Thanh Hương Nhã Cú (P-8): Ân và oán trong tình bạn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong cuộc sống ai cũng có các mối quan hệ xã hội như bạn bè, đồng nghiệp. Sợi dây gắn kết mối xã giao ấy là ‘tín’ và ‘nghĩa’, nhưng rất nhiều người cảm thấy bị tổn thương, lắm lúc tạo thành nút thắt không sao hóa giải được, thậm chí đến già, đến chết vẫn nhất định chẳng muốn nhìn mặt nhau.

Chúng ta hãy xem nếu gặp phải chuyện ủy khuất và tổn thương trong các mối quan hệ như vậy, thì người xưa sẽ dùng trí tuệ giải quyết vấn đề như thế nào nhé.

Trong Sử ký có một câu chuyện thế này: Vào thời Chiến quốc, nước Triệu có một đại tướng quân tên là Liêm Pha, vô cùng dũng mãnh thiện chiến, từng đại thắng khi đem quân đi đánh nước Tế, những chiến tích lừng danh ấy đã khiến Liêm Pha trở thành người nổi tiếng khắp các nước chư hầu.

Nước Triệu cũng có một môn khách tên là Lận Tương Như, người nổi tiếng với biệt tài ứng xử. Nhiều lần nước Tần hùng mạnh muốn chèn ép, muốn chia cắt thành trì nước Triệu, nhưng kế sách và trí tuệ của Lận Tương Như đã giúp Triệu vương giải trừ nguy nan, bảo toàn được lợi ích quốc gia. Mọi người đều biết rằng, Lận Tương Như đã từng mang ngọc quý đi sứ Tần và thành công mang trở về Triệu, một lần khác là phò vua Triệu hội kiến vua Tần ở Mẫn Trì. Sau hai sự kiện này, Triệu vương cảm thấy Lận Tương Như đã lập được đại công nên phong cho ông làm đại quan, chức vị cao hơn Liêm Pha.

Liêm Pha vì điều này mà bực tức không vui, ông nói: "Ta là tướng quân phá thành đánh trận có công hiển hách, Lận Tương Như là gì kia chứ, chẳng qua chỉ nhờ miệng lưỡi nói mấy câu lập công mà địa vị trên ta, hơn nữa ông ta xuất thân thấp kém, nếu ta mà gặp ông ấy, ta nhất định sẽ hạ nhục ông ta mới hả được cái khẩu khí này"

Lận Tương Như biết chuyện nhưng không nói gì cả, sau khi ông trông thấy Liêm Pha, thậm chí còn đánh xe đi hướng khác tránh sang đường khác. Những môn khách của Lận Tương Như nhìn thấy vậy, trong tâm không chịu nổi bèn thưa rằng: "Chúng tôi rời xa quê hương nghìn dặm đến đây vì mến tài đức của ngài. Nào ngờ ngài bị Liêm Pha rêu rao sỉ nhục như vậy, nhưng ngài lại tránh né ông ta, như thế thậm chí không bằng một người bình thường, huống hồ là bậc tướng quốc, cứ xem như chúng tôi bất tài, xin cáo biệt ngài và trở về vậy".

Lận Tương Như biết chuyện nhưng không nói gì cả, sau khi ông trông thấy Liêm Pha, thậm chí còn đánh xe đi hướng khác tránh sang đường khác.
Lận Tương Như biết chuyện nhưng không nói gì cả, sau khi ông trông thấy Liêm Pha, thậm chí còn đánh xe đi hướng khác tránh sang đường khác. (Ảnh minh hoạ miền công cộng)

Lận Tương Như không để họ dứt lời, vội ngăn lại và nói: "Mời các vị chậm bước, ta có đôi lời, các vị xem Tần vương và Liêm Pha tướng quân ai uy nghiêm và lợi hại hơn?"

Môn hạ nói: "Dĩ nhiên là Tần vương rồi"

Lận Tương Như nói tiếp: "Ngay cả Tần vương ta còn không sợ, dám trách mắng ông ta ngay trước mặt quần thần đương triều, thế các vị nghĩ rằng ta thật sự sợ Liêm Pha tướng quân ư! Nước Tần hùng mạnh như vậy nhưng không dám coi khinh và xâm phạm lãnh thổ nước Triệu, chủ yếu là vì nước Triệu có hai đại thần như ta và Liêm Pha. Nếu chỉ vì chút khẩu khí mà hai hổ tranh nhau, nhất định sẽ có một con bị thương, nếu ta mà làm như vậy, thì an nguy nước Triệu sẽ ra sao? Chắc các vị đã hiểu vì sao ta lại cư xử như vậy rồi phải không?"

Sau khi Liêm pha biết chuyện này, ông cảm thấy vô cùng xấu hổ, không ngờ rằng Lận Tương Như lại biết nghĩ cho người khác như vậy, vì xã tắc mà bản thân chịu ủy khuất lớn như vậy. Vì thế ông đã đích thân đến tạ tội trước Lận Tương Như. Với tấm lòng khoan dung khiêm tốn, Lận Tương Như chẳng chút trách cứ mà tạ lại, hai người còn trở đôi bạn tâm giao kể từ đó.

Còn có một câu chuyện khác trong thời Xuân Thu, quốc quân của Tề quốc là Tề Hoàn Công, hay còn gọi là Khương Tiểu Bạch. Sở dĩ Tề quốc hùng mạnh là vì có một tể tướng tài trí hơn người tên là Quản Trọng. Nói về Quản Trọng, ông có thể trở thành tể tướng là vì ông có một người bạn tốt tiến cử, tên là Bào Thúc Nha.

tình anh em
Quản Trọng và Bào Thúc Nha. (Ảnh qua Baike.baidu.com)

Sử ký có ghi chép, trong hồi ức của Quản Trọng có nhắc đến: “Ngô thủy khốn thời, Thường dữ Bào thúc cổ…”. Ý nghĩa của đoạn này là: Quản Trọng và Bào Thúc Nha từng làm kinh doanh, nhưng mỗi khi phân chia lợi nhuận, Quản Trọng đều lấy phần hơn, tuy vậy Bào Thúc Nha không cảm thấy bạn mình tham lam, hiểu rằng vì cuộc sống của bạn nghèo khó và cần tiền hơn mình. Quản Trọng cũng từng bày kế sách cho Bào Thúc Nha nhưng thành công thì ít, thất bại thì nhiều, mỗi lần như vậy đều khiến Bào Thúc Nha lâm vào cảnh khốn đốn khôn cùng, thế mà Bào Thúc Nha vẫn không cho rằng bạn mình ngu dốt, mà nói rằng con người có vận khí, chỉ là lúc thuận lúc không mà thôi, không hề trách cứ chủ ý của bạn.

Quản Trọng đã từng ba lần làm quan, đều bị đuổi hết ba lần, Bào Thúc Nha không cho rằng bạn mình không có tiền đồ, ông hiểu rằng chẳng qua Quản Trọng chưa gặp thời cơ tốt. Quản Trọng cũng từng ba lần chiến đấu trên chiến trường, ba lần đều tháo chạy, Bào Thúc Nha cũng không nghĩ rằng bạn mình nhát gan sợ chết, ông hiểu cho hoàn cảnh của bạn còn mẹ già nơi quê nhà cần người chăm sóc, nên Quản Trọng phải bảo toàn mạng sống trở về báo hiếu, trọn nghĩa làm con.

Sau đây là sự kiện nổi tiếng nhất là giữa đôi bạn này. Về sau, Quản Trọng phò tá Công Tử Củ, còn Bào Thúc Nha phò tá Khương Tiểu Bạch. Đương thời, Công Tử Củ và Khương Tiểu Bạch từng tranh chấp ngôi vị, cuối cùng thì Khương Tiểu Bạch thắng thế lên ngôi quốc quân, còn Công Tử Củ thì bị xử tội chết. Sau khi Công Tử Củ qua đời, Quản Trọng không muốn chết theo chủ nhân của mình, ông cam chịu khuất nhục bị bắt và giao nộp về Tề quốc. Lúc này Bào Thúc Nha không cho rằng bạn mình là người vô sỉ, ông hiểu bạn mình không lo lắng danh dự bản thân, chẳng qua bạn mình vẫn còn ôm ấp trong lòng biết bao hoài bão và chí hướng chưa thành, chưa một lần hiển dương thiên hạ.

Thế là Bào Thúc Nha tiến cử Quản Trọng với Tề Hoàn Công, nói rằng con người này rất tài năng, Tề Hoàn Công rất tin tưởng Bào Thúc Nha nên lắng nghe ý kiến của ông, ban cho Quản Trọng làm tể tướng. Từ đó, Quản Trọng tận tâm tận lực phò tá Tề Hoàn Công, Tề quốc nhờ vậy mà thiên hạ thái bình, trở thành quốc gia cường thịnh nhất trong “Xuân Thu ngũ bá”.

Thế là Bào Thúc Nha tiến cử Quản Trọng với Tề Hoàn Công, nói rằng con người này rất tài năng
Thế là Bào Thúc Nha tiến cử Quản Trọng với Tề Hoàn Công, nói rằng con người này rất tài năng. (Ảnh: Secretchina.com)

Trải qua bao nắng mưa thăng trầm, Quản Trọng nói một câu bất hủ rằng: “Cha mẹ sinh ra ta nhưng người hiểu ta chỉ có mỗi Bào Tử.”

Nên trong văn hóa truyền thống có câu thành ngữ gọi là Quản Bào Chi Giao, ngụ ý về mối tương tri thâm hậu giữa Bào Thúc Nha và Quản Trọng.

Qua hai câu chuyện cảm động trên, chúng ta thấy rằng Lận Tương Như đối với những lời ác ý của Liêm Pha, ông chẳng để nó trong tâm, bởi vì lòng ông quảng đại bao dung và ông là người nhìn xa trông rộng, lấy đại cuộc làm trọng. Bào Thúc Nha vì thấu hiểu bạn mình là Quản Trọng, nên không chú ý cũng chẳng bận lòng rằng bạn đã mang lại cho mình biết bao phiền phức.

Trong cuộc sống này cũng vậy, nếu chúng ta đối diện với những tổn thương, có thể trong tâm nghĩ đến chuyện lớn hơn, nghĩ đến toàn cục. Nếu người khác làm tổn thương hay tổn hại lợi ích của bạn, bạn có thể nghĩ rằng mọi người thực sự có những khó khăn riêng, có thể họ không cố ý; nếu chúng ta nhẫn và khiêm nhường, có thể xem nhẹ lợi ích bản thân, đặt mối thâm giao làm trọng, có thể dành đôi chút thời gian để hiểu họ hơn một bước nữa… Lúc ấy chúng ta sẽ thấy đúng như người xưa dạy bảo, lùi một bước biển rộng trời cao, ân ân oán oán cũng tựa như băng tan khói tỏa mà thôi.

Cao Nguyên

Theo Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Thanh Hương Nhã Cú (P-8): Ân và oán trong tình bạn