Thiếu Lâm Tự 100 năm trước: Cảnh đấy người đây luống đoạn trường

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thiếu Lâm Tự, là Tổ đình của cả Thiền tông và kungfu Thiếu Lâm, được các hoàng đế của tất cả các triều đại bảo hộ. Sự bảo hộ của hoàng gia đối với Thiếu Lâm vượt xa cách thức kính tăng lễ Phật thông thường.

Tùy Văn Đế ban tặng chùa Thiếu Lâm 100 khoảnh đất (1 khoảng bằng 100 mẫu) để cúng dường. Đường Thái Tông cho tăng nhân Đàm Tông của Thiếu Lâm Tự làm Đại tướng quân. Đường Cao Tông, Đường Huyền Tông ngự bút viết tặng Thiếu Lâm. Các đế vương triều Tống hoằng dương Thiền tông, các danh nhân nhã sĩ đề thơ từ ca ngợi Thiếu Lâm. Hoàng đế triều Nguyên phong quan ban tước cho các thiền tăng Thiếu Lâm, nhiều lần xuống chỉ cấm bất kỳ người nào xâm phạm, quấy nhiễu, phá hoại chùa Thiếu Lâm. Vương tử triều Minh đến Thiếu Lâm xuất gia. Các võ tăng Thiếu Lâm dùng võ công dẹp loạn bảo vệ quốc gia. Các đế vương nhà Thanh đã ngự giá đến Thiếu Lâm, và địa danh "Long Đình" cũng do đó mà có.

Thiếu Lâm Tự đã trải qua tất cả phong ba bão táp của lịch sử ngàn năm, với những thăng trầm thịnh suy như những con sóng lớn tráng lệ. Tuy nhiên, điều ly kỳ hơn nữa là dưới sự biến động lớn ở Trung Quốc, Thiếu Lâm Tự cũng đang phải đối mặt với những thách thức cực lớn.

Những bức ảnh sau đây được một người Nhật chụp ở Thiếu Lâm Tự năm 1920.

Những bức ảnh này rất quý giá, bởi vì sau khi Thiếu Lâm Tự bị thiêu rụi vào năm 1928, giờ đây người ta không có cơ hội ngắm nhìn Thiếu Lâm Tự đích thực nữa.

1. Cổng chùa Thiếu Lâm

Cổng núi của Thiếu Lâm Tự. (Phạm vi công cộng)
Cổng núi của Thiếu Lâm Tự. (Phạm vi công cộng)

2. Tấm biển "Thiếu Lâm Tự" được Thanh Thánh Tổ Khang Hy ngự bút. Tấm biển "Thiếu Lâm Tự" hiện nay không phải là tấm biển do Khang Hy viết.

Tấm biển "Thiếu Lâm Tự" được viết bởi Hoàng đế Khang Hy. (Phạm vi công cộng)
Tấm biển "Thiếu Lâm Tự" được viết bởi Hoàng đế Khang Hy. (Phạm vi công cộng)

3. Cổng chính của Đại Hùng Bảo Điện chùa Thiếu Lâm

Cổng chính của Đại Hùng Bảo Điện chùa Thiếu Lâm. (Phạm vi công cộng)
Cổng chính của Đại Hùng Bảo Điện chùa Thiếu Lâm. (Phạm vi công cộng)

4. Tượng Tổ sư Đạt Ma trong chùa Thiếu Lâm sống động như thật

Tượng Tổ sư Đạt Ma trong chùa Thiếu Lâm.
Tượng Tổ sư Đạt Ma trong chùa Thiếu Lâm. (Phạm vi công cộng)

5. Điện Địa Tạng Bồ Tát

Điện Địa Tạng Bồ Tát
Điện Địa Tạng Bồ Tát

6. Tàng Kinh Các của Thiếu Lâm Tự

Tàng Kinh Các của Thiếu Lâm Tự.
Tàng Kinh Các của Thiếu Lâm Tự. (Phạm vi công cộng)

7. Tăng nhân Thiếu Lâm đứng trước Đại Điện

Tăng nhân Thiếu Lâm đứng trước Đại Điện
Tăng nhân Thiếu Lâm đứng trước Đại Điện (Phạm vi công cộng)

8. Điện Lục tổ trong Thiếu Lâm Tự, ở giữa là Bồ Tát Quán Âm, bên trái là Tổ sư Đạt Ma và bên phải là Thiền tông Nhị tổ Huệ Khả

Điện Lục tổ trong Thiếu Lâm Tự, ở giữa là Bồ Tát Quán m, bên trái là Tổ sư Đạt Ma và bên phải là Thiền tông Nhị tổ Huệ Khả
Điện Lục tổ trong Thiếu Lâm Tự, ở giữa là Bồ Tát Quán m, bên trái là Tổ sư Đạt Ma và bên phải là Thiền tông Nhị tổ Huệ Khả (Phạm vi công cộng)

9. Diện Bích Động của Thiếu Lâm Tự

Diện Bích Động của Thiếu Lâm Tự (Phạm vi công cộng)
Diện Bích Động của Thiếu Lâm Tự (Phạm vi công cộng)

10. Một cảnh trong chùa Thiếu Lâm

Một cảnh trong Thiếu Lâm Tự. (Phạm vi công cộng)
Một cảnh trong Thiếu Lâm Tự. (Phạm vi công cộng)

11. Tấm bia đá do Đường Thái Tông ban, những chữ viết trên đó đã không còn nhìn rõ nữa

Tấm bia đá do Đường Thái Tông ban, những chữ viết trên đó đã không còn nhìn rõ nữa (Phạm vi công cộng)
Tấm bia đá do Đường Thái Tông ban, những chữ viết trên đó đã không còn nhìn rõ nữa (Phạm vi công cộng)

12. Tượng Vi Đà. Hòa thượng Tế Công cõng Vi Đà đi hàng yêu quái chính là vị Vi Đà này

Tượng Vi Đà. Hòa thượng Tế Công cõng Vi Đà đi hàng yêu quái chính là vị Vi Đà này. (Phạm vi công cộng)
Tượng Vi Đà. Hòa thượng Tế Công cõng Vi Đà đi hàng yêu quái chính là vị Vi Đà này. (Phạm vi công cộng)

13. Tháp chuông của Thiếu Lâm Tự. Như người ta vẫn nói: Làm hòa thượng một ngày đánh chuông một ngày. Trong chùa không thể thiếu tháp chuông.

Tháp chuông của Thiếu Lâm Tự. (Phạm vi công cộng)
Tháp chuông của Thiếu Lâm Tự. (Phạm vi công cộng)

14. Trong thời kỳ quân phiệt hỗn chiến, Thiếu Lâm Tự đã thành lập quân đội để bảo vệ chính mình và những người xung quanh. Hình ảnh dưới đây là các tăng binh Thiếu Lâm Tự bảo vệ chùa

Tăng binh Thiếu Lâm Tự bảo vệ chùa. (Phạm vi công cộng)
Tăng binh Thiếu Lâm Tự bảo vệ chùa. (Phạm vi công cộng)

Tại sao Thiếu Lâm Tự bị đốt?

Nhiều người lầm tưởng rằng chính quyền nhà Thanh đốt chùa Thiếu Lâm, điều đó là sai. Trên thực tế, các hoàng đế của nhà Thanh rất quan tâm đến Thiếu Lâm Tự. Vào năm Càn Long thứ mười lăm (1750), Hoàng đế Càn Long đã đến thăm chùa Thiếu Lâm, ở lại qua đêm trong phòng của sư trụ trì, ngự bút viết một bài thơ sau đó được lập bia. Từ các bức tranh bích họa của Điện Bạch Y của triều Thanh và những ghi chép văn hiến cho thấy, kungfu Thiếu Lâm đã được duy trì ở một trình độ cao kể từ thời nhà Thanh.

Người thực sự hủy hoại Thiếu Lâm Tự chính là Thạch Hữu Tam - thuộc hạ của Phùng Ngọc Tường.

Trong cuộc hỗn chiến quân phiệt năm 1928, Thạch Hữu Tam - thuộc hạ của quân phiệt Phùng Ngọc Tường, đã thiêu đốt chùa Thiếu Lâm. Các kiến trúc như Thiên Vương Điện, Đại Hùng Điện, Pháp Đường và Tháp chuông, và nhiều kinh điển quý giá như Tạng kinh, Tự chí, Quyền phổ và những thư tịch khác đã bị đốt cháy thành tro.

Vậy tại sao Thạch Hữu Tam lại tàn sát chùa Thiếu Lâm? Việc này cần phải bắt đầu xem xét từ những năm đầu của Trung Hoa Dân Quốc.

Trong những năm đầu của Trung Hoa Dân Quốc, Thiếu Lâm Tự có hơn 200 tăng nhân và hơn 1.370 mẫu đất, cuộc sống rất khó khăn. Sau đó, quân phiệt hỗn chiến, và chính quyền quận lúc đó đã bổ nhiệm hòa thượng Hằng Lâm là người có võ công cao cường làm "chỉ huy của trung đoàn bảo vệ chùa Thiếu Lâm". Hòa thượng Hằng Lâm đã phải mua súng và huấn luyện các tăng binh để đề phòng bất trắc.

Vào mùa thu năm Trung Hoa Dân Quốc thứ 9 (1920), xảy ra nạn mất mùa và hạn hán, thổ phỉ nổi lên khắp nơi như ong vở tổ. Hòa thượng Hằng Lâm đã lãnh đạo trung đoàn chiến đấu hàng chục trận chiến với bọn thổ phỉ, và đều giành chiến thắng, vì vậy danh tiếng vang xa. Kẻ cướp không dám xâm phạm chùa Thiếu Lâm nữa, và hàng chục thôn làng xung quanh Thiếu Lâm Tự nhờ đó cũng được an cư lạc nghiệp. Vào thời điểm đó, chủ tịch của chính quyền tỉnh Hà Nam là Trương Phụng Đài đã trao tặng Giấy khen và Huy chương cho Hằng Lâm, đồng thời trao tặng tấm biển "Uy linh phổ bị" cho Điện Khẩn Na La Vương của Thiếu Lâm Tự để tạ ơn Thần bảo hộ.

Năm Dân Quốc thứ 12 (1923), Hằng Lâm mắc bệnh qua đời, đệ tử của ông là Diệu Hưng đảm nhiệm chức chỉ huy trung đoàn bảo vệ chùa Thiếu Lâm và Tăng hội ty huyện Đăng Phong.

Vào năm Trung Hoa Dân Quốc thứ 11 (1922), trong cuộc chiến Trực Phụng lần thứ nhất, Phàn Ngọc Tú, trung đoàn trưởng trung đoàn 4, thuộc hạ của sư đoàn trưởng Trương Ngọc Sơn đi qua, vào Thiếu Lâm Tự nghỉ ngơi, thấy Đại Hùng Bảo Điện điêu tàn nên có tâm tu bổ. Bởi vì Phàn không có nhiều tiền nên chỉ tạm thời quyên tặng 400 đồng. Chúng tăng trong chùa rất cảm kích, vì vậy giữ liên lạc với Phàn Ngọc Tú.

Mùa thu năm 1923, Trương Ngọc Sơn phụng mệnh thành lập sư đoàn biệt động thứ nhất ở vùng Đăng Phong, Hồ Bắc, thu gom Diệu Hưng và trung đoàn tự vệ chùa Thiếu Lâm thành trung đoàn thứ nhất, thuộc lữ đoàn thứ nhất.

Năm 1927, Phùng Ngọc Tường và Ngô Bội Phù giao chiến. Vào tháng 2, Diệu Hưng phụng mệnh dẫn đầu trung đoàn thứ nhất đến Trịnh Châu và chuyển đến Vũ Dương. Ngày 6 tháng 3, Diệu Hưng bị giết ở tuổi 37 trong trận chiến với Nhiệm Ứng Kỳ. Thi hài của ông được các đệ tử đưa trở lại chùa Thiếu Lâm và chôn cất trên sườn núi phía đông bắc chùa.

Tháng 3 năm 1928, Phàn Chung Tú đã lợi dụng sự sơ hở phía hậu phương của quân đội Quốc dân của Phùng Ngọc Tường, đã chiếm được huyện Củng và huyện Yển Sư, nhưng sau đó không lâu đã bị bộ tướng của họ Phùng là Thạch Hữu Tam chiếm lại. Phàn Chung Tú rút về phía nam và quay sang tấn công thành huyện Đặng Phong, và Bộ tư lệnh của huyện đặt tại Thiếu Lâm Tự.

Quân của Thạch Hữu Tam đuổi theo về phía nam, cho đến Triển Viên Quan. Các tăng nhân Thiếu Lâm Tự giúp Phàn bắn tỉa, nhưng cuối cùng thua trận. Hơn hai trăm tăng nhân hầu như đã bị giết sạch.

Ngày 15 tháng 3, Thạch Hữu Tam đã đuổi theo đến Thiếu Lâm Tự và đốt cháy Pháp Đường. Ngày hôm sau, Tô Minh Khải, lữ đoàn trưởng của quân Dân quốc đóng ở Đăng Phong, thuộc hạ của Phùng Ngọc Tường, đã ra lệnh cho binh sĩ mang dầu hỏa đến chùa, rồi châm lửa đốt Thiên Vương Điện, Diêm Vương Điện, Long Vương Điện, Chung Lâu Các, Hương Tích Trù, nhà kho, Thiền đường phía đông và phía tây, Ngự Tọa Phòng và những nơi khác để trút giận. Thế là, các tòa nhà lịch sử hàng ngàn năm của Thiếu Lâm Tự đã bị phá hủy, và một số lượng lớn các tài liệu quý giá như kinh điển Phật giáo và quyền phổ đều đã bị thiêu hủy.

Ngoài việc trút giận, còn có một lý do khác. Theo tài liệu ghi chép, vào năm 1927, Phùng Ngọc Tường đã đuổi các tăng nhân tại các ngôi chùa bị bỏ hoang ở Hà Nam, đổi chùa Tướng Quốc thành một khu chợ, đồng thời phát động một chiến dịch phá hủy Phật giáo trên toàn tỉnh. Tất cả các tỳ kheo và tỳ kheo ni đều bị trục xuất. Tất cả tài sản của các chùa bị tịch thu, các chùa bị biến thành trường học hoặc viện cứu tế, thư viện, hoặc trở thành nơi vui chơi giải trí. Sau Hà Nam, các vùng như Trực, Lỗ, Tần và những nơi khác cũng theo sau một cách mù quáng, Phật giáo vùng Hoa Bắc Trung Quốc hầu như bị tuyệt diệt. Việc tàn sát Thiếu Lâm của Phùng Ngọc Tường cũng là do bị ảnh hưởng bởi phong trào này.

Thiếu Lâm Tự ngày nay

Thiếu Lâm Tự có cơ cấu tổ chức hoàn chỉnh của một doanh nghiệp, trong đó ông Thích Vĩnh Tín nắm 80% cổ phần, Thiếu Lâm Tự Tung Sơn Trung Quốc chỉ giữ 10%, công ty Thiếu Lâm tự quản lý 7 đơn vị sự nghiệp to lớn, vậy là Thiếu Lâm Tự đã trở thành tài sản tư nhân của ông “hòa thượng” Thích Vĩnh Tín.

Thích Vĩnh Tín, tên tục Lưu Ưng Thành, người An Huy, sinh năm 1965, năm 1981 (17 tuổi) được ĐCSTQ phái đến làm việc tại Thiếu Lâm Tự
Thích Vĩnh Tín, tên tục Lưu Ưng Thành, người An Huy, sinh năm 1965, năm 1981 (17 tuổi) được ĐCSTQ phái đến làm việc tại Thiếu Lâm Tự. (Ảnh qua en.kremlin.ru)

Theo giới thiệu của Wikipedia tiếng Trung: Thích Vĩnh Tín, tên tục Lưu Ưng Thành, người An Huy, sinh năm 1965, năm 1981 (17 tuổi) được ĐCSTQ phái đến làm việc tại Thiếu Lâm Tự, khi đó là thời điểm mà chùa chiền bị tàn phá, chỉ giữ lại hơn chục hòa thượng, quá nửa là người già, có 28 mẫu ruộng. Phương trượng khi đó là đại sư Hành Chính, Thích Vĩnh Tín ở không lâu thì ra khỏi nhà chùa. Năm 1984 lại được ĐCSTQ phái đến Thiếu Lâm Tự nhậm chức Ủy viên “Ủy ban quản lý dân chủ”. Năm 1987 thành lập Đội Võ thuật Thiếu Lâm Tự và được nhậm chức Đội trưởng. Tháng 8 cùng năm, trưởng lão Hành Chính viên tịch, ĐCSTQ bổ nhiệm Thích Vĩnh Tín giữ chức Chủ nhiệm Ban quản lý Thiếu Lâm Tự, chính thức chủ trì công việc của Thiếu Lâm Tự. Tháng 8/1999, Thích Vĩnh Tín trở thành Phương trượng trẻ nhất trong lịch sử Thiếu Lâm Tự (34 tuổi). Thích Vĩnh Tín là Phó Hội trưởng Giáo hội Phật giáo Trung Quốc, Hội trưởng Hội Phật giáo tỉnh Hà Nam, từng là Đại biểu tại các kỳ Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc các khóa 9, 10 và 11, Ủy viên Hội liên hiệp Thanh niên toàn Trung Quốc.

Phó Giáo sư Đồng Lập Văn (Dong Liwen), Khoa An ninh Công cộng Đại học Cảnh sát Trung ương nhận định: “Sự kiện Thiếu Lâm Tự này là một mắt xích trong hệ thống hủ bại của cán bộ (ĐCSTQ), sự hủ bại này bị phanh phui ra là vì ông Thích Vĩnh Tín là bạn thân của ông Quách Bá Hùng, quan hệ riêng tư của họ mọi người đều biết”. Ông Quách Bá Hùng là Phó Chủ tịch Quân ủy ĐCSTQ khóa 17, cùng với ông Từ Tài Hậu đều là những thân tín của Giang Trạch Dân, cả 2 ông này đều bị “ngã ngựa” trong chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Thiếu Lâm Tự khởi nguồn từ Bồ Đề Đạt Ma - ông tổ Thiền tông, với những kỳ tích như "Nhất vĩ độ giang" (một cọng lau vượt sông), "Diện bích 9 năm" (9 năm ngồi thiền quay mặt vào vách đá), với lịch sử huy hoàng trên 1000 năm, thì đến nay bị phá nát, không còn dấu vết chốn thanh tu của một Thánh địa Phật giáo nữa. Xin mượn 4 câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan để tỏ lòng hoài niệm với Thiếu Lâm Tự cổ kính huy hoàng xưa:

Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt,
Nước còn chau mặt với tang thương.
Nghìn năm gương cũ soi kim cổ,
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường.

Tường Hòa

Theo Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Thiếu Lâm Tự 100 năm trước: Cảnh đấy người đây luống đoạn trường