Thanh hương nhã cú (P-2): Đạo nghĩa vợ chồng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong một xã hội tràn ngập muộn phiền và phức tạp như hiện nay thật khó để tìm được một miền đất thanh tịnh cho tâm hồn. Chúng tôi hy vọng loạt tác phẩm Thanh hương nhã cú của NTD Việt Nam sẽ đưa các bạn độc giả tìm về được cội nguồn nhân sinh, cách sống an nhiên hòa hợp của con người trong nền văn hoá truyền thống Á Đông. Lẽ sống này được chia làm ba nội dung chính: “Hòa hợp con người với thiên nhiên”, “Hòa hợp giữa người với người” và “Hòa hợp giữa tâm và thân”.

Trong văn hóa Á Đông mối quan hệ giữa con cái và cha mẹ, vợ và chồng, anh chị em, bạn bè và vua tôi luôn được xem là cực kỳ quan trọng. Người xưa vẫn thường có câu: “Phu nghĩa phụ thuận, phụ từ tử hiếu, huynh hữu đệ cung, bằng hữu hữu tín, quân nhân thần trung" (Chồng nghĩa vợ thuận, cha từ con hiếu, anh em tương kính, bạn bè có tín, quân vương nhân ái quần thần trung). Vậy vì sao chúng lại quan trọng đến vậy? Kỳ thực đối với mỗi người, không ai có thể tồn tại mà không cần sự giúp đỡ của mọi người xung quanh. Và người thân lại càng hơn thế, người ta thường nói “một hàng rào phải có ba cái cọc, một hảo hán phải có ba người giúp đỡ”. Sự giúp đỡ của bạn bè đồng nghiệp trên thực tế cũng bắt đầu từ sự tương trợ trong gia đình, từ cha mẹ, vợ chồng và anh chị em với nhau. Vậy họ đã tương trợ với nhau như thế nào? Ở phần thứ hai này chúng ta sẽ tiếp tục nghiên cứu về đạo nghĩa vợ chồng trong năm mối quan hệ kể trên dưới góc độ của văn hoá truyền thống.

Tất cả các mối quan hệ trong xã hội đều bắt nguồn từ vợ chồng, bởi lẽ “Nam nữ có khác biệt, nhưng vợ chồng lại có nghĩa; Vợ chồng có nghĩa, thì cha con có thân; Cha con có thân, thì quân thần có chính. Hôn lễ thời xưa ấy, là lấy lễ làm căn bản". (Trích: Sử Ký). Cũng chính là nói bởi vì nam nữ là khác nhau, vậy nên mới có phân công, mỗi người đều có trách nhiệm riêng của mình, từ đó mới hình thành nên đạo nghĩa vợ chồng, đặt ra chuẩn tắc đạo đức cho thế nhân, sau đó cha con mới có thể thương yêu hiếu kính; quân thần mới có thể giữ vững địa vị. Cũng là nói “hôn lễ” thì cần lấy “lễ” làm căn bản, mối quan hệ giữa vợ và chồng cũng chính là khởi nguyên của các mối quan hệ khác trong xã hội. Bài thơ Đào Yêu trong tập Thi Kinh cũng mô tả về việc người con gái xuất giá rằng:

“Đào chi yêu yêu,
Chước chước kỳ hoa,
Chi tử vu quy,
Nghi kỳ thất gia".

Tạm dịch:

Đào tơ mơn mởn xinh tươi,
Hoa hồng đơm đặc dưới trời xuân trong.
Hôm nay nàng đã theo chồng,
Nên bề gia thất ấm nồng thuận vui.
(Bản dịch của Tạ Quang Phát).

Bài thơ toát lên được hình ảnh người con gái trẻ khi xuất giá ngắm nhìn hoa đào nở rộ, phảng phất hình ảnh chính mình trong cái vẻ đẹp mỹ miều đó, gả vào nhà chồng hy vọng sẽ đem đến hạnh phúc và thịnh vượng cho gia đình họ.

đạo vợ chồng
Đào tơ mơn mởn xinh tươi, Hoa hồng đơm đặc dưới trời xuân trong. (Ảnh: Shutterstock)

Thời xưa khi con gái về nhà chồng được gọi là “quy”. Theo sách Chu lễ, tiết tháng trọng xuân (tháng hai) nam nữ hội hợp mà lấy nhau thành vợ thành chồng, thì hễ cây đào trổ hoa là mùa hôn nhân vậy. Vợ chồng trong văn hoá truyền thống Á Đông giảng về “tương kính như tân” (kính lễ nhau như khách), vợ chồng hòa hợp, như trống và đàn tranh, người ta cũng thường ví sự dung hợp giữa vợ chồng như tiếng đàn tranh và tiếng chim hót.

Làm một người trượng phu thì cần giảng về đạo nghĩa, ân nghĩa, tình nghĩa; làm một người nữ thì giảng về hoà thuận và nhu thuận, trong cuốn Nữ Giới cũng đã viết: “Phu bất hiền, tắc vô dĩ ngữ phụ; phụ bất hiền, tắc vô dĩ sự phu". Nghĩa là nếu như người chồng không đủ hiền đức thì không thể lịch sự lễ tiết đối đãi với vợ, không cách nào khiến người vợ biết tôn trọng thương yêu, còn nếu người vợ không đủ hiền đức thì sẽ không thể chăm sóc tốt được cho người chồng.

Vì vậy chồng vợ cũng như trời với đất, một dương một âm, hòa hợp tương hỗ lẫn nhau. Những câu chuyện về tình nghĩa giữa vợ chồng vẫn luôn được lưu truyền hàng ngàn năm nay trong kho tàng văn hoá lịch sử, ví như Lý Thanh Chiếu và Triệu Minh Thành gảy đàn, chơi cờ, vẽ tranh tâm đầu ý hợp, Tô Thức vì để tưởng niệm người vợ đã tạ thế liền chấp bút sáng tác một bài thơ với tựa đề Giang Thành Tử khiến bao người cảm thán:

“Thập niên sinh tử lưỡng mang mang,
Bất tư lường, tự nan vương.
Thiên lý cô phần,
Vô xứ thoại thê lương.
Túng sử tương phùng ưng bất thức, trần mãn diện,
Mấn như sương.
Dạ lai u mộng hốt hoàn hương,
Tiểu hiên song,
Chính sơ trang.
Tương cố vô ngôn,
Duy hữu lệ thiên hàng.
Liệu đắc niên niên trường đoạn xứ,
Minh nguyện dạ,
Đoản tùng cương.

Tạm dịch:

Mười năm sinh tử đôi nơi
Tuy không nghĩ đến, chẳng thôi nhớ nàng
Mồ cô quạnh, cách dặm ngàn
Nơi nào bày tỏ tâm tình thê lương
Gặp nhau còn nhận ra không?
Phong trần sắc mặt, tóc sương pha mầu
Về quê trong mộng đêm thâu
Nàng bên song cửa chải đầu điểm trang
Nhìn nhau chẳng nói,
Lệ ứa muôn hàng
Năm lại năm, chốn đoạn tràng
Đồi thông, gốc mộ, trăng ngàn lạnh soi ...
(Bản dịch của Vương Thanh)

tình nghĩa vợ chồng
Mười năm sinh tử đôi nơi, Tuy không nghĩ đến, chẳng thôi nhớ nàng. (Ảnh: Shutterstock)

Bài thơ đong đầy tình nghĩa sâu đậm của Tô Thức đối với thê tử, trăm ngàn năm vẫn được người đời ca tụng.

Tại xã hội hiện đại cũng có không ít những câu chuyện như vậy. Sau khi thê tử Mao Mỹ Đường của Nhiêu Bình Như qua đời, ông đã vẽ hơn 300 bức hoạ, bắt đầu từ khi hai người quen nhau, mãi cho đến tận lúc vợ ông tạ thế, Nhiêu Bình Như đã vẽ rất nhiều những bức tranh về cuộc sống thường nhật giản đơn của họ khiến bao người rơi lệ. Về sau những bức họa này được chỉnh lý thành sách với tựa đề “Bình Như Mỹ Đường - Câu chuyện của hai chúng tôi", từ đó về sau người ta gọi tình nghĩa vợ chồng như “Chấp tử chi thủ dữ tử giai lão" (Nắm tay bạn, tới bạc đầu) (Trích Thi Kinh).

Vậy nên trong văn hoá truyền thống, để hôn nhân thuận hòa, vợ chồng êm ấm, gia đình hạnh phúc thì cốt lõi hai vợ chồng cần làm được “Đạo", tiếp sau đến “Nghĩa".

Trúc Lâm

Theo: Epochtimes



BÀI CHỌN LỌC

Thanh hương nhã cú (P-2): Đạo nghĩa vợ chồng