Thanh hương nhã cú (P-5): Phụ nữ thời xưa làm gì khi chồng thay lòng đổi dạ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong cuộc sống, mọi người đều hy vọng gặp được một ý trung nhân kết thành duyên vợ chồng và cùng nhau sống đến răng long đầu bạc, có người thủy chung thì cũng có người dễ dàng thay lòng đổi dạ. Khi đối diện với người mình yêu thương có bến đỗ khác, nên giải quyết vấn đề khó khăn ấy như thế nào đây?

Có một người phụ nữ nọ ở trong hoàn cảnh ấy, cô đã dùng một bài thơ để hóa giải nguy cơ của cuộc hôn nhân sắp tan vỡ. Câu chuyện là thế này.

Vào thời Tây Hán, có một cô gái tài năng nổi tiếng tên là Trác Văn Quân. Chồng của Trác Văn Quân chẳng may qua đời khi nàng còn rất trẻ, vì thế nàng đã trở về sống ở nhà của cha mẹ mình. Khi ấy có một vị thư sinh tài hoa xuất chúng tên là Tư Mã Tương Như, chàng không chỉ viết văn hay mà còn giỏi đánh đàn. Một hôm, Tư Mã Tương Như được mời đến thăm phủ Trác, chàng đã đàn một bài “Phượng Cầu Hoàng”, khúc nhạc ấy đã xúc động đến tâm hồn thiếu nữ của Trác Văn Quân. Vì thế mà Trác Văn Quân đã không màng gì đến gia cảnh nghèo túng của Tư Mã Tương Như mà kết duyên vợ chồng cùng chàng. Cuộc sống ngày qua ngày vô cùng thanh bần, nhưng hạnh phúc, và Trác Văn Quân không chút phàn nàn nào.

Nhưng không ngờ rằng, khi Tư Mã Tương Như được triều đình trọng dụng và thăng quan tiến chức, thì chàng lại sinh ra hai lòng, chàng có tình ý với một cô nương trẻ trung và xinh đẹp khác. Khi Trác Văn Quân nghe được tin này, trong lòng nàng vô cùng bi thương, nàng nghĩ đến những tháng ngày khó khăn cơ cực mà bản thân đã trải qua cùng Tư Mã Tương Như, khoảng thời gian chia ngọt sẻ bùi ấy sao chàng có thể quên kia chứ, sao có thể vì công danh lợi lộc, vì vàng son phú quý mà bỗng chốc trái tim cũng thuộc về nơi khác kia chứ! Vì thế nàng lặng lẽ hạ bút viết một bài thơ “Bạch đầu ngâm” gửi chàng:

“Ngai như sơn thượng tuyết,
Kiểu nhược vân gian nguyệt.
Văn quân hữu lưỡng ý,
Cố lai tương quyết tuyệt.”

Tạm dịch:

Trắng tinh như tuyết trên non
Trắng trong như ánh trăng rằm giữa mây
Hay tin chàng đã đổi thay
Đau lòng thiếp dứt tình này từ đây

Ý nghĩa là, tình cảm sắt son vốn dĩ nên giống như tuyết trắng trên non cao, trong trẻo như vầng trăng sáng giữa những áng mây. Vậy mà nghe tin rằng chàng đã thay lòng đổi dạ... lòng thiếp đau như cắt, đành viết thư này, dứt tình với chàng...

Vậy mà nghe tin rằng chàng đã thay lòng đổi dạ... lòng thiếp đau như cắt
Vậy mà nghe tin rằng chàng đã thay lòng đổi dạ... lòng thiếp đau như cắt. (Ảnh: miền công cộng)

Càng nghĩ lại thêm giận chàng vì nông nổi nhất thời mà tham vàng bỏ ngãi

“Nam nhân trọng ý khí,
Hà dụng tiền đao vi.”

Tạm dịch:

Nam nhi nghĩa khí ở đâu
Cớ sao bội bạc mà cầu lợi danh

Nhưng dường như sự tổn thương cay đắng khiến lòng nàng chất chứa bao nỗi niềm, trăm mối tơ vò, nói dứt tình thì dễ mà nghĩ lại mối duyên thuở ban đầu, viên mãn tròn đầy, thật là ông Trời tác hợp trăm năm mới nên duyên vợ chồng, trân quý đến thế, không bao giờ muốn rời xa, nên nàng lại cất những lời thổn thức:

“Thê thê phục thê thê,
Giá thú bất tu đề.
Nguyện đắc nhất tâm nhân,
Bạch đầu bất tương ly.”

Tạm dịch:

Ưu sầu rồi lại ưu sầu
Lấy nhau nào phải buồn rầu khóc than
Một lòng nguyện ước bên nhau
Mong người mãi mãi bạc đầu chẳng xa

Ý là, nếu một người được ý trung nhân một lòng một dạ đối đãi tốt thì dẫu sống đến bạc đầu cũng không muốn phân ly. Vậy sao cuộc hôn nhân này lại đau khổ và đẫm lệ đến vậy! Nam nhi trượng phu nên lấy thủy chung làm trọng, sao chàng lại vì lợi danh mà có thể thay lòng đổi dạ kia chứ.

Chuyện kể lại rằng sau khi Tư Mã Tương Như nhận được bài thơ của nàng, nhớ lại tình nghĩa vợ chồng trước đây, trong lòng vô cùng hối hận, nhận ra mình đã mê lầm mà tham vàng bỏ ngãi, thật không xứng làm người quân tử, phụ bạc với người vợ tào khang đã hết lòng vun vén.

Tư Mã Tương Như nhận được bài thơ của nàng, nhớ lại tình nghĩa vợ chồng trước đây, trong lòng vô cùng hối hận
Tư Mã Tương Như nhận được bài thơ của nàng, nhớ lại tình nghĩa vợ chồng trước đây, trong lòng vô cùng hối hận. (Ảnh: Secretchina.com)

Hai câu thơ nổi tiếng của Trác Văn Quân trong bài Bạch đầu ngâm: “Nguyện đắc nhất tâm nhân, Bạch đầu bất tương ly” (Một lòng nguyện ước bên nhau, Mong người mãi mãi bạc đầu chẳng xa) thật xứng là áng thơ tuyệt bút về tình nghĩa vợ chồng thuỷ chung, trọn vẹn, đã đi vào lòng người, lưu truyền ngàn năm cho đến tận ngày nay.

Người phụ nữ truyền thống xưa trọng phẩm giá, giáo dưỡng, ủy khuất lớn đến vậy mà trong tâm vẫn nhẫn, vẫn từ tốn dịu dàng, lạt mềm buộc chặt. Dùng hòa khí và tình cảm chân thành hàn gắn lại cuộc hôn nhân vốn có nguy cơ tan vỡ. Tấm lòng vị tha và bao dung của người phụ nữ đã kéo trở lại trái tim người chồng lạc lối, khiến chàng càng trăm phần bội phục đức hạnh và tài năng của nàng, nguyện ý cùng nàng sống những ngày tháng hạnh phúc êm đềm mãi mãi, thật đáng ngưỡng mộ lắm thay!

Cao Nguyên
Theo Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Thanh hương nhã cú (P-5): Phụ nữ thời xưa làm gì khi chồng thay lòng đổi dạ