Hẹn nước thề non (P2): Qua cơn mưa trời lại sáng - đôi uyên ương Phúc Thọ song toàn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Người chồng mắc trọng bệnh không muốn liên lụy vợ nên uống thuốc độc tự vẫn, không ngờ “liễu ám hoa minh hựu nhất thôn”, qua cơn mưa trời lại sáng

Xem lại Kỳ 1

Lúc này khoảng canh ba, có lẽ Đa Phúc chưa đến số tuyệt mệnh, nên khi ấy cha nàng nằm mộng thấy dường như có ai đó đánh thức dậy, bên tai chỉ nghe tiếng khóc hu hu của con gái. Chu Thế Viễn giật mình, cũng thấy mình đang khóc thật, vội vàng lau khô dòng nước mắt, quay sang gọi vợ một tiếng: “Mình này, tức thời tôi nghe tiếng con gái khóc thút thít, biết đâu xảy ra chuyện gì? Tôi với mình đi xem con một chút nhé.”

Liễu thị nói: “Giờ này con gái đang ngon giấc trong phòng rồi, mình nói lời ma quỷ gì vậy. Nếu mình muốn đi thì cứ đi, lão nương chỉ muốn ngủ thôi.”

Chu Thế Viễn khoác vội chiếc áo rồi mở cửa phòng, bên ngoài tối đen như mực, ông không kịp xách đèn mà dò dẫm đi từng bước sang phòng con gái, đến nơi, hai tay đẩy cửa nhưng cửa đã bị khóa. Ông gọi mấy tiếng nhưng không nghe giọng con gái đáp lại, chỉ nghe âm thanh nghèn nghẹn phát ra từ cổ họng khiến ông cảm thấy khác thường quá. Khi ấy trong tâm có chút hoảng loạn, ông cố hết sức đá mạnh vào cánh cửa một cái, cánh cửa mở toang và ông nhìn thấy ngọn đèn dầu leo lét sắp tàn trên bàn, còn con gái thì đang treo lơ lửng trên cao, đang xoay nhẹ vòng vòng.

Thế Viễn thất kinh hồn vía, nhanh chóng thắp sáng lại ngọn đèn rồi gọi to: “Mình ơi mau đến đây, con gái treo cổ tự vẫn rồi!”

Đêm khuya thanh vắng, tiếng kêu thất thanh của chồng khiến Liễu thị đang say ngủ bừng tỉnh giấc, như thể bị nước mưa lạnh dội trúng người vậy, không kịp khoác thêm áo, ăn mặc phong phanh, kéo vội tấm chăn quấn lên người rồi vừa khóc vừa tất tả chạy sang phòng con gái.

nhân duyên
Đêm khuya thanh vắng, tiếng kêu thất thanh của chồng khiến Liễu thị đang say ngủ bừng tỉnh giấc. (Ảnh: Pixabay)

Chu Thế Viễn là một nam tử hán đại trượng phu, là người có ăn học và có một số kiến thức nhất định. Ông nhanh chóng hạ con gái xuống, giữ lấy phần thân trên, rồi dùng đầu gối chống chặt chỗ hậu môn, chầm chậm giải khai nút chết trên cổ, dùng tay vuốt nhẹ.

Liễu thị thì phát hoảng đến nỗi vừa lạnh run cầm cập vừa kêu khóc liên hồi. Khoảng nửa giờ thì Đa Phúc hoàn hồn và thở nhẹ trở lại. Liễu thị thấy vậy mừng rỡ khấu tạ thiên địa, quay lại phòng ăn mặc đàng hoàng, nấu nước nóng rồi nhấp từng chút một vào cổ họng của con gái. Đa Phúc từ từ tỉnh lại.

Nàng mở nhẹ đôi mắt, nhìn thấy cha mẹ đang ở trước mặt thì bỗng khóc òa. Cha mẹ nói: “Con gái à, con sâu cái kiến còn muốn sống nữa là, cớ chi con lại thiển cận như vậy kia chứ?”

Đa Phúc nói: “Một khi con chết rồi, có thể giữ trọn hôn ước, bảo toàn tiết hạnh. Sao lại gọi con trở lại làm gì? Nếu như hôm nay không chết, sớm muộn gì cũng không tránh khỏi cái chết, ai mà không phải về nơi cửu tuyền kia chứ, chi bằng hãy để con sớm ra đi để giải quyết được gánh ưu lo cho cha mẹ. Ví như ban đầu đừng sinh, cũng đừng nuôi dưỡng con có tốt hơn không.” Nói xong thì ngậm ngùi khóc mãi không thôi. Hai vợ chồng Thế Viễn mỗi người một câu, năm lần bảy lượt khuyên giải cũng không xong, rốt cuộc cũng chẳng biết nên phải làm sao.

Chu Thế Viễn đích thân đến đền Thành Hoàng khấn vái và xin một quẻ xăm tre.
Chu Thế Viễn đích thân đến đền Thành Hoàng khấn vái và xin một quẻ xăm tre. (Ảnh: Pixabay)

Đợi đến sáng hôm sau, Chu Thế Viễn dặn vợ ở nhà trông chừng con gái nghỉ ngơi trên giường, rồi đích thân đi đến đền Thành Hoàng khấn vái và xin một quẻ xăm tre. Trong thẻ tre dự rằng:

Thời vận vị thông hanh,
Niên lai họa hại xăm.
Vân khai chung kiến nhật,
Phúc thọ tự thiên thành.

Ý là: Thời vận chưa hanh thông, nhiều năm tai họa ập đến. Đến ngày vén mây thấy được mặt trời, phúc thọ là tự trời ban.

Đọc kỹ lại ý tứ trong thẻ tre thì hai câu đầu là chính xác. Câu thứ 3, Vân khai chung kiến nhật, thì hiểu ý là qua cơn bĩ cực tới hồi thái lai. Còn câu thứ 4, Phúc thọ tự thiên thành, con gái tên Đa Phúc, con rể tên Đa Thọ, lẽ nào tiểu quan nhân nhà họ Trần ấy sẽ có ngày khỏi bệnh? Một tên của chồng, một tên của vợ tự nhiên phối thành một câu? Trong tâm Thế Viễn rất phân vân, ông trở về nhà.

Liễu thị vẫn ngồi vò võ trong phòng con gái, nhìn thấy chồng về thì vội ngoắc tay ra dấu: “Mình đừng ồn! Con gái mới nín khóc và ngủ thiếp đi.”

Khi đêm qua xảy ra chuyện, Chu Thế Viễn nhìn thấy một tấm thiệp trên bàn nhưng vì quá bận rộn nên chưa xem được. Bây giờ mới giở ra đọc, hóa ra là bài thơ của con rể, phía sau lại có một bài thơ nữa, ông nhận ra đây là chữ viết của con gái. Ông đọc qua một lượt, thở dài nói: “Thật đúng là liệt nữ! Nghĩ cho cha mẹ, tấm lòng đoan chính và chu toàn, đẹp tựa ngọc bích, nhưng sao mọi chuyện lại có thể phi lý như thế chứ!”

Ông chợt nhớ đến những lời trong thẻ tre xin được ở đền thờ Thành Hoàng, bèn nói với vợ rằng: “Phúc thọ thiên thành, Thần linh mặc định. Dường như tư tâm không cải biến thì Hoàng Thiên sẽ không bảo hộ. Hơn nữa trong bài thơ con gái viết nguyện một lòng giữ trọn lời thề, thà chết chứ không muốn sống. Hai vợ chồng già chúng ta liệu có thể trông chừng con gái bao nhiêu ngày đây? Giả sử bất cẩn, con gái chẳng may qua đời, khi không mang danh bất nghĩa, trở thành trò đùa cho cả đời sau. Theo tôi thấy thế này, hay là chúng ta cứ gả con gái cho nhà Trần huynh. Thứ nhất cũng bày tỏ được tấm chân tình của gia đình chúng ta, thứ hai là thỏa mãn ý nguyện của con gái, cũng tránh được việc chúng ta can dự quá nhiều. Không biết ý của mình thế nào?”

Liễu thị bị con gái dọa cho một phen khiếp vía, trong tâm còn chưa bình tĩnh lại, liền nói với chồng rằng: “Tùy mình quyết định, tôi không quản nổi chuyện này nữa rồi!” Chu Thế Viễn nói: “Sự việc lần này nhất định phải nhờ đến lão Vương Tam.”

Chu Thế Viễn chào hỏi rồi mời lão Tam vào trong nhà, sau đó kể rõ ngọn ngành sự việc.
Chu Thế Viễn chào hỏi rồi mời lão Tam vào trong nhà, sau đó kể rõ ngọn ngành sự việc. (Ảnh chụp màn hình Tam Tự Kinh)

May thay, trong lúc Chu Thế Viễn bước ra cửa thì vừa khéo gặp lão Vương Tam cũng từ cửa đi vào. Chu Thế Viễn chào hỏi rồi mời lão Tam vào trong nhà, sau đó kể rõ ngọn ngành sự việc. “Hôm nay đệ muốn gả con gái, thỉnh nhờ lão Tam nói một lời.” Lão Vương Tam nói: “Lão phu từng nói rồi, chỉ quản mai mối, không quản phân ly. Nay đại lang đã nói như thế, cũng là việc trượng nghĩa, hãy để lão phu phó xuất một phen.”

Chu Thế Viễn nói: “Tiểu nữ nhìn thấy bài thơ này của con rể, cũng viết lại một bài ở phía sau, ẩn chứa tình cảm trong ngôn từ ấy. Nếu đối phương vẫn muốn thoái thác, huynh có thể đưa họ xem bài thơ này.”

Lão Vương Tam cầm lấy bài thơ, lập tức đứng dậy. Hai thông gia ở đối diện nhau, nên chân trái bước ra khỏi nhà Chu gia, thì chân phải đã bước vào nhà của Trần gia rồi, quả là tiện lợi. Trần Thanh nghe có lão Vương Tam đến, cũng hoang mang không biết chuyện gì, bèn hỏi: “Hôm nay lão Tam ghé thăm, nhất định nhà Chu huynh có tin gì chăng.”

Lão Vương Tam nói: “Đúng rồi.”

Trần Thanh vội nói: “Bấy giờ thoái hôn, cũng là tiểu tử nhà đệ tình nguyện, thông gia bên ấy không cần áy náy.”

Lão Vương Tam nói: “Hôm nay lão phu đến, không phải chuyện thoái hôn mà là muốn kết hôn.”

Trần Thanh giật mình: “Huynh khéo trêu đùa rồi.”

Lão Vương Tam bèn kể lại chuyện con gái Chu gia vì muốn giữ trọn hôn ước mà tìm đến cái chết, khiến cha mẹ tâm tình bất an. “Giữ lại con gái trong nhà thì lo chuyện bất trắc, nay tình nguyện gả con gái về Trần gia để chăm sóc cho tiểu quan nhân. Lão phu nghĩ, đây cũng là tiện cho cả hai nhà. Vợ chồng hiền đệ có người giúp đỡ một tay, lệnh lang sớm tối cũng có người bầu bạn quan tâm chăm sóc, vẹn cả đôi đường, còn gì tốt đẹp hơn không!”

Trần Thanh nói: “Mặc dù thông gia bên ấy có hảo ý, nhưng đệ vẫn cần hỏi ý kiến con trai liệu có đồng ý hay không?”

Lão Vương Tam bèn đưa cho Trần Thanh tấm thiệp có bài thơ của Đa Phúc: “Đây là bài thơ của con dâu và lệnh lang. Nàng ấy vô cùng quyết đoán. Nếu như lệnh lang vẫn khăng khăng khước từ, nàng nhất định sẽ phó thác cả tính mệnh. Đệ nghĩ xem, có đáng thương không chứ!”

Trần Thanh nói: “Đệ sẽ hồi đáp sớm nhất có thể.”

Trần Thanh lập tức bàn bạc với vợ là Trương thị
Trần Thanh lập tức bàn bạc với vợ là Trương thị. (Ảnh chụp màn hình phim Tam Tự Kinh)

Trần Thanh lập tức bàn bạc với vợ là Trương thị trước: “Tấm lòng của nàng dâu này trước sau như một, nhất định là một người hiền hiếu. Con trai mình có được người vợ này kề vai sát cánh chăm sóc sớm khuya, giữa vợ chồng với nhau mà nói, thì cũng chu đáo hơn nhiều so với sự săn sóc của cha mẹ. Trong trường hợp may mắn được một chủng tử, ngộ nhỡ một ngày con trai không còn nữa, thì Trần gia cũng không lâm vào cảnh tuyệt tự, vẫn còn hậu thế nối dõi tông đường. Bây giờ hai vợ chồng mình chủ động tác ý, lo gì con trai không tác thành.”

Nói xong thì cả hai vợ chồng cùng đến thư phòng, cùng con trai Đa Thọ nói rõ chuyện này. Ban đầu Đa Thọ vẫn từ chối, nhưng khi nhìn thấy bài thơ của Đa Phúc thì im lặng không nói một lời nào. Trần Thanh thấy vậy biết rằng con trai đã đồng ý, lập tức trả lời lão Vương Tam, chọn ngày lành tháng tốt để gửi một số lễ phục và sính lễ đến nhà Chu gia. Đa Phúc bên ấy biết rằng Trần gia đã chấp thuận, thì tâm an ý ổn. Đến ngày, kèn trống rền vang từ cổng vào nhà đón dâu. Láng giềng gần xa nghe nói con trai bệnh phong của Trần gia lấy được vợ đẹp thì lấy làm lạ lắm, hiếu kỳ truyền miệng nhau rằng: “Cóc ghẻ mà cũng có ngày cưới được thiên nga.”

Kể từ khi Đa Phúc xuất giá, thì tâm tình của Liễu thị cũng trở nên nhẹ nhàng hơn. Còn tiểu quan nhân nhà Trần thì được nàng chăm sóc ân cần chu đáo.

Đa Phúc tận tâm hầu hạ chồng, nấu canh sắc thuốc, trước khi dâng lên chồng dùng thì đều nếm thử kỹ càng; sáng dậy sớm, đêm ngủ muộn, thật sự cực nhọc không có chút thời gian nghỉ ngơi cho bản thân. Khắp thân thể Đa Thọ thì chỗ nào cũng đau và ngứa, luôn luôn cần người nâng đỡ và quan sát; quần áo thì dính đầy máu tanh mủ thối, phải thường xuyên giặt sạch hong khô. Trải qua 2 năm có con dâu thảo, cha mẹ chồng hết sức vui mừng thuận ý.

Nào ai biết rằng hai vợ chồng Thọ Phúc ấy, trong lòng mỗi người đều có chủ ý riêng. Tiểu quan nhân họ Trần nghĩ rằng: “Bản thân mình 10 phần chết 9 phần sống, cuộc sống phu thê không thể lâu dài, làm sao dám làm vấy bẩn khuê nữ cành vàng lá ngọc được chứ?” Còn tiểu nương tử họ Chu thì nghĩ: “Trang phu thân thể mang trọng bệnh như thế này, khí huyết không thông, làm sao có thể chịu được nữ sắc?” Thế là mỗi người một gối mà ngủ riêng.

Thế là mỗi người một gối mà ngủ riêng.
Thế là mỗi người một gối mà ngủ riêng. (Ảnh chụp màn hình Tam Tự Kinh)

Chuyến đi định mệnh đến Giang Nam

Một năm nữa lại trôi qua. Từ khi mắc bệnh nan y đến nay cũng gần 10 năm rồi, dở sống dở chết, vô cùng bức bối khó chịu nằm dí ở nhà ngần ấy thời gian. Một hôm nghe nói ở Giang Nam có một thầy mù toán mệnh rất giỏi và thẳng thắn, tên là Linh tiên sinh. Đa Thọ muốn thỉnh ông ấy suy tính cho một quẻ xem ngày chết gần xa thế nào.

Nguyên từ khi Đa Thọ mắc bệnh, tự cảm thấy mình xấu xí nên không dám ra khỏi cửa dẫu chỉ một bước. Nhưng hôm nay đặc cách muốn đi xem toán mệnh, nên ăn mặc kín kẽ từ đầu đến chân, đầu cũng đội mũ rộng vành, mà đi đến chỗ của Linh tiên sinh.

Linh tiên sinh sắp thành bát tự, suy đoán ra ngũ hành vận hạn, ông nói: “Xin có lời nói trước, nếu tiên sinh không thấy mạo phạm, thì tôi đây mới dám nói thẳng ra.”

Đa Thọ nói: “Tôi đến đây cũng chỉ vì muốn nghe những lời bộc trực ấy, tiên sinh không cần phải kiêng kỵ điều chi.”

Linh tiên sinh nói: “Đây là vận hạn lúc 4 tuổi, từ 4 tuổi đến 11 tuổi thì không cần phải nói. Từ 14 tuổi đến 21 tuổi, là 10 năm đại kỵ sẽ mắc trọng bệnh, nửa sống nửa chết. Tiên sinh có thể đã tự thấy rồi phải không?” Đa Thọ nói: “Thưa, đã thấy.”

Linh tiên sinh nói tiếp: “Trong mười năm đầu, mặc dù khuyết thủy nhưng vẫn có thể vượt qua. Từ 24 đến 31 tuổi, vận càng xấu. Tựa như: ‘Thuyền gặp nguy sóng cuốn phăng mái chèo. Ngựa gặp vách núi cao dựng đứng mà đứt cả dây cương’, đây chính là thiên mệnh đã định. Bát tự còn có một chỗ nữa nhưng không đáng kể!”

“Trong mười năm đầu, mặc dù khuyết thủy nhưng vẫn có thể vượt qua. Từ 24 đến 31 tuổi, vận càng xấu.
“Trong mười năm đầu, mặc dù khuyết thủy nhưng vẫn có thể vượt qua. Từ 24 đến 31 tuổi, vận càng xấu. (Ảnh chụp màn hình phim Tam Tự Kinh)

Tiểu quan nhân nghe xong, tâm trạng bi thương không nói nên lời. Chàng trả tiền toán mệnh cho Linh tiên sinh rồi cáo biệt ra về. Trong lòng thầm nghĩ mông lung, bất giác nước mắt tuôn rơi. Chàng nghĩ: “Vị tiên sinh này bói những điều 10 năm trước đều đúng cả, vận hạn 10 năm sau càng không tốt, chắc chắn là khó qua. Mình có chết cũng không quan trọng, chỉ tiếc thương cho nương tử hiền đức phó xuất suốt 3 năm qua, một đêm chăn gối cũng chưa thành nguyện. Hôm nay lại liên lụy nàng sầu khổ thế này? Nếu bây giờ kéo dài mạng sống, bất quá cũng chỉ sống thêm vài năm nữa, nào có ích gì. Chi bằng chết sớm cho rồi, giải thoát cho nương tử không phải chôn vùi cùng mình. Cũng là để cho nương tử còn có cơ hội trong những năm tháng thanh xuân.” Lúc này trong đầu chàng đã nảy sinh một niệm tự sát. Thuận đường đến hiệu thuốc mua một ít thạch tín và giấu bên mình.

Khi về đến nhà, chàng không hề nhắc đến chuyện đi xem toán mệnh ra sao. Đến tối chuẩn bị đi ngủ, thì nói với Chu thị rằng: “Ta và nàng từ 9 tuổi đã định ước, chỉ mong phu thê trăm năm đầu bạc răng long, sinh con đẻ cái cho vui cửa ấm nhà. Nào ngờ huynh mang trọng bệnh chữa không lành, lo rằng gánh nặng sẽ đặt lên vai nương tử suốt đời nên mới hai lần muốn từ hôn. Cảm ơn thành ý tốt đẹp của nương tử đã không chê bai, mà còn cùng huynh bái đường thành thân. Trải qua 3 năm rồi, hai chữ phu thê kia chỉ là hữu danh vô thực. Huynh đây cũng không dám chạm đến làm vấy bẩn ngọc thể của nương tử. Dẫu sau này Trần huynh có chết đi, nương tử chọn một lương duyên khác, khi ấy nàng cứ mạnh dạn mà lên tiếng, rằng nàng chẳng phải là phụ nữ hai chồng.”

Chu thị từ tốn nói: “Huynh à, muội và huynh kết thành phu thê, sướng khổ cùng chịu. Hôm nay huynh chẳng may lâm bệnh, phận nữ nhi xuất giá theo chồng, cùng sống cùng chết, đừng nói chuyện chọn mối lương duyên khác, sẽ chẳng bao giờ có chuyện ấy đâu.”

Tiểu quan nhân họ Trần nói: “Nương tử quả là sắt son vẹn toàn. Nhưng huynh và muội cũng không thể bên nhau bền lâu trong tình huống này. Muội chăm sóc huynh bấy lâu, tình cảm phu thê đằm thắm, huynh cảm thấy mình được quá nhiều rồi. Ân tình đời này huynh không thể bù đắp, mong kiếp sau có thể tương phùng, có thể báo đáp.”

Chu thị nói: “Chàng nói chi mà thương tâm đến thế? Giữa vợ chồng với nhau, sao lại nói 2 chữ báo đáp kia chứ?”

Hai vợ chồng mỗi người một câu đến tận đêm khuya mới nằm xuống ngủ thiếp đi. Đây chính là: Phu thê chỉ thuyết nhất phần thoại, Kim nhật toàn phao nhất phiến tâm (Vợ chồng ngày thường chỉ nói một phần, hôm nay dốc bầu tâm sự hết nỗi lòng)

Hôm sau, Đa Thọ lại thổ lộ cùng cha mẹ, nói tới nói lui thì câu nào cũng có một chữ chết trong đó,
Hôm sau, Đa Thọ lại thổ lộ cùng cha mẹ, nói tới nói lui thì câu nào cũng có một chữ chết trong đó. (Ảnh chụp màn hình phim Tam Tự Kinh)

Hôm sau, Đa Thọ lại thổ lộ cùng cha mẹ, nói tới nói lui thì câu nào cũng có một chữ chết trong đó, cốt nhục tình thâm, ý tứ là khó bỏ khó xả biết nhường nào.

Đến tối, Đa Thọ nói với Chu thị rằng: “Huynh muốn uống rượu.”

Chu thị nói: “Hàng ngày huynh sợ ngứa, đâu dám uống rượu. Hôm nay sao lại muốn uống vậy?”

Đa Thọ nói: “Hôm nay trong lòng huynh có chút sảng khoái nên muốn uống, muội hâm nóng dùm huynh một bình rượu nhé.”

Chu thị cảm thấy những lời này không giống với tâm trạng tối hôm qua của chồng, mặc dù trong lòng có chút hoài nghi nhưng cũng không muốn nghĩ ngợi quá nhiều. Nàng vội nhờ mẹ chồng lấy giúp một cái nồi hâm rượu, hâm thật nóng, rồi nàng lấy một cái bát nhỏ uống rượu, hai cái đĩa với hai món rau xào, tất cả được dọn tươm tất lên bàn.

Đa Thọ nói: “Không cần bát nhỏ, chỉ cần cái ấm trà uống một hoặc hai hơi là xong.”

Vậy là Chu thị mang đến ấm trà, và muốn tự rót cho chồng. Nhưng Đa Thọ nói: “Chậm thôi, để huynh tự tay rót. Huynh không thích món xào này, có hoa quả là được rồi.”

Không phải là Đa Thọ muốn làm khó vợ, mà chẳng qua muốn dùng lời này để Chu thị đi xuống bếp, rồi tự tay mở nắp ấm trà, lấy từ trong áo ra gói thạch tín đổ thẳng vào ấm trà và uống.

Chu thị đi được vài bước thì trong lòng cảm thấy bất an, quay đầu lại nhìn một cái, đã thấy trang phu tay run chân loạng choạng, nàng sững người, vô cùng phân vân lo lắng, sợ rằng có chuyện chẳng lành. Nàng nhanh chóng lấy lại bình tĩnh, tự mình rót một bát nhỏ nhấp thử, rồi lại rót thêm bát thứ hai. Lúc này Chu thị mới để ý thấy màu rượu không bình thường, nên giữ tay chồng lại không cho uống nữa.

Đa Thọ nói: “Thực lòng nói với muội rằng, trong rượu này có thạch tín. Huynh chủ ý muốn tự vẫn, không muốn liên lụy đến nàng chịu khổ. Nên hôm nay muốn tự mình uống hết một lần, chắc chắn sẽ không thể cứu chữa. Đơn giản là huynh sẽ chết trong cơn say. Cũng tránh được người đời dèm pha, cũng không tốn công phí sức.” Nói xong thì giành lấy bình rượu uống lần thứ hai.

Thực lòng nói với muội rằng, trong rượu này có thạch tín. Huynh chủ ý muốn tự vẫn, không muốn liên lụy đến nàng chịu khổ.
Thực lòng nói với muội rằng, trong rượu này có thạch tín. Huynh chủ ý muốn tự vẫn, không muốn liên lụy đến nàng chịu khổ. (Ảnh chụp màn hình Tam Tự Kinh)

Chu thị nói: “Muội đã từng nói trước đây, sẽ sống chết cùng huynh. Nay huynh đã chọn bát rượu độc để tự kết liễu, thì muội sống đơn độc trên đời này cũng chẳng có ý nghĩa gì.” Nói rồi giành lấy bình rượu trên tay và uống cạn một hơi. Lúc này rượu độc đã khởi tác dụng trong bụng Đa Thọ, lực bất tòng tâm, cũng không thể thay đổi được ý định của vợ. Chỉ trong chớp mắt, hai vợ chồng đều ngã xuống đất.

Bệnh trung chỉ đạo hoan ngu thiểu,
Tử hậu phương tri tình nghĩa thâm.
Tương ái tương liên tương tuẫn tử,
Thiên kim nan mãi lưỡng đồng tâm.

Ý là: Trong bệnh chỉ có chút niềm vui, sau khi chết rồi mới biết tình nghĩa thâm sâu. Yêu nhau, tiếc cho nhau, chết cùng nhau, ngàn vàng khó mua được hai trái tim đồng nhịp này.

Lại nói Trương thị nhìn thấy con trai muốn uống rượu, thì đong đầy một bát đường rồi tự mình mang lên. Mới đến bên ngoài cửa phòng đã nghe được 2 chữ rượu độc, thì hoảng hốt, vội bước vào trong. Bà chỉ kịp nhìn thấy hai con đều nằm trên đất. Bà vội vàng gọi chồng đến giúp. Nghe tiếng vợ, Trần Thanh chạy đến, thấy trong bình rượu còn sót lại một ít thạch tín. May mắn là ông biết được một bài thuốc dân gian, phàm là người đã uống thạch tín, thì sẽ giết cừu sống lấy máu cho người đó uống, thì sẽ sống lại.

Cũng là 2 mạng người cần được cứu, may thay trong những hàng xóm xung quanh có một người bán thịt cừu, lập tức gọi anh ta giết cừu lấy máu. Bấy giờ vợ chồng Chu Thế Viễn cũng đến. Trần Thanh tự tay cho con trai uống, còn Chu Thế Viễn cũng tự mình cho con gái uống. Hai vợ chồng trẻ may mắn được uống máu cừu xong thì lập tức ói ra và tỉnh lại. Do trong bụng trúng độc nên da dẻ trở nên khô khan nứt nẻ và chảy máu không cầm. Phải điều chỉnh và an dưỡng trong một tháng mới có thể hồi phục ăn uống bình thường trở lại.

Có một chuyện lạ thế này! Cơ thể Đa Thọ bị tổn thương nặng nề do chứng bệnh phong 10 năm qua, đã mời biết bao danh y, dùng biết bao dược phương cũng không công hiệu. Nhưng nay trúng rượu độc, vô tình trùng hợp với một câu trong sách y khoa có nhắc đến là “lấy độc trị độc”. Từ trong da của Đa Thọ phun ra rất nhiều máu xấu, khí độc cũng tỏa ra nồng nặc, ngay cả những nốt ghẻ đỏ cũng dần lành lại. Lâu rồi Đa Thọ mới có được cảm giác nghỉ ngơi bình an, vảy khô của vết thương rớt rơi ra nhiều vô số kể, tóc mọc đen mượt như ngày nào, cơ bắp đầy đặn và làn da sáng hẳn lên. Sự thay đổi kỳ diệu của Đa Thọ, ngay cả cha mẹ ruột cũng khó mà nhận ra con trai mình. Cứ y như là thoát thai hoán cốt thành một con người khác.

Đây chính là tấm lòng chân thành, vợ thủ tiết, chồng trượng phu mà cảm động đất trời, cho nên rõ ràng là độc mà không độc, chết mà không chết, họa chuyển thành phúc, chuyển khóc thành cười.
Đây chính là tấm lòng chân thành, vợ thủ tiết, chồng trượng phu mà cảm động đất trời, cho nên rõ ràng là độc mà không độc, chết mà không chết, họa chuyển thành phúc, chuyển khóc thành cười. (Ảnh chụp màn hình phim Tam Tự Kinh)

Đây chính là tấm lòng chân thành, vợ thủ tiết, chồng trượng phu mà cảm động đất trời, cho nên rõ ràng là độc mà không độc, chết mà không chết, họa chuyển thành phúc, chuyển khóc thành cười. Quả ứng với xăm tre năm nào ở đền Thành Hoàng: “Vân khai chung kiến nhật, Phúc thọ tự thiên thành”. Hai vợ chồng Trần Đa Thọ vội đến đền Thành Hoàng dâng hương, khấu đầu lạy tạ.

Trần Đa Thọ năm ấy 24 tuổi, học hành lại từ đầu, ôn luyện kinh sử. Đến năm 32 tuổi thì đi thi, năm 34 tuổi đỗ tiến sĩ.

Lại nói đôi bạn thông gia Trần Thanh và Chu Thế Viễn từ đó càng thêm thâm tình, lại chơi cờ thêm mấy năm nữa, thọ đến hơn 80 tuổi mới mệnh chung.

Còn phu thê Trần Đa Thọ và Chu Đa Phúc sống bên nhau trọn đời hạnh phúc, hạ sinh được một đôi nam nữ, tận lão bách niên, cháu con thịnh vượng.

Cuốn sách này được gọi là “Phu thê sinh tử”

Bài thơ viết là:

Tòng lai mỹ quyến thuyết Chu Trần,
Nhất cục kỳ phanh đế hảo nhân.
Chỉ vi nhị nhân đa tiết nghĩa,
Tử sinh bất giải lại thần minh

Ý là: Xưa nay luôn ca tụng câu chuyện nhà Chu Trần, qua một ván cờ mà kết thành duyên tốt. Chỉ vì nghĩa tiết của hai người, mà chuyện sinh tử đã xúc động đến Thần linh.

Hết.

Cao Nguyên

Theo Sound of Hope

Văn hoá Văn học


BÀI CHỌN LỌC

Hẹn nước thề non (P2): Qua cơn mưa trời lại sáng - đôi uyên ương Phúc Thọ song toàn