Thuật dưỡng sinh chỉ trong 2 chữ của Thần y Tôn Tư Mạc, sống trăm tuổi, càng già trông càng trẻ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sinh mệnh thật đáng quý, ai mà chẳng mong muốn bản thân có được sức khỏe và trường thọ? Vậy có cách dưỡng sinh nào mang lại hiệu quả cao?

Nói tới vấn đề dưỡng sinh, tại Phương Đông vốn có lịch sử rất lâu dài. Ngay từ hơn 2000 năm trước, Đông Y đã có những tài liệu lịch sử ghi chép liên quan đến dưỡng sinh. Đạo dưỡng sinh của Thần y Tôn Tư Mạc đã có ảnh hưởng rất lớn tới hậu thế, bản thân ông đã thực hành Đạo dưỡng sinh của mình và sống hơn 100 tuổi.

Dược Vương Tôn Tư Mạc (Ảnh: SOH tổng hợp)
Dược Vương Tôn Tư Mạc (Ảnh: SOH tổng hợp)

Tôn Tư Mạc cả đời chú trọng tu Đạo, và ông là nhà y học kiêm dược học nổi tiếng trong lịch sử Á Đông và thế giới, được mệnh danh là Dược Vương. Đến thời nhà Tống, Trung Hoa, ông được phong là Diệu Ứng Chân Nhân. Đạo giáo tôn ông là Thiên Y Diệu Ứng Quảng Viện Thiện Tế Chân Quân. Đồng thời, ông cũng là một vị Thần y với kiến ​​thức sâu rộng về y học, trong các lĩnh vực như chăm sóc cơ thể, liệu pháp ẩm thực, châm cứu, phòng bệnh...

Trong "Tân Đường thư" có ghi: “Tôn Tư Mạc sinh ra trong triều đại Tây Ngụy, ông đi học lúc 7 tuổi, mỗi ngày tụng hơn ngàn câu, nguyên lão Bắc Chu Độc Cô Tín gọi ông là Thánh đồng. Ông thông thạo học thuyết bách gia, giỏi về đạo Lão Tử, Trang Chu, am hiểu Âm Dương, bói toán thiên tượng, giải số học huyền diệu, và cũng giỏi Kinh Phật".

Tôn Tư Mạc từ bé đã mắc bệnh, phải “đổ hết gia sản vào tiền thuốc”. Người dân xung quanh ông rất nghèo khổ, nhiều người chết vì không có tiền chữa bệnh, vì vậy, năm 18 tuổi, ông đã mang “chí nguyện học y”, chăm chỉ cả đời, cuối cùng cũng đạt được thành tựu. Ông đã cứu sống vô số người, và có một bộ thuật dưỡng sinh của bản thân, dù ở tuổi rất cao nhưng trông ông vẫn còn rất trẻ, tai nghe vẫn rất thính, mắt rất tinh, đầu óc minh mẫn.

Vậy rốt cuộc Tôn tư Mạc có thuật dưỡng sinh như thế nào? Làm thế nào ông có thể làm được vừa khỏe mạnh vừa sống lâu?

Tôn Tư Mạc ủng hộ liệu pháp ăn uống và giữ gìn sức khỏe (Ảnh: Pixabay)
Tôn Tư Mạc ủng hộ liệu pháp ăn uống và giữ gìn sức khỏe (Ảnh: Pixabay)

1. Liệu pháp ăn uống là phương pháp đầu tiên để ngăn ngừa bệnh tật

Theo quan điểm của Tôn Tư Mạc, cơ thể con người vốn phải bình hòa, nếu chăm sóc sức khỏe tốt thì sẽ không bị ốm. Không được tự ý uống thuốc, uống thuốc có thể có một chút giúp ích về mặt nào đó đối với bệnh, nhưng cũng có thể có chỗ không tốt. Nó sẽ tạo nên sự mất cân bằng của khí trong nội tạng, vậy thì càng dễ bị những thứ từ bên ngoài xâm nhập tấn công. Còn các thầy thuốc chỉ có thể kéo dài sự sống của con người và cứu những người bị thương. Nền tảng có thể thực sự an thân là thức ăn mà hàng ngày con người không thể thiếu. Vì vậy, chúng ta phải quan tâm đến vai trò của thực phẩm trong việc giữ gìn sức khỏe, phòng bệnh và chữa bệnh.

Trong “Thiên Kim yếu phương” (Phương thuốc đáng giá ngàn vàng), Tôn Tử Mạc đã đặc biệt liệt kê một bài “Thực trị” (Thực trị là chỉ phương pháp dùng thực phẩm để phòng và chữa bệnh). Trong lời nói đầu của bài này, ông đề xuất rằng thực phẩm là nền tảng của sự sống, là cơ sở năng lượng và vật chất của hoạt động sống. Bởi vì thức ăn giàu dinh dưỡng, có thể tự mình loại bỏ sự xâm nhập của mầm bệnh bên ngoài, mà không mang theo tác dụng phụ như thuốc thường có, lại có thể bổ sung dinh dưỡng trong cơ thể một cách hiệu quả, đồng thời có thể làm cho nội tạng dịu lại, để đạt được hiệu quả trị liệu, chữa bệnh và trừ tà. Việc ăn một số món ăn ngon cũng là một cách hưởng thụ cuộc sống, có thể giải phóng những cảm xúc xấu của người bệnh, làm cho con người cảm thấy vui vẻ và sảng khoái, vì vậy bản thân chế độ ăn uống là một thuật dưỡng sinh quan trọng.

Tuy nhiên, chế độ ăn uống và phục hồi sức khỏe không thể tùy tiện, và cần chú ý nhiều điều. Tôn Tư Mạc cho rằng trong ăn uống hàng ngày nên chú ý tới tiết chế, nếu ham hưởng đồ ngon mà ăn uống quá no cũng có thể dẫn đến bệnh tật ập đến bất ngờ hoặc tấn công dữ dội. Một điểm nữa, từ ngày Hạ Chí cho đến ngày Thu Phân, ta nên thận trọng khi ăn những loại bánh béo, nhiều bơ sữa. Nguyên nhân khiến người ta dễ bị ốm phần lớn là do xuân hè ăn quá nhiều đồ lạnh, ăn uống không có tiết chế. Tôn Tư Mạc rất chú trọng đến chế độ ăn uống và dinh dưỡng hợp lý, nhưng không theo đuổi ham muốn ăn uống. Ông cũng nhấn mạnh tác dụng dưỡng sinh của trái cây, cho rằng ăn nho, táo to, hồ đào, lê... có thể "giúp cơ thể nhẹ nhàng và chống lão hóa". Những loại quả này được xếp vào danh sách những loại trái cây tốt nhất.

Tất nhiên, trong quá trình ăn không nên vội vàng, nên nhai kỹ thì mới có thể biết được ngũ vị, hòa với ngũ hành. Không nên ngồi hoặc nằm ngay sau mỗi bữa ăn, không vận động mạnh, cũng không nên quá vui hay quá buồn, nên đi chậm sẽ giúp cho tiêu hóa tốt, không nên uống nước ngay sau khi ăn, nên vuốt nhẹ bụng vài phút rồi mới uống nước.

Tôn Tư Mạc còn đề xuất phương pháp dưỡng sinh bốn mùa. Ông đưa bốn mùa đối ứng với ngũ hành, ngũ tạng, ngũ vị. Thông qua sự thay đổi của bốn mùa, ngũ vị và ngũ tạng tương ứng với chế độ ăn uống bổ sung dưỡng chất, nhằm đạt được mục tiêu dưỡng sinh.

孙思邈认为人体五脏对应着五行 也对应着食物(图片:pixabay)
Tôn Tư Mạc tin rằng ngũ tạng của cơ thể con người tương ứng với ngũ hành và cũng tương ứng với thức ăn (ảnh: pixabay)

Vốn dĩ dân gian coi “dĩ thực vi thiên” (coi ăn uống quan trọng nhất). Nghiên cứu y học hiện đại cũng đã chỉ ra rằng chất dinh dưỡng là cơ sở vật chất quan trọng đối với cơ thể con người, đồng thời là cơ sở để cơ thể con người chống lại bệnh tật.

Trong quá trình hành nghề chữa bệnh của mình, Tôn Tư Mạc đã sử dụng bã trấu để ngăn ngừa bệnh tê phù, gan động vật để điều trị bệnh quáng gà và tảo để điều trị tuyến giáp. Tác dụng chữa bệnh rất tốt và được giới y học ca ngợi.

Ông lấy phương pháp tự nhiên của Đạo gia làm mục đích giữ gìn sức khỏe, yêu cầu mọi người áp dụng các phương pháp tự nhiên trong sinh hoạt và vệ sinh thực phẩm, thuận Thiên hợp thời. Ông tin rằng chỉ có như vậy mới có tác dụng bảo vệ sức khỏe.

2. Thực phẩm và điều trị y tế

Tôn Tư Mạc cho rằng việc điều trị bệnh cần chú trọng đến thuốc và thức ăn, hai thứ này nên kết hợp với nhau, và ưu tiên liệu pháp thực phẩm. Bởi vì thức ăn mang tính ôn hòa và không có tác dụng phụ, nhưng thuốc thì không. Vì vậy, Tôn Tư Mạc nhắc nhở các bác sĩ phải biết nguyên nhân gốc rễ bệnh của bệnh nhân, biết bệnh nhân của mình đang mắc phải những vấn đề gì, từ đó sử dụng thực phẩm thích hợp để điều trị. Khi liệu pháp ăn uống không đủ để chữa lành bệnh, thì thuốc mới được coi là biện pháp cuối cùng. Tại sao? Như có câu nói, "thuốc có tác dụng phụ". Nếu dùng thuốc không đúng cách sẽ làm gia tăng tai biến. Hơn nữa, ngày nay, để kiếm tiền, các bác sĩ không ngần ngại khuyên bệnh nhân phải phẫu thuật, dùng thuốc đắt tiền mà không tính đến điều kiện kinh tế và đau đớn thân thể của bệnh nhân.

3. Chú trọng dưỡng tính

Nếu như nói việc kết hợp ăn uống và thuốc để trị bệnh là khía cạnh ở mặt vật chất của dưỡng sinh, thì dưỡng tính chính là mặt tinh thần của dưỡng sinh và đây cũng là phương pháp dưỡng sinh quan trọng hơn cả.

Trong cuốn "Phương thuốc ngàn vàng chuẩn bị khẩn cấp" của Tôn Tư Mạc có một đoạn nói về dưỡng tính như sau: "Phàm là người dưỡng tính, là muốn các thói quen trở thành tính, tính tự nhiên là thiện, không tạo thói quen xấu thì không có gì không tốt. Khi tính tự nhiên thiện, thì bách bệnh nội ngoại tự nhiên sẽ không sinh ra, họa loạn, tai họa cũng không có nguyên nhân phát tác, đó là con đường lớn dưỡng sinh. Người giỏi dưỡng tính, thì trị bệnh khi bệnh còn chưa phát tác, đó là ý nghĩa của dưỡng tính. Thế nên người dưỡng tính, không chỉ cẩn trọng ăn uống thuốc men, mà cần chú ý đến trăm đức hạnh, trăm nết đủ đầy, thì tuy không thuốc thang cũng đủ sống thọ. Đức hạnh không đủ đầy thì dẫu uống kim đan ngọc dịch cũng không thể kéo dài tuổi thọ được. Thế nên Lão Tử nói: Người giỏi dưỡng sinh, đi đường không gặp hổ hay dã thú, đó là chỉ người có đạo đức vậy. Làm sao có thể dựa vào uống thuốc Tiên mà cầu kéo dài tuổi thọ được. Sở dĩ Thánh nhân chế Tiên dược, là để cứu người có đức hạnh. Thế nên kẻ ngu ôm bệnh quanh năm mà chẳng tu lấy một đức hạnh nào, bệnh đầy thân cả đời, cuối cùng vẫn không có lòng hối cải. Người như thế này thì dẫu các bậc Thần y như Kỳ Bá, Y Hòa, Vu Bành, Du Phụ cũng bó tay mà ra đi mãi mãi. Quả là rất có đạo lý”.

Đối với đoạn văn này, mỗi người đứng tại những cơ điểm khác nhau sẽ có những cách giải thích khác nhau. Nhưng nếu như hiểu rõ rằng Tôn Tư Mạc chính là một người tu Đạo, chứ không chỉ là một người thầy thuốc bình thường, có lẽ chúng ta có thể thấy rằng đoạn văn này không phải nói về một phương diện dưỡng sinh mà là về các tình huống ở các cảnh giới khác nhau. Hãy thử diễn giải như sau:

Người dưỡng tính muốn biến những gì học được thành tập tính của chính mình. Thực ra, “tính” (bản tính, thiên tính) vốn đã lương thiện, không học thì cũng không có xấu. Vì bản chất vốn đã thiện lương nên tất cả các loại bệnh tật bên trong và bên ngoài sẽ tự nhiên không xảy ra, và sẽ không có lý do gì để tai họa giáng xuống cơ thể, đây là gốc của dưỡng tính (nói cách khác, tầng diện khác của phương pháp dưỡng tính chính là từ gốc căn bản này phát triển ra).

Vì vậy, người giỏi dưỡng tính là chữa trị ngay từ căn nguyên khi không có bệnh, đây là ý định ban đầu của dưỡng tính. Theo như câu nói trước “tính là thiện lương, trăm bệnh bên trong bên ngoài sẽ không tự nhiên sinh ra”, thì “trị vị bệnh chi bệnh” (chữa nguyên nhân gây bệnh khi còn chưa có bệnh) thực chất là nói đến việc diệt trừ mọi tư tưởng lệch lạc xa rời bản tính. Những suy nghĩ tạp loạn sinh ra ngược với bản tính thuần thiện thì tương đương với việc mắc bệnh, nhưng lúc này sẽ chưa biểu hiện ra bệnh tật trong cơ thể.

Vì vậy, người dưỡng tính không chỉ là dùng đan dược dưỡng sinh trường thọ, sáng sớm đón mây màu, tiến hành thổ nạp (phương thuật của tu hành Đạo gia) là được, mà để thực sự có tác dụng còn cần phải xem bách hạnh (tất cả các loại đức hạnh, phẩm hạnh). Đức hạnh đủ đầy, không uống thuốc thì cũng đủ để kéo dài tuổi thọ, nếu đạo đức không đủ thì dù có dùng kim đan, ngọc dịch cũng không thể kéo dài tuổi thọ.

Vì vậy, Lão Tử nói: Người dưỡng sinh tốt khi đi trên đường không thể gặp thú dữ, ở đây “đạo đức” là nói đến việc có thể đạt đến trạng thái này. Làm thế nào có thể cầu nguyện kéo dài tuổi thọ bằng cách uống thuốc? Sở dĩ Thánh nhân chế dược chỉ để cứu người lầm lỡ.

Tuy nhiên, những người ngu muội, biết mắc bệnh nhiều năm không thay đổi bất kỳ phẩm hạnh nào của bản thân, bệnh đầy thân cả đời mà vẫn không hối hận. Vì vậy, Kỳ Bá, Y Hòa mới rời xa con người thế gian, Vu Bành, Du Phụ cũng đã ra đi mãi mãi (Kỳ Bá, Y Hòa, Vu Bành, Du Phụ đều là những thầy y thời thượng cổ và là những người tu hành đắc Đạo). Quả nhiên là đều có nguyên nhân.

岐伯(左)医和(右)(图片:左:wellcomeimages.org,CC-BY-4.0;右:维基)
Kỳ Bá (bên trái) và Y Hòa (bên phải) (Ảnh: trái: wellcomeimages.org, CC-BY-4.0; phải: Wiki)

Từ những gì Tôn Tư Mạc nói ở trên, có thể thấy ông chia con người thành ba tình huống, dưỡng sinh phân thành hai tầng thứ.

Tình huống thứ nhất, cũng là tầng đầu tiên của dưỡng sinh, chính là có thể phản bổn quy chân, trở về bản tính chân chính của bản thân mình, tự nhiên các loại bệnh trong ngoài sẽ không phát sinh, các loại tai họa sẽ không giáng xuống thân thể. Cũng có nghĩa là đạt đến cảnh giới “đạo đức” được Lão Tử nói đến, khi đi đường dã thú hung dữ cũng chủ động trốn tránh và căn bản là sẽ không gặp phải chúng.

Đương nhiên, trạng thái này không thể đạt được bằng cách dựa vào uống thuốc mà chỉ có thể đạt được bằng cách đi theo con đường văn hóa tu luyện truyền thống, loại bỏ tất cả các loại suy nghĩ lệch lạc với bản tính con người, và bằng cách tu tâm vứt bỏ những ràng buộc và luyện tập. Những người đạt đến trạng thái này không còn nằm trong khái niệm khỏe mạnh và trường thọ của thế gian.

Thực ra, đây chính là bản chất của việc dưỡng sinh như người Trung Quốc cổ đại đã nói: nuôi dưỡng và sử dụng tốt sinh mệnh cơ thể bản thân, cuối cùng đạt tới phản bổn quy chân.

Tình huống thứ hai là tầng thứ hai của dưỡng sinh, chính là nguyện ý dưỡng tính, muốn có khỏe mạnh trường thọ, và cũng sẵn sàng thay đổi bản thân. Tôn Tư Mạo đã nói ra bản chất thực sự của dưỡng tính tại tầng này là: điều này không thể đạt được bằng cách uống các loại thuốc và chất dinh dưỡng bổ sung, hoặc bằng cách tập thể dục và học một chút thu khí dưỡng sinh. Điều cốt yếu là trau dồi đức hạnh của bản thân và thay đổi những hành vi không đúng đắn hoặc sai trái. Đối với những người này, nếu họ có thể thay đổi suy nghĩ và hành vi của mình, không làm những việc tổn hại đến lợi ích người khác (thực ra đây đã là phương hướng của tầng tu luyện đầu tiên rồi), không uống thuốc bổ dưỡng, cũng đủ để kéo dài tuổi thọ. Nhưng nếu không muốn thay đổi hành vi của bản thân, và đạo đức không đủ, sẽ không thể kéo dài tuổi thọ cho dù có dùng kim đan, ngọc dịch; thực ra là uống mà bằng như không uống.

Tình huống thứ ba là của những người ngu muội, họ đau ốm suốt đời, đau khổ suốt đời, nhưng không hối hận và không muốn thay đổi bản thân. Trong trường hợp này, không thể nói tới việc dưỡng sinh.

Tôn Tư Mạc cũng chỉ ra nguyên nhân Thánh nhân chế dược, chỉ để cứu kẻ lầm lỡ. Nếu con người phát triển (hoặc suy thoái) đến mức phần lớn rơi vào hoàn cảnh thứ ba, các vị Thánh sẽ bỏ đi và không muốn quản nữa.

Minh An
Theo SOH



BÀI CHỌN LỌC

Thuật dưỡng sinh chỉ trong 2 chữ của Thần y Tôn Tư Mạc, sống trăm tuổi, càng già trông càng trẻ