Ở phía Tây Bắc của thành Phong Châu có một dãy núi hình như chiếc lọng, dáng núi sừng sững, đỉnh núi xòe ra như tán nên gọi là Tản Viên. Núi có khí tượng đế vương, được xem như vua của các ngọn núi ở nước Nam này. Từ xa xưa đã có câu đối tả khí thế của núi:

“Châu hình đẩu tiễn thiên hoành không
Hạo khí quan mang vạn cổ tồn”.

Tạm dịch là:

“Dáng hình sừng sững ngang trời rộng
Hạo khí mênh mang vạn thuở còn”.

Câu đối ấy được dán trên ngôi đền cổ nằm trên đỉnh núi. Đền này có từ thời vua An Dương Vương, là nơi ngự của tam vị Tản Viên Sơn Thánh.

Tản Viên - linh sơn đệ nhất trời Nam (Nguồn: Wikipedia - CC BY-SA 4.0)

Xét từ thuở cha Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ chia tay nhau, 50 người con theo cha xuống biển, 50 người theo mẹ lên núi thì đức Thánh Tản Viên thuở ban đầu chính là người con trưởng của cha Lạc mẹ Âu.

Ngài vốn là vị tiên Thái Bạch Kim Tinh chuyển sinh, bẩm sinh đã khác lạ, tư chất phi phàm. Đức Thánh Tản Viên không giữ ngôi vua mà nhường cho người em thứ ba, còn ngài ở trên núi Tản, chỉ chuyên tâm vào việc tu luyện. Núi Tản Viên này lại chính là nơi động thiên phúc địa, là long mạch chủ của nước Nam, dáng núi đẹp đẽ, đỉnh có thể thông với Thiên đàng, chân lại ăn sâu tới địa phủ. Tất cả các núi cao đường xa của nước Nam đều dẫn về chầu quanh nơi này. Ngài ở đó tu luyện ngày càng tinh tấn, sau 16 năm thì đắc Đạo. “Thượng Đế sắc phong ngài làm Nam Nhạc thần, nắm quyền Nam Tào Bắc Đẩu, là chủ của vạn thần nước Nam. Tất cả việc nối ngắt các triều đại, hóa sinh của người vật, không có gì là không thuộc quyền xét của Thánh, là đại diện phân xử chính. Đến nay việc ra vào đi đứng, ăn uống trang phục đều như lúc còn sống. Trong các thần bất tử nước Nam thì Tản Thánh ta là đứng đầu” (1).

Thời Hùng Vương là một thời đại thịnh trị của nước Nam, bởi lẽ các đời vua Hùng đều có đức lớn, nhiều người tu Đạo, nhân dân an cư lạc nghiệp sống đời đạo đức, lại có long mạch cực thịnh và sự bảo hộ của Đức Tản Viên Sơn Thánh. Buổi thái bình thịnh trị cứ thế trôi đi đến gần 2000 năm.

Một ngày trên Thiên đình, đức Ngọc Đế thiết triều tại Linh Tiêu bảo điện, bỗng có vị Tăng Trường thiên vương vào tâu rằng:

- Vạn tuế! Ngoài cửa Nam Thiên có vị Nam Nhạc Thần dâng biểu, xin Đấng Thiên Tôn truyền phán.

Mười phương trăm nước Pháp Luân rực sáng, khắp trời cùng mừng vui, thời hạn đã hết.

Ngoài cửa Nam Thiên có vị Nam Nhạc Thần dâng biểu (Ảnh: Shenyun.com)

<
Ngọc đế truyền lệnh:

- Mời vào.

Vị Nam Nhạc Thần tức Tản Viên Sơn Thánh lạy tạ xong, chuyển tiên đồng dâng lên tờ biểu. Đức Ngọc đế xem trong biểu có đoạn:

“Tiểu thần là Nam Nhạc Thần được giao quyền cai quản việc Thần việc người nước Nam, tâu với Đức đại thiên thánh chúa Ngọc Hoàng Thượng Đế rằng: Họ Hùng đã làm vua nước này được gần hai thiên niên kỷ, nay khí số đã gần hết, tiểu thần cũng sắp mãn kỳ làm hộ Thần nước Nam. Nay thần dâng biểu, cúi mong Đức Ngọc đế an bài cho họ khác lên thay và cử người thay thế tiểu thần làm Tản Viên Sơn Thánh. Cẩn tấu!”.

Ngọc đế xem biểu xong phán:

- Ừ, cũng đến lúc Nam Nhạc Thần trở lại tiên giới, làm Thái Bạch Kim Tinh rồi. Có điều, khi triều đại họ Hùng kết thúc cũng là lúc nước Nam cần phải được thanh tẩy bằng một trận Hồng Thủy. Ở phương Bắc trước kia đã có tiên nhân xuống trần làm Hạ Vũ, sau giúp dân trị thủy ở nơi ấy. Còn phương Nam cũng cần có người Trời hạ thế, vừa thế chỗ cho Thái Bạch Kim Tinh làm Tản Viên Sơn Thánh, lại thuận theo an bài của Thiên thượng mà hành sự.

Đức Ngọc đế vừa dứt lời, có hai vị tiên trưởng uy phong lầm lẫm từ trong ban tiến ra tâu:

- Bẩm Đức Ngọc đế, chúng thần cúi mong được lãnh nhận trách nhiệm này.

Hai vị tiên trưởng ấy là ai? Một vị là Thất Sát tinh quân, vị kia là Thiên Tướng tinh quân, họ là bằng hữu thân thiết và đều thuộc chòm Nam Đẩu tinh quân. Ngọc đế phán:

- Vậy Thiên Tướng tinh quân sẽ kế nhiệm Thái Bạch Kim Tinh làm Tản Viên Sơn Thánh, Thất Sát tinh quân đầu thai làm thế tử của Động Đình Quân. Nhưng cần thêm một tiên nữ xuống làm ái nữ của vua Hùng để hai vị diễn một màn tranh dâu long trời long lở đất, mới có cớ để tạo lụt lội nhấn chìm nhân gian, ấy cũng là thuận theo an bài của Thiên thượng. Ta sẽ xuống chiếu sai Hằng Nga cung Quảng Hàn đi làm việc này. Các khanh xuống đó, đừng phụ sứ mệnh trẫm giao phó, cũng đừng quên ngày trở lại thiên giới.

Thế rồi Thất Sát tinh quân xuống trần trước tiên, Thiên Tướng tinh quân chọn thêm hai người phụ tá nên xuống sau một ngày, Hằng Nga chọn người tạm thay nàng chưởng quản Quảng Hàn cung, rồi cũng hạ thế sau đó hai hôm nữa.

Đời Hùng Vương thứ 18, ở tỉnh Sơn Tây, đạo Hưng Hóa, phủ Gia Hưng, huyện Thanh Sơn có động Lăng Sương là nơi đẹp đẽ, khí lành vương vấn. Ở đó có đôi vợ chồng già Nguyễn Cao Hạnh và Đinh Thị Đen tuy đức độ phú quý nhưng tuổi cao mà vẫn hiếm muộn. Ông Nguyễn Cao Hạnh có người em trai là Nguyễn Cao Khang tu nhân tích đức đã nhiều nhưng cũng hiếm muộn đường con cái. Cả hai anh em cùng biện lễ đến cầu tự nơi thần núi Tản Viên. Một hôm, lão bà Đinh Thị Đen gặp rồng vàng hiện, tắm trên đá trắng rồi bỗng thấy trong người khang khác, 14 tháng sau sinh một trai khôi ngô tuấn tú, thông minh dĩnh ngộ, phong tư vạn người có một. Hai ông bà đặt tên con là Nguyễn Tuấn. Cùng lúc ấy, vợ chồng ông Nguyễn Cao Khang cũng sinh được hai người con trai hình vóc phi phàm, đặt tên là Hiển và Sùng.

Khi Tuấn lên 6 tuổi thì cha mất, rủi thay mấy tháng sau vợ chồng người chú Nguyễn Cao Khang cũng theo nhau quy tiên. Bà Đinh Thị Đen mang hai đứa trẻ Hiển, Sùng về nuôi cùng với con mình, nhưng cảnh một lão bà chăm ba đứa trẻ mới vất vả làm sao. Vậy nên năm chúng lên 7 tuổi, ba mẹ con bác cháu dắt díu nhau đến xứ Mang Bồi, núi Thứu Lĩnh Ngọc Tản ngụ cư dưới sự che chở của Lão bà Ma Thị, là Cao Sơn Thần Nữ. Còn Nguyễn Hiển, Nguyễn Sùng cũng được Ma Thị giao cho em trai là Ma Lôi nuôi.

Hai năm sau, Nguyễn Tuấn tìm về động Lăng Sương thăm mộ cha, rồi khi lên 12 tuổi, Tuấn tìm Lý Đường tiên sinh để học đạo. Lúc này, Nguyễn Tuấn đã đổi tên thành Nguyễn Tùng. Tùng thông minh hiếu học, chăm chỉ nỗ lực, ngày kiếm củi nuôi thân, đêm chong đèn đọc sách, dẫu có nghèo khó vẫn vui vẻ không đổi chí, tuy vậy vẫn thường ứa nước mắt thương mẹ già vò võ ngóng trông. Được mấy năm Tùng đã học thành, từ biệt thầy về núi cũ, nhận bà Ma Thị làm mẹ nuôi rồi đưa mẹ đẻ lên ở hẳn trên núi Tản Viên để phụng dưỡng. Hai năm sau, lão bà Đinh Thị Đen mất. Tùng chôn cốt mẹ rồi ở cùng bà Ma Thị và vẫn làm nghề kiếm củi như trước.

Một hôm, Nguyễn Tùng lên núi chặt một cây đại thụ, rồi trở về động báo người đem cây về. Khi lên tới nơi, cả đám lại thấy cây còn nguyên vẹn, lá cành tốt tươi như lúc chưa bị đốn hạ. Tùng lấy làm lạ, lại chặt một lần nữa, chặt xong, chàng bảo đám người kia về trước, còn chàng cũng làm ra vẻ về theo nhưng lại phục ở đó để xem xét. Nửa đêm, bỗng thấy một ông lão thân cao một trượng, râu tóc bạc phơ, áo trắng như tuyết, tay chống gậy trúc xanh biếc, ung dung phớn phở như Thần tiên. Ông lão đó tới gần cây đại thụ, lấy gậy chỉ vào cây, miệng lầm rầm niệm chú, tức thì khí thiêng tụ về, không gian như chập chờn biến hóa, rồi cây đại thụ nằm sóng soài trên mặt đất bỗng dưng trở dậy liền lại với gốc như cũ.

Nguyễn Tùng liền chạy ra khỏi chỗ nấp, đến ôm chặt lấy ông lão nói: “Cụ là ai? Ở đâu tới đây? Sao lại tiếc thương một cây cổ thụ mà chẳng thể tất cho kẻ lưu lạc cơ hàn này?”. Ông lão ôn tồn trả lời: “Ta chính là Sơn Tinh đại thần, vốn là Thái Bạch Thần Tinh Tử Vi thiên tướng, tức Thái Bạch Kim Tinh, vâng lệnh đức Ngọc đế xuống cai quản nước Nam. Cây đại thụ này là cây ngô đồng, cây gỗ đứng đầu trong các loại gỗ quý ở núi Tản trời Nam này, là nơi phượng đậu cất cao tiếng gáy báo hiệu Thánh đế ra đời, đem lại buổi thái bình thịnh trị, sao có thể để ngươi chặt đi được”.

Nguyễn Tùng thấy vậy lạy tạ nói rằng: “Lời của tiên trưởng sáng như gương, Tùng tôi đâu dám không nghe. Ngặt nỗi cơ Trời biến hóa khôn lường, mà đời người vô thường như mây bay khói tỏa, sinh sinh hóa hóa mãi không thôi. Nguyễn Tùng tôi mang tâm nguyện cứu độ thế nhân nhưng tài hèn sức mọn, chẳng thể làm gì, phải chi có được gậy thần và lời chú thì trên có thể báo ơn vua, dưới giúp cho bách tính, cũng khiến cha mẹ được ngậm cười nơi chín suối”.

Thái Bạch Kim Tinh nghe vậy, biết là chí của Tùng đã định, bèn giao cho Tùng gậy thần cùng lời chú và nói:

“Cây gậy này đầu trên có thể cải tử hoàn sinh, đầu dưới lại trừ được họa, phép màu linh nghiệm, cơ biến huyền diệu. Chỉ người có đức lớn mới dùng nổi, hãy cẩn trọng cẩn trọng!”.

Dứt lời, Kim Tinh cưỡi mây bay lên Trời. Cuộc chuyển giao Thần vị “Tản Viên Sơn Thánh” đã diễn ra đơn giản như thế.

Nước này không có người quản lý, hết thảy đều hành xử theo tự nhiên, người dân thuần chân vô tà, không có tư tâm và dục vọng, cũng không có tất cả những thống khổ như sinh lão bệnh tử. Họ có thể đi lại trên không, có thần lực siêu nhiên, nước lửa và vạn vật tự nhiên đều không thể tổn hại đến họ được.

Thái Bạch Kim Tinh chuyển giao Thần vị "Tản Viên Sơn Thánh" cho Nguyễn Tùng ở một nơi như thế (Ảnh: Shutterstock).

Tùng trở về núi Tản Viên, từ biệt mẹ nuôi Ma Thị, đem hài cốt mẹ đẻ về táng ở động cũ Lăng Sương, rồi xưng là Thần Sư, từ đó ngao du thiên hạ.

Gậy thần trong tay, Thần Sư chỉ vào đâu thì lang trùng hổ báo, ma rừng tinh núi đều sợ hãi tránh xa, chỉ vào nước, nước cũng rẽ ra làm hai, Thần Sư nhờ đó có thể băng qua sông như trên đất bằng. Một hôm đến thôn Trung Độ, bãi Ma Xá, còn gọi là bãi Trường Sa, Thần Sư cứu được một con rắn đen trong tay lũ trẻ mục đồng, rồi thả rắn ra sông.

Chẳng ngờ rắn đen là thái tử của Động Đình Quân - Long Vương trị vì vùng hồ Động Đình. Rắn đen trở về tâu bày mọi việc, Động Đình Quân phái người đi đón Thần Sư xuống chơi Hồ Động Đình. Thần Sư xuống đến nơi thấy binh uy hùng tráng, nghi trượng long trọng, cảnh thủy cung đẹp đến lóa mắt. Động Đình Quân đem hết của báu chốn Thủy cung ra tiếp đãi Thần Sư, toàn là những vật trần gian không thể có. Nhưng Thần Sư khiêm nhường, nói rằng gia phong vốn quen làm việc thiện, lại có gậy thần trong tay để cứu nhân độ thế, lại nhờ cơ Trời run rủi nên mới cứu được thái tử. Thế là, một đằng chủ nhà thì khẩn khoản tạ ơn, một đằng khách quý lại kiên quyết chối từ. Động Đình Quân không biết làm sao, bèn giữ Thần Sư ở lại dăm bữa nửa tháng để ngao du thắng cảnh chốn long cung.

Thái tử nhân cơ hội ấy mới ngầm bảo Thần Sư rằng: “Cha tôi có cuốn sách ước nhiệm màu, ước gì được nấy. Nay công ơn huynh cứu mạng như trời như biển, chẳng kém gì ơn tái tạo, tôi sẽ tâu riêng với cha để dâng lên huynh sách ấy, được chăng?”

Thần Sư đồng ý, vậy là Động Đình Quân lấy sách ra tặng. Ở được một tháng, Thần Sư nhớ quê nhà bèn từ biệt ra về, thái tử tiễn Thần Sư tới tận bờ sông. Hai người sau thời gian gặp gỡ đã có tình huynh đệ quyến luyến, mãi chẳng thể chia tay. Thần Sư nhân đó mới làm bài thơ từ biệt:

“Bất vị tương phùng, hữu thử sinh
Lai chi nghĩa dã, khứ chi tình
Dị ư Thứu Lĩnh huyền nhân vọng
Bất dĩ Long cung hạn khách hành
Nhất tháp âm dương hoàn lưỡng lộ
Trùng thiên Vân Hán mộng tam canh
Quan hà nhất biệt song mâu ký
Hà xứ tương tư mịch cựu trình” (2)

Nguyên Phong tạm dịch thơ:

Ai hay tương ngộ cõi nhân sinh
Đến đây vì nghĩa, đi vì tình
Thân nơi Thứu Lĩnh, thôi đành ngóng
Khách chốn Long cung, hận quá nhanh
Âm dương đôi ngả ly biệt mãi
Chập trùng Vân Hán mộng tam canh
Quan hà từ đây xin chào nhé
Cỏ che mưa xóa biết đâu tìm

Thần Sư sau khi tạm biệt thái tử của Động Đình Quân thì về động Lăng Sương, tìm nơi hang động cao ráo sạch sẽ vắng vẻ, giở sách ước ra đọc thấy nghĩa lý thâm ảo tầng tầng lớp lớp, té ra là một cuốn kỳ thư về tu luyện. Thần Sư mừng quá liền bế quan tịch cốc, chuyên tâm tu luyện đêm ngày. Đến khi đã có thành tựu nhất định, vì nóng ruột việc nhà nên thu xếp trở về núi Tản Viên.

Thần Sư trổ phép thần, hóa ra mưa vàng để báo đáp công ơn cưu mang nuôi dưỡng của mẹ nuôi Ma Thị từ thuở hàn vi. Dưỡng mẫu thấy chàng tấm lòng thành thật, nhân hậu nên mừng lắm bèn di chúc để lại cho chàng mọi của cải của bà trên núi Tản. Rồi sau đó vài năm bà cũng khuất núi. Thần Sư trở thành chúa núi Tản Viên, xưng là Sơn Tinh. Lúc này, hai người em Nguyễn Hiển, Nguyễn Sùng cũng tìm đến, Sơn Tinh đem phép thuật trong sách ước ra dạy cho hai người, năng lực cũng tiến triển phi thường, trở thành hai tay trợ tá đắc lực cho chàng.

Lại nói lúc ấy đang buổi trị vì của Hùng Vương thứ 18. Vương đức độ siêng năng, lại kính Trời thờ tổ, thương yêu dân chúng. Song ngặt một nỗi, nhà vua không có người nối dõi vì các hoàng nam đã sớm lìa trần. Vương chỉ có hai người con gái, một người đã thành gia lập thất, người còn lại là Ngọc Hoa công chúa với nhan sắc chim sa cá lặn đang ở tuổi cập kê, được Hùng Vương yêu quý hơn hết thảy. Thiên hạ hiểu rằng ai lấy được công chúa, sớm muộn cũng được Hùng Vương truyền ngôi.

Hùng Tuyền Vương - vị quân chủ cuối cùng của nền văn minh Thần truyền

Hùng Vương thứ 18 kén rể cho Ngọc Hoa công chúa. (Ảnh: NTD Việt Nam tổng hợp)

Vương liền cất lầu cao tổ chức cuộc thi kén rể, anh tài thiên hạ đều kéo đến nườm nượp để thi văn đấu võ, nhưng chẳng ai đủ tài cao đức lớn. Hùng Vương chán nản, định dẹp bỏ cuộc thi thì có hai nhân vật phi phàm tới xin cầu hôn.

Một người vóc dáng mạnh mẽ linh hoạt, uyển chuyển như rồng; người kia thần thái vững chãi sừng sững oai nghi như núi. Một người từ miền sông nước xa xôi; người kia hạ sơn từ núi thiêng của họ Hùng. Một người vận áo đen như nước tối; người kia mặc áo vàng như hoàng thổ. Một người xưng là Thủy Tinh, người kia nhận là Sơn Tinh.

Đó chính là đôi bạn thân thiết không hẹn mà gặp.

Vốn là Thủy Tinh, tức thái tử của Động Đình Quân, nghe nói Ngọc Hoa xinh đẹp tuyệt trần nên quyết tâm lấy được nàng. Còn Sơn Tinh lúc này tu luyện có chút thành tựu, biết khí số họ Hùng đã hết và cuộc kén rể này có quan hệ cực lớn đến vận khí nước Nam, nên quyết chiếm tiên cơ, không để hoàng gia rơi vào tay ngoại tộc. Chẳng ngờ, chàng lại chạm trán người bạn cũ.

Thủy Tinh gặp được Sơn Tinh, tay bắt mặt mừng, nhớ tới ơn cũ, trong bụng thầm tính cách rút lui, nhường Ngọc Hoa cho Sơn Tinh.

Éo le thay! Hùng Vương thấy hai người phong độ bất phàm nên trong bụng mừng lắm, bèn truyền Ngọc Hoa đứng trên lầu kén rể thi lễ với khách. Khi Ngọc Hoa xuất hiện, cả hai chàng trai đều ngây ngất trước sắc đẹp của nàng, nhất là Thủy Tinh thì quả đã trúng tiếng sét ái tình.

Âu cũng là mối duyên nợ của ba người được an bài từ trên Thiên thượng, tới lúc này phải kết toán.

Thủy Tinh bèn trổ tài nhảy xuống đáy sông, hô mưa gọi gió, mặt sông ầm ầm sóng dậy, nước dâng cao ngất, dưới nước kình ngư diễu võ giương oai, trên trời sấm sét kinh thiên động địa, khiến vua tôi Hùng triều hồn bay phách lạc. Sơn Tinh ngồi trên núi cao bình tĩnh trỏ gậy thần xuống, lập tức mưa tạnh gió ngừng, bầu trời quang đãng, nước sông hạ xuống hiền hòa, đồng thời núi trồi cao lên vạn trượng… Cứ thế, họ đấu phép cả buổi mà vẫn bất phân thắng bại.

Hùng Vương thấy vậy truyền dừng cuộc đấu, mời hai người lại phán rằng: “Cả hai khanh đều là bậc anh hùng cái thế, mà trẫm chỉ còn một Ngọc Hoa công chúa này thôi, vậy thì từ bây giờ ai mang sính lễ tới trước trẫm sẽ gả Ngọc Hoa cho”.

Sính lễ bao gồm: voi trắng chín ngà, gà trống chín cựa, ngựa chín hồng mao… ngoài ra san hô, đồi mồi, bảo thạch, mã não, vàng ròng ngọc quý... cũng phải thuộc loại cực phẩm.

Thủy Tinh vừa nghe dứt lời, lập tức nhảy xuống sông biến mất, mong trở về Động Đình Hồ thật nhanh để sắm lễ, cũng chẳng kịp từ biệt người bạn cũ.

Nhưng Sơn Tinh đã thành thạo mọi phép thuật học được từ sách ước, bèn ra chỗ vắng người, biến hóa ra đầy đủ sính lễ dâng lên vua Hùng và ngay hôm đó rước Ngọc Hoa về núi Tản.

Giờ Mão hôm sau, Thủy Tinh mang sính lễ đến thì đã muộn, Ngọc Hoa đã theo Sơn Tinh về núi. Thủy Tinh phần đau đớn vì mất người trong mộng, phần căm tức do thua cuộc, lại càng ân hận vì đã dâng sách ước cho Sơn Tinh, bèn trở về Hồ Động Đình tâu với Động Đình Quân mang hết thủy binh trong nước đi đánh Sơn Tinh, giành lại Ngọc Hoa. Ngày hôm ấy, giao long, thuồng luồng nổi cuồn cuộn chật sông; cá sấu ba ba bơi đen đặc nước… cả đám hùng hùng hổ hổ theo dòng nước từ thượng lưu trôi xuống.

Trận chiến Sơn Tinh - Thủy Tinh (Nguồn: NTDVN)

Vừa đi được nửa đường, Sơn Tinh hay tin bèn đem lưới sắt giăng ngang sông, đoạn bến Thụy Thư, Huyện Từ Liêm. Quân của Thủy Tinh không tiến lên được, bèn “mở riêng lối ngang từ Nhân Lý đến miền sơn cước Quảng Oai, cho tới tận trên cửa sông Hát ra sông Cái và sông Đà, để tập kích vào phía sau núi Tản Viên. Lại mở một ngách sông nữa từ phía tây sông Lăng tập kích vào mặt trước núi Tản Viên”. (3)

Bấy giờ cuồng phong tơi bời, mưa lớn sầm sập trút xuống suốt ngày đêm, đất trời tối đen như bùn nước. Chỉ nhờ những tia sét cực lớn rạch dọc rạch ngang trên bầu trời, người ta mới nhìn thấy nước các dòng sông đang dâng lên cuồn cuộn, ngập đường sá, nuốt chửng những ngôi nhà, vượt qua cả ngọn cây, nhấn chìm những kẻ chậm chân không kịp chạy lên núi. Và ở dưới nước, bao nhiêu loài thủy quái đang nhe nanh múa vuốt chờ sẵn để lao vào xâu xé con mồi. Trên núi tiếng la vang trời, bốn phương tiếng khóc dậy đất, trời cao sấm nổ liên thanh, xen lẫn có tiếng gầm vang dội của các loài thủy quái dưới mặt sông. Cảnh tượng kinh hồn như ngày tận thế, đáng sợ gấp bội trận đấu phép hôm trước.

Và nước vẫn tiếp tục dâng lên, ngập đến lưng chừng núi.

Sơn Tinh lệnh cho hai em Nguyễn Hiển, Nguyễn Sùng đốc thúc dân sơn cước chẻ tre trúc, đan thành hàng rào để ngăn thủy quái, lại ra lệnh rằng: bất cứ vật nào trôi nổi đến gần hàng rào đều lấy nỏ bắn xuống. Thủy quân vì thế chết hại rất nhiều, xác baba, thuồng luồng, kình ngư cá sấu nổi dềnh lên, dạt vào các hang hốc bên sườn núi nhiều vô số kể.

Và dù Thủy Tinh dâng nước cao bao nhiêu, Sơn Tinh lại dâng núi cao bấy nhiêu.

Cuối cùng, sức cùng lực kiệt, sau bao nhiêu ngày đấu phép mà không làm gì được Sơn Tinh, thủy binh lại chết gần hết, Thủy Tinh đành căm giận kéo tàn quân về lại Hồ Động Đình.

Thật đúng là: “đã mất phu nhân, lại thiệt quân”.

Trời lại quang, mưa lại tạnh, nước rút dần xuống, sông lại hiền hòa như trước.

Người thời đó có thơ rằng:
“Tương tranh hà sự Thủy Tinh thần
Dục bả thi hoài giác hậu nhân
Ái hải kính huyền song nhãn ký
Dục tình ba động bán thu phân
Thần thư vị túc thưởng tiên trái
Hồng phấn hà kham đấu túc nhân
Thử nhật Trường Sa như bất ngộ
Sắc không [dục] vấn Thủy Tinh quân” (3)

Nguyên Phong tạm dịch thơ:

Cớ chi tranh đấu ơi Thủy Thần
Thơ này để lại đến hậu nhân
Biển tình mắt trợn như gương tối
Sóng dục sôi trào lúc thu phân
Sách Thần nợ xưa chưa trả đủ
Vì tình nhi nữ bại nhân luân
Nếu xưa chẳng gặp Trường Sa ấy
Còn “không” hay “sắc”, Thủy Tinh quân?

Sau trận Hồng Thủy, đức Hùng Vương vỗ yên trăm họ, khôi phục đời sống nhân dân, chẳng bao lâu đất nước lại thái bình vô sự. Lúc này Sơn Tinh một mặt dốc lòng tu luyện, mặt khác lại đi khắp nơi để dạy dân chúng những thuần phong mỹ tục và các ngành nghề truyền thống.

Nhưng đức Hùng Vương lúc này tuổi đã cao, lại không có hoàng nam nối dõi, Thục chúa thấy vậy dấy binh làm phản, muốn cướp cơ đồ. Hùng Vương bèn cho vời Sơn Tinh vào triều, trao cho Kim Quang thần nỏ, lại cho làm lễ đăng đàn bái tướng hết sức long trọng. Sơn Tinh vì có mưu lạ, phép thần, có trợ tá Hiển, Sùng đắc lực, lại có thần nỏ nên phá giặc như chẻ tre, được Hùng Vương phong làm Thượng Đẳng Thần.

Hai năm sau, Thục chúa dấy binh báo thù, Hùng Vương lại cử Sơn Tinh đi đánh dẹp. Sơn Tinh xin 50 vạn quân, dùng kế giam quân chủ lực của giặc ở tiền tuyến, dẫn đại quân vào thẳng kinh đô nước Thục, bắt lấy tù binh, đại thắng trở về.

Từ đó thiên hạ thái bình, Hùng Vương nghĩ mình tuổi cao, sức yếu, không người nối dõi, lại có rể quý, tướng tài có thể gánh vác cơ đồ, tạo phúc trăm họ bèn nhường ngôi cho Sơn Tinh. Sơn Tinh kiên quyết chối từ, sau vì Hùng Vương nài ép nên đành tạm chấp chính, nhưng lòng luôn muốn dứt bỏ việc đời để chuyên tâm tu Đạo.

Sơn Tinh tạm thời chấp chính thay Hùng Vương (nguồn: NTDVN)

Được vài tháng, Sơn Tinh bèn nói với Hùng Vương đại ý rằng: “Họ Hùng truyền ngôi đã được hai thiên niên kỷ, 18 đời, đời nào cũng con đàn cháu đống. Nay bệ hạ có 12 hoàng nam đều đã khuất núi, không người nối dõi. Xem thế đủ biết khí số họ Hùng đã hết, lòng Trời đã thế cưỡng lại sao nên. Hạ thần nhận chức trách bệ hạ giao phó, song tu luyện đã lâu, trong tâm đã dứt mùi tục lụy, chẳng muốn vương vấn cõi trần. Chi bằng bệ hạ hãy tìm người hiền tài khác để truyền ngôi”. Hùng Vương đành trở lại trông coi chính sự, đợi kẻ hiền tài.

Đúng lúc ấy, vào rằm tháng giêng năm Mậu Thân, Thục chúa lúc này đã quy thuận, bèn đem lễ vật hậu hĩnh cống nạp Hùng Vương, lại dâng biểu bày tỏ sự hối hận và cảm ân khôn xiết. Hùng Vương bèn hỏi ý Sơn Tinh. Sơn Tinh trả lời rằng: “Thục chúa cũng là chỗ con cháu họ Hùng ta, làm chúa một phương. Khi trước dấy động can qua, cũng vì thuận theo ý Trời vì khí số họ Hùng đã hết. Nay dâng lễ vật cầu thân, cũng là biết tiến biết thoái. Vả lại Thục chúa cũng là người hiền đấy. Chi bằng bệ hạ hãy mở lượng bao dung hải hà để được đức lớn. Lại nhân đây có thể vời Thục chúa về nhường ngôi cho, bệ hạ cùng thần dứt bỏ hồng trần, tham thiền nhập định, một mai cưỡi hạc về chốn cao xanh thăm thẳm”.

Hùng Vương nói: “Hay lắm! Trẫm sẽ theo ý khanh”. Bèn truyền ngôi cho Thục chúa, rồi theo Sơn Tinh về núi.

Lại nói về Sơn Tinh, một ngày kia khi đang đả tọa nhập định, bỗng nghe trong mình có tiếng nổ cực lớn, lập tức các loại Thần thông xuất lai, tai mắt cũng khác hẳn khi trước, có thể thông thấu khắp các cõi Trời lẫn u minh địa phủ, vậy là khai công khai ngộ và nhớ lại hết thảy sự việc kể từ trước khi hạ thế. Hùng Vương và Ngọc Hoa sau đó cũng đắc Đạo về Trời.

Chỉ còn lại chàng Thủy Tinh cứ ôm giữ mãi mối hận tình khôn nguôi, quên mình từng là Thất Sát tinh quân nơi thượng giới, quên cả đường về thiên quốc, nên năm nào lúc thu về cũng dấy binh xuôi dòng tiến đánh vùng núi Tản, nhưng không còn sức mạnh như xưa. Bởi vậy dân gian vẫn chịu lụt lội nhưng không còn trận Hồng Thủy nào nữa.

Thục chúa là An Dương Vương được truyền ngôi nên cảm ân, lập nên miếu thờ Sơn Tinh trên đỉnh núi Tản Viên gồm cả ba vị: Nguyễn Tùng, Nguyễn Hiển, Nguyễn Sùng, gọi là tam vị Tản Viên Sơn Thánh, từ đó hương hỏa không dứt, bốn mùa khói nhang. Suốt các triều đại về sau, Tản Viên Sơn Thánh đều hiển linh cứu dân giúp nước, công trạng đứng thứ nhất trời Nam, là vị phúc Thần đứng đầu trong bốn vị thần bất tử của nước Nam hay “Tứ bất tử”.

Sách “Lĩnh Nam Chích Quái” có chép về Thần núi Tản Viên như sau:

“... Gặp lúc hạn hán hay gặp lúc lụt lội đến khấn cầu đều rất là linh nghiệm. Những lúc trời quang mây tạnh, thấy như có bóng cờ xí thấp thoáng dưới chân núi, dân chúng sống trong vùng đều cho là sơn thần hiển hiện.

Đời Đường, Cao Biền ở An Nam muốn yểm linh mạch bèn mổ bụng con gái chưa chồng mười bảy tuổi, vứt ruột đi, nhồi cỏ hôi vào bụng, mặc áo quần vào rồi đặt ngồi trên ngai đem tế bằng trâu bò, hễ thấy cử động thì vung kiếm chém đầu. Phàm muốn đánh lừa các thần đều dùng thuật này. Biền đem thuật đó để yểm thần núi Tản Viên, thì thấy thần cưỡi ngựa trắng ở trên mây, nhổ nước bọt xuống rồi bỏ đi. Biền than rằng: “Linh khí ở phương Nam không thể lường được, vượng khí đời nào hết được!”. Sự linh ứng của thần đã hiển hiện ra như vậy đó”.

Nước Nam này, sau cả nghìn năm Bắc thuộc mà không mất, lại có lúc đứng tự chủ ngang hàng với Bắc phương, như lời “Cáo Bình Ngô”:

“... Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần
Bao đời xây nền độc lập;
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên
Mỗi bên hùng cứ một phương;
Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau,
Song hào kiệt thời nào cũng có…”

Ấy là bởi Thần khí chưa mất, bởi lòng người dù trải bao dâu bể vẫn chưa dứt hẳn lòng tin vào Thần, còn học tập chính khí của Thần, cũng như trân trọng truyền thống tổ tiên. Như thế thì vượng khí đời nào hết được?

Nguyên Phong

Xem tiếp