Tín tâm chân chính phải trải qua thử thách thế nào?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo quan niệm của người xưa, điều trân quý nhất của sinh mệnh chính là cái tâm cầu Đạo. Người tu Đạo là người được tôn kính nhất, tuy nhiên việc khó nhất trên thế gian cũng chính là tu Đạo, nhất là khi phải buông bỏ danh lợi và sinh tử, đều cực kỳ khó khăn.

Bá Dương và 3 đệ tử luyện đan

Trong Thần Tiên Truyện có chép rằng, Ngụy Bá Dương cực kỳ thích Đạo, cuối cùng ông dẫn 3 đệ tử vào núi sâu luyện đan. Sau khi luyện đan thành công, Ngụy Bá Dương biết có đệ tử tâm không thực sự thành thật, bèn nói với các đệ tử rằng:

- "Tuy đan đã luyện thành rồi, nhưng tốt nhất là hãy để cho chó ăn thử. Nếu chó ăn đan xong mà bay lên thì chúng ta hãy ăn. Nếu chó ăn xong mà chết thì chúng ta không ăn nữa".

Thế là Ngụy Bá Dương lấy đan ra cho chó ăn, chó ăn xong lập tức lăn ra chết.

Bá Dương nói với các đệ tử rằng:

- "Cho ăn đan xong liền chết. Ta nghĩ e rằng chúng ta luyện đan đã làm trái với ý chỉ của Thần linh. Nếu chúng ta ăn cũng sẽ chết như chó thôi. Làm thế nào bây giờ?"

Một đệ tử hỏi: "Sư phụ có ăn viên đan này không?"

Bá Dương nói:

- "Ta đã chống lại thiên kiến của thế tục, rời nhà vào núi sâu, nếu không đắc Đạo thì không còn mặt mũi nào quay trở về nữa, bất kể là sống hay chết, ta đều phải ăn đan".

Nói xong, Bá Dương cầm viên đan bỏ vào miệng nuốt, chỉ một lát là lăn ra chết.

Các đệ tử nói:

- "Luyện đan là để trường sinh, bây giờ ăn đan lại chết, thực sự là không còn cách nào rồi".

Nhưng có một đệ tử nói:

- "Tôi thấy sư phụ không phải là người thường, ăn đan rồi chết thì đại thể đó không phải là thực tâm của sư phụ".

Tu đạo
(Ảnh minh hoạ: Zhiqing / Epoch Times)

Nói rồi, người đệ tử này cũng cầm lấy một viên đan rồi nuốt, cũng lập tức lăn ra chết.

Hai đệ tử còn lại nói với nhau rằng:

- "Chúng ta luyện đan là để cầu trường sinh, bây giờ ăn đan thì chết, thế thì cần gì những viên đan này nữa? Không ăn đan vẫn có thể sống trên đời thêm mấy chục năm nữa".

Thế là hai bọn họ đều không ăn đan, cùng nhau xuống núi, dự tính tìm quan tài cho sư phụ và sư đệ.

Hai đệ tử vừa ra đi thì Bá Dương liền đứng dậy, lấy viên đan mà ông vừa ăn bỏ vào miệng người đệ tử chết kia và bỏ vào miệng chó, đệ tử và chó đều sống lại. Người đệ tử này và Bá Dương cùng thành Tiên bay đi.

Buông bỏ sinh tử mới có hy vọng thành Tiên, nhưng trước khảo nghiệm sinh tử thực sự thì có bao người thực sự làm nổi?

Tỳ kheo mới và tôn giả

Xưa kia ở Ấn Độ có một chàng trai vì tức giận phẫn nộ, chán thế nhân hiểm ác nên đã bỏ nhà vào Phật môn, quy y Phật giáo.

Tuy là người đã xuất gia, nhập không môn, nhưng trong tâm vẫn quyến luyến thế giới bên ngoài, vẫn bị ái tình và dục vọng trói buộc. Anh thường dùng dầu thơm để mát xa thân thể, dùng nước nóng tắm gội, chăm sóc da dẻ sáng bóng thơm tho. Anh cũng rất chú ý đến ăn uống nghỉ ngơi, cái tâm hoàn toàn bị vật chất che lấp, giống như những cây dây leo quấn chặt lấy thân thể, không một giây phút tự tại.

Tuy nhiên về hình thức thì anh đã xuất gia, đã thụ giới, nhưng về hành vi và cảnh giới thì vẫn là phàm phu tục tử, vẫn y như người chưa xuất gia, còn cách Đạo quá xa.

Đương thời ở nước Ma La có vị tôn giả Ưu Ba Cấp Đa. Ông là một tỳ kheo có Phạn hạnh cao xa, danh tiếng lẫy lừng. Thế nên vị tỳ kheo mới thụ giới này ngưỡng mộ danh tiếng của ông mà tìm đến bái kiến.

Tôn giả hỏi anh ta rằng: "Tỳ kheo từ nơi xa xôi đến là để làm gì?"

Vị tỳ kheo này nói:

- "Con ngưỡng mộ danh tiếng ngài nên đã tìm đến, muốn được tôn giả từ bi khai thị yếu chỉ Phật Pháp".

Tôn giả quan sát căn cơ của tỳ kheo này, biết anh ta vẫn bị yêu thích và ham dục trói buộc, không thể giải thoát, nên hỏi anh ta rằng:

- "Tỳ kheo có thể hoàn toàn nghe theo lời của ta, tiếp thu lời dạy của ta, chiểu theo ý chỉ của ta mà làm được chăng?"

- "Con nhất định sẽ làm được, tất cả đều sẽ làm theo lời căn dặn của ngài".

buông bỏ sinh tử
(Ảnh minh hoạ: Zhiqing / Epoch Times)

"Nếu con khởi tín tâm thì trước tiên ta sẽ dạy anh thần thông, sau đó sẽ thuyết pháp cho" - Tôn giả nói.

- "Học thần thông trước thì tốt quá rồi".

Thế là tôn giả dẫn anh ta vào trong núi, dạy anh ta học thiền định, đồng thời căn dặn rằng anh phải tuyệt đối phục tùng. Tôn giả vận dùng thần lực, biến một cây đại thụ và nói: "Con hãy leo lên cây này đi".

Thế là vị tỳ kheo đó nghe theo lời tôn giả leo lên cây, nhưng khi nhìn xuống, thấy bên dưới là một vực sâu khôn lường.

Lúc này tôn giả lại nói: "Buông 2 chân ra".

Tỳ kheo đành phải nghe theo buông 2 chân ra. Tôn giả lại ra lệnh cho anh ta buông một tay ra, tỳ kheo cũng nghe theo buông một tay ra. Nhưng tôn giả lại lệnh tiếp anh ta buông nốt tay còn lại ra thì anh ta cực kỳ sợ hãi, bèn trả lời rằng:

- "Nếu bỏ nốt tay ra thì con sẽ rơi xuống vực chết mất"

- "Con đã có ước hẹn với ta rồi, tất cả đều chiểu theo lời dạy của ta mà làm, tại sao lại hối hận vậy?"

Vị tỳ kheo đó không còn cách nào nữa, đành dằn lòng xuống, không suy nghĩ gì nữa, buông bàn tay còn lại ra và rơi xuống vực vừa sâu vừa tối đen. Lúc này anh ta sợ quá hồn bay phách tán, mồ hôi lạnh túa ra toàn thân. Khi mở mắt ra nhìn thì chẳng thấy cây cũng chẳng thấy vực sâu đâu. Thế là tôn giả bắt đầu thuyết Pháp cho anh ta rằng: "bây giờ ta hỏi con, khi con buông bàn tay cuối cùng và rơi xuống, con còn thấy thế gian có gì đáng yêu thích ham muốn nữa không?"

- "Thưa tôn giả, trước ải sinh tử, tất cả đều không còn gì đáng yêu thích ham dục nữa"

- "Đúng rồi, hết thảy mọi thứ của thế gian đều là hư ảo, khi sắc thân bị diệt thì yêu thích ham muốn cũng bị diệt theo. Nếu con có thể nhìn thấu sắc thân vô thường, thế thì chấp trước yêu thích ham muốn trói buộc kia sẽ được giải thoát. Yêu thích là cội nguồn của phiền não tử sinh, hãy cẩn thận giới bỏ, tinh tấn tu hành, chớ đánh mất cái tâm ban đầu, thì ắt sẽ có ngày thành tựu chính Đạo".

Tỳ kheo mới bỗng đại ngộ, từ đó đặt tâm suy nghĩ, chuyên cần tu luyện tinh tấn, sau chứng được quả A La Hán.

Tường Hòa

Theo Secretchina



BÀI CHỌN LỌC

Tín tâm chân chính phải trải qua thử thách thế nào?