Thanh Hương Nhã Cú (P-13): Nơi nào tâm an định, đó chính là cố hương

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nơi nào khiến cho tâm an định thì nơi đó chính là cố hương

Vào năm Nguyên Phong thứ hai (1079) thời vua Tống Thần Tông, Tô Thức vì Ô Đài thi án mà bị giáng chức và bị giam trong ngục. Ông bị vu oan là dùng thơ để ám chỉ triều chính. Tuy nhiên ông cũng từng viết một bài thơ chỉ trích thuế muối của Vương An Thạch. Có lần ông còn bị người nhà của Vương An Thạch vu oan là lạm dụng quyền lực cướp tiền dân mua bát đĩa. Cuối cùng ông bị chuyển ra Hoàng Châu, biếm làm chức quan nhỏ Kiểm hiệu thuỷ bộ Viên ngoại lang, Hoàng Châu đoàn luyện phó sứ, chức danh mới này không có kinh phí, khiến cuộc sống của ông khốn cùng đến đáy.

Ông có rất nhiều bằng hữu cũng chịu liên lụy, trong đó có một vị bằng hữu tên là Vương Định Quốc. Vương Định Quốc cũng bị giáng làm chức quan nhỏ ở tận vùng Tân Châu xa xôi hẻo lánh trong 3 năm. Lúc đó chỉ có duy nhất một người tiểu thiếp là chịu theo Vương Định Quốc, tên của nàng là Ngụ Nương.

Trải qua 3 năm, khi Vương Định Quốc quay lại và tương phùng với Tô Thức, đối diện với thăng trầm chốn quan trường và cảnh ngộ bạc bẽo của kiếp nhân sinh, Tô Thức đã nhẹ nhàng hỏi Ngụ Nương rằng: “Nghe nói phong thổ Lĩnh Nam không mấy hiền hòa.”

Không ngờ Ngụ Nương đáp lại một câu khiến Tô Thức rất cảm động, nàng nói: “Thử tâm an xứ thị ngô hương”.

Ý là: Nơi nào khiến cho tâm an định thì nơi đó chính là cố hương.

Tô thức nghe xong thì cảm khái vô cùng, thế là ông liền đề bút viết một bài thơ “Định phong ba”:

Vốn thích hào hoa ấy những chàng,
Trời còn đem tặng một cô nàng.
Nức tiếng ca hay cùng vẻ đẹp,
Gió nổi,
Tuyết bay biển nóng mát trong lành.

Vạn dặm về đây thêm nét trẻ,
Cười mỉm,
Mai thơm từ núi miệng còn vương.
Ướm hỏi Lĩnh Nam trời không tốt?
Bèn nói,
Thấy lòng yên ổn tức quê hương.
(Bản dịch: Điệp Luyến Hoa)

Nguyên văn:

“Thường tiện nhân gian trác ngọc lang,
Thiên ứng khất dữ điểm tô nương.
Tự tác thanh ca truyền hạo xỉ,
Phong khởi, tuyết phi viêm hải biến thanh lương.
Vạn lý quy lai nhan dũ thiếu,
Vi tiếu, tiếu thì do đái lĩnh mai hương.
Thí vấn Lĩnh Nam ứng bất hảo,
Khước đạo, thử tâm an xử thị ngô hương.”

Câu cuối của bài thơ “Thử tâm an xứ thị ngô hương” được lưu truyền ngàn đời sau. Là câu nói mà hậu nhân khắc ghi để nhắc nhở bản thân, trước phong ba bão táp của kiếp nhân sinh, dẫu ở nơi đất khách quê người thì tâm cũng an mà lòng cũng vững, có thể thích ứng trong mọi tình cảnh, có thể coi bốn bể là nhà mà thản đãng dung chứa vạn vật.

Cao Nguyên

Theo The Epochtime



BÀI CHỌN LỌC

Thanh Hương Nhã Cú (P-13): Nơi nào tâm an định, đó chính là cố hương