Thiện ác một niệm chuyển, vận mệnh liền đổi thay

Giúp NTDVN sửa lỗi

Phải chăng vận mệnh của con người đã được định sẵn từ trước? Nếu phải, thì sự thay đổi trong thiện niệm và ác niệm, hành thiện và hành ác, có thể cải biến được vận mệnh chăng? Hãy cùng tìm câu trả lời qua hai câu chuyện có thật về nhân quả báo ứng sau đây.

Ăn năn hối cải, được miễn đọa vào cõi súc sinh, lại còn được phúc báo

Vào thời nhà Thanh, có một tú tài tên là Diệp Chư Lương ở Hoài Tây (nay là vùng Giang Hoài, tỉnh An Huy) gia cảnh rất nghèo khó, phải dựa vào việc làm thầy giáo gia đình để sống qua ngày. Phú hộ Mã Đại Gia ở trong thành mời anh về làm thầy dạy cho hai con trai của ông. Mã Đại Gia thấy Diệp Chư Lương có tài học nhưng không câu nệ hình thức, cảm thấy rất hợp với anh, mười phần tin tưởng anh, hàng năm trả lương cho anh trăm lượng, lại có thêm quà cáp nữa, ngoài ra còn bỏ ra tiền tài giúp anh làm ăn. Diệp mỗ vô cùng cảm kích, dốc toàn lực dạy dỗ hai con của Mã Đại Gia.

Trong vài năm, nhà Diệp mỗ đã tích lũy được nhiều tiền, trở thành phú ông. Về sau, Mã Đại Gia làm Phó chức quận thủ, qua đời vì bệnh tật khi còn tại nhiệm. Hai người con trai của ông lãng phí vô độ, dựa vào Diệp mỗ bán châu báu, ruộng đất để lấy tiền tiêu xài. Thời gian đó, Diệp mỗ liên tục bày mưu tính kế, cuối cùng sản nghiệp của Mã gia cũng nhanh chóng bán hết, hai con trai của Mã Đại Gia rơi vào cảnh bần cùng, còn rất nhiều tài sản của Mã gia lại rơi vào tay của Diệp Chư Lượng.

Vào một đêm Diệp mỗ nằm mơ thấy mình đến Âm phủ, thấy một vị quan ngồi ở bàn trước mặt, Mã thị quỳ dưới bậc thềm, kể tội vong ân bội nghĩa của Diệp mỗ. Vị quan này đã rất tức giận, xử Diệp mỗ phải chuyển sinh làm trâu. Diệp mỗ liên tục van xin, khẩn cầu được thả lại dương gian, sẵn sàng trả lại toàn bộ tài sản đã chiếm giữ trước đó, đồng thời hứa sẽ chăm sóc hai con trai của Mã thị.

Diệp mỗ nằm mơ thấy mình đến Âm phủ.
Diệp mỗ nằm mơ thấy mình đến Âm phủ. (Flickr)

Vị quan đó liên nói: "Vì ngươi đã biết sám hối, nên tạm thời để cho ngươi sống, nhưng nếu không làm những gì đã nói, ngươi sẽ vĩnh viễn bị đọa vào Địa ngục!"

Sau khi tỉnh dậy Diệp mỗ kể lại giấc mơ cho thê tử nghe, thê tử cũng đáp lại: "Những gì nhà ta được hưởng thụ hôm nay, đều là sản nghiệp của Mã gia. Hãy mau trả lại cho người ta, kẻo lại kết oán với ma quỷ.”

Thế là Diệp mỗ quyết định trả lại sản nghiệp đã chiếm lấy của Mã gia. Ngày hôm sau, đi tìm hai người con trai họ Mã thì thấy họ từ chỗ nhà cao cửa rộng, giờ phải sống trong ngôi nhà hoang tàn, lạnh lẽo, vừa thê lương mà vừa đáng thương. Hai người con trai nhà họ Mã đã nhìn thấy Diệp mỗ mà khóc lớn, khiến Diệp mỗ cũng xúc động, cầm tay hai anh em họ mà khóc.

Thế là Diệp mỗ đưa hai huynh đệ nhà họ Mã về nhà, thu xếp quần áo cho họ, đưa cho họ một trăm lạng bạc để tạm thời chi tiêu. Vài tháng sau, Diệp mỗ đưa hết tài sản của gia đình họ Mã trước đây ra và bảo huynh đệ nhà họ Mã, một người mở một cửa hàng buôn bán, còn một người ra ngoài làm ăn. Cả hai huynh đệ sau khi cha mất đã trải qua những khó khăn, vất vả, giờ cũng đã nhận ra rằng không dễ gì mà kiếm được bữa trà bữa cơm, từ đó hối cải những tội lỗi trước đây, cần cù lập nghiệp, một thời gian sau, mỗi người kiếm được không ít tài sản.

Số tiền kiếm được, huynh đệ nhà họ Mã đem hết cả vốn lẫn lãi trả lại cho Diệp mỗ, Diệp mỗ kiên quyết không nhận, nói rằng: "Lão phu ta lúc đầu nghèo đến nỗi không có gì, nhờ thâm tình của lệnh tiên tôn mà ta mới có được như ngày hôm nay, hy vọng không từ chối. Chỉ mong rằng ngày nào lão phu ta và lệnh tiên tôn gặp nhau dưới âm phủ, có thể nhìn nhau cười."

Vào trung thu năm đó, lúc đang ngắm trăng, thì Diệp mỗ uống say rồi nằm ngủ dưới cửa sổ, trong mộng thấy Mã Đại Gia tiến lại gần ông và nói: "Những việc tiên sinh đã làm trước kia, mặc dù không nên, nhưng hai đứa con trai của tôi, đã dưỡng thành thói quen xa xỉ, sản nghiệp để lại cho chúng cũng tiêu xài hết, may mắn được tiên sinh giúp đỡ mấy năm qua, trải qua những khó khăn, hai đứa con trai của tôi đã ăn năn hối cải. Tiên sinh đã có thể thủ hộ sản nghiệp của ta, lại có thể thành toàn cho các con trai của ta, ân này đức này, ta đã báo cáo cho các chư minh quan, tấu lên Thượng đế, hậu phúc của tiên sinh nhất định sẽ rất dài, ta tới đây để báo cho ông biết.” Rồi từ biệt mà đi.

Kể từ đó, Diệp Chư Lương, phàm là làm ăn kinh doanh đều được như ý, tài sản có được còn nhiều hơn cả gia sản họ Mã ban đầu. Bốn người con trai của Diệp mỗ học hành đều có thành tựu, trở thành gia tộc có tiếng tăm. Diệp Chư Lương nhờ thay đổi ở một niệm, hối cải tội lỗi trước đây, mà đắc được hậu phúc, và cũng cải biến được vận mệnh phải chuyển sinh làm trâu vốn đã định trước đó.

Lấy việc công để báo thù riêng, nhận ác báo còn liên luỵ đến con cháu

Tiền Duy Thành (1720-1772), quê ở Võ Tiến vào triều Thanh (nay là huyện Võ Tiến, tỉnh Giang Tô). Thuở nhỏ thông minh nhanh trí, mười tuổi đã có thể làm thơ, năm 12-13 tuổi có thể làm các bài văn cổ và thơ phú, 19 tuổi thi đậu tú tài. Đến năm Nhâm Tuất (1742), ông được nhận vào Nội Các Trung Thư. Năm Càn Long thứ mười (1745), ông được xếp là tiến sĩ hạng nhất (Trạng nguyên), nhận chức Hàn lâm viện tu soạn. Ông tinh thông hình luật, làm việc cần mẫn, làm quan tới chức Công bộ thị lang, Hình bộ tả thị lang.

Có một năm, Tiền Duy Thành phụng chỉ điều tra vụ án Lưu Tiêu ở huyện Hàm Ninh tỉnh Tây An làm thâm hụt ngân khố quốc gia. Khi đi đến Hành Dương, ông nhớ ra có một vị lão tăng tên là Huệ Thông, giỏi xem tướng cho người, thế là liền mời ông tới xem tướng. Vị lão tăng nói: "Xem tướng của ngài, nhất định làm đến chức Tể phụ, hai con trai đều làm quan. Nhưng trên trán ngài lộ ra sát khí, nếu ngài có thể tích chút đức hạnh, vận mệnh có thể cải biến, hy vọng ngài tự an bài tốt cho bản thân.”

Khi đang điều tra vụ án thâm hụt quốc khố ở Lưu Tiêu, Quý Châu, Tiền Duy Thành thẩm vấn ra Án sát sứ trước đây là Cao Tích đã kết án tử hình Tương Mục. Mà Tương Mục lại là cháu họ của Tiền Duy Thành, nên Tiền Duy Thành ôm thù riêng, nên chém đầu Cao Tích để trả thù cho cháu mình.

Sau khi Tiền Duy Thành giải quyết xong vụ án, ông quay trở lại Hành Dương và lại đến gặp lão tăng Huệ Tông. Huệ Tông liếc nhìn ông và ngạc nhiên nói: “Thật đáng tiếc!” Rồi không nói gì nữa.

Tiền Duy Thành mất vào tháng 10 năm Càn Long thứ 37 (1772), hưởng thọ 52 tuổi. Ông tinh thông hình luật, làm việc chăm chỉ, được vua Càn Long tín nhiệm, muốn trọng dụng ông nhưng ông lại vĩnh biệt cõi đời. Sau khi ông qua đời, cả hai người con trai của ông đều được triều đình sủng ái, được triều đình ban cho chức quan: Tiền Trung Tiển được nhậm chức Nội các trung thư, Tiền Trung Ngọc được nhậm chức Trung thư khoa.

Khi đó, hai vị công tử đều ngoài 20 tuổi, dáng người vạm vỡ, thông minh lanh lợi, có thể làm thơ và viết thư pháp, thực sự thừa hưởng những gì học được từ cha. Tuy nhiên, vài năm sau, tất cả đều đột ngột qua đời mà không bệnh tật, Tiền Trung Tiển chết trên thuyền, Tiền Trung Ngọc thì chết trên xe. Người ta nói rằng họ đều bị quỷ bắt đi. Theo lời kể của Triệu Dực tiên sinh (1727-1814), một nhà văn và nhà sử học nổi tiếng của triều đại nhà Thanh: "Hơn 10 năm sau khi Cao Tích chết, hai người con trai của Tiền Duy Thành đã bị quỷ hồn của Cao Tích bắt đi.”

Tiền Duy Thành cũng có hai cháu trai, một người cũng chỉ thi được đến cấp phó bảng trong kỳ thi Hương, lúc còn trẻ đã qua đời, còn người cháu kia bị bệnh phổi, không nói được. Trạng nguyên Tiền Duy Thành không người kế tục, gia đạo cứ thế mà suy sụp. Nhìn lại có thể thấy rằng, Tiền Duy Thành chết khi mới 52 tuổi, chính vào lúc sự nghiệp đang cường thịnh, lại được vua Càn Long tín nhiệm, muốn trọng dụng, nhưng vì lấy việc công mà báo tư thù, giết người vô tội, tổn hao âm đức, mà huỷ hoại đinh sinh mạng và cơ đồ của mình, lại còn làm liên luỵ đến con cháu của mình, gia đạo suy sụp. Lúc lão tăng Tuệ Thông xem tướng đều đã nhìn ra.

Cho nên, tuy rằng vận mệnh đã được định sẵn, nhưng hành thiện hay làm điều ác đều có thể thay đổi vận mệnh ban đầu, nhân quả nghiệp báo cũng theo đó mà quyết định. Quyết định làm việc thiện hay làm việc ác không phải do bẩm sinh, thiện ác là ở con người, đây là cái quý của đạo làm người. Có thể ôm giữ thiện niệm, trừ bỏ ác niệm, từ đó làm lành lánh dữ, thì có thể xoay chuyển vận mệnh, và ngược lại cũng vậy! Sai khác ở một niệm, nhưng cách biệt cả một trời.

Lam Sơn
Theo Epochtimes



BÀI CHỌN LỌC

Thiện ác một niệm chuyển, vận mệnh liền đổi thay