Thanh hương nhã cú (P-6) Khi bị cha mẹ ghét, con nên làm thế nào?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong thực tế cuộc sống, rất nhiều người mang tâm oán hận cha mẹ, sự oán hận ấy bắt nguồn từ đủ mọi nguyên nhân, nó gây ra bất hòa và gián cách trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Chúng ta hãy bình tâm và xem lại trong văn hóa truyền thống, người xưa giải quyết những vấn đề nan giải ấy như thế nào nhé...

Áo bông lau của Mẫn Tử Khiên

Có một câu chuyện như sau, vào thời Xuân Thu có một người tên là Mẫn Tổn, tự Tử Khiên, ông là học trò của Khổng Tử. Mẹ đẻ của Mẫn Tử Khiên đã qua đời khi ông còn rất nhỏ, cha ông đã lấy một người mẹ kế tên là Lý Thị. Lý Thị lại sinh được hai người con trai, bà đối với hai người con đẻ của mình rất tốt nhưng lại đối xử rất tệ với Mẫn Tử Khiên. Mùa đông, Lý Thị mặc quần áo rét bằng bông ấm cho hai con đẻ của mình, nhưng lại để cho Mẫn Tử Khiên mặc quần áo rét bằng bông lau. Có lẽ, ai cũng biết rằng áo bông mới giữ ấm còn áo bông lau thì không thể.

người con có hiếu
Lý Thị mặc quần áo rét bằng bông ấm cho hai con đẻ của mình, nhưng lại để cho Mẫn Tử Khiên mặc quần áo rét bằng bông lau. (Ảnh chụp màn hình phim Tam Tự Kinh)

Một hôm, cha của Mẫn Tử Khiên đi làm ăn xa về, dự định cưỡi xe ngựa đi thăm người thân và bạn bè, nên muốn Mẫn Tử Khiên chuẩn bị cỗ xe. Khi ấy ngoài trời đang ào ào gió bấc, tuyết rơi trắng xóa khắp trời, Mẫn Tử Khiên mặc áo rét làm bằng bông lau mỏng manh nên bị cóng đến nỗi toàn thân run rẩy, tay cứng cả lại, không cầm nổi sợi dây thừng khiến sợi dây rơi xuống đất. Khi ấy người cha cho rằng Mẫn Tử Khiên lười biếng nên bèn vung roi da quất lên người Tử Khiên. Nào ngờ khi cây roi vừa hạ xuống, những đường may và sợi vải trên tấm áo bông lau nhẹ mỏng ấy liền rách toạc ra. Người cha trông thấy mới chợt hiểu ra rằng bản thân mình đã trách lầm con trai, cũng hiểu ra Lý Thị bấy lâu bạc đãi con mình ra sao. Điều này khiến người cha giận dữ, trở về nhà muốn đuổi người mẹ kế ấy đi ngay lập tức. Mẫn Tử Khiên vừa nghe vội quỳ khóc nói rằng: “Mẹ ở thì một đứa con lạnh, nhưng mẹ đi thì ba đứa con lạnh”. Ý ông muốn nói là: Mẹ kế ở lại, chỉ có một mình con chịu lạnh, nhưng nếu cha đuổi mẹ đi thì đến ba đứa con phải chịu lạnh.

Lý Thị nghe xong thì cảm thấy vô cùng xấu hổ. Bà không ngờ rằng bản thân mình đối xử tệ với con trai chồng như vậy nhưng đến thời khắc then chốt, Mẫn Tử Khiên lại thiện đãi với bà như thế. Tấm lòng hiếu thảo ấy đã chạm đến nhân tâm và thay đổi bà. Kể từ đó bà xem Mẫn Tử Khiên như con đẻ của mình, và đối đãi với Mẫn Tử Khiên cùng hai con trai tốt như nhau.

Kể từ đó bà xem Mẫn Tử Khiên như con đẻ của mình, và đối đãi với Mẫn Tử Khiên cùng hai con trai tốt như nhau.
Kể từ đó bà xem Mẫn Tử Khiên như con đẻ của mình, và đối đãi với Mẫn Tử Khiên cùng hai con trai tốt như nhau. (Ảnh chụp màn hình phim Tam Tự Kinh)

Qua đó thấy rằng, trong cuộc sống, khi người khác đối với chúng ta không tốt, chúng ta cũng dễ đối xử lại với họ không tốt. Nhưng chúng ta hãy nhìn vào cách hành xử của Mẫn Tử Khiên, cách ông đối diện với những bất công và oan trái trong cuộc sống với mẹ kế, dẫu khi ấy ông chỉ là một đứa trẻ. Nhưng ông đã thể hiện khí chất phi thường, trong mọi chuyện, ông nghĩ cho người khác thay vì nghĩ cho bản thân mình, ông đặt lợi ích bản thân mình thấp hơn lợi ích của người khác, ông nghĩ cho cả gia đình, nghĩ đến hai em trai bé nhỏ. Vì thế mà ông luôn âm thầm nhẫn chịu, tấm lòng hiếu thảo và bao dung ấy cuối cùng đã cảm động mẹ kế, giống như câu nói trong “Đệ tử Quy”:

“Thân ái ngã
Hiếu hà nan;
Thân tăng ngã
Hiếu phương hiền.”

Tạm dịch:

“Cha mẹ yêu
Hiếu đâu khó;
Cha mẹ ghét
Hiếu mới hay.”

Ý nghĩa là, khi cha mẹ yêu thương chúng ta, và chúng ta phụng dưỡng cha mẹ thì cũng thuận với tự nhiên, cũng không có gì là khó khăn cả. Nhưng đổi lại khi cha mẹ không thích mà chúng ta vẫn hiếu kính trước sau như một, đó mới là thể hiện phẩm hạnh của bậc hiền lương.

tấm lòng hiếu thảo
Khi cha mẹ không thích mà chúng ta vẫn hiếu kính trước sau như một, đó mới là thể hiện phẩm hạnh của bậc hiền lương. (Ảnh chụp màn hình phim Tam Tự Kinh)

Vua Thuấn hiếu đễ

Lại nói về câu chuyện của Thuấn (vua Thuấn), Thuấn là người rất có đức hạnh, vì vậy mà vua Nghiêu đã gả hai người con gái cho Thuấn, đồng thời truyền ngôi thiên tử cho ông. Nhưng thuở thiếu thời trong gia đình, Thuấn chỉ là một cậu bé đáng thương và bị ngược đãi. Cha của Thuấn lấy vợ lẽ và thế là Thuấn có mẹ kế. Vì mẹ kế sinh được một người con trai nên bà rất cao ngạo và đặc biệt đối xử tàn nhẫn với Thuấn, trong tâm bà luôn có suy nghĩ độc ác, ngày ngày bà đều nghĩ cách giết Thuấn, để khỏi phải phân chia tài sản cho Thuấn.

Một hôm mẹ kế bảo Thuấn đi sửa kho thóc, sau khi đợi Thuấn lên đến đỉnh của kho xong, em trai của ông bèn mang chiếc thang cất đi, không những vậy, em trai còn cầm một ngọn đuốc muốn đốt trụi kho thóc, muốn Thuấn chết cháy trong kho ấy. Lúc này Thuấn đang ở trên nóc kho, bèn cầm lấy hai chiếc nón tre vành to, mỗi tay mang một chiếc, rồi dang tay nhảy xuống đất tựa như chim bay vậy, kết quả là hạ cánh an toàn, bình an vô sự.

vua thuấn hiếu thảo
Em trai cầm một ngọn đuốc muốn đốt trụi kho thóc, muốn Thuấn chết cháy trong kho ấy. (Ảnh chụp màn hình Tam Tự Kinh)

Mẹ kế và em trai thấy kế hoạch không thành nên bèn bảo Thuấn đi sửa giếng nước. Lần này cũng vậy, sau khi đợi Thuấn xuống đến đáy giếng thì dùng đá lấp miệng giếng lại, âm mưu muốn Thuấn chết dần chết mòn trong ấy. Chẳng ai ngờ rằng Thuấn có mang theo một chiếc rìu nên đã đào một đường hầm bên cạnh, rồi từ đó leo lên trên và trở về nhà. Khi ấy, em trai Thuấn nghĩ rằng anh mình đã chết nên đi sang phòng của anh, nào ngờ vừa nhìn thấy Thuấn thì sợ hoảng cả lên. Nhưng trên miệng vẫn xảo biện rằng: "Anh này, em nghĩ rằng không còn được gặp anh nữa nên trong lòng lo lắng cho anh lắm".

Dĩ nhiên là Thuấn biết mọi chuyện, nhưng sau đó ông nói với em trai rằng: "Huynh có rất nhiều bách tính cần có người chăm sóc, không biết liệu đệ có muốn giúp huynh không, công việc là quan tâm chăm sóc cho họ nhé". Thế là ông phong cho em trai đến nước Bí, đảm nhiệm vai trò như một vị vua nhỏ. Nghe vậy, rất nhiều người nói rằng em trai ông không tốt như vậy, hễ đi đến đâu chẳng phải sẽ gây hại cho người dân nơi đó hay sao. Kỳ thực Thuấn rất có trí huệ, ông đã an bài một số người có năng lực làm đại thần, để em trai ông không quản tiền cũng chẳng quản quân, chẳng quản ai thì cũng chẳng thể hại ai. Hơn nữa, mỗi năm Thuấn đều có thể triệu kiến em trai mấy lần, cuối cùng em trai và cha mẹ đều cảm động trước tấm chân tình cũng như đức hạnh của Thuấn, đều được cảm hóa, gia đình trở nên hòa thuận vui vẻ với nhau.

Mạnh Tử nói rằng Thuấn có thể làm hài lòng cha mình và khiến cho bàn dân thiên hạ đều đi thuận trên một quỹ đạo, văn hóa truyền thống có câu:

"Nhất gia nhân, nhất quốc hưng nhân, nhất gia nhượng, nhất quốc hưng nhượng” (một nhà nhân đức thì cả nước nhân đức theo, một nhà nhường nhịn thì cả nước nhường nhịn theo)

Ý nghĩa là, nếu một quân vương có thể thể hiện tấm lòng nhân từ trong chính gia đình hay gia tộc của mình, thế thì quốc gia đó sẽ có xu hướng lấy nhân từ làm gốc. Nếu một gia đình có thể thực hành lễ nghi và nhường nhịn thì người dân trong quốc gia ấy cũng sẽ theo xu hướng đối đãi khiêm nhường với nhau.

nếu một quân vương có thể thể hiện tấm lòng nhân từ trong chính gia đình hay gia tộc của mình, thế thì quốc gia đó sẽ có xu hướng lấy nhân từ làm gốc.
nếu một quân vương có thể thể hiện tấm lòng nhân từ trong chính gia đình hay gia tộc của mình, thế thì quốc gia đó sẽ có xu hướng lấy nhân từ làm gốc. (Ảnh chụp màn hình phim Tam Tự Kinh)

Sự thực là chúng ta không thể chọn cha mẹ, cũng không thể chọn được anh chị em, đời này kiếp này là người một nhà, đó chính là định mệnh và duyên phận. Người xưa nói rằng, “học vấn tại nội bất tại ngoại”, không phải vì anh tốt với tôi mà tôi mới tốt với anh, càng không phải nói rằng tôi tốt với anh thì anh sẽ tốt với tôi nhé. Mà là ý rằng, tôi đối tốt với anh, chính vì tôi đang đi trên con đường đúng đắn của mình, một khi đức hạnh trong lòng tôi tỏa sáng, điều ấy khiến tôi trở thành người sống có trách nhiệm hơn, bản thân khắc biết nên làm những gì mình nên làm.

Qua câu chuyện cảm động của Thuấn và Mẫn Tử Khiên, chúng ta thấy rất rõ ràng rằng, hai bậc hiền tài này đều có thể lấy đức giải oán, lấy thiện đãi người, cuối cùng đã cảm hóa được nhân tâm, ân ân oán oán bao đời bỗng chốc hóa duyên lành.

Xoay trở lại với con người ngày nay, thiết nghĩ, cho dù thế giới bên ngoài có đối xử với chúng ta như thế nào đi chăng nữa, chúng ta nên có thể làm được không oán không hận trong tâm, có thể lùi một bước biển rộng trời cao, đặt mình vào vị trí người khác, suy nghĩ cho người khác trước, xem việc này đối với họ có phương hại gì không, có chịu đựng được không. Nếu làm được như thế, quả thực sẽ chẳng có mâu thuẫn và oán hận nào có thể tồn tại hay phát sinh, bởi vì khi ta thay đổi thì đất trời cảm ứng, hoàn cảnh thay đổi, lòng người cũng thuận theo đó mà thay đổi theo. Trăm vạn sự lành lại mỉm cười với tất cả chúng ta.

Cao Nguyên

Theo Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Thanh hương nhã cú (P-6) Khi bị cha mẹ ghét, con nên làm thế nào?