Thần tích nước Nam (Kỳ 8): Cuộc chiến với Quỷ Xương Cuồng - yêu quái mạnh nhất nước Nam

Giúp NTDVN sửa lỗi

[Radio] - Quỷ Xương Cuồng vì sao được coi là yêu quái mạnh nhất nước Nam và làm thế nào để diệt trừ được nó? Câu chuyện vẫn mang âm hưởng hào hùng từ quá khứ của con Rồng cháu Tiên.

Lời tựa:

Trong Sấm ký, bản quốc ngữ Hương Sơn của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm mở đầu bằng câu thơ: “Nước Nam thường có thánh tài” như một lời khẳng định nước Nam là một vùng đất “địa linh nhân kiệt”. Thành ngữ Trung Hoa có câu “Sơn Tiên Thủy Long” tạm hiểu là: “núi không cần cao vẫn có tiên ở nên danh nổi, nước không vì sâu vẫn có rồng nằm nên hóa linh”, cũng có thể dùng để nói về nước Nam ta vậy.

Bởi thế, nội dung của loạt bài này sẽ là về những Thần tích nước Nam. Đây là những câu chuyện dẫu có lúc chẳng phải chính sử, mà dựa trên huyền sử, dã sử… vẫn bàng bạc sắc màu của văn hóa thần truyền. Dẫu là tác phẩm phóng tác, đôi lúc hư thực khó phân... vẫn thấm đượm tinh thần và hào khí nước Nam.

Đó vẫn là những tài sản tinh thần vô giá của dân tộc Việt và nhân loại nói chung, mà chúng tôi muốn góp phần nhỏ bé để truyền tải và lưu giữ.

(Kỳ 7): Lai lịch bí ẩn của Thanh Giang sứ giả - vị Thần bảo hộ nước Nam
(Kỳ 9): Chuyện đức Lạc Long Quân diệt ngư tinh [Radio]

Kỳ 8: Cuộc chiến với Quỷ Xương Cuồng - yêu quái mạnh nhất nước Nam

Lai lịch của Mộc tinh

Từ thuở Trời đất mới hình thành đã xuất hiện những tạo vật đầu tiên, gọi là những tạo vật nguyên thủy, theo thời gian đã phân ra chính tà. Những tạo vật có bẩm tính cao thượng hấp thụ Thần khí từ các vị Thần sáng thế, trở nên các vị Thần tự nhiên bảo hộ nhân gian. Còn những tạo vật cổ quái, có tà tâm thì dần dần tách mình về thế giới âm u quái dị, trở thành những ma quái viễn cổ, những hồng thủy mãnh thú, đối chọi với các Thần và gây hại cho con người.

Ở đất Phong Châu cũng một tạo vật như thế, tiếc thay nó chẳng phải chính phái. Đó là một cây chiên đàn có từ thời Trời đất mới chia trong đục. Thân cây cao hơn nghìn trượng, cành lá xum xuê, tán xòe rộng che đến mấy trăm dặm đất. Chim hạc bay đến làm tổ trắng xóa trên ngọn cây nên cũng gọi tên đất này là Bạch Hạc. Cây chiên đàn này là thứ cây quý hiếm, hương thơm kỳ ảo miên man, khiến ai ngửi thấy cũng say mê không tỉnh.

Cây chiên đàn đất Phong Châu có từ khi khai thiên lập địa, đã trở thành Mộc tinh (nguồn: NTDVN)

Cây này đỉnh chạm mây xanh, rễ thông địa phủ, vì có bản sự mê hoặc như vậy, lại sẵn có sức mạnh tiên thiên của tạo vật thuở khai thiên lập địa, nên nuôi dưỡng tính kiêu căng cuồng ngạo, lâu ngày thành tinh, hình thành một con tinh bên trong nó, gọi là Mộc Tinh. Nhưng nó rất khôn ngoan, biết che dấu bản tính yêu tinh bằng hình hài một nam nhân đẹp đẽ, tóc đỏ, da trắng, ăn nói lưu loát, dáng vóc như tiên hạc. Bởi vậy, nó mặc sức mê hoặc, đánh lừa dân địa phương mà ăn thịt.

Cuộc chiến của cha con Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân với Mộc tinh

Bấy giờ là thời kỳ cha con Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân thuộc họ Thần Nông từ phương bắc mà nam tiến. Kinh Dương Vương những lần đi tuần thú qua vùng Bạch Hạc đều nghe dân tình ca thán về Mộc Tinh ăn thịt người. Kinh Dương Vương tên thật là Lộc Tục, là cháu bốn đời của Thần Nông vốn tư chất thông minh, phép thuật như Thần. Ngài cho người của mình sống lẫn với dân địa phương để theo dõi hành tung của Mộc tinh. Chỉ thấy những lần nó đến đều là gió lớn nổi lên, đất trời thơm sực nức, rồi xuất hiện một nam nhân thanh thoát như tiên, hình dung lãng đãng, nói nói cười cười, sau đó nhân lúc người ta như mê như say không phòng bị, hắn nổi cơn cơn gió to cuốn người đi, đa phần là phụ nữ trẻ em. Người ta theo dấu mà đuổi thì cứ đến gần cây chiên đàn là mất tích. Có những khi người của Kinh Dương Vương rình hắn ở gần gốc cây mà không thể tiếp cận được vì đàn hạc trên cây thấy động kêu lớn.

Chẳng làm thế nào được, Kinh Dương Vương bèn thay đổi chiến thuật. Ngài thấy cần phải dụ nó đến mà diệt.

Ngài chỉ dạy cho dân cách làm nhạc cụ bằng đá như đàn đá, khánh đá, lại ban cho một nhạc cụ kỳ lạ bằng đồng, nom như hai cái đĩa tròn sâu úp vào nhau, trên có nhiều họa tiết, khi chơi là đập hai nửa vào nhau để tạo ra âm thanh. Rồi ngài lại dặn họ phải nổi lửa nướng thức ăn và đàn hát nhảy múa tưng bừng.

Dân thắc mắc, thì ngài gọi một số người cầm đầu vào khẽ dặn dò:

“Mộc tinh dùng yêu thuật mê hoặc khiến người mê muội đờ đẫn, thì ta dùng âm nhạc nhảy múa để duy trì tỉnh táo. Nó dùng mùi hương chiên đàn gây ảo giác, thì ta phá bằng mùi thịt nướng, mùi thức ăn. Còn nữa, dẫu sao nó vẫn là tinh cây, là mộc thì sợ hỏa, nên ta dùng lửa để tự vệ. Vả lại, con yêu tinh này ham vui, lại kiêu căng ngạo mạn muốn khoe khoang bản sự, nên ta phải bày cuộc vui để nó tìm đến.”

Y như rằng, nghe tiếng huyên náo, Mộc tinh tìm đến, nhưng thấy lửa nóng, nó không dám vào gần, nhất thời không tìm được cách mê hoặc dân chúng. Chính lúc Mộc tinh đang bối rối, Kinh Dương Vương xuất hiện. Ngài giơ cao hai cánh tay lên trời, một vùng mây mênh mông đen kịt tụ lại. Ngài phất tay xuống, có tiếng sấm nổ vang, rồi trong nháy mắt một tia sét cực lớn giáng xuống Mộc tinh khiến nó lảo đảo và hốt hoảng chạy mất.

Kinh Dương Vương diệt Mộc tinh cứu dân (nguồn: NTDVN)

Hôm sau, người dân thấy một vệt cháy đen thui dọc theo thân cây chiên đàn.

Nhưng đúng thời điểm ấy, Kinh Dương Vương lại có việc phải về phương Bắc. Trước khi đi, ngài truyền ngôi và dặn dò con trai là Sùng Lãm Lạc Long Quân ở lại để bảo hộ dân chúng và đối phó với Mộc tinh.

Thời gian trôi qua, vết sẹo trên cây chiên đàn cũng dần lành lại. Sau trận đòn thừa sống thiếu chết, Mộc tinh không dám ngang nhiên xuất hiện để bắt người nữa, nhất là lúc người dân tụ họp, đốt lửa và đàn hát nhảy múa quanh đống lửa. Nhưng nó vẫn vồ bắt những người đi lẻ vào trong rừng.

Lạc Long Quân thương dân chúng lầm than bèn quyết trừ hại Mộc tinh cho người dân Bạch Hạc.

Đến đây, chúng ta lại tìm hiểu đôi chút về Lạc Long Quân.

Ngài tên húy là Sùng Lãm, là con trai của Kinh Dương Vương Lộc Tục với con gái của Thần Long - là vua của hồ Động Đình. Bởi vậy, trong người Lạc Long Quân mang huyết thống của Long tộc. Ngài vóc người cao lớn, thông tuệ và dũng mãnh vô song, được coi như thủy tổ và vị Thần bảo hộ lớn nhất của người dân nước Nam.

Lạc Long Quân thân chinh đến vùng Bạch Hạc, lập đàn quanh gốc cây chiên đàn để quyết chiến với Mộc tinh. Sau 7 ngày 7 đêm ròng rã đấu phép, ngài dùng viên Long Châu, bảo vật của Long tộc, để phong ấn Mộc tinh vào gốc cây chiên đàn, rồi dùng lửa thần để đốt cây.

Nhưng cây chiên đàn vốn là giống linh căn có từ khi khai thiên lập địa, thân cao hơn ngàn trượng, rễ ăn sâu tới địa phủ, sức mạnh của nó vốn có nguồn gốc rất sâu xa và to lớn, lại vì chuyển hướng tà ác nên có thể coi như một thứ tai ách không thể lập tức trừ bỏ của đất này. Chỉ khi cây cháy sạch thì mới diệt được Mộc tinh, nhưng cây quá lớn, cháy đến vài tháng mới hết. Trong lúc ấy, thừa dịp Lạc Long Quân sơ hở, Mộc tinh phá được phong ấn, vùng chạy được về phía tây nam, tức là đất Diễn Châu - Nghệ An ngày nay.

Lạc Long Quân ngẩng mặt lên trời mà than rằng: “Ta muốn trừ hại cho dân mà không làm cho tiệt nọc nó được. Âu cũng là số trời còn cho nó sống đến ngày sau.”

Rồi ngài tụ họp người dân Phong Châu lại mà bảo rằng: “Nay ta đã vì dân Nam mà trừ Ngư tinh, Hồ tinh, chỉ còn Mộc tinh chưa trừ dứt hẳn. Nhưng ở vùng Bạch Hạc này đã không còn phải sợ nó nữa. Nó sẽ còn gieo rắc tai họa cho dân Nam, nhưng sự tồn tại của nó cũng được an bài. Chỉ đến khi nào nước Nam này không còn nội thuộc phương Bắc ắt sẽ có người diệt được nó”.

Mộc tinh chạy về đất tây nam, ngay lập tức lại trú ngụ trong một cây cổ thụ khác. Dù sức mạnh có giảm đi nhưng sự cuồng ngạo không giảm, bèn xưng là Xương Cuồng. Lúc này Lạc Long Quân đã về biển, không ai trị được nó. Các đời Hùng Vương nối ngôi đã phải truyền cho dân vùng ấy, bắt người thuộc tộc người trong núi mà tế cho nó mỗi năm vào ngày 30 tháng Chạp.

Quỷ Xương Cuồng và cuộc Nam tiến của Triệu Đà

Tần Thủy Hoàng sau khi thống nhất Trung Nguyên thì nhòm ngó xuống vùng đất Lĩnh Nam, theo sách Hoài Nam Tử thì là vì thèm muốn quý vật như ngọc trai, sừng tê, đồi mồi, dược liệu… của vùng đất này. Tần Thủy Hoàng bèn sai Đồ Thư đi bình định vùng Lĩnh Nam. Quân Nam rút vào rừng kháng chiến, Đồ Thư bị giết nhưng vùng Lĩnh Nam cũng thất thủ. Tần Thủy Hoàng sai Nhâm Ngao và Triệu Đà đến cai trị Lĩnh Nam. Nhâm Ngao làm quận úy Nam Hải, dưới Nhâm Ngao là Triệu Đà làm huyện úy Long Xuyên.

Năm 210 trước Công Nguyên (TCN), Tần Thủy Hoàng chết, con là Tần Nhị Thế nối ngôi, khởi nghĩa Trần Thắng, Ngô Quảng nổ ra năm 209 TCN, rồi tiếp theo là chiến tranh Hán-Sở giữa Lưu Bang và Hạng Vũ (từ năm 206 TCN), Trung Nguyên rơi vào cảnh rối ren loạn lạc.

Còn ở đất Lĩnh Nam Nhâm Ngao nhân thấy Quỷ Xương Cuồng lộng hành nên tìm cách trừ diệt. Trước hết là bãi bỏ tục tế người cho Xương Cuồng vào ngày 30 tháng Chạp, tức 30 Tết hàng năm. Xương Cuồng tức tối bèn vật cho Nhâm Ngao ốm nặng. Đại Việt sử ký Toàn Thư, phần ngoại kỷ, kỷ nhà Thục có chép Mông Ngao “phạm thổ thần, bị bệnh phải rút về”. Còn sách Lĩnh Nam Chích Quái viết rằng: “Kịp tới khi Tần Thủy Hoàng bổ Nhâm Hiêu (còn gọi là Nhâm Ngao) làm huyện lệnh, muốn bỏ tệ ấy đi. Thần Xương Cuồng tức giận vật chết Hiêu, vì thế về sau lại phải phụng thờ cẩn thận”. Vì vậy năm 208 TCN, Quận úy Nam Hải là Nhâm Ngao trước khi chết cho gọi Triệu Đà đang tạm thời làm Huyện lệnh Long Xuyên đến, dặn dò đại ý rằng:

“Vùng đất Nam Hải có núi chắn, có biển kề, rất thuận lợi cho việc dựng nước và phòng thủ chống lại quân đội từ Trung Nguyên (tức khu vực trung ương Trung Quốc) đánh xuống”. (Wikipedia)

Triệu Đà nhân đó mới được thay thế Nhâm Ngao làm Quận úy, rồi độc lập với Trung Nguyên, lại chinh phục Âu Lạc và các bộ tộc khác của Bách Việt, tự lập mình làm vua nước Nam Việt, xưng hùng xưng bá ngang hàng với nhà Hán ở Trung Nguyên.

Rồi Triệu Đà mất, con cháu nối được bốn đời nhưng sau đó nội bộ rối loạn, nhân đó bị nhà Hán chiếm, mở đầu thời kỳ Bắc thuộc của nước Nam.

Cũng có nhiều người khác cho rằng, thời kỳ Bắc thuộc đã bắt đầu từ khi Triệu Đà người phương Bắc diệt nước Âu Lạc của An Dương Vương - một hậu duệ họ xa của họ Hùng, cũng là hậu duệ của đức Lạc Long Quân.

Và trong lúc đó, Xương Cuồng vẫn lộng hành ở vùng đất tây nam của người Lạc Việt.

Cái chết của Xương Cuồng

Năm 938 Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán, lập ra nhà Ngô, mở ra thời kỳ độc lập của nước Nam. Nhưng sau khi Ngô Quyền chết, đất nước lại hỗn loạn trong mấy chục năm cho đến khi Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân lên ngôi vua, xưng đế hiệu là Đinh Tiên Hoàng. Lúc ấy, nước Nam mới chính thức kết thúc nghìn năm Bắc thuộc, tức là “nước Nam này không còn nội thuộc phương Bắc” như lời đức Lạc Long Quân đã nói. Vua Đinh Tiên Hoàng võ công lừng lẫy, khiến người phương Bắc phải e dè không dám xâm phạm.

Pháp sư Du Văn Tường chém Xương Cuồng (nguồn: NTDVN)

Sách "Lĩnh Nam Chích Quái" chép rằng: “Một hôm, có pháp sư Du Văn Tường vốn người phương bắc, đức hạnh thanh cao, khoảng 40 tuổi, đã từng đi qua nhiều nước, biết được tiếng các dân mọi, học được thuật làm mình vàng và răng đồng, sang nước Nam ta lúc hơn 80 tuổi. Tiên Hoàng lấy lễ thầy trò mà tiếp, pháp sư bèn dạy cho pháp thuật để làm trò vui cho thần Xương Cuồng xem mà giết y.

Người biết pháp thuật này có Thượng Kỵ, Thượng Can, Thượng Đát, Thượng Toái, Thượng Hiểm Can thường làm người cưỡi ngựa hoặc làm bọn con hát. Hàng năm tới tháng 11 lại dựng lầu cầu vồng cao 20 trượng, dựng một cây đứng ở trong, tết vỏ gai làm dây thừng dài 136 thước, đường kính rộng 3 tấc, lấy mây mà quấn ngoài rồi chôn hai đầu dây xuống đất, giữa gác lên cây. Thượng Kỵ đứng lên trên dây mà chạy nhanh 3, 4 lần, đi đi lại lại mà không ngã. Kỵ đầu đội khăn đen, mình mặc quần đen. Dây của Thượng Can dài 150 thước, có một chỗ mắc chạc ba. Hai người mỗi người cầm 1 cán cờ đi trên dây, gặp nhau ở chỗ chạc ba thì lại tránh, lên xuống mà không ngã. Khi thì Thượng Đát lấy một tấm gỗ lớn rộng 1 thước 3 tấc, dày 7 tấc đặt lên trên cây cao 17 thước, Đát đứng ở trên nhảy 2, 3 lầni, tiến tiến lùi lùi. Khi thì Thượng Toái lấy tre đan thành lồng hình như cái lờ bắt cá, dài 3 thước, tròn 4 thước rồi chui vào đứng thẳng mình mà không ngã. Khi thì Thượng Câu vỗ tay nhảy nhót, miệng la hét kêu gào, chuyển động chân tay, rờ xương vỗ bụng, tiến lên lùi xuống, hoặc làm người cưỡi ngựa phi nhảy, cúi mình xuống nhặt lấy vật ở dưới đất mà không rơi khỏi lưng ngựa. Khi thì Thượng Hiểm Can ngả mình nằm ngửa, lấy thân đỡ một cái gậy dài rồi cho đứa trẻ trèo lên. Khi thì cho bọn ca hát gõ trống khua chiêng, ca múa rầm rĩ. Lại giết súc vật mà tế”.

Ấy là Du Văn Tường dùng lại cái mưu của Kinh Dương Vương ngày xưa: dụ Xương Cuồng vốn ham cuộc náo nhiệt mà tới. Xương Cuồng tới xem, pháp sư đọc mật chú bắt nó đứng yên, rồi lấy kiếm ra chém. Xương Cuồng cùng bộ hạ đều chết hết. Từ đó lệ tế người sống hàng năm mới bỏ, dân lại sống yên lành như xưa.

Chính tà tự tâm, sinh diệt bởi Trời

Có nhiều thuyết khác nhau về nguồn gốc của Xương Cuồng, nhưng khó có thể tìm được đủ manh mối của nó trong chính sử, để có thể kết luận như một công trình lịch sử. Vậy thì ở đây, chúng ta chỉ nên coi đó là một câu chuyện huyền sử, chủ yếu để nắm được đại thể và mượn chuyện để luận bàn chút đạo lý.

Có nhiều thắc mắc để lại cho hậu thế. Chẳng hạn như nhiều người cho rằng cây chiên đàn ngày nay là loại cây quý báu nhất, vừa có giá trị về gỗ, vừa có giá trị dược liệu, nhất là nó gắn chặt với những hoạt động tín ngưỡng, tâm linh, vốn là loại cây linh thiêng, sao có thể xuất hiện con yêu quái Mộc tinh rồi sau là Xương Cuồng. Thiển nghĩ, dựa theo thuyết vạn vật có linh thì thứ cây sống muôn năm, lại có lai lịch phi thường như thế ắt là linh dị. Nhưng vật có thể hóa Thần vật cũng có thể thành quỷ vật, tùy vào tâm mà diễn hóa ra. Ma quỷ cũng luôn mượn hình thức tốt đẹp để ngụy trang lừa dối, giống như yêu quái hóa chùa Tiểu Lôi Âm của đức Thích Ca trong Tây Du Ký đấy thôi.

Lại có người thắc mắc rằng: vì sao hùng mạnh như Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân mà không diệt được Xương Cuồng, cuối cùng con quỷ này lại chết trong tay một đạo nhân phương Bắc? Thiển nghĩ, nếu không có hai vị triệt phá hầu hết sức mạnh của Mộc tinh, thì Du Văn Tường cũng khó diệt được Xương Cuồng. Vả lại, sự vật tồn tại là đều có an bài của Thượng Thiên, đến lúc thì sinh, đến lúc thì diệt, sức người khó cưỡng. Chung quy cũng từ cái phúc đức hay nghiệp quả của dân của nước mà ra.

Nguyên Phong

Tài liệu tham khảo:

Loạt bài có tham khảo những tài liệu văn sử có giá trị của nước Nam như: “Lĩnh Nam chích quái”, “Việt điện U Linh”, “Thiền uyển tập anh”, “Truyền kỳ mạn lục”, “Việt sử tiêu án”, “Đại Việt sử ký toàn thư”, “Khâm định Việt sử Thông giám cương mục”... và cả sử Trung Hoa trong cuốn “Lịch sử Việt Nam qua chính sử Trung Hoa” của học giả Cao Tự Thanh, sử Việt từ góc nhìn Trung Hoa trong “An Nam chí lược” của Lê Tắc… và cả trang Wikipedia.



BÀI CHỌN LỌC

Thần tích nước Nam (Kỳ 8): Cuộc chiến với Quỷ Xương Cuồng - yêu quái mạnh nhất nước Nam