Dòng Lô xanh êm đềm bát ngát sớm nay bỗng nhiên xao động bởi một hội đua thuyền. Năm nào cũng thế, khi đông tàn xuân đến, người dân ở Phong Châu này lại tổ chức hội đua thuyền độc mộc để thể hiện tinh thần thượng võ của con Lạc cháu Hồng, lại cũng mong một năm mưa thuận gió hòa mùa màng tươi tốt. Và cũng thành lệ, năm nào đức Hùng Vương cũng đến ngự lãm từ trên ngôi lầu Phượng dựng bên bờ sông Lô và trao giải cho người thắng cuộc, những trang dũng lược có thể được cất nhắc vào thủy binh để bảo vệ đất nước.

Bởi vậy, đám trai tráng các làng càng hăng hái trổ tài mong được hưởng ơn vua lộc nước, được vua Hùng để mắt đến lẽ nào chẳng hoạn lộ thênh thang? Dưới bầu nắng xuân ấm áp óng ả như mật ong trên đại ngàn, vô số mái chèo gỗ nâu khua ào ạt trên mặt nước bao la xanh biếc, những giọt mồ hôi lấp lánh chảy dài trên những tấm thân lực điền cuồn cuộn cơ bắp trẻ tráng, trên những khuôn miệng rộng hừng hực khí thế đang hô lớn xung động cả mặt sông… khiến cho khán giả hai bên bờ càng thêm phấn khích reo hò, chỉ trỏ.

Bỗng đám đông thuyền độc mộc rẽ ra, nhường lối cho một chiếc chiến thuyền đẹp lộng lẫy trên cắm cờ hoàng gia, đang lao vun vút về phía lầu Phượng vua ngồi. Đứng chỉ huy ở mũi thuyền là một cô gái trẻ dáng người dong dỏng cao, thẳng tắp và đẹp như một cây ngọc, cô đứng trên thuyền mà vững chãi như trên đất bằng. Lại gần hơn, người ta sững sờ trước một giai nhân tuyệt sắc. Giai nhân ấy chân đi giày da hươu, mặc áo choàng bằng lông chim trĩ, tai đeo khuyên ngọc, tóc búi cao, mặt trái xoan, da trắng hồng mịn, mũi thẳng miệng xinh, môi như anh đào tươi thắm, mắt lá răm sáng long lanh đầy vẻ thông minh và tinh nghịch. Đôi mắt ấy đang nheo lại, như để tìm lối vào bờ, hay vì nàng đang mải suy nghĩ điều chi thú vị nên miệng nở nụ cười tủm tỉm duyên dáng?

Đó là công chúa Tiên Dung, người con gái yêu của vua Hùng Duệ Vương. Nàng năm nay tuổi vừa đôi chín, nhưng chẳng chịu lấy chồng, chỉ thích ngao du sơn thủy.

Nàng đang thầm đoán phản ứng của vua cha khi kể cho ông nghe về giấc mơ đêm trước.

Đêm ấy chừng canh ba, không gian đen thẫm im ắng, chỉ có tiếng sóng vỗ mạn thuyền róc rách, bỗng xuất hiện một luồng hào quang ngũ sắc rực rỡ làm bừng sáng khuê phòng của nàng công chúa, hương thơm lạ sực nức, rồi một cụ già phúc hậu, râu bạc áo trắng, tay chống gậy gỗ lê hiện ra và nói:

“Con đừng sợ. Ta đây là Thái Bạch Kim Tinh trên thiên đình. Còn con chẳng phải người phàm, mà là Ngọc nữ giáng trần. Lương duyên của con đã được Trời định, chẳng thể khác được. Đấng phu quân cũng từng là sinh mệnh thượng giới, nhưng giờ chẳng ở chốn cao sang, mà ở nơi bách tính cơ hàn. Các con xuống đây, có sứ mệnh Thần thánh với nước Nam này, sau sẽ có cơ hội được hồi thăng. Nhớ lấy, nhớ lấy!”

Dứt lời, cụ già vụt biến mất nhanh như lúc đến.

“Chẳng biết cha sẽ nói gì khi nghe chuyện này nhỉ?”, Tiên Dung cười khúc khích một mình.

Thuyền đã cập bến.

Nàng công chúa lẹ làng sải chân lên ngôi lầu Phượng mái lá cong như mũi thuyền và quỳ xuống trước một ông già tráng kiện, mình khoác áo choàng lông chim màu vàng và đỏ, áo trong quấn vạt trái, thắt lưng bằng da hươu đeo dao găm to bản, đầu đội mũ miện lông đại bàng… đang ngồi trên một chiếc ghế bành lớn bằng gỗ quý khảm đồi mồi.

- Phụ Vương kính yêu, con gái chúc cha muôn tuổi.

Khuôn mặt nghiêm nghị, quắc thước của ông vua già bỗng vụt trở nên trẻ trung tươi rói khi nhìn thấy sự trở về của con gái yêu.

- Tiên Dung con, hãy đứng dậy đi. Sao nào, ngao du sơn thủy chán rồi mới về thăm cha phải không?

Tiên Dung ôm đầu gối vua cha, nũng nịu:

- Cha, con đi thăm thú dân tình, mai sau còn thay cha cai quản đất nước.

Hùng Duệ Vương nói:

- Có lúc đi cũng phải có lúc dừng. Cuộc vui nào cũng có lúc tàn. Con gái nào cũng đến lúc phải lấy chồng.

Tiên Dung cười giòn tan:

- Được ngao du sơn thủy, con gái mở mang bao điều, còn hơn nhốt mình chốn khuê phòng, an phận thê thiếp.

Hùng Duệ Vương âu yếm vuốt tóc con gái, thở dài:

- Mẹ con mất sớm, cha chỉ có mình con. Con chẳng chịu thành gia lập thất, mai này cha khuất núi, thì nhà ta tuyệt tự hay sao?

Tiên Dung ngúng nguẩy:

- Con chẳng muốn lấy chồng đâu. Vả lại, cha còn hưởng tuổi Trời lâu lắm. Kìa, xem như các đấng tiên vương, ai cũng sống thọ.

Hùng Duệ Vương “hừ” nhẹ một tiếng, đứng dậy, nghiêm giọng:

- Trai khôn dựng vợ, gái lớn gả chồng, xưa nay đều thế. Vả lại, hôn nhân là việc riêng nhưng hạnh phúc là của trăm họ, bậc vua chúa nào đâu chỉ biết nghĩ đến riêng mình. Đã có rất nhiều người đem sính lễ đến, nhưng ta chỉ chọn cho con nơi môn đăng hộ đối, đó là sính lễ từ một trong số các con trai của Thục Vương, một chàng trai tốt. Cưới xong ta sẽ cho ở rể. Hôn nhân của các con sẽ bảo vệ đất nước này.

Thần tích nước Nam (Kỳ 4): Chử Đồng Tử - vị Thánh bất tử và mối tình huyền thoại với công chúa Tiên Dung [Radio]

Tiên Dung nín lặng, cúi đầu lắng nghe, biết rằng cãi lại cha chỉ vô ích, chẳng nên nói thêm gì về chuyện này nữa. Nàng ôm lấy cha cười khẽ:

- Vâng, tâu phụ Vương, xin người giữ gìn ngọc thể. Con gái xin vâng lời người. Con có chút quà tặng phương xa xin dâng lên người để tỏ lòng hiếu kính…

Ngày ấy, ở thôn Chử Xá đất rộng người thưa thuộc vùng đồng bằng sông Cái có cha con Chử Vi Vân, Chử Đồng Tử. Nhà nghèo nhưng hai cha con rất thương yêu nhau. Một hôm, Chử Đồng Tử đóng khố xuống nước bắt cá - như một thói quen của người dân Lạc Việt tự bao đời, còn cha nằm ngủ say trong nhà. Bất chợt, trời nổi cơn gió to, đèn đổ vào rơm, ngọn lửa bốc cao, nhà cửa cháy sạch. Chử Đồng Tử chỉ kịp lôi cha ra khỏi đám cháy, còn gia sản mất hết, quần áo của Chử Vi Vân cũng cháy nham nhở. Chử Đồng Tử bèn mặc cho cha chiếc khố duy nhất chàng đang bận trên người.

Chử Đồng Tử vừa kiếm ăn hàng ngày vừa chăm cha bỏng nặng, nên chỉ qua quýt cho xong bữa mình. Chử Vi Vân đêm ngày mê sảng đau đớn mắng chửi, nhưng Chử Đồng Tử vẫn không một lần thất vọng, không một lời oán thán, mà ân cần phục thị.

Đêm xuống, trời lạnh, chàng lấy vỏ lá cây khô đắp tạm cho cha và đốt lửa để sưởi ấm.

Nhưng Chử Vi Vân bỏng quá nặng không qua khỏi. Trước lúc lâm chung, Chử Vi Vân thều thào bảo con giữ lại chiếc khố. Chử Đồng Tử nuốt nước mắt gật đầu mà chẳng làm theo vì không nỡ để thân thể cha trần trụi đi vào cõi chết.

Từ hôm ấy, Chử Đồng Tử đành tạm thời bắt cá ban đêm để kiếm sống, ban ngày ẩn trong rừng, hoặc dầm mình dưới nước để bán cá, đủ tiền sẽ đổi lấy quần áo.

Chiếc chiến thuyền của Tiên Dung đang bập bềnh giữa dòng Lô xanh, thuyền buông neo trôi trên mặt nước vô định như dòng tâm tư của chủ nhân nó lúc này. Ấy là nàng công chúa Tiên Dung đang đau khổ với cuộc hôn nhân chính trị mà dường như nàng không thể tránh được. Ngày mốt chính là ngày định mệnh ấy.

Nhưng mệnh vua khó cãi, lời cha già cũng không thể bất hiếu bỏ ngoài tai.

Có tiếng sấm nổ vang trên đầu, Tiên Dung sực tỉnh, dứt mình ra khỏi dòng suy nghĩ miên man, nàng thở dài ra lệnh tả hữu quay mũi thuyền hướng vào bờ, nơi vua cha đang chờ.

Nhưng bầu trời bỗng tối sầm lại, trong phút chốc gió lốc ùa đến, sóng cuộn lên gào thét kéo con thuyền ngày càng đi xa bờ. Mưa đổ xuống trắng xóa, mờ mịt, nhìn không rõ đường về.

Cơn bão sau một ngày mới tan, lúc này con thuyền đã trôi đi quá xa khỏi kinh đô Phong Châu.

Chẳng bao lâu, nắng lại lên màu rực rỡ, phía xa kia hình như là một xóm chài cát trắng. Tiên Dung hạ lệnh cho thuyền ghé vào bờ để nghỉ ngơi.

Trong lúc ấy, Chử Đồng Tử đang lặn ngụp dưới nước để mò trai bắt ốc. Chỉ đến khi thuyền sắp cập bờ, chàng mới trồi lên khỏi mặt nước, phát hiện ra nguy hiểm và cuống cuồng bò sấp trên bờ cát vào khu rừng gần đó. Nhưng không kịp nữa rồi, cả đoàn thiếu nữ đã ùa lên bờ dạo chơi. Chử Đồng Tử chỉ kịp bò vào sau một bụi cây, hì hục đào vội một cái hố cát và vùi mình xuống đó…

Còn Tiên Dung thấy phong cảnh đẹp đẽ, vắng vẻ, lấy làm thích chí, nàng hạ lệnh cho các nữ tùy tùng quây màn tứ vi sau một bụi cây lớn để tắm. Nàng có biết đâu, dưới chân mình đang có một trái tim đập thình thịch vì lo lắng.

Nước dội, cát trôi, Tiên Dung giật nảy mình vì một thân hình đàn ông lộ ra dưới cát. Nàng cuống quýt che thân và hô hoán…

Một lúc sau, cả hai người mới định thần lại được và cùng ngồi trên thuyền. Sau nhiều ngày, đây là lần đầu tiên Chử Đồng Tử mới được ăn vận chỉnh tề.

Công chúa Tiên Dung đưa mắt ngắm nhìn chàng trai có khuôn mặt thiện lành, sáng láng lại ưa nhìn đang ngồi trước mặt. Nàng hỏi han tình cảnh của Chử Đồng Tử, thở dài thương xót cho thân phận của người con chí hiếu. Rồi nàng công chúa cúi đầu, tay vân vê tà áo, miệng thỏ thẻ:

- “Ta vốn không muốn lấy chồng, nay lại gặp ngươi, cùng ở trần với nhau trong một hố, đó chính là do Trời xui khiến vậy.” (1)

Rồi thanh âm lại càng nhỏ hơn nữa: “Phải chăng là lòng Trời đã muốn tác hợp cho đôi ta?”, nàng công chúa khẽ cụp hàng mi dài cong vút, đôi má nàng ửng hồng duyên dáng.

Chử Đồng Tử giật bắn người: “Không, không! Thảo dân đâu dám. Được công chúa tha tội bất kính đã là diễm phúc rồi”.

Tiên Dung bình tĩnh nhìn thẳng chàng trai đang bối rối, khẽ thốt lên: “Đây là do Trời chắp nối, sao lại cố chối từ?” (2)

Và nàng kể cho Chử Đồng Tử nghe từ chuyện giấc mơ đêm nọ, đến cuộc gặp gỡ với vua cha, cũng như cơn bão đã đưa nàng đến đây. Có phải sự tình cờ hay là như người đời sau đã viết: “Đường tác hợp Trời kia run rủi, trốn làm sao cho khỏi nhân tình.” (3).

- “Phải chăng ta đang mơ hay đây là tiên nữ hạ phàm? một nàng tiên sắp bị giam nơi lầu son gác tía”, Chử Đồng Tử thầm nghĩ và thấy lòng rung động. Tình yêu đến thật bất ngờ giữa hai thân phận hoàn toàn đối ngược.

Hôn lễ của Tiên Dung và Chử Đồng Tử được tổ chức ngay trên thuyền, khách tham dự chỉ có những tùy tùng của công chúa. Nhưng họ đã có ông Trời chứng giám, chẳng phải là quá đủ hay sao?

Tin đám cưới bay về triều giữa lúc cả triều đình đang bối rối vì sự mất tích của công chúa Tiên Dung. Hùng Duệ Vương giận dữ tuyên bố: “Tiên Dung không thiết tới danh tiết, không màng tới của cải của ta, ngao du bên ngoài, hạ mình lấy kẻ nghèo khổ, còn mặt mũi nào trông thấy ta nữa” (4). Bèn hạ lệnh cấm công chúa trở về.

Tiên Dung nghe vậy, sợ không dám về, bèn cùng Đồng Tử mở chợ búa, lập phố xá, cùng dân buôn bán, dần dần phố và chợ lớn lên, khách phương xa lui tới tấp nập. Tiên Dung, Chử Đồng Tử được tôn làm chủ một vùng.

Một hôm, có người lái buôn giàu có nói với Tiên Dung rằng: “Người bỏ một dật vàng, cùng tôi ra ngoài bể mua vật quý, sang năm có thể thành mười dật” (5). Tiên Dung mừng lắm bảo chồng: “Thiếp khi trước có rong ruổi nhiều nơi, biết ngoài bể có nhiều kỳ trân dị bảo trên bờ không có, người ta rất thích và sẵn sàng trả giá cao”. Lại thêm: “Vợ chồng chúng ta do Trời tác thành, đồ ăn thức mặc do người làm nên, vậy nên đem vàng cùng phú thương ra bể làm ăn” (6). Chử Đồng Tử nghe vợ, vui lòng lên đường cùng với khách thương tìm cơ hội mở mang thương mại.

Ngày ấy, đoàn khách thương đi đến địa phận núi Quỳnh Viên (nay thuộc tỉnh Hà Tĩnh). Nơi đây cát trắng phẳng phiu, biển xanh ngăn ngắt, núi ôm lấy biển, biển ôm lấy núi, trên núi suối chảy róc rách, dưới bãi sóng xô ầm ầm, thật là một nơi sơn thủy hữu tình, lại có vẻ lâng lâng thoát tục. Trên núi có một am nhỏ, thương khách thường ghé đó xin nước uống. Chử Đồng Tử lên am chơi, gặp vị sư trụ trì có tên là Phật Quang, người từ bi hòa nhã. Đồng Tử bâng khuâng như gặp người xưa cảnh cũ, bèn giao tiền cho bọn khách thương tiếp tục lộ trình, còn mình ở lại tu trì với nhà sư. Sau bọn lái buôn xong việc quay lại đón chàng về. Sư Phật Quang bèn tặng Chử Đồng Tử một cây trượng và một cái nón, nói rằng: “Linh thiêng ở những vật này đây” (7).

Chử Đồng Tử trở về kể lại sự việc và giảng Đạo lại cho vợ. Tiên Dung bấy giờ nhớ lại lời trong mộng của Thái Bạch Kim Tinh: “... Các con xuống đây, có sứ mệnh Thần thánh với nước Nam này, rồi sau sẽ có cơ hội được hồi thăng”. Nàng chợt tỉnh ngộ, rồi hai vợ chồng bỏ phố phường, bỏ cơ nghiệp lên đường tầm sư học Đạo.

Có lần, hai vợ chồng họ lỡ độ đường, đành cắm gậy che nón để tạm nghỉ ở nơi hoang vắng. Đến canh ba, bỗng thấy hiện ra thành quách điện đài, của cải dinh thự, văn võ bá quan, kẻ hầu người hạ… la liệt trước mắt. Sáng hôm sau, dân chúng quanh vùng kinh ngạc bèn lũ lượt kéo đến đem lễ vật dâng lên xin được làm tôi, nghiễm nhiên từ đó thành một nước riêng…

Hùng Vương nghe tin ấy, cho rằng con gái và con rể làm loạn bèn sai quân tới đánh. Quần thần của hai người xin đem quân chống giữ, Tiên Dung cười bảo: “Điều đó ta không muốn làm, do Trời định đó thôi, sống chết tại Trời, há đâu dám chống lại cha, chỉ xin thuận theo lẽ chính, để mặc cho cha chém giết” (8). Người dân mới đi theo dần dần tản hết, chỉ còn lại dân cũ.

Quân triều đình tới, đóng trại ở bãi Tự Nhiên, cách đô thành của hai người chỉ một con sông, chờ sáng hôm sau sẽ tấn công. Nửa đêm, bỗng nhiên gió lớn nổi lên, cát bay đá lở, cây cối đổ ngổn ngang, quân triều đình hỗn loạn. Rồi thấy ngôi thành rùng rùng chuyển động, và từ từ bay lên trời, cát đá chỗ ấy sụt toang xuống thành một cái đầm lớn. Ngày hôm sau, không ai còn thấy bóng ngôi thành cùng vợ chồng Chử Đồng Tử - Tiên Dung đâu nữa, ai nấy đều cho là sự dị thường. Về sau, dân lập miếu thờ, bốn mùa cúng tế, gọi đầm là đầm Nhất Dạ (Nhất Dạ Trạch, nghĩa là đầm một đêm), gọi bãi là bãi Tự Nhiên, còn gọi là bãi Mạn Trù (hố tắm), và gọi chợ là chợ Hà Thị (chợ Hà).

Hùng Duệ Vương nghe chuyện, từ đó thương nhớ con gái thành bệnh. Một hôm, có người con gái đẹp vào cung xin chữa cho vua. Vua khỏi, xin tạ ơn thì nàng đã đi mất.

Một ngày, vua đến bãi Tự Nhiên, lòng buồn bã nhìn cảnh vật trước mắt. Hốt nhiên có người con gái cưỡi hạc trắng từ trời bay xuống. Lại gần nhìn kỹ hóa ra là cô gái chữa bệnh cho mình dạo nọ. Cô gái tự xưng là Tây cung Vương nữ, vâng mệnh Chử Đồng Tử - Tiên Dung đến tạ phụ vương và xin thứ tội các con. Hùng Vương vô cùng xúc động và hối hận, từ đó cho lập đền thờ Tiên Dung, Chử Đồng Tử ở nhiều nơi.

Sau này, đầm Dạ Trạch còn làm căn cứ của du kích quân do Triệu Quang Phục - tướng của Lý Nam Đế, chỉ huy để chống lại quân Hậu Lương của Trần Bá Tiên.

“Đầm sâu mà rộng, quân Lương vướng mắc, tiến binh rất khó, Quang Phục dùng thuyền độc mộc đột xuất ra đánh cướp lương thực, cầm cự lâu ngày làm cho quân giặc mệt mỏi, trong ba bốn năm không hề đối diện chiến đấu. Bá Tiên than rằng: "Ngày xưa nơi đây là chằm một đêm bay về trời, nay lại là chằm một đêm cướp đoạt người".

Nhân gặp loạn Hầu Cảnh, Lương Đế bèn gọi Bá Tiên về, ủy cho tì tướng là Dương Sằn thống lĩnh sĩ tốt. Quang Phục ăn chay lập đàn ở giữa đầm, đốt hương mà cầu đảo, bỗng thấy thần nhân cưỡi rồng bay vào trong đàn mà bảo Quang Phục rằng: "Hiển linh còn đó, ngươi có thể cầu tới cứu trợ để dẹp bằng họa loạn".

Dứt lời, tháo vuốt rồng trao cho Quang Phục, bảo: "Đem vật này đeo lên mũ đâu mâu có thể khiến giặc bị diệt". Đoạn bay lên trời mà đi. Triệu Quang Phục được vật đó, reo mừng vang động, xông ra đột chiến, quân Lương thua to. Chém Dương Sằn ở trước trận, quân Lương phải lùi.” (Wikipedia)

Thần nhân ấy là ai nếu chẳng phải Chử Đồng Tử về nơi đất cũ, phù hộ cho người nước Nam dẹp giặc phương Bắc? Hay có lẽ đó là an bài “đất nào có chủ nấy” của chốn cao xanh, chờ cho đến ngày Thiên cơ thấu tỏ... mà bao thế hệ con người vẫn băn khoăn không hiểu rõ.

Chỉ biết rằng với công tích kỳ lạ của mình, Chử Đồng Tử đã được phong làm một trong bốn vị Thánh bất tử (Tứ bất tử) có vị trí cao nhất trong hệ thống các Thần của nước Nam gồm có: Tản Viên Sơn Thánh, Phù Đổng Thiên Vương, Chử Đồng Tử và Bà Chúa Liễu Hạnh (có tích còn bao gồm cả sư Nguyễn Minh Không và Từ Đạo Hạnh).

Công tích ấy là chấn động trời Nam, mối tình huyền thoại ấy cũng xứng đáng lưu danh thiên cổ.

Nguyên Phong

Xem tiếp