Thú cưng của một vị cao nhân không phải là chó mèo mà là “Vương của muôn thú”

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thần tiên hoặc cao tăng có thể nhẹ nhàng chế ngự mãnh hổ, ấy là dùng trái tim từ bi đối đãi với tất cả vạn vật.

Trong cuộc sống, mèo hoặc chó là thú cưng của hầu hết mọi người, tuy nhiên mọi người có từng nghe qua hổ cũng là thú cưng hay chưa?

Hổ là Vương của vạn thú, uy mãnh vô cùng, người người khiếp sợ. Tuy nhiên, một số vị Thần tiên hoặc cao tăng lại có thể điều khiển chúng một cách hết sức dễ dàng, phải chăng vì đó là tấm lòng nhân ái cảm hóa sinh linh!

Có một câu chuyện cổ về vị tiên Quách Văn, theo tương truyền có một người bạn đồng hành là hổ.

Theo “Thần Tiên thập dị” ghi chép, Quách Văn là người gốc Lạc Dương, ông sống ẩn cư trong hang đá Đại Bích trên núi Thiên Trụ, Du Hàng, An Huy. Tương truyền rằng Thái Hà Chân Nhân đã từng giáng hạ động đá của Quách Văn, dạy ông phương pháp tu đạo “Xung đạm hư tĩnh, dưỡng chân tu tính”. Kể từ đó, Quách Văn ra sức tu hành tinh tấn, sống ẩn dật không giao du với bên ngoài, người thế gian cũng không hề biết về tung tích của ông.

Một hôm, có một con hổ há miệng đến trước động đá của ông, dường như nó có điều gì đó muốn cầu cứu. Quách Văn nhìn thử xem sự tình thế nào, bèn thò tay vào trong miệng của hổ, hóa ra có một khúc xương mắc kẹt trong cổ họng của nó, ông lập tức lấy khúc xương ấy ra. Thoát nạn, hổ vui mừng và rời đi.

Hôm sau, hổ cắp một con nai chết trên miệng, quay lại động đá dâng lên cho Quách Văn như một lời báo đáp ân cứu mạng. Từ đó, con hổ này luôn theo phục tùng bên cạnh Quách Văn. Quách Văn cũng thường hay xoa đầu vỗ về nó, và đi đâu cũng dẫn nó theo bên mình.

Từ đó, con hổ này luôn theo phục tùng bên cạnh Quách Văn.
Từ đó, con hổ này luôn theo phục tùng bên cạnh Quách Văn. (Ảnh: Pixabay)

Khi Quách Văn xuống núi, hổ cũng đi theo, đến chốn đông người trong nội thành, hổ cũng cúi đầu lững thững đi bên cạnh Quách Văn, chẳng khác gì một chú chó quấn quýt với chủ nhân, kỳ lạ một điều là nó chưa bao giờ tỏ ra hung hăng. Khi ấy Quách Văn đặt những thẻ tre có viết chữ trên lưng của hổ, vậy là nó ngoan ngoãn mang vác cho ông. Thỉnh thoảng ông hái măng xanh bỏ vào trong giỏ trên lưng nó, để nó mang theo ông đến chợ đổi muối và gạo.

Câu chuyện kỳ lạ này được truyền đến tai hoàng thượng, hoàng thượng bèn triệu mời Quách Văn vào cung, hỏi ông đã dùng diệu thuật gì để thuần hóa hổ, Quách Văn bẩm: “Thần chỉ thuận ứng quy luật tự nhiên mà thôi. Nếu con người không mang tâm sát hại động vật thì động vật cũng cảm ứng, cũng sẽ không có ý làm hại con người, còn cần dùng diệu thuật gì đây? Ví như Bệ hạ yêu thương chăm sóc hổ thì hổ tức khắc sẽ phục tùng Ngài thôi. Thiết nghĩ, hổ và bách tính cũng khác gì nhau, nếu Bệ hạ ngược đãi dân, ắt hẳn dân sẽ hận bệ hạ. Vậy, thống trị dân chúng và thuần phục mãnh hổ cũng như nhau phải không?”

Hoàng thượng nghe những lời bộc trực của Quách Văn thì hết mực tán đồng, muốn ông ở lại triều đình làm quan nhưng Quách Văn đã khước từ. Sau đó ông lui về núi Ngao Đình sống ẩn cư ở đó cho đến ngày đắc Đạo thành Tiên.

Có không ít những bức họa về các vị Thần Phật cưỡi sư tử hoặc hổ v.v. những con vật này không còn là những mãnh thú hung hãn trong mắt chúng ta nữa. Tấm lòng từ bi của Thần Phật đã cảm hóa chúng, một khi bản tính hoang dã được thuần phục thì chúng trở thành những thú linh hữu dụng, thậm chí trong tín ngưỡng dân gian có nơi còn lập cả miếu thờ Thần hổ.

Tấm lòng từ bi của Thần Phật đã cảm hóa chúng, một khi bản tính hoang dã được thuần phục thì chúng trở thành những thú linh hữu dụng
Tượng Văn-thù-sư-lợi tại Chùa Quán Thế Âm, Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng. (Ảnh: Wikipedia - CC BY-SA 3.0)

Người xưa tin rằng trong 7 ngày Tết, Thần Bạch Hổ hiển linh để bảo vệ dân làng, giữ gìn bờ cõi, không cho heo, nai phá hoại mùa màng. Nhớ ơn ấy, dân làng thường cất miếu sơn quân thờ Thần Bạch Hổ, cúng tế vào ngày Kinh Trập (Kinh Trập là một trong 24 tiết khí của các lịch Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản và Triều Tiên. Ngày bắt đầu tiết Kinh trập thường diễn ra vào khoảng ngày 5 hay 6 tháng 3 dương lịch, khi Mặt Trời ở kinh độ 345°.)

Trong văn hóa Việt Nam, khi giành được giang san, nhà Nguyễn lựa chọn việc đặt kinh đô. Và nhà Nguyễn đã chọn Kinh thành Huế với địa thế Tả Thanh long, Hữu Bạch hổ. Thanh long, Bạch hổ là hai trong bốn thánh thú hợp thành tứ tượng hay tứ thánh thú. Bạch Hổ còn được xem là linh vật thiêng liêng thuộc về hành Kim ở phía Tây, tương ứng với mùa thu. Từ khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ đất Thuận Hóa, đã có tám lần các chúa Nguyễn thiên di thủ phủ rồi cuối cùng trở về lại Phú Xuân.

Lại nói, tương truyền khi cầu Bạch Hổ (lúc đó chưa được đặt tên) đang được xây cất, có một con hổ trắng đến ngồi ở giữa cầu khiến mọi người đều hoảng hốt bỏ chạy. Cũng chính vì thế mà cây cầu này được gọi là cầu Bạch Hổ, trong tư tưởng phong thuỷ của các nhà địa lý thì nó được xem như Bạch Hổ chầu bên hữu của Kinh thành.

Cao Nguyên

Theo Secretchina



BÀI CHỌN LỌC

Thú cưng của một vị cao nhân không phải là chó mèo mà là “Vương của muôn thú”