Thanh hương nhã cú (P-1): Đạo hiếu mẹ cha

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hiếu thuận không phải là răm rắp thuận theo ý cha mẹ, muốn trở thành một người con biết tận hiếu thì cần phải dụng tâm của bản thân, dù ở bất cứ nơi đâu cũng nghĩ cho cha mẹ, xuất phát điểm nên phải xét xem tự bản thân làm thế nào để cha mẹ yên lòng. Chủ động thông qua hành vi của bản thân để có thể biểu đạt tình cảm với các bậc trưởng bối.

Trong một xã hội tràn ngập muộn phiền và phức tạp như hiện nay thật khó để tìm được một miền đất thanh tịnh cho tâm hồn. Chúng tôi hy vọng loạt tác phẩm “Thanh hương nhã cú” của NTD Việt Nam sẽ đưa các bạn độc giả tìm về được cội nguồn nhân sinh, cách sống an nhiên hòa hợp của con người trong nền văn hoá truyền thống Á Đông. Lẽ sống này được chia làm ba nội dung chính: “Hòa hợp con người với thiên nhiên”, “Hòa hợp giữa người với người” và “Hòa hợp giữa tâm và thân”.

Trong văn hóa Á Đông mối quan hệ giữa con cái và cha mẹ, vợ và chồng, anh chị em, bạn bè và quân thần luôn được xem là cực kỳ quan trọng. Người xưa vẫn thường có câu: “Phu nghĩa phụ thuận, phụ từ tử hiếu, huynh hữu đệ cung, bằng hữu hữu tín, quân nhân thần trung" (Chồng nghĩa vợ thuận, cha từ con hiếu, anh em tương kính, bạn bè có tín, quân vương nhân ái quần thần trung). Vậy vì sao chúng lại quan trọng đến vậy?

Kỳ thực đối với mỗi người, không ai có thể tồn tại mà không cần sự giúp đỡ của mọi người xung quanh. Và người thân lại càng hơn thế, người ta thường nói “một hàng rào phải có ba cái cọc, một hảo hán phải có ba người giúp đỡ”. Sự giúp đỡ của bạn bè đồng nghiệp trên thực tế cũng bắt đầu từ sự tương trợ trong gia đình, từ cha mẹ, vợ chồng và anh chị em với nhau. Vậy họ đã tương trợ với nhau như thế nào? Ở phần đầu chúng ta sẽ nghiên cứu về đạo hiếu đối với cha mẹ trong năm mối quan hệ này dưới góc độ của văn hoá truyền thống.

hiếu thuận với cha mẹ
Trong văn hóa Á Đông mối quan hệ giữa con cái và cha mẹ, vợ và chồng, anh chị em, bạn bè và quân thần luôn được xem là cực kỳ quan trọng. (Ảnh: miền công cộng)

Hiếu kính và hiếu thuận

Có một câu chuyện kể về Tăng Tử rằng: Tăng Tử là học trò xuất sắc của Khổng Tử, anh tự nhận mình là một người con hiếu thuận. Phụ thân của Tăng Tử là Tăng Tích, một ngày nọ Tăng Tử phạm lỗi nghiêm trọng khiến cha giận dữ, ông lấy một cây gậy rất dày đến đánh đòn, đánh đến nỗi Tăng Tử như sắp ngất xỉu, nhưng anh vẫn kiên cường nhẫn chịu.

Sau đó anh đem câu chuyện kể lại cho thầy và thầm nghĩ Sư phụ sẽ khen ngợi mình, không ngờ Khổng Tử nói: “Con hành xử như vậy thì sao có thể gọi là có hiếu được, nếu như đích thân cha con đánh con, đánh đến nỗi thân thể bị thương, như vậy hàng xóm và người lân cận đó chẳng phải đều sẽ dị nghị về ông đúng không? Họ có thể cho rằng cha con thật là tàn bạo, như vậy chẳng phải là chính con đưa phụ thân mình vào chỗ bất nghĩa sao?”

Tăng Tử nghe xong rất lấy làm bối rối và xin thầy chỉ dạy, Khổng Tử đáp: “Sau này nếu như cha con dùng gậy rất dày để đánh thì con hãy mau bỏ chạy, nếu như ông dùng bằng chiếc mỏng hơn thì con hãy cố gắng chịu đựng vậy, ít nhất thì cũng chỉ là phần da thịt chịu khổ chút thôi".

Tăng Tử tiếp tục hỏi Thầy: “‘Nếu phận làm con luôn luôn nghe theo lời chỉ bảo của cha mẹ, như vậy có được tính là hiếu thuận không thưa Sư phụ?’ Khổng Tử đáp: ‘Nếu như con chỉ nhất mực nghe theo chỉ lệnh của cha mẹ, làm sao có thể gọi là tận hiếu được?’”

(Nguyên gốc: Tăng Tử viết: “Cản vấn tử tòng phụ chi lệnh, khả vị hiếu hô?” Khổng Tử thuyết: “Tòng phụ chi lệnh, hựu diên đắc vi hiếu hô?”)

Hiếu thuận không phải là răm rắp thuận theo ý cha mẹ, muốn trở thành một người con biết tận hiếu thì cần phải dụng tâm của bản thân, dù ở bất cứ nơi đâu cũng nghĩ cho cha mẹ, xuất phát điểm nên phải xét xem tự bản thân làm thế nào để cha mẹ yên lòng. Chủ động thông qua hành vi của bản thân để có thể biểu đạt tình cảm với các bậc trưởng bối.

báo hiếu cha mẹ
Muốn trở thành một người con biết tận hiếu thì cần phải dụng tâm của bản thân, dù ở bất cứ nơi đâu cũng nghĩ cho cha mẹ (Ảnh: Epoch times)

Dưỡng thân và dưỡng tâm

Đa phần trong thâm tâm mỗi người đều nghĩ rằng chỉ cần lo cho cha mẹ ăn no mặc ấm thì đã là chăm sóc cha mẹ được tốt, là cách báo hiếu tốt nhất. Nhưng kỳ thực không phải như vậy.

Tăng Tử rất hiếu thuận, khi anh phụng dưỡng cơm nước cho cha của mình đều có đầy đủ rượu thịt, khi đồ ăn còn thừa Tăng Tử thường hỏi cha rằng đồ ăn thừa thì cho ai, bởi vì anh biết cha rất quan tâm đến cháu chắt trong nhà cùng những người hàng xóm nghèo khó. Tăng Tử không chỉ tận tâm chăm sóc cho cha mình, mà còn rất quan tâm đến những người mà cha quan tâm. Khi Tăng Tích hỏi anh còn dư cơm canh không, Tăng Tử đều trả lời là có, bởi lẽ anh muốn phụ thân không phải lo lắng có thể yên tâm dùng bữa. Tăng Nguyên là con trai của Tăng Tử, khi phụng dưỡng cơm nước cho cha mỗi bữa cũng có rượu thịt, nhưng trước giờ đều không hỏi đồ ăn thừa lại thì cho ai, Tăng Tử hỏi cậu có đồ ăn thừa không, cậu đều nói không, nếu muốn ăn thêm thì cần làm thêm, Tăng Tử thấy vậy nên cũng không dám ăn thêm nhiều. Câu chuyện ba thế hệ trong ngôi nhà này đã cho chúng ta thấy được rằng: Tăng Nguyên chỉ phụng dưỡng được phần thân của cha, có thể được ăn đầy đủ, còn Tăng Tử có thể phụng dưỡng được cả thân lẫn tâm của Tăng Tích.

Vậy nên trong Luận Ngữ đã viết: “Cái gọi là “hiếu" trên bề mặt, chỉ là có thể phụng dưỡng thân thể của cha mẹ. Tuy nhiên, đó cũng như nuôi chó nuôi ngựa, công việc quá dễ dàng. Nếu như không tồn tại cái tâm hiếu kính với cha mẹ, vậy việc phụng dưỡng họ và nuôi chó ngựa có gì khác nhau?”

(Nguyên gốc:Kim chi hiếu giả, thị vị năng dưỡng. Chí ư khuyển mã giai năng hữu dương; bất kính, hà dĩ biệt hô?”)

Người ta vẫn hay nói: “Bảy phần tinh thần, ba phần bệnh", có thể nói tinh thần ảnh hưởng đến con người lớn nhường nào. Vậy nên có thể khiến cho các bậc sinh thành cảm thấy vui vẻ hạnh phúc sẽ quan trọng hơn gấp nhiều lần việc ăn no mặc ấm. Từ đó vì để cha mẹ có sức khoẻ tốt đã mua rất nhiều thực phẩm dinh dưỡng, thực phẩm bổ ép họ phải ăn cho đến cùng mặc dù có thể cha mẹ không thích.

hiếu kính cha mẹ
Có thể khiến cho các bậc sinh thành cảm thấy vui vẻ hạnh phúc sẽ quan trọng hơn gấp nhiều lần việc ăn no mặc ấm. (Ảnh: miền công cộng)

Ví như có một cô gái nọ nghe nói sữa tươi thanh trùng rất tốt cho sức khoẻ, vậy nên sáng nào cũng đều ép cha mẹ uống hết một ly lớn, mẹ cô ấy nói là không muốn uống sữa, cô nói rằng không được, mọi người đều nói sữa này rất tốt cần phải uống. Nhưng mẹ cô lại nói, sữa bình thường mẹ uống vào hay bị đau bụng, cô ấy vẫn cứ khăng khăng ép bà uống. Thử nghĩ sản phẩm dinh dưỡng mà bà uống trong tâm trạng như vậy thì có tác dụng làm sao?.

Còn có một ví dụ khác, có một ông lão cao tuổi, thân thể già yếu, không thể làm các công việc nặng nhọc. Tuy nhiên ông lại là một người không quen nhàn rỗi vậy nên đã muốn mở một cửa hàng tạp hoá nhỏ để bán nơi dân cư thành thị đông đúc. Nhưng người nhà ông nhất mực phản đối, mọi người đều cho rằng nghỉ ngơi không phải làm gì hết thì chính là đang hưởng phúc, là sự an dưỡng tốt nhất, họ cũng không cần chút đồng lẻ của ông. Đối mặt với bốn bức tường cộng với sự nhàn rỗi sinh ra cuối cùng khiến ông cụ quá bí bách mà lâm bệnh nặng.

Phận làm con cháu đều hy vọng cha mẹ mình đến tuổi già sẽ được an dưỡng, được vui vẻ bội phần, nhưng họ lại nhìn nhận một cách lệch lạc rằng hạnh phúc bằng vật chất cũng bằng như hạnh phúc về tinh thần. Nếu như chúng ta thực sự quan tâm thương yêu cha mẹ thì hãy nên quan tâm nhiều hơn đến cuộc sống tinh thần của họ, hỏi họ xem có chuyện gì phiền não hay không, có nguyện vọng gì không, những chuyện khiến họ vui là chuyện gì. Đừng đợi đến khi “cây muốn lặng mà gió chẳng dừng, con cái muốn chăm sóc nhưng không làm nổi".

Hy vọng rằng những mẩu chuyện trên sẽ là cây cầu gắn kết mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trong gia đình, cũng hy vọng rằng mỗi bạn đọc sẽ biết cách hành xử đúng đắn để trở thành người con hiếu thuận như Tăng Tử.

Trúc Lâm

Theo: Epochtimes



BÀI CHỌN LỌC

Thanh hương nhã cú (P-1): Đạo hiếu mẹ cha