Tính mệnh nguy kịch trước dịch bệnh: Đầu bếp Hoàng gia cải biến nhân tâm, thoát được kiếp nạn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Người xưa cho rằng các thảm họa thiên nhiên như bệnh dịch, lũ lụt và động đất... là hình phạt và cảnh báo cho nhân loại. Nếu con người có thể ăn năn hối lỗi, coi trọng đạo đức thì có thể tránh được thảm họa...

Sau đây là một câu chuyện ngắn về việc người xưa coi trọng đạo đức để tránh bệnh dịch.

Chuyện xưa kể rằng: Vào thời cổ đại, một đầu bếp Hoàng gia đã cáo lão trở về quê nhà. Do nhàn rỗi nên ông đã thuê một số người làm công và mở một quán rượu.

Sau đó ít lâu, có một bệnh dịch lớn xảy ra ở địa phương. Triều đình đã phái người chuyên trách đi điều tra và tìm cách điều trị, nhưng sau một thời gian dài vẫn không thể tìm ra nguồn gốc của căn bệnh này, vì vậy không thể nào kê đơn thuốc đúng. Kết quả là dịch bệnh ngày càng bùng phát nghiêm trọng và có thêm nhiều người tử vong, khiến ai nấy cũng đều nơm nớp lo sợ.

Thấy vậy, đầu bếp Hoàng gia nhanh chóng đóng cửa quán rượu, cắt đứt mối liên hệ với bên ngoài, cả ngày trốn trong nhà. Mặc dù như vậy, ông vẫn không thể thoát khỏi móng vuốt của bệnh dịch. Chẳng mấy chốc, cơ thể ông bắt đầu không chống đỡ nổi nữa, thường co giật, chóng mặt và thổ huyết.

Một ngày nọ, ông dõi mắt xa xa nhìn khắp khung cảnh trong ngoài thành phố. Những con phố phồn hoa và nhộn nhịp xưa giờ đã vắng vẻ lạnh lẽo, thậm chí nhiều nơi, tử thi vẫn còn nằm ngổn ngang trên đường phố.

Nhìn thấy tình huống bi thảm này, ông rơi lệ, thở dài và nói: "Ồ! Công danh ở đâu rồi? Ngẫm nghĩ mình là đầu bếp Hoàng gia, danh tiếng khắp thiên hạ, nhưng thật khó để chống lại dịch bệnh. Họa phúc chỉ trong sớm tối, ai có thể đảm bảo giữ được đây?"

Ông nghĩ: "Dù sao mình cũng không có nhiều thời gian nữa, giữ những vàng bạc, quần áo và thực phẩm này có tác dụng gì? Tốt hơn là nên bố thí cho người nghèo, để họ có thể có cái ăn cái mặc, không uổng một đời người, và để những người không may bị nhiễm bệnh có thể đàng hoàng đi gặp tổ tiên".

Tốt hơn là nên bố thí cho người nghèo, để họ có thể có cái ăn cái mặc, không uổng một đời người
Tốt hơn là nên bố thí cho người nghèo, để họ có thể có cái ăn cái mặc, không uổng một đời người. (Ảnh: Phim hoạt hình Tam Tự Kinh)

Nghĩ như thế, nỗi sợ hãi và khiếp đảm của đầu bếp Hoàng gia đối với dịch bệnh đã biến mất. Một luồng chính nghĩa hạo nhiên tràn ngập trong nội tâm, khiến ông cảm thấy cơ thể tràn đầy sức mạnh. Thế là ông đã quyết định: mở cửa quán rượu, và căn dặn những người phụ bếp dũng cảm nấu cháo và súp từ thiện trợ giúp cho người nghèo mỗi ngày. Đồng thời, ông ta cũng ra lệnh cho những người hầu đem quần áo dự trữ ra tặng cho những ai không đủ mặc, lại sai người chôn cất thi thể của những người đã chết vì dịch bệnh...

Nhiều người giàu có, sau khi thấy nghĩa cử của đầu bếp Hoàng gia, đã nô nức làm theo. Nỗi sợ hãi của mọi người về dịch bệnh dần biến mất. Đường phố vốn hoang vắng lạnh lẽo cũng dần trở nên có sức sống.

Không bao lâu sau, trên các đường to ngõ nhỏ đều ấm áp tình người. Thành phố ngập tràn những lời nói dịu dàng, ấm áp. Những cảnh cãi vã đấu đá đã biến mất, ngay cả các kỹ nữ cũng đã thay đổi, làm lại cuộc đời.

Một tháng sau, đầu bếp Hoàng gia nọ thấy rằng cơ thể ông đang dần hồi phục như xưa, điều này khiến ông rất ngạc nhiên. Một ngày nọ, trong giấc ngủ, ông chiêm bao thấy một Đạo sĩ cưỡi một con hạc Tiên bay đến và hát bài kệ rằng:

Đức lớn thiện tâm quý hơn vàng

Cứu người đâu kể thuốc với thang

Tiên đan diệu dược Trời ban sẵn

Hóa giải tai ương thoắt nhẹ nhàng

"Mau nhận lấy Tiên đan"!

Lúc này, ông tỉnh dậy, kinh ngạc nhận thấy quả thực có một hộp Tiên đan trong tay, đầu bếp Hoàng gia vui mừng khôn xiết. Ông hướng về phía Đạo nhân - lúc này đã cưỡi hạc bay đi - mà khấu đầu bái tạ.

Ngày hôm sau, vị đầu bếp Hoàng gia sử dụng những viên trong hộp, hòa tan chúng trong một chiếc nồi lớn, rồi phát cho bệnh nhân địa phương từng người một. Hiệu quả rất đáng kinh ngạc, các bệnh nhân đều nhanh chóng khỏi bệnh.

Đầu bếp hoàng gia cũng đã đích thân gửi thuốc đến Hoàng cung, và kết quả là, dịch bệnh hoành hành trong suốt mấy tháng đã được hóa giải. Khi Hoàng đế nghe về nguồn gốc của Tiên đan, ngài bèn tắm gội và thay y phục rồi ở một mình trong căn phòng yên tĩnh, suy nghĩ về lỗi lầm của mình và sám hối. Sau đó Hoàng đế thành kính viết mấy chữ lớn: "Phương thuốc ngàn vàng - Đức".

Lòng tốt của con người là thứ trân quý, nó có thể cảm động Trời Đất, hóa giải tai họa. Khi nhân loại biết vững lương tâm và thiện niệm thì bệnh dịch sẽ biến mất.

Tường Hòa (biên dịch)

Theo secretchina.com



BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

BÀI CHỌN LỌC

Tính mệnh nguy kịch trước dịch bệnh: Đầu bếp Hoàng gia cải biến nhân tâm, thoát được kiếp nạn