Thủy Bạc Lương Sơn ký: Thủy Hử và 108 anh hùng Lương Sơn Bạc - Phi Lộ

Giúp NTDVN sửa lỗi

108 anh hùng Lương Sơn Bạc có thật không, bao gồm những ai, chân dung và kết cục của họ như thế nào? Ý nghĩa truyện Thủy Hử là gì? Người đời vẫn hay đặt ra những câu hỏi ấy. Xét thấy, thời thái bình thịnh trị thì có thiên thần giáng thế, thời loạn lạc có hung tinh hạ phàm; tạo phúc hay gây họa đều có lý do đã an bài. Vậy nên mới gọi là “thế Thiên hành Đạo”.

Thủy Hử là một trong bốn tiểu thuyết có giá trị nhất, còn gọi là “Tứ đại danh tác”, của văn hóa thần truyền 5000 năm Trung Hoa. Tác giả của truyện là một nhà nho tên là Thi Nại Am sống vào cuối triều Nguyên, đầu triều Minh. Truyện kể về việc 108 anh hùng hảo hán đời Tống vì gặp cảnh đời loạn lạc lắm nỗi bất bình mà dần dần tụ họp ở vùng nước bạc Lương Sơn với tôn chỉ “thế Thiên hành đạo” để đem lại công bằng cho người dân thấp cổ bé họng. Lương Sơn Bạc nay thuộc huyện Lương Sơn tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Tên gọi “Thủy hử” tức là “bến nước”, cũng gọi là “Thủy bạc Lương Sơn.” Thủy Hử đã được dựng thành phim, nổi tiếng và thành công nhất là phiên bản Thủy Hử 1998. Xem truyện Thủy Hử thấy dường như trong cõi Thiên Địa mang mang, mọi sự đã có an bài.

Ý nghĩa truyện Thủy Hử: Trong cõi mênh mang quả có lòng Trời định đoạt

Nguyên nhân xuất hiện 108 anh hùng Lương Sơn Bạc

Câu chuyện bắt đầu với một tai họa ôn dịch xảy ra cho nước Đại Tống khiến quân dân chết hại quá nhiều, trăm họ lầm than, quốc gia nghiêng ngả. Và như một quan niệm truyền thống, mỗi khi quốc gia có thiên tai nhân họa thì bậc quân chủ phải tự soi xét lại chính mình liệu có điều chi lầm lỗi, cũng như chính sách quốc gia có hà khắc, dân tình có oan khuất hay không. Bởi vậy vị minh quân Tống Nhân Tông nghe lời tấu của các quan mà miễn thuế cho dân gian, đồng thời ban lệnh đại xá thiên hạ, những mong nước nhà tai qua nạn khỏi. Nhưng chẳng dè, ôn dịch vẫn hoành hành mà chẳng hề giảm bớt. Lúc này, có vị quan Tham tri Chính sự là Phạm Trọng Yêm dâng biểu tấu lên hoàng thượng kế sách mời Tự Hán Thiên Sư họ Trương – một vị Chân nhân đắc Đạo ở núi Long Hổ tỉnh Giang Tây - để về kinh sư cầu đảo, dẹp ôn dịch cứu vớt dân chúng.

Hoàng đế chuẩn tấu và sai một vị quan đầu triều là Thái úy Hồng Tín lập tức phụng mệnh lên đường tới núi Long Hổ. Hồng Thái úy tới nơi, được các Đạo chúng ở Thượng Thanh cung núi Long Hổ chỉ đường lên đỉnh núi để thỉnh Trương Thiên Sư. Hồng Tín đã được đạo sĩ trụ trì dặn đi dặn lại: “Muốn gặp được Trương Thiên Sư cho nên việc thì phải mang một dạ chí thành, một mình đi lên đỉnh núi lạy lục khẩn cầu, khó khăn nào cũng không ngăn cản được”…

Tuy vậy, là một vị quan đầu triều vốn đã quen ăn sung mặc sướng, chẳng mấy khi dãi gió dầm sương, Hồng Tín trải qua hai phen thử thách gặp hùm, gặp rắn thì tim đập chân run, oán đời trách người; lại đến lúc gặp Trương Thiên Sư thì cho là thằng bé chăn bò tầm thường, rốt cuộc chẳng kể mệnh vua, u u mê mê quay mình xuống núi.

Chân dung 108 anh hùng Lương Sơn Bạc trong hầm tối

Hôm sau Thái úy được Đạo chúng dẫn đi du ngoạn cảnh vật trên Thượng Thanh cung nên rất lấy làm sung sướng mà quên hẳn việc hôm trước. Đến trước Tòa Điện Phục Ma nơi có hai cánh cửa lớn đỏ chót, trên dán chi chít những giấy niêm phong của các đời Thiên Sư, Hồng Thái úy nằng nặc đòi mở cửa vào trong dù Đạo chúng hết sức can ngăn, nói rằng đó là nơi giam giữ các Ma Vương từ nhiều đời nay. Hồng Tín giở ngón nghề dọa nạt của một kẻ quen ngụp lặn chốn quan trường khiến các đạo nhân cũng khiếp hãi, bèn tháo bỏ hết các niêm phong, chặt bỏ hết các khóa, kéo nhau vào trong điện… chỉ thấy bốn bề tối đen như mực, soi đuốc lên tìm thì thấy một hốc đá đằng sau có khắc mấy chữ: “gặp Hồng thì mở”.

Hồng Thái úy mừng rỡ cho rằng đó là sứ mạng mà mình đã được an bài, quát bảo các đạo nhân tiếp tục phá bỏ hốc đá, hì hục nửa ngày trời đào bới thì gặp một phiến đá xanh, lại một phen vật nài ngăn cản và hống hách quát tháo, rồi phiến đá xanh bị mở toang, lộ ra một cái hang sâu muôn trượng; có tiếng nổ lớn rồi một luồng hắc khí tung lên trời, lơ lửng trên không, tan ra hơn trăm đạo hào quang rồi chia bốn phương tám hướng mà bay đi hết. (Đó chính là các anh hùng Lương Sơn Bạc sau này).

Các Đạo chúng rền rĩ kêu khổ nói rằng đó là 72 vị Địa Sát tinh, 36 vị Thiên Cương tinh bị giam giữ, giờ được thả ra sẽ tác oai tác quái nơi hạ giới. Hồng Tín hoảng sợ, mồ hôi toát ra như tắm rồi cấm bọn tùy tùng nói hở ra e thiên tử quở phạt, đoạn trở về kinh sư. Trên đường về, cả bọn nghe dân chúng nói rằng Trương Thiên Sư đã đến kinh thành cầu đảo xong, ôn dịch đã hết. Hồng Thái úy được ban thưởng, câu chuyện 108 Ma Vương thế là coi như chìm vào dĩ vãng vì nước nhà vẫn tiếp tục thái bình đến hết đời Tống Nhân Tông và cho đến cả đời Tống Thần Tông… nhưng ở đời có “nhân” nào mà chẳng gây nên “quả”?

"Gặp Hồng thì mở" - Hồng Thái úy để sổng 108 Ma Vương (Ảnh: wikipedia)
"Gặp Hồng thì mở" - Hồng Thái úy để sổng 108 Ma Vương (Ảnh: wikipedia)

Thế sự vần xoay theo nhân quả, thiên hạ tan hợp bởi phúc khí.

Sự đời lạc cực sinh ai, hết vui đến buồn, hết thịnh đến suy, nói như lời La Quán Trung trong Tam Quốc Diễn Nghĩa: “Thế lớn trong thiên hạ, cứ tan lâu rồi lại hợp, hợp lâu rồi lại tan”. Kể từ đời Tống Thái Tổ, trải qua mấy đời hoàng đế kế tiếp thiên hạ thái bình, đến đời hoàng đế Tống Nhân Tông – nguyên là Xích Cước đại tiên chuyển thế - khi mới ra đời ngày đêm kêu khóc nên mới có vị tiên Thái Bạch Kim Tinh xuống trần trong vai một ông già và ghé tai ngài nói nhỏ: “Văn có Văn Khúc, Võ có Võ Khúc”. Lúc ấy hoàng đế tương lai mới nín khóc, chẳng phải một sự lạ ư? Hay vì Xích Cước Đại tiên thấy nhiệm vụ quá nặng nề, phải có thêm những thiên thần như Văn Khúc tinh quân (sau là Bao Chửng), Võ Khúc tinh quân (sau là Địch Thanh)… cùng xuống thế trợ giúp mới yên tâm mà nín khóc? Tiếng khóc của đứa trẻ ngày sau làm hoàng đế là điềm báo cái mầm loạn lạc sau này của Tống triều, bắt đầu bằng một trận ôn dịch giữa buổi thái bình thịnh trị.

Trận ôn dịch ấy khiến Nhân Tông phải sai Hồng Thái úy đi cầu Trương Thiên Sư. Dù hoàng đế chẳng cầu thì Thiên Sư thần thông quảng đại cũng biết và ngài cũng đã về kinh giúp hoàng đế cứu muôn dân. Nhưng cái tai họa của nước nhà sau này thì bắt đầu từ Hồng Tín ngày hôm ấy và sứ mệnh của Hồng Tín thực ra không phải là đi cầu Trương Thiên Sư mà là mở cái phong ấn thả 108 Ma Vương ra khỏi hầm tối.

Vận mệnh đất nước trông vào minh quân và hiền thần – vua sáng tôi hiền, quốc gia mới bền vững. Tống Nhân Tông là một minh quân nhưng Hồng Tín chẳng phải kẻ hiền thần. Vì chẳng phải hiền thần nên mới trượt bài thử thách của Trương Thiên Sư, với tư cách “mệnh quan ăn hại” ấy mới xứng đáng được an bài cho cái việc tày đình: thả 108 hung tinh gây loạn nhân gian.

Vì sao? vì họa loạn chốn nhân gian chẳng phải gián tiếp do đám “tham quan lại nhũng” hèn đớn xôi thịt ấy mà ra hay sao? Cũng như đời sau này chính những kẻ thân làm “quan phụ mẫu” mà chẳng liêm khiết chính trực như Cao Cầu, Lương Trung Thư, Sái Kinh… mới gây nên nỗi uất ức trong dân chúng, từ đó mà đẩy một đám anh hùng hảo hán đội trời đạp đất vào đường cùng, buộc phải tạo phản nơi vũng nước Lương Sơn.

Hồng Tín giải thoát đám hung tinh, thì bọn Cao Cầu trực tiếp kích khởi cho 108 hảo hán kia chọc trời khuấy nước, xem ra sự việc tuy hai, bản chất chỉ là một. Trên thì vua Huy Tôn chẳng sáng, dưới thì bọn bề tôi Cao Cầu, Sái Kinh, Lương Trung Thư… chẳng hiền, hỏi sao mà nhân gian không loạn cho được? Biết đâu đó là chỗ dụng ý của tác giả Thủy Hử là Thi Nại Am vậy.

Cao Cầu ra oai khi mới nhậm chức (Ảnh: Thủy Hử liên hoàn họa)
Cao Cầu ra oai khi mới nhậm chức (Ảnh: Thủy Hử liên hoàn họa)

Có lẽ 108 anh hùng hảo hán ấy trong xác phàm cũng chẳng ai nhớ được mình đã từng là hung tinh bị nhốt dưới hầm tối, chỉ đơn giản là giữa đường thấy sự bất bằng mà tha, rồi tập hợp nhau lại nơi bến nước để hành hiệp trượng nghĩa, để cứu vớt muôn dân chống lại đám tham quan ô lại như tôn chỉ “Thế thiên hành đạo” của họ. Và từ đó “Trời đất nổi cơn gió bụi”. Âu cũng là số mệnh đã an bài vậy.

108 anh hùng Lương Sơn Bạc hé lộ nguồn gốc của sinh mệnh?

Cũng tương tự ba tác phẩm còn lại trong Tứ đại danh tác: Hồng Lâu Mộng, Tây Du Ký, Tam Quốc Diễn Nghĩa... câu chuyện của Thủy Hử xảy ra nơi trần thế nhưng lại có những đầu dây mối dợ từ thiên thượng. Hồng Lâu Mộng bắt đầu từ mối duyên tiền định của Thần Anh thị giả - hòn đá thiêng với cây Giáng Châu trên thượng giới, sau này là Giả Bảo Ngọc và Lâm Đại Ngọc nhà họ Giả. Mười hai cô gái đẹp trong vườn Đại Quan của Giả phủ cũng là những sinh mệnh trên thiên thượng chuyển thế. Tôn Ngộ Không trong Tây Du Ký sinh ra từ hòn đá thiêng do tinh hoa của Trời Đất kết thành, cũng là một sinh mệnh đến từ cao tầng và rồi tu luyện đắc Đạo, phản bổn quy chân… Thủy Hử cũng hàm chứa những ẩn ý về nguồn gốc cao tầng của sinh mệnh.

Thủy Hử bắt đầu với việc kể về bậc đế vương khai quốc của Đại Tống – Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dẫn vốn là Tích Lịch Đại tiên trên thượng giới xuống trần để lập lại đời thái bình. Đến đời cháu ngài, hoàng đế Tống Nhân Tông là Xích Cước Đại tiên, lại được phò tá bởi Văn Khúc tinh quân, Võ Khúc tinh quân cũng là những sinh mệnh từ trên cao tầng giáng hạ thành Bao Chửng và Địch Thanh. 72 Địa Sát Tinh và 36 Thiên Cương Tinh là những tinh tú chuyển sinh thành 108 hảo hán Lương Sơn để “thay Trời hành Đạo”…

Thời thái bình thịnh trị thì có thiên thần giáng thế thành minh quân, trung thần, lương tướng… làm gương cho dân, giúp dân xây dựng nền đạo đức kỷ cương; thời loạn lạc có hung tinh hạ phàm, gây ra mối họa loạn để nhân gian trả nợ nghiệp… nhân đó mà kết thúc một triều đại, một thời đại. Vậy nên mới gọi là “thế Thiên hành Đạo”. Lấy nguồn gốc 108 anh hùng Lương Sơn Bạc mà nói, phải chăng sinh mệnh đều có lai lịch không tầm thường?

Đây chẳng phải thuận theo an bài của đấng Thượng Thiên là gì? Không có tham quan lại nhũng, quân chủ hôn ám sao khiến xã hội loạn lạc? Xã hội không loạn lạc bất công, 108 anh hùng Lương Sơn có lẽ chẳng cần phải náu mình vào nơi bến nước làm nghề lạc thảo, mà cũng sống như bao người dân bình thường khác.

108 anh hùng Lương Sơn giương cao ngọn cờ “thế Thiên hành Đạo” (Ảnh: Thủy Hử liên hoàn họa)
Hảo hán Lương Sơn giương cao ngọn cờ “thế Thiên hành Đạo” (Ảnh: Thủy Hử liên hoàn họa)

Xét ra, những “hung tinh” thực sự chẳng nằm nơi bến nước Lương Sơn, mà nhan nhản ở chốn công đường, nơi triều chính lúc mạt vận với những hôn quân và gian thần… thời sau còn tệ hơn thời trước. Than ôi!

Đến đây, chúng ta tạm dừng vài lời Phi Lộ để theo chân các hảo hán Lương Sơn bước vào hành trình khám phá Thủy Bạc Lương Sơn ký bắt đầu với Phần 1: Lâm Xung võ nghệ trùm đời trong sự an bài của Thiên Thượng.

Bạn đọc có thể tham khảo thêm về Thủy Hử tại đây

(còn tiếp… )

Thanh Phong

Xem thêm:



BÀI CHỌN LỌC

Thủy Bạc Lương Sơn ký: Thủy Hử và 108 anh hùng Lương Sơn Bạc - Phi Lộ