Thư tình và Hôn lễ trong Cách mạng Văn hóa như thế nào? 

Giúp NTDVN sửa lỗi

Những bức thư tình, những câu chuyện về tình yêu, hôn nhân thời Cách mạng Văn hóa, giờ đây kể lại thì mọi người đều không thể tin được, thực sự đã có thời có những sự việc như thế này, mà ai ai cũng cảm thấy là bình thường...

Hôn lễ bất thường trong Cách mạng Văn hóa như thế nào? Bạn sẽ không thể tưởng tượng được. Để được cấp giấy chứng nhận kết hôn, những người có đủ điều kiện kết hôn phải viết đơn đăng ký kết hôn, trải qua lãnh đạo đơn vị nghiên cứu, phê chuẩn, và cấp giấy giới thiệu.

Lúc nhận giấy đăng ký kết hôn thì phòng hộ tịch còn phát cho một bản "Sổ tay tân hôn cho vợ chồng"... Bây giờ nhìn lại, quả thực giống như chuyện không tưởng.

Thư tình mẫu mực

Trong thời kỳ Cách mạng Văn hoá, bởi vì lý lịch của tôi không tốt cho nên thư tình của bạn gái viết gửi đến thường bị tổ chức chặn lại thẩm tra. Vì lý do này mà tôi đã nhiều lần bị anh bí thư công trường quở trách. Anh ta nói rằng bạn gái tôi có tư tưởng giai cấp tiểu tư sản nghiêm trọng, công ty đã ra công văn yêu cầu giáo dục cách mạng cho cô ấy. Sau đó, anh ấy cho tôi xem bức thư tình do người yêu anh ấy viết, muốn để tôi được truyền cảm hứng từ nó. Bức thư tình đó cho đến nay vẫn còn được tôi cất giữ, nội dung như sau:

Đồng chí Quang Ngọc kính mến: Xin chào!

Thư của anh em đã nhận được rồi. Biết tin anh có tiến bộ rất lớn về chính trị trong đơn vị, mọi người trong gia đình chúng ta đều mừng lắm, em cũng vui lắm! Mọi việc ở nhà đều ổn, anh cứ yên tâm làm việc và đừng lo lắng gì nhé.

Mao Chủ tịch đã dạy bảo chúng ta: "Trên thế giới không có yêu vô duyên vô cớ, cũng không có hận vô duyên vô cớ". Lê-nin nói: "Tình yêu bây giờ, nhất định đều phải là tình yêu giai cấp. Uất hận bây giờ, cũng nhất định đều phải là uất hận giai cấp". Chúng ta “sinh ra dưới cờ đỏ, lớn lên trong nước ngọt”, là con cháu của cách mạng vô sản, lớn lên trong ánh mặt trời ấm áp của đảng. Tình cảm của hai ta là tình cảm giai cấp cách mạng vô sản, loại tình cảm này là thuần khiết nhất trên thế giới, là tình cảm vĩ đại nhất. Có thứ tình cảm này, chúng ta làm công việc cách mạng sẽ tích cực hơn, nhiệt tình với công việc sẽ càng tăng.

Mùa đông năm nay, công xã tổ chức xây dựng thuỷ lợi nông nghiệp cơ bản, nhiệm vụ của đại đội chúng ta là trợ giúp Lý Gia Câu tu sửa "ruộng trại lớn". Vì triển khai thi đấu tranh giải "Nắm bắt cách mạng và thúc đẩy sản xuất", mọi người đều đang làm việc với khí thế ngất trời, trên công trường, từng chiếc xe nhỏ đẩy đến nhanh như bay.

Nghĩ rằng em là dân binh cốt cán, lại vừa mới nộp đơn xin vào đảng, em liền chủ động xin tham gia "Đội thanh niên đột kích", làm những công việc nặng nhọc giống như đàn ông. Bí thư xã đội Vương đã đến công trường chúng em để kiểm tra, còn đặc biệt biểu dương em. Mấy ngày kế tiếp, mặc dù rất mệt nhọc, còn ngã bệnh hai ngày, nhưng tinh thần của em rất vui sướng, trong lòng cảm thấy rất ngọt ngào. Nằm ở trên giường suốt hai ngày, vừa nghĩ tới anh, em đã cảm thấy khỏi bệnh rất nhiều rồi.

Bây giờ năm mới vừa qua, công việc ruộng đồng không nhiều, vừa vặn có thời gian để đọc sách của Mao Chủ Tịch. Chỉ là trình độ văn hóa của em không cao, có một số chữ còn phải tra từ điển. Anh đã học thấu sách của Mao Chủ Tịch, đã lĩnh hội sâu sắc tư tưởng của Mao Trạch Đông. Anh nhất định phải trợ giúp em. Em muốn sau khi đọc xong bốn quyển, lại đọc thêm "Các tác phẩm chọn lọc của Marx - Engels". Chúng ta cùng nhau học tập, cùng nhau tiến bộ, là những người kế tục cách mạng thành công và tận tụy...

Cuối cùng, em chúc anh học tập tiến bộ! Công việc thuận lợi! Thân thể khỏe mạnh! Tinh thần vui sướng!

Trân trọng cúi chào cách mạng

Ngọc Mai, ngày 20 tháng 8 năm 1970

Thợ học nghề không được phép yêu đương

Trong thời Cách mạng Văn hóa, người học nghề là không được phép yêu đương, nếu như yêu đương riêng tư, một khi tổ chức phát hiện, nhẹ thì kéo dài thời gian học việc, nặng hơn sẽ bị khai trừ công chức.

Thạch Cảnh Sơn ở lớp tiểu cơ khí thuộc công trường dân dụng của một công ty nhiệt điện, là cán bộ chuyên nghiệp của quân đội, 35 tuổi rồi mà vẫn không có tin tức gì về chuyện lấy vợ. Năm 1965, công ty nhiệt điện thuê một nhóm thợ học nghề, và tình cờ là một cô gái trẻ được phân vào tổ của anh. Cô gái kia 18 tuổi, dáng vẻ xinh đẹp, Thạch Cảnh Sơn mỗi tối đều phân công cô gái đến phòng máy bơm để kiểm tra máy bơm. Cứ như vậy, hai người trở nên thân thiết. Một tối nọ, hai người đang ôm hôn nhau thì bị chủ nghiệm công trường bắt quả tang. Kết quả, cô gái bị đuổi khỏi đơn vị làm việc, và cuối cùng Thạch Cảnh Sơn cũng cưới cô.

Giấy chứng nhận kết hôn

Việc kết hôn cần phải có Giấy chứng nhận kết hôn, nhưng khi đó những người đủ điều kiện kết hôn phải viết đơn đăng ký kết hôn, được lãnh đạo đơn vị nghiên cứu, phê chuẩn và có giấy giới thiệu của đơn vị, sau đó mới được thụ lý. Đơn xin đăng ký kết hôn phải được viết một cách chân tình thiết thực, có thể làm cảm động lãnh đạo mới được.

Tôi vô tình lật lại "Giấy chứng nhận kết hôn" mà tôi nhận được trong "Cách mạng Văn hóa", nhớ lại cảnh đăng ký kết hôn năm đó, cảm thấy khá là buồn cười.

Năm đó tôi đăng ký kết hôn ở Khu dân tộc Hồi Hohhot. Tôi nhớ là đầu tiên chúng tôi nhận giấy xác nhận đồng ý kết hôn tại đơn vị công tác, sau đó đi đến Văn phòng Khu ủy dân chính. Vị văn thư ngồi nghiêm chỉnh yêu cầu hai chúng tôi đứng song song, cúi đầu kính cẩn trước ảnh Mao Chủ tịch, sau đó cùng ông ấy đọc một đoạn trích dẫn của Mao Chủ tịch. Lời mà chúng tôi phải đọc lúc đó là: “Quyết tâm, không sợ hy sinh, khắc phục mọi khó khăn, quyết thắng”.

Lúc chúng tôi đọc niệm lời trích ấy, tại cửa phòng làm việc, ngoài cửa sổ đã có một số người cả nam lẫn nữ vây quanh phấn khích xem. Họ có lẽ là muốn tìm hiểu trước, để sau này đến lượt mình thì dễ đối phó. Nhưng tôi cảm thấy họ giống như là đang xem một buổi biểu diễn của khỉ ở sở thú vậy, và tôi cảm thấy bản thân rất khó chịu.

Sau khi đọc xong lời trích dẫn là cuộc trò chuyện riêng, nội dung là: "Nghe lời Mao Chủ tịch, đi theo Đảng cộng sản, làm một cặp vợ chồng cách mạng". Giày vò suốt nửa giờ như vậy, vị văn thư mới lấy ra hai bản "Giấy chứng nhận kết hôn" màu hồng, yêu cầu chúng tôi điền vào và ký tên. Hai bản "Giấy chứng nhận kết hôn" bây giờ xem ra cũng có giá trị để cất giữ.

Trên bìa "Giấy chứng nhận kết hôn" có hình một ngôi sao năm cánh màu đỏ, một khung kính được làm nổi, trong đó có trích lời của Mao Trạch Đông: "Chúng ta cần phải khiêm tốn, thận trọng, đề phòng thói kiêu căng và nóng nảy, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân Trung Quốc!"

Trang tiêu đề được in trong khung: "Chỉ thị tối cao: Chúng ta đều là đến từ ngũ hồ tứ hải, đồng lòng vì một mục tiêu cách mạng chung... Cán bộ của chúng ta phải quan tâm đến từng chiến sĩ, tất cả đội ngũ cách mạng đều phải quan tâm, bảo vệ, giúp đỡ lẫn nhau".

Mở trang bìa ra, trang đầu tiên là bức chân dung sáng ngời của Mao Trạch Đông, phía dưới là lời của Lâm Bưu: "Người cố vấn vĩ đại, nhà lãnh đạo vĩ đại, thống soái vĩ đại, người chỉ huy vĩ đại Mao Chủ tịch! Muôn năm! Muôn năm! Muôn năm!"

Trên bìa của Giấy chứng nhận kết hôn còn trích dẫn hai câu nói của Mao Chủ Tịch:

"Khi chúng ta lập kế hoạch, làm việc, suy nghĩ vấn đề, đều phải xuất phát từ việc nước ta có 600 triệu nhân khẩu, tuyệt đối không được quên điểm này".

"Để làm cho đất nước chúng ta giàu mạnh, cần thời gian mấy chục năm gian khổ phấn đấu, trong đó bao gồm cả việc chấp hành nghiêm khắc thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí, chủ trương phương châm cần kiệm kiến quốc".

Một lần đăng ký kết hôn giống như tham gia một khóa học giáo dục tư tưởng Mao Trạch Đông vậy. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, đăng ký kết hôn là miễn phí, cho nên không mất tiền để có được "Giấy chứng nhận kết hôn".

Năm đó khi tôi đi Mỹ khảo sát, những người Mỹ ở Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Bắc Kinh đã lật Giấy chứng nhận kết hôn của tôi và nghiên cứu một hồi lâu. Không biết Giấy chứng nhận kết hôn của họ và chúng tôi khác nhau như thế nào?

"Sổ tay tân hôn"

Khi chúng tôi nhận được giấy hôn thú, Phòng Dân chính còn phát cho chúng tôi một cuốn "Sổ tay tân hôn cho vợ chồng", lật ra xem, nửa trên của trang đầu tiên là chữ lớn đóng khung màu đỏ:

"Trích lời Mao Chủ tịch - Cần phải tự đấu tranh và tự phê bình!"

Lại lật tiếp, không nhớ là trang thứ mấy, thấy có đoạn viết: "Vợ chồng cách mạng trong đêm tân hôn, cần phải trước thì đoàn kết, sau thì khẩn trương, căn cứ tiến hành theo chất lượng, nguyên tắc từ nông tới sâu. Đặc biệt đồng chí nam ngay từ lúc đầu phải đặc biệt chú ý khiêm tốn, thận trọng, đề phòng thói kiêu căng, nóng nảy, quan tâm và bảo vệ đồng chí nữ cách mạng”.

Trang sau viết tiếp: “Vợ chồng cách mạng mỗi một lần không nên vận động kéo dài, để không ảnh hưởng đến việc nghỉ ngơi. Phải giữ gìn giấc ngủ đầy đủ, để ngày hôm sau cống hiến hết mình cho công việc cách mạng rực lửa".

Thủ tục hôn lễ Cách mạng Văn hóa

Nếu như nói những đám cưới đầu những năm 1960 đơn giản như tờ giấy trắng, thì những đám cưới thời Cách mạng Văn hóa lại chính là rực lửa. Khi người ta nói về chuyện cưới gả trong Cách mạng Văn hóa, tiêu chí đầu tiên là phải xem xuất thân, xem thành phần. Thành phần công nhân và bần cố nông là thành phần cứng, còn các đảng viên Đảng Cộng sản là bạn đời tốt nhất. Địa chủ, phần tử cánh hữu hoặc con cái của họ, dù là nam nhi anh tuấn cao to, cô nương xinh đẹp như hoa, thì thường là trai đẹp cưới vợ xấu, mỹ nhân gả ác phu. Mặc dù không hợp lý, nhưng nó là thời thượng vào thời điểm đó. Trang phục kết hôn đều là quân phục màu xanh, còn những người thời thượng hơn thì mặc quân phục màu xanh lá cây. "Vợ chồng cách mạng rất nhiều tham vọng, không thích trang phục màu hồng chỉ thích trang phục màu xanh cỏ úa", đã phản ánh chuẩn xác giá trị quan niệm của con người lúc ấy.

Hãy nhớ rằng thủ tục cơ bản của một đám cưới trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, là khi hôn lễ bắt đầu, cặp đôi và khách mời cùng nhau "Trích lời Mao Chủ tịch" để kính chúc vị lãnh tụ vĩ đại vạn thọ vô cương. Sau đó cô dâu và chú rể cùng nhau hát bài "Phương Đông đỏ" hoặc "Đại hải hàng hành kháo đà thủ" (Biển cả đi thuyền dựa vào tài công), học hai đoạn "Chỉ thị tối cao" của Mao Chủ tịch, rồi cúi đầu ba lần trước ảnh của Mao Chủ tịch. Thời đó, một số đám cưới còn có “tam bái”: trước là bái lãnh tụ vĩ đại, sau đó là bái quần chúng cách mạng, cuối cùng mới là phu thê giao bái.

Điều khiến tôi ấn tượng nhất về hôn lễ trong thời Đại Cách mạng Văn hóa là, có một cặp vợ chồng trong khu nhà tôi, cả hai đều là tái hôn. Khi họ kết hôn, quà cưới từ người thân, bạn bè và hàng xóm đều là "Tác phẩm chọn lọc của Mao Trạch Đông", "Trích dẫn lời của Mao Chủ tịch", huy hiệu của Mao Trạch Đông. Nhà tôi lúc ấy cũng thuộc phần tử “Mao tuyển”, tôi nhớ lúc mình tham dự hôn lễ, khi nhìn thấy cả một rương sách đỏ như vậy, tôi tự nghĩ: Nhiều sách đỏ như vậy sau này biết xử lý ra sao? Nhiều năm sau, trong lòng tôi vẫn tràn ngập nghi vấn: Không biết số phận của những ‘phong bao’ sách kia như thế nào? Nếu bạn có thể giữ nó cho đến bây giờ, thì đã có thể phát tài rồi.

Hôn lễ không tưởng của tôi

Khi tôi kết hôn, tôi thuê một ngôi nhà mới của một người cùng làng ở Khổng Gia Doanh Tử, ngoại ô phía tây của Hohhot. Giường cưới là đem hai cái giường đơn ghép lại với nhau, còn một bộ bàn ghế là mượn từ đơn vị. Đệm chăn cũng là đệm chăn của hai người góp lại với nhau, trên giường trải chăn lông Cáp Nhĩ Tân trị giá 54 tệ, đây là món quà đắt giá và thiết thực nhất mà bố tôi đã tặng cho chúng tôi. Chúng tôi đã sử dụng chiếc chăn lông này kể từ đó cho đến nay.

Tứ phía trên vách tường, viết đầy các bài thơ từ "Hồng Hải dương" của Mao Chủ Tịch, vợ tôi còn dán lên bức ảnh sân khấu của một vở kịch nổi tiếng. Trên bàn bày hai cái phích nước nóng và một bộ ấm chén, đều là những món quà cưới rất thiết thực, còn có ba bốn cái chậu rửa tráng men cũng là do các đồng nghiệp gửi tặng.

“Món quà quý giá nhất” là album ảnh “Mao Chủ tịch là Mặt trời đỏ trong tim chúng ta” do “Hội nhiếp ảnh cách mạng Trung Quốc” biên tập. Đây là món quà của hơn mười người bạn học thời đại học góp tiền mua tặng, đêm động phòng hôm đó, hai chúng tôi vẫn còn thưởng thức "món quà quý giá nhất" này.

Vào ngày kết hôn, có mấy người bạn của tôi đã đến từ sáng sớm, quét dọn vệ sinh, dán ảnh chân dung Mao Chủ tịch, còn chuẩn bị một ít thuốc lá, đậu phộng, bánh kẹo. Mấy cô bạn thân mượn xe đạp, đến ký túc xá của cô dâu, đón cô dâu. Tiếp đó, khách khứa đến chúc mừng và tặng một bức tranh, trên đó có ký rất nhiều tên. Mọi người hút thuốc, ăn kẹo, đậu phộng, nói một số câu chuyện cười, và sau đó rời đi, không có bữa ăn mời khách. Hồi đó ở nông thôn còn bày chút yến tiệc, còn thành thị thì không có. Buổi tối, mấy anh em đồng nghiệp thân thiết đến chúc mừng huyên náo một chút, sau đó rời đi sớm. Thật là nhàm chán, nào có náo nhiệt như bây giờ.

Khi Bí thư chi bộ Đảng họ Lưu thay mặt tổ chức đến chúc mừng ngày hôm đó, anh ấy đã nói với tôi: "Các bạn kết hôn vì cách mạng, rất tốt, kiên quyết ủng hộ hành động cách mạng của các bạn! Các bạn không cần phải tuần trăng mật kiểu hạ lưu cấp thấp, mà cần phải đi làm như bình thường”. Anh ấy còn nói lặp lại những lời đã được nói nhiều lần trên đài phát thanh khi đó, yêu cầu hai chúng tôi “đoàn kết và phấn đấu để giành chiến thắng lớn hơn!”

Sau ngày cưới, cả hai chúng tôi vẫn đi làm như thường lệ, ăn cơm ở căng tin, tối về ngủ trong căn nhà mới đơn sơ này.

Tôi còn nhớ đêm đó sau khi khách ra về, vợ tôi nhìn chồng “Mao tuyển” cao như núi, nói với tôi: “Một đống sách to như vậy, bán không thể bán, ăn không thể ăn, đốt càng không thể đốt, còn dùng thì đừng nói là con của chúng ta, mà đến đời cháu, đời chắt, sợ rằng dùng cũng không hết!".

“Không sao đâu”. Tôi khuyên cô ấy: “Sau con trai thì còn có cháu trai, đời đời con cháu là không có cuối cùng! Núi sách nhỏ của chúng ta tuy có cao nhưng cũng không tăng thêm được nữa. Chỉ cần dùng một quyển sẽ mất một quyển, cớ gì không dùng hết được!"

Bây giờ tôi đã ở tuổi lão niên, không còn nhớ mình đã tham dự bao nhiêu cái đám cưới, nhưng những ký ức về "hôn lễ bất thường" của mình trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa thì dường như vẫn còn mới mẻ. Mỗi khi nhớ lại, tôi đều có một cảm giác chua xót, không biết nên khóc hay là nên cười.

Trung Nguyên
Theo Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

Thư tình và Hôn lễ trong Cách mạng Văn hóa như thế nào?