhưng Trần Thanh ngồi bên cạnh giữ lại: “Huynh là người lớn không cần đa lễ, không sợ trẻ nhỏ tổn phúc à?” Lão Tam nói: “Lời ấy từ đâu thế!”

Cậu học trò lại chắp tay thi lễ với Chu Thế Viễn: “Cháu chào thúc ạ!”. Chu Thế Viễn cũng muốn tặng quà đáp lễ, khi này Trần Thanh ngồi đối diện, cách một cái bàn cờ nên không tiện giữ tay bạn lại, đành phải chấp tay đa tạ.

Sau khi Đa Thọ diện kiến hai vị tôn khách xong mới bước đến trước mặt cha, đứng chỉnh tề mà thưa rằng: “Thưa cha, ngày mai là ngày Tết Trùng Cửu, thầy giáo cho nghỉ học về nhà, hai ngày sau mới quay lại. Thầy dặn dò về nhà không được bướng bỉnh ham chơi, dẫu vui chơi cũng dành thời gian học hành ạ.” Nói xong thì cậu lấy cặp sách trên ghế rồi đường đường chính chính bước vào trong phòng.

thầy dặn dò về nhà không được bướng bỉnh ham chơi, dẫu vui chơi cũng dành thời gian học hành ạ.”
Thầy dặn dò về nhà không được bướng bỉnh ham chơi, dẫu vui chơi cũng dành thời gian học hành ạ. (Ảnh chụp màn hình phim Tam Tự Kinh)

Lão Vương Tam và Chu Thế Viễn nhìn thấy cậu học trò nhỏ mà điệu bộ khoan thai, giọng nói rõ ràng trong sáng, lại còn chắp tay thi lễ hai lần, rất lễ độ, nên khen không ngớt lời. Lão Tam thuận tiện hỏi: “Lệnh lang mấy tuổi rồi?” Trần Thanh đáp: “Thưa, 9 tuổi.” Lão Vương Tam nói: “Mới đó mà đã 9 năm rồi, thời gian nhanh như tên bay!” Rồi lại hỏi Chu Thế Viễn: “Ta nhớ lệnh ái nhà đệ cũng trạc tuổi ấy phải không.” Chu Thế Viễn nói: “Quả đúng ạ, tiểu nữ tên Đa Phúc, năm nay cũng 9 tuổi.”

Lão Vương Tam nói: “Đừng trách ông lão như ta lắm lời, bởi lẽ hai người là tri kỷ đánh cờ với nhau, lại có con trai con gái, sao không kết thành thông gia nhỉ?” Chu Thế Viễn tận mắt nhìn thấy cậu học trò nhỏ khí phách hơn người, chưa đợi Trần Thanh mở lời, đã nói trước: “Đây là chuyện tốt nhất! Chỉ lo Trần huynh không muốn. Nếu huynh hạ cố đồng ý, đệ đây chẳng còn lời nào vui hơn.”

Trần Thanh nói: “Chu huynh không chê gia cảnh hàn vi, phía đệ là nhà trai, đâu dám thoái thác? Xin phiền lão Tam tác hợp nhân duyên.”

Lão Vương Tam nói: “Ngày mai là ngày Trùng Cửu, số 9 không tốt. Ngày kia là ngày tốt, lão phu sẽ đến thăm nhà. Hôm nay một lời đã định, là lời nói xuất phát từ chân tâm của hai vị. Lão phu chỉ mong được uống vài chung rượu mừng cưới, không cần khách sáo cảm ơn.” Hai người bạn Chu và Trần lại tiếp tục ván cờ đến tối.

Đến ngày 10, lão Vương Tam thay một bộ y phục mới rồi đến Chu gia mai mối. Chu Thế Viễn đã nói trước với vợ là Liễu thị, cũng hết lời khen ngợi con rể tương lai. Một lời hứa như đinh đóng cột, của cải lễ vật không thể sánh bằng. Ngày cưới sẽ định vào một ngày khác, dẫu có xảy ra chuyện gì đi nữa, dẫu sướng hay khổ, cũng không oán trách hay đổ lỗi cho nhau. Lão Vương Tam nhắc lại lời này nhiều lần với Trần Thanh. Trần Thanh rất vui, chọn ngày lành tháng tốt đem lễ vật định ước đến. Chu gia cũng nhận tấm thiệp ghi ngày giờ sinh như một lời hứa hôn. Hai nhà cùng nâng chén rượu mừng. Kể từ đó, thông gia tương xứng kết mối thâm giao, sớm tối qua lại chơi cờ thân thiết. Thời gian nhanh như tên bay, thoắt cái mà đã 6 năm trôi qua.

Trần Đa Thọ 15 tuổi, kinh sách tinh thông, chờ mong ứng thí và đã đăng khoa làm vẻ vang gia tộc. Tuy nhiên vận khí của Đa Thọ không bền, bỗng dưng bị mắc bệnh hiểm nghèo, gọi là bệnh phong. Thời kỳ đầu chỉ bị như nấm ngoài da và những mụn ghẻ không mấy đáng kể. Một năm sau thì bệnh bộc phát khiến cho dung mạo thay đổi, không còn anh tuấn giống như thuở nào: Da thịt như cháy khô, nứt nẻ. Khí độc bao phủ toàn thân, lở loét lốm đốm; ruồi nhặng bâu khắp thân, ngày đêm ngứa ngáy. Đa Thọ chịu đựng bệnh phong dày vò khủng khiếp, đó chỉ mới 3 phần bệnh, chưa phải là bệnh phong nặng nhất, mà đã ra nông nổi đó. Cậu bé trắng trẻo ngày nào nay trở thành xù xì như cóc ghẻ, tuổi thiếu niên mà trông như một ông lão không hơn không kém. Chưa kể đến 10 đầu ngón tay do gãi mà sinh mủ, khắp thân thể dơ bẩn và bốc mùi hôi thối không chịu được.

Một năm sau thì bệnh bộc phát khiến cho dung mạo thay đổi, không còn anh tuấn giống như thuở nào: Da thịt như cháy khô, nứt nẻ.
Một năm sau thì bệnh bộc phát khiến cho dung mạo thay đổi, không còn anh tuấn giống như thuở nào: Da thịt như cháy khô, nứt nẻ. (Ảnh chụp màn hình Tam Tự Kinh)

Trần Thanh chỉ có duy nhất đứa con trai này nên quý con như quý mạng sống của chính mình, nhìn thấy con như vậy, không khỏi hoang mang hoảng sợ. Ngay cả chơi cờ cũng chẳng thiết tâm. Suốt ngày chạy chữa tứ phương, đốt hương khấn nguyện, không gì là không làm thử. Trải qua 1 năm rối bời, tiêu tốn không biết bao nhiêu tiền của, nhưng bệnh tình của Đa Thọ cũng chẳng mảy may thuyên giảm. Hai vợ chồng già buồn rầu lo lắng, bản thân không thiết nói chuyện nữa.

Chu Thế Viễn tình cảm sâu nặng với bạn, cũng sốt ruột đứng ngồi không yên, sớm tối vấn an. Sau 3 năm vẫn không chút tiến triển. Vợ của Chu Thế Viễn là Liễu thị nghe được tình trạng bệnh của con rể như thế thì khóc lóc và oán trách chồng rằng: “Con gái của tôi đâu phải hủ dưa muối lên men, mà mình đã vội vội vàng vàng hứa gả cho người ta khi mới 9 tuổi đầu? Bây giờ phải làm sao cho vẹn cả đôi đường đây! Bệnh phong ấy chẳng khác nào một con cóc chết, mà cũng không buông tha con gái của tôi. Hôm nay chết không chết, sống không sống, con gái tuổi mới trưởng thành, dẫu muốn lấy hắn làm chồng cũng không được, nương thân gửi phận cũng không xong. Đến phút cuối nói không chừng kẻ bệnh phong kia đoản thọ và con gái nhà này trở thành góa phụ cũng nên! Cũng tại cái lão rùa Vương Tam ấy, nói chi lời xúi bẩy mà hại cả đời con gái của tôi kia chứ!” Cả ngày Liễu thị khóc than trong tức giận, mắng chửi chồng mình, mắng cả Vương Tam, ném hết quân cờ ra phố, ngay cả bàn cờ cũng xé làm mấy mảnh rồi vứt đi.

Trần Thanh và vợ là Trương thị bàn bạc với nhau: “Dĩ kỷ chi tâm, độ nhân chi tâm. Gia đình chúng ta vận rủi, con trai chẳng may mắc trọng bệnh, nhìn thấy rõ ràng là không thể chữa lành, bảo người ta đem con gái cành vàng lá ngọc sánh duyên phu thê với một người bệnh phong như vậy, thật là quá áy náy, mà cô nương ấy chắc hẳn cũng oán thán trong tâm. Ban đầu định ra hôn sự này, là xuất phát từ tình cảm bằng hữu, ngàn vạn điều tốt lành, chỉ có một trái tim như vậy cho đến cuối cùng, nhưng nay vì điều tốt này mà thành tâm xin lỗi. Lâu nay suy nghĩ, chi bằng trả lại giấy đính ước năm nào, để huynh ấy đừng bận lòng tiếp tục mối nhân duyên này. Nếu Hoàng Thiên thương xót, một ngày nào đó con trai khỏi bệnh, thì sợ chi không lấy được vợ, phải không? Hôm nay làm tổn thương vợ chồng huynh ấy bất hòa, khóc than sớm tối, lao tâm khổ tứ, thì trong tâm tôi cũng nhẫn không nổi.”

Thế rồi Trần Thanh đến nhà lão Vương Tam: “Gia đình đệ xảy ra chuyện làm liên lụy đến thông gia, trong tâm thấy bất an, nay tình nguyện trả lại giấy đính ước năm xưa, để Chu gia đừng bận lòng cuộc hôn nhân này nữa. Hai nhà vẫn giữ được mối thâm giao, cũng không phải miễn cưỡng làm gì.”... Trần Thanh lại nói tiếp: “Nếu như con trai của đệ may mắn thoát khỏi kiếp bệnh này, nhưng đó cũng là chuyện mò kim đáy biển, chẳng biết đến ngày nào. Hiện nay Đa Thọ mang cái thân thể bệnh tật ấy làm sao có thể đảm đương vai trò làm chồng với quý nữ nhà Chu huynh?” Nói xong, Trần Thanh lấy từ trong tay áo ra tấm giấy đính ước ghi ngày tháng năm sinh của Đa Phúc, đưa lại cho lão Vương Tam, bất giác khóe mắt đỏ hoe, lệ rơi ràn rụa.

Thế rồi Trần Thanh đến nhà lão Vương Tam: “Gia đình đệ xảy ra chuyện làm liên lụy đến thông gia, trong tâm thấy bất an, nay tình nguyện trả lại giấy đính ước năm xưa
Thế rồi Trần Thanh đến nhà lão Vương Tam: “Gia đình đệ xảy ra chuyện làm liên lụy đến thông gia, trong tâm thấy bất an, nay tình nguyện trả lại giấy đính ước năm xưa. (Ảnh chụp màn hình phim Tam Tự Kinh)

Lão Vương Tam đến nhà Chu gia. Chu Thế Viễn vui vẻ tiếp đón, lễ phép mời ngồi. Lão Vương Tam thuật lại ngọn ngành những lời thoái hôn của Trần Thanh, cẩn thận nói thêm một lần nữa: “Đây là chủ ý của lệnh thông gia, lão phu chỉ truyền đạt lại mà thôi, nhưng là dựa trên chủ trương của đại lang.”

Lại nói Chu Thế Viễn suốt ngày bị vợ mắng nhiếc cũng khó chịu khôn xiết, nhưng lại không thể mở miệng nói hai lời. Nay nghe lão Vương Tam nói mấy câu này, cảm giác rõ ràng như được triều đình ban lệnh đại xá, lẽ nào không mừng cho được? Dẫu vậy vẫn hỏi lại lần nữa: “Mặc dù đệ biết Trần thông gia là bậc hiền triết đức độ hơn người, nhưng thật lòng cũng e rằng về sau đổi ý, làm trái lại thì không hay.”

Nghe vậy, lão Vương Tam vội nói: “Lão phu nói rồi mà, đây là chủ ý của Trần gia, một lời đã quyết, đệ không cần phải hoài nghi. Đây là giấy đính ước, cũng xin trả lại từ đây, mong đại lang nhận cho.”

Chu Thế Viễn lập tức vào trong và kể lại cho vợ nghe sự việc thoái hôn mà lão Vương Tam vừa nói ban nãy. Liễu thị vui mừng quá đỗi, bèn đi gặp con gái, bảo nàng hãy vứt bỏ cái trâm cài tóc là vật đính ước năm xưa. Con gái nói: “Thưa mẫu thân, con chưa bao giờ thấy người con gái trong gia đình gia giáo nào lại uống 2 tách trà của 2 gia đình khác nhau. Sướng khổ, giàu nghèo đều là chủ định trong mệnh. Con sinh ra là dâu nhà Trần gia, thì chết đi cũng là ma của nhà Trần gia. Cái trâm cài tóc này là vật tùy thân mà con sẽ mang theo xuống mồ, con không muốn trả lại huynh ấy!” Đa Phúc nói xong, lệ cũng tuôn rơi.

Sướng khổ, giàu nghèo đều là chủ định trong mệnh. Con sinh ra là dâu nhà Trần gia, thì chết đi cũng là ma của nhà Trần gia.
Sướng khổ, giàu nghèo đều là chủ định trong mệnh. Con sinh ra là dâu nhà Trần gia, thì chết đi cũng là ma của nhà Trần gia. (Ảnh chụp màn hình Tam Tự Kinh)

Liễu thị hết cách, đành nói với chồng rằng con gái như thế như thế: “Thoái hôn không thành rồi mình ạ.” Chu Thế Viễn và Trần Thanh là bạn tâm giao, vốn dĩ cầm lòng không đặng chuyện từ hôn này, chỉ vì Liễu thị lời nặng lời nhẹ, cho nên Thế Viễn mới phải buông tay, cho êm cửa êm nhà. Nào ngờ con gái cá tính cương quyết như vậy, nên trong lòng cũng phấn khởi, bèn an ủi: “Đừng khóc nữa con. Giữa con và Đa Thọ mà nói, vẫn là hàng xóm láng giềng với nhau mà.” Đa Phúc nghe xong lại bật khóc to hơn.

Đây chính là: Tam đông bất cải cô tùng thao, Vạn khổ nan di liệt nữ tâm (Ý là: Ba mùa đông không thay đổi được cây tùng sừng sững, Vạn khó khăn cũng không lay chuyển được trái tim liệt nữ)

Chu Thế Viễn thấy con gái không đồng ý hủy hôn, nỗi lo dường như nhân đôi, hơn ai hết rất sốt ruột trong tâm, chạy vạy khắp nơi tìm kiếm danh y và đủ mọi phương thuốc chữa trị, tiêu tốn khá nhiều tiền. Nhưng các y sĩ đều nói rằng đây là bệnh nan y vô phương cứu chữa. Thấm thoắt mà đã 3 năm nữa trôi qua.

Đa Thọ thở dài, mời cha mẹ đến thưa chuyện trong nước mắt: “Nhạc phụ không thoái hôn, còn vì con mà tìm kiếm danh y và dược phương, chỉ một lòng hy vọng bệnh của con được chữa khỏi. Nhưng bây giờ dẫu có thuốc gì đi nữa cũng không hiệu quả, ngày qua ngày rõ ràng là chẳng có chút tiến triển gì. Đừng làm chậm trễ con gái nhà người ta nữa, con quyết định phải từ bỏ chuyện hôn sự này.”

Trần Thanh chậm rãi nói: “Trước cha đã nói một lần rồi, nhạc phụ và nhạc mẫu của con đều đồng ý, duy chỉ có nương tử của con là một mực từ chối, cho nên đã trao lại tấm thiệp đính hôn cho nhà mình.”

Đa Thọ thẳng thắn nói: “Lần này, nếu nàng ấy biết con muốn từ hôn, nhất định sẽ đồng ý.”

Mẹ chàng nói: “Con trai à, hãy lo an dưỡng và chăm sóc bản thân của mình, đừng nghĩ đến những chuyện này nữa!”

Con trai à, hãy lo an dưỡng và chăm sóc bản thân của mình
Con trai à, hãy lo an dưỡng và chăm sóc bản thân của mình...(Ảnh chụp màn hình Tam Tự Kinh)

Đa Thọ nói: “Thưa mẫu thân, đối với con mà nói, thoái hôn là chuyện trọng đại, có như thế con trẻ mới có thể nhẹ nhõm trong tâm.”

Cha chàng nói: “Vậy con đợi nhạc phụ đến rồi đích thân thưa chuyện nhé.”

Nói chưa dứt lời thì Trần Thanh đã bảo người hầu sang nhà thông gia mời Chu Thế Viễn đến gặp con rể. Mẹ chàng tạm lánh vào trong. Chỉ có Trần Thanh tiếp đón và mời Chu huynh vào thư phòng, ngần ấy năm mang bệnh, đây là lần đầu Đa Thọ diện kiến nhạc phụ, chàng luôn miệng nói lời cảm ơn.

Chu Thế Viễn vừa trông thấy con rể thì thất kinh hồn vía, bệnh trạng còn tệ hơn những gì trong tâm ông nghĩ, con rể bây giờ chỉ có 3 phần giống người, mà đến 7 phần giống quỷ, nên ông nghẹn ngào và lặng lẽ không nói được một lời nào. Uống xong tách trà, Trần Thanh đến đỡ con trai dậy. Đa Thọ thổ lộ từ tận đáy lòng, nói rằng bản thân mắc bệnh nan y vô phương cứu chữa, khó mà làm tròn hôn sự như hẹn ước, nên quyết định từ hôn. Chàng lấy ra một tấm thiệp từ tay áo, trên đó đề sẵn 4 câu thơ. Chu Thế Viên mở ra và đọc:

Thân mang trọng bệnh khổ triền miên
Lương duyên một mối thành ác duyên
Tơ hồng từ nay ta đoạn tuyệt
Mỹ nhân đừng lỡ tuổi hoa niên

Vốn dĩ ban đầu Chu Thế Viễn đồng ý từ hôn là vì vợ ép buộc, chứ thực tâm không muốn như vậy. Nhưng nay tận mắt chứng kiến con rể bệnh tình nghiêm trọng thế này, lại còn tự tay viết mấy câu thơ với khẩu khí tuyệt tình như vậy. Chu Thế Viễn bất giác cũng không động niệm, đầu óc trống rỗng, mặc dù vậy vẫn nói mấy câu: “Sao con lại nói như vậy! Con nghỉ ngơi cho khỏe mới là điều quan trọng.” Nói rồi gấp bài thơ lại, cất vào tay áo, đứng lên cáo biệt ra về.

Trần Thanh tiếp lời: “Đây là tất cả những lời chân thành của con trai, mong thông gia lựa lời khuyên lệnh ái chuyển ý từ hôn. Thiệp đính ước này xin trao lại cho huynh.”

Chu Thế Viễn nói: “Thể theo lời yêu cầu chân thành của hiền kiều tử, đệ tạm thời nhận một lần nữa.”

Trần Thanh tiễn bạn ra tận cửa. Chu Thế Viễn trở về nhà, đem chuyện kể lại với vợ và con gái. Liễu thị nói: “Con à, nay Đa Thọ đã tỏ lòng không muốn cuộc hôn nhân này, phận làm con gái, con còn nuối tiếc điều chi. Con hãy xem bài thơ này như một sự giải thoát cho chính bản thân mình, mẹ mong con hồi tâm chuyển ý.”

Chu Thế Viễn lấy tấm thiệp đưa cho con gái và nói: “Tiểu quan nhân bên Trần gia bệnh nặng khó khỏi, đích thân nói với cha rằng, quyết muốn từ hôn. Đây là 4 câu thơ mà Đa Thọ tự tay viết. Dẫu cá nhân con muốn tiếp tục mối duyên trăm năm này, thì cũng là chuyện không tưởng mà thôi. Con gái à, đừng chấp mê bất ngộ như thế nữa!”

Con gái à, đừng chấp mê bất ngộ như thế nữa!
Con gái à, đừng chấp mê bất ngộ như thế nữa! (Ảnh chụp màn hình phim Tam Tự Kinh)

Đa Phúc nhìn thấy bài thơ, một lời cũng không nói mà lẳng lặng trở về phòng, rồi lấy ra bút mực, viết tiếp 4 câu thơ ở phía sau tấm thiệp:

Chẳng may mắc bệnh khổ triền miên
Lương duyên một mối vẫn lương duyên
Đạo người thục nữ là chuyên nhất
Tiếc chi nhan sắc với hoa niên

Lúc này có chị dâu Trương và mẹ vợ Lý và nhiều người khác nữa đến thăm Chu gia, ngỏ ý cầu hôn Đa Phúc. Họ đều là những người danh gia vọng tộc, sính lễ hồi môn thịnh soạn. Mặc dù biết rằng miệng lưỡi của người mai mối là không thể tin tưởng được nhưng những lời hoa mỹ ấy cũng khiến bụng dạ Liễu thị nôn nao phấn khích. Nhưng chẳng ai hiểu được Đa Phúc tâm như sắt đá, không hề lay chuyển. Nàng nhìn thấy cha mẹ tiệc trà tiệc rượu khoản đãi người mai mối, trong lòng biết rằng khó mà làm khác đi. Nàng nghĩ, trang phu trọng bệnh chưa lành, cha mẹ lại không giữ lễ tiết, nay suy nghĩ điều này, mai toan tính điều khác, chi bằng mình chết để giữ gìn sự trong sạch.

Nửa đêm khi đèn đã tắt, nàng lấy bài thơ của Trần công tử đặt lên bàn, xem lại một lần nữa, ruột đau như cắt, nước mắt lưng tròng, đợi khi cha mẹ yên giấc, thì lấy dây lụa thắt lưng buộc lên xà nhà rồi treo mình tự vẫn…

Không biết tính mệnh của Đa Phúc sẽ ra sao và tương lai của đôi uyên ương sẽ thế nào, xin mời quý độc giả đón đọc kỳ tiếp theo

(Còn tiếp…)

Cao Nguyên

Theo Sound of Hope

Văn hoá Văn học


BÀI CHỌN LỌC

Hẹn nước thề non (P1): Lương duyên một mối thành ác duyên