Thuận Trị - một vị hoàng đế hiếu học, nhiều thành tựu và ngộ Đạo (P-2): Tại sao ngài xuất gia?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trên cửa Phu Trai của Thuận Trị có viết chữ: "Sống chết việc lớn", trên tường viết: "Chớ nói đến già mới học Đạo, mộ đơn toàn là kẻ thiếu niên". Mộc Trần Đạo Mân đọc xong vô cùng cảm khái, bỗng cảm thấy muôn vạn duyên trần đoạt tuyệt, bèn bước vào nói với Hoàng thượng: "Thần thuở thiếu thời đọc câu từ của Lý Trác Ngô rằng: 'Vừa mới đợi chờ đã ngàn vạn kiếp rồi', hôm sau liền xuất gia". Hoàng thượng lập tức nói: "Thỉnh lão hòa thượng giúp trẫm viết một câu, để cảnh tỉnh bản thân"...

Sinh thời, Thanh Thái Tông - Hoàng Thái Cực rất coi trọng Phật giáo Tạng truyền. Thuận Trị chịu ảnh hưởng của phụ hoàng nên cũng rất thành kính đối với Phật giáo. Năm Thuận Trị thứ 8, tại Nam Uyển Bắc Kinh, Thế Tổ đích thân tiếp kiến Đại Lai Lạt Ma đệ Ngũ.

Dốc tâm tu học Phật Pháp

Cũng trong năm đó, Thuận Trị đến núi Cảnh Trung ở Tuần Hóa, Hà Bắc đi săn, nghe nói trên núi có Pháp sư Biệt Sơn trong động Tri Chỉ đã tĩnh tu 9 năm rồi bèn đến thăm, Biệt Sơn tiếp đãi trọng thị. Sau khi trở về kinh, Thuận Trị xây dựng Vạn Thiện Điện và mời Biệt Sơn Pháp sư đến kinh thành tham thiền.

Năm Thuận Trị thứ 14, Thuận Trị triệu kiến các cao tăng ở chùa Nam Hải Hội trong kinh thành. Sau khi các cao tăng đàm luận Phật Pháp sâu sắc, Thuận Trị còn mời họ vào cung giảng đạo.

Năm Thuận Trị thứ 15, Mộc Trần Đạo Mân là trụ trì chùa Ninh Ba Thiên Đồng, được Thuận Trị mời vào kinh đô, bầu bạn với vua trong 8 tháng. Thuận Trị gọi ông là "Lão hòa thượng". Hai người học Phật luận Thiền, đàm luận thơ ca, thư họa hết sức tâm đắc.

Trước khi lão hoà thượng rời kinh, Thuận Trị đích thân viết hai chữ "Kính Phật" để tặng lão hòa thượng, bày tỏ lòng thành kính đối với Phật Pháp.

Mộc Trần Đạo Mân cho biết, trên cửa Phu Trai của Thuận Trị có viết chữ: "Sống chết việc lớn", trên tường viết: "Chớ nói đến già mới học Đạo, mộ đơn toàn là kẻ thiếu niên".

Mộc Trần Đạo Mân đọc xong vô cùng cảm khái, bỗng cảm thấy muôn vạn duyên trần đoạt tuyệt, bèn bước vào nói với Hoàng thượng: "Thần thuở thiếu thời đọc câu từ của Lý Trác Ngô rằng: 'Vừa mới đợi chờ đã ngàn vạn kiếp rồi', hôm sau liền xuất gia".

Hoàng thượng lập tức nói: "Thỉnh lão hòa thượng giúp trẫm viết một câu, để cảnh tỉnh bản thân".

 Thuận Trị trong 2 tháng đã 38 lần đến đàm luận kinh Phật với các cao tăng, đồng thời nhiều lần nảy ra ý định xuất gia.
Thuận Trị trong 2 tháng đã 38 lần đến đàm luận kinh Phật với các cao tăng, đồng thời nhiều lần nảy ra ý định xuất gia. (Ảnh: Wikipedia).

Năm Thuận Trị thứ 16, Thuận Trị đến chỗ Ngọc Lâm Tú - trụ trì chùa Báo Ân ở Hồ Châu. Vua mời hòa thượng đặt pháp danh cho mình, và khiêm tốn nói: "Muốn dùng tên chữ xấu một chút". Ngọc Lâm Tú liền viết khoảng 10 chữ dâng lên, Thuận Trị chọn chữ Si, và viết thêm chữ Hành, lấy pháp danh là Hành Si, lấy hiệu là Si Đạo Nhi (đứa bé si mê Đạo).

Sử sách ghi chép, Thuận Trị trong 2 tháng đã 38 lần đến đàm luận kinh Phật với các cao tăng, đồng thời nhiều lần nảy ra ý định xuất gia.

Nhân duyên với Đổng Ngạc Thị

Thuận Trị lập hai vị hoàng hậu, một vị là cháu gái của Hiếu Trang Thái Hậu, dòng họ là Bác Nhĩ Tề Cát Đặc Thị, do Đa Nhĩ Cổn làm chủ hôn. Sau khi Thuận Trị chấp chính đã phong bà làm hoàng hậu. Sau hai người tính cách không hợp, ngài đã phế bỏ hoàng hậu, giáng làm Trắc Phi. Sau này Thuận Trị lại lấy một vị dòng họ Bác Nhĩ Tề Cát Đặc Thị làm vợ và phong làm hoàng hậu, nhưng cuộc sống cũng không hạnh phúc.

Năm Thuận Trị thứ 13, ông phong Đổng Ngạc Thị hiền phi - con gái đại thần Ngạc Thạc làm hoàng quý phi, lễ phong cực kỳ long trọng, đồng thời ban ân chiếu đại xá. Vì sắc phong quý phi mà đại xá thiên hạ thì xưa nay chưa từng có. Từ đó tuy Đổng Ngạc Thị không có địa vị hoàng hậu nhưng lại có quyền quản lý hậu cung.

Đổng Ngạc Thị rốt cuộc là ai? Giới sử học đã nhiều lần tranh luận, có người nói là Đổng Tiểu Uyển - một trong Tần Hoài Bát Tuyệt.

Nhưng có một điểm có thể khẳng định là, Đổng Ngạc Thị có phẩm hạnh vô cùng hiền đức, đôn hậu, vượt hơn dung mạo của bà. Thanh sử cảo có chép, Hoàng đế Thuận Trị đã cảm động bởi mỹ đức và sự hiền thục của Đổng Ngạc Thị, và đã thuật lại chi tiết trong Hiếu Hiến Hoàng hậu hạnh truyện.

Đổng Ngạc phi phụng dưỡng Hoàng Thái Hậu vô cùng cẩn thận, cần mẫn và nhanh nhẹn, chu đáo. Thuận Trị bận rộn việc quốc gia, không thể thường xuyên ở bên Hoàng Thái Hậu được, còn Đổng Ngạc phi tận tâm phụng dưỡng khiến Hoàng Thái Hậu rất vui lòng. Thái hậu nói, Đổng Ngạc phi chăm sóc bà còn ân cần chu đáo hơn Hoàng đế. Việc này khiến Thuận Trị không phải lo lắng việc nhà, để dốc tâm trị sửa quốc sự.

Đổng Ngạc phi quan tâm chăm sóc từng ly từng tí đến ăn uống, sinh hoạt của Hoàng thượng. Mỗi khi Thuận Trị đi xa về, nàng đều hàn huyên thăm hỏi. Nếu Hoàng thượng trở về muộn thì Đổng Ngạc phi dịu dàng an ủi, đồng thời đích thân dâng thức ăn do nàng chuẩn bị. Mỗi bữa ăn, Hoàng thượng mời nàng ăn cùng, Đổng Ngạc phi đều tạ từ. Trước những đại lễ, Đổng Ngạc phi đều căn dặn thị tòng để Hoàng thượng uống rượu ít thôi.

Chân dung Đổng Ngạc Thị
Chân dung Đổng Ngạc Thị. (Ảnh: Wikipedia).

Thấy Hoàng thượng xem xét phê duyệt tấu chương bận rộn không chút thời gian rảnh rỗi, Đổng Ngạc phi liền nhắc nhở vua nên xem xét tỉ mỉ, không nên có sơ suất, bỏ sót. Hoàng thượng mời nàng cùng xem tấu, nàng đều vội vàng bái tạ, và nói: "Hậu cung không can dự triều chính". Ban đêm, Thuận Trị phê duyệt tấu chương, nàng luôn mở tấu, mài mực, dâng trà nóng cho vua.

Điều đáng quý hơn là Đổng Ngạc phi tính tình thiện lương nhân nghĩa, khi cung nữ, thái giám phạm lỗi, nàng đều nói giúp. Nàng rất yêu thương và bảo vệ mọi người ở hậu cung. Đổng Ngạc phi còn thường khuyên Thuận Trị xét xử cần thận trọng, công bằng, ghi nhớ tính mệnh tù phạm đều được quyết định bởi những phán xét nhỏ của hoàng thượng.

Đổng Ngạc phi thông minh chuyên cần học tập, đọc qua điều gì liền nhớ ngay. Về những lĩnh vực như Hán học, thư pháp, Phật học... nàng đều có cùng sở thích và tiếng nói chung với Thuận Trị. Chính sự hy sinh thầm lặng của nàng khiến cho mối quan hệ giữa Hoàng thái hậu, Hoàng thượng và toàn bộ hoàng cung, từ trên xuống dưới đều trật tự, hài hòa.

Nhưng không may là người nội tướng hiền hậu xinh đẹp nhường ấy mà chỉ bầu bạn với Thuận Trị được 4 năm thì bị bệnh và qua đời vào tháng 8 năm Thuận Trị thứ 17.

Bí ẩn Thuận Trị xuất gia

Về sự kiện vua Thuận Trị rời thế tục xuất gia, trong ghi chép của sử quan, dã sử dân gian và truyền thuyết... đều có những chỗ khác nhau. Trong chính sử ghi chép: Thuận Trị Đế băng hà do bệnh đậu mùa năm 24 tuổi.

Thi nhân Ngô Vĩ Nghiệp thời kỳ đầu nhà Thanh, trong bài thơ Thanh lương sơn tán Phật thi đã ẩn dụ rằng: "Thuận Trị vì Đổng Ngạc phi qua đời mà đã nhìn thấu cõi hồng trần, do đó đã lên núi Ngũ Đài xuất gia". Trong tác phẩm Ông đồng hoàn nhật ký có ghi chép: Núi Tây Sơn ở Bắc Kinh có bài thơ, trong đó có câu:

"Ta vốn tăng nhân ở Tây phương
Vì sao lưu lạc chốn đế vương"...

Từ ngôn từ thẳng thắn, không gọt giũa, thi phong và vận vị đều phù hợp với cá tính của Thuận Trị.

Cũng có suy đoán rằng, Khang Hy Đại Đế đi tuần thú phía Tây 6 lần thì 5 lần đi qua núi Ngũ Đài, khả năng thăm phụ hoàng là rất cao. Khang Hy còn vì không tìm được tông tích của Thuận Trị mà đã từng đề thơ lên bức tường nhà chùa rằng:

"Văn Thù sắc tướng còn
Chỉ mong quỷ Thần biết"...

Các học giả hiện đại khảo chứng viết trong sách Sắc trú thiện quả Lữ Am nguyệt hòa thượng tấu đối lục có ghi chép rằng: “Ngày 27 tháng 12 năm Thuận Trị thứ 17, Hoàng đế Thuận Trị phát nguyện với Lữ Am hòa thượng rằng sẽ chính thức xuất gia sớm nhất. Khi Lữ Am hòa thượng khuyên không được từ bỏ ngôi vua để làm tăng nhân, Thuận Trị trả lời rằng: "E trẫm không thể làm được như thế".

Sắc trú thiện quả Lữ Am nguyệt hòa thượng tấu đối lục còn ghi chép: “Ngày 17 tháng 4 năm Thuận Trị thứ 18, khi quan tài Thuận Trị thiêu ở núi Cảnh Sơn, Lữ Am có làm hai bài kệ, nói rằng hỏa thiêu chỉ là thiêu quan tài không mà thôi, Thuận Trị vì triệt ngộ nên đã quyết định vứt bỏ ngôi vua để xuất gia.” Những khảo chứng này dường như đã tăng thêm tư liệu lịch sử cho quan điểm Thuận Trị xuất gia.

Tư liệu lịch sử còn ghi chép: Sau khi Đổng Ngạc thị qua đời, Thuận Trị có tâm xuất gia, để đệ tử của Ngọc Lâm Tú là Mao Khê Sâm xuống tóc cho mình. Mao Khê Sâm khuyên can không được, Hoàng thái hậu mệnh cho Ngọc Lâm Tú đứng ra khuyên can. Ngọc Lâm Tú cho người đốt đống củi, nếu Thuận Trị kiên trì xuất gia thì Ngọc Lâm Tú sẽ thiêu chết đệ tử Mao Khê Sâm. Cuối cùng Thuận Trị không biết làm thế nào, đành từ bỏ ý nghĩ xuất gia, không lâu sau thì mắc bệnh qua đời.

Có nhiều thuyết khác nhau về Hoàng đế Thuận Trị sau sự ra đi của Đổng Ngạc Thị. Liệu Thuận Trị có xuất gia hay không? Hay ông vì đau xót trước cái chết của Đổng Ngạc Thị mà lâm bệnh rồi qua đời sớm? (Ảnh: Shutterstock).
Có nhiều thuyết khác nhau về Hoàng đế Thuận Trị sau sự ra đi của Đổng Ngạc Thị. Liệu Thuận Trị có xuất gia hay không? Hay ông vì đau xót trước cái chết của Đổng Ngạc Thị mà lâm bệnh rồi qua đời sớm? (Ảnh: Shutterstock).

Thuyết nhân quả luân hồi của di lão Vãn Thanh

Thanh bại loại sao là một bộ sách của Từ Kha, di lão đời Vãn Thanh căn cứ vào các câu chuyện và trường hợp đời Thanh mà biên soạn ra. Câu chuyện Thuận Trị xuất gia được thuật trong bộ sách này như sau:

Cuối đời Minh, núi Nga Mi có một lão tăng dựng lều ẩn cư, cả ngày nhắm mắt đả tọa, không ăn không uống. Bên ông chỉ có một chú tiểu phụng sự. Chú tiểu thường xuống núi hóa duyên, lão hòa thượng vẫn tĩnh tọa tham thiền như cũ. Thoáng chốc đã hơn 10 năm trôi qua rồi.

Bỗng một hôm lão tăng mở mắt ra và nói với chú tiểu rằng: "Đồ nhi, ta đi đây, con hãy ở lại đây nghiêm cẩn tu hành".

Đồ đệ nghe xong khóc òa lên, nắm lấy áo lão tăng, nét mặt vô cùng đau đớn. Lão tăng an ủi rằng: "Duyên phận vẫn chưa hết, thầy trò ta còn có ngày gặp lại".

Lão hòa thượng lấy một bức tranh cuốn từ tay áo ra, cũng không biết tranh vẽ vào thời kỳ nào. Trong bức tranh là một bức chân dung, rất giống lão hòa thượng, chân dung toàn thân, nhưng phía trên mắt lại không có lông mày.

Lão tăng bảo đồ đệ cất giữ cẩn thận chân dung sư phụ và căn dặn rằng: "Sau khi ta đi được 12 năm, con mới được xuống núi tìm ta. Hãy cầm bức tranh này cho những người con gặp trên đường xem, nếu có người vẽ thêm lông mày lên bức tranh này thì đó chính là ta".

Nói xong, lão tăng tọa hóa mà đi. Chú tiểu cẩn thận tuân theo lời dặn của sư phụ, sau 12 năm mới xuống núi. Chú tiểu đi khắp nơi, vân du hơn 10 năm trời tìm sư phụ mà không có kết quả. Một hôm, chú tiểu vân du đến kinh thành hóa duyên, vừa vặn gặp Thuận Trị Đế đi săn ở ngoại thành. Chú tiểu chưa từng trông thấy đội ngũ của hoàng gia, chỉ ghi nhớ lời căn dặn của sư phụ, liền mạo phạm ngự giá, thỉnh cầu xem tranh.

Thị vệ vốn muốn bắt chú tiểu không biết trời cao đất dày là gì này, nhưng vua Thuận Trị ngăn lại, bảo chú tiểu mở tranh ra. Chú tiểu mở bức tranh cuốn ra, vua Thuận Trị vừa trông thấy bức tranh liền ngạc nhiên nói: "Nhân vật này sao lại không vẽ lông mày?"

Thuận Trị lệnh cho tả hữu đem nghiên bút đến, rồi đích thân vẽ thêm lông mày cho bức chân dung.

Chú tiểu đứng bên lúc này đã nước mắt như mưa, vừa kinh ngạc vừa vui mừng, vội vàng quỳ xuống hô lớn: "Sự phụ, con đã tìm được sư phụ rồi!".

Mọi người nhìn nhau, vua Thuận Trị càng không hiểu nguyên cớ gì. Thế là chú tiểu đem chuyện lão hòa thượng căn dặn và tọa hóa ra thuật lại tỉ mỉ cho vua Thuận Trị nghe.

Vua Thuận Trị lập tức triệt ngộ: Thì ra đời trước của mình chính là lão tăng tu hành ở núi Nga Mi. Phật duyên lại được tiếp nối rồi.

Năm 1661, năm Thuận Trị thứ 18, Thế Tổ vứt bỏ ngôi vua xuất gia, hoàn thành nhân duyên đời trước.

Hoàng Mai (biên dịch)

Tác giả: Tông Gia Tú
Theo epochtimes.

Tài liệu tham khảo:

  1. Thanh sử cảo - Thế tổ bản kỷ
  2. Thanh sử cảo - Hậu phi truyện
  3. Thanh Thế Tổ thực lục
  4. Thanh bại loại sao, Từ Kha
  5. Thuận Trị Đế, Chu Viễn Liêm
  6. Thuận Trị Đế thủ thư "Kính Phật" khảo thuật, Lý Văn Quân
  7. Thuận Trị Đế đích phu trai, Mao Diệc Khả
  8. Thuận Trị Đế ngự bút thư họa tứ thần khảo, Tô Dương

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Thuận Trị - một vị hoàng đế hiếu học, nhiều thành tựu và ngộ Đạo (P-2): Tại sao ngài xuất gia?