"Cao Biền tức tốc sai người dựng một ngôi điện, tạc tượng thần Long Đỗ đặt bên trong. Lại truyền chôn một nghìn cân sắt và đồng quanh điện làm bùa trấn yểm".

Kỳ 1: Thánh Nguyễn Minh Không, Hồ Tây và con trâu vàng phương Bắc
Kỳ 2: Trận thư hùng cuối cùng của Hai Bà Trưng

Đó là một buổi sớm mùa hạ ở cửa Đông bên ngoài thành Đại La, lúc này là năm Hàm Thông thứ 7 (năm 867) của vua Đường Ý Tông thuộc triều đại nhà Đường.

Một đám dân phu đang cắm cúi hoàn thiện một công trình xây dựng ở lòng sông Tô Lịch, công trình này gồm các cọc gỗ lim được đóng theo một phương vị kỳ lạ, có vẻ như tác phẩm của một thầy địa lý cao tay nào đó. Đứng trên bờ chỉ huy họ là một viên lại người sở tại, đang hò hét rất sốt sắng và mẫn cán.

Bất chợt, viên lại xoay người hành lễ, đồng thời cả đám dân phu hốt hoảng, dừng tay, buông công cụ, cúi rạp mình trước một vị vương vừa đến nơi.

- Cao Vương muôn tuổi.

Vị vương kia gật đầu, giọng sang sảng:

- Miễn lễ cho các ngươi.

Người này thân cao chín thước, phục sức sang trọng, tuy bận áo vải mà dáng vóc cử chỉ lại mạnh mẽ lẹ làng, có phong độ đại tướng với nhãn thần sáng quắc, nước da nâu sạm của một quân nhân đã trải nhiều chinh chiến.

Ông ta quay sang nói với viên lại:

- Các ngươi khá mà làm cho tốt. Việc này hệ trọng, bản vương phải đích thân thị sát. Thành Đại La này có vững hay không, ắt liên quan đến việc các ngươi đang làm.

Viên lại và đám dân phu khom mình vâng dạ. Cả đám nhìn lên bức tường thành cao sừng sững chạy dài. Đó là thành Đại La hay La Thành, và viên văn quan chính là Tĩnh Hải Quân Tiết độ sứ - có thể coi là viên quan cai trị lớn nhất của triều đình phương Bắc ở nước Nam này, ông ta tên tục là Cao Biền, người ở đây gọi là Cao Vương.

La Thành là vòng thành bao bên ngoài thành nội, ngăn cách thành nội với sông Tô Lịch. Sông Tô Lịch là một nhánh của Nhị Hà (sông Hồng), bọc lấy La Thành. Sông Tô Lịch cũng đưa nước từ thượng lưu ở sông Hồng sang sông Nhuệ.

Còn La Thành đã được xây dựng bởi mấy viên quan cai trị trước đây của đất An Nam đô hộ phủ này. Đến đời Cao Biền làm tiết độ sứ, An Nam đô hộ phủ được đổi tên thành Tĩnh Hải quân và La Thành được xây dựng lại với kích thước và độ kiên cố vượt hẳn các thời trước. Ngặt nỗi, thành xây đi xây lại vẫn bị sụt nên Cao Biền - vốn là một thầy phù thủy cao tay - đã cho trấn yểm tại đây, như ta đã thấy, vừa để gia cố nền đất, vừa để áp chế vượng khí hào kiệt của nước Nam.

Cao Biền lại chắp tay sau lưng, lững thững tản bộ trong nắng sớm đầu hạ. Theo sau hộ vệ ông ta là một đám cấm vệ binh.

Bỗng, mây mù nổi lên tứ phía, trong đám mây mù, có chòm mây ngũ sắc đùn từ dưới đất lên, tụ lại trên không, hào quang rực rỡ, khí lạnh buốt người. Rồi trong đám mây ngũ sắc đó, thấy hiện ra một tiên ông đầu đội mão xích hoa, thân mặc áo tử hà, xiêm là, giày đỏ, cưỡi rồng vàng, bay lượn ở trong mây mù. Lúc ấy, hương lạ thơm lừng trời, đàn sáo vi vu dậy đất, người Tiên cưỡi rồng lững lờ uyển chuyển, lúc thấp lúc cao một hồi lâu rồi bỗng nhiên biến mất.

Thần Long Đỗ cưỡi rồng vàng (Tranh: NTDVN)

Trừ Cao Biền, tất cả đám dân phu và toàn thể những người dân có mặt bên bờ sông lúc ấy, kể cả đám quân cấm vệ người phương Bắc... đều sụp xuống lạy, miệng lầm rầm khấn khứa, khiến cho khung cảnh càng thêm phần thần bí.

Cao Biền kinh dị, đứng lặng hồi lâu. Về đến phủ vẫn thấy nhân tâm xao xuyến, đứng ngồi không yên.

Đêm ấy, Cao Biền nằm mộng, thấy vị thần nhân ban sáng hiện lên, nói:

“Ta là Long Đỗ vương khí quân, thấy ông mới làm nhà cửa, xây đắp đô thành, nên thân đến tương kiến. Xin đừng nghi ngại”.

Cao Biền sực tỉnh, trời đã sáng.

“Chẳng lẽ lại vẫn là hắn”, ông ta lẩm bẩm.

Viên Tiết độ sứ nhớ lại một buổi tháng sáu năm trước, ông ta ngồi thuyền nhỏ vãn cảnh con sông hộ thành, bỗng thấy một cụ già râu tóc bạc phơ, mặt mày kỳ dị, nói cười tự nhiên, đang giỡn nước giữa sông. Biền mới hỏi tên. Cụ già đáp: “Ta tên Lịch, họ Tô”. Lại hỏi: “Nhà ngươi ở đâu?”. Đáp rằng: “Ta ở giữa sông này.” Dứt lời, lão lấy tay đập nước bắn tóe lên, hơi nước mù mịt, khi mù tan đi, thì không còn thấy người đâu nữa. Bởi vậy, Cao Biền mới đặt tên cho sông là Tô Lịch.

“Bay đâu, mau cho người mời phu nhân vào gặp ta.” Cao Biền hô lớn. Nhưng rồi ông ta lại ra lệnh: “Thôi. Chuẩn bị xe ngựa để ta ra ngoài thành”.

Ấy là viên Tiết độ sứ định đi thăm người vợ thứ của mình, tên là Lã Thị Nga, theo ông ta từ phương Bắc sang đây. Tuy vậy, lấy cớ vùng ngoại thành phong cảnh hữu tình, lại để truyền cho dân nghề dệt lụa, bà ra ở một làng ven đô cách cửa Tây thành Đại La chừng 10 dặm. Bà được người dân địa phương quý mến nên nắm được nhiều sự tình. Lúc này là lúc Cao Biền cần vợ giúp đỡ, lại cũng kết hợp đi ra ngoài nghe ngóng dân tình.

Song, đi đến đâu ông ta cũng nghe thấy người dân thì thào về thần tích đã triển hiện sáng hôm qua.

Cặp lông mày dài của Cao Biền nhăn tít lại.

Lã nương đón ông ta trong một căn nhà giữa một khu vườn rất rộng rợp bóng cây, nằm cạnh dòng sông Nhuệ uốn mình thơ mộng. Xung quanh khu vườn là những ngôi nhà tranh của dân quê, trong đó lách cách tiếng khung cửi.

"Ta không biết làm chính trị nên quỷ thần vượt mặt ta, sự này là điềm lành hay điềm gở?", viên Tiết độ sứ than với người vợ yêu. “Nàng ở đây, có nghe người ta nói đến Thần sông Tô Lịch?”

Lã nương ngước cặp mắt sáng đen láy lên, khẽ mỉm cười:

- Thưa tướng công, thiếp có nghe. Ông ta họ Tô, huý là Lịch, sinh thời từng làm quan ở Long Đỗ, tổ tiên cư ngụ ở đó đã lâu đời, dựng làng bên bờ một con sông nhỏ. Đấy cũng là một người hiền, được Tấn triều ban khen, nên lấy tên mà đặt cho làng. Nghe nói ông ta mất lâu rồi nhưng thường hay hiển linh để bảo hộ người dân ở đây. Người ta còn gọi ông là Thần Long Đỗ.

- “Ta đã gặp ông ta hai lần, đêm qua trong giấc mộng lại gặp lần nữa. Quỷ thần nước Nam thật lộng hành”. Cao Biền quắc mắt.

Lã nương lo lắng nhìn chồng, biết rằng ông sẽ lại trấn yểm như từ lúc mới sang đây. Thực tình, bà muốn ra ngoài ở cũng chỉ để tách mình ra khỏi những cuộc chiến tâm linh đó.

- Phải chăng tướng công muốn trấn yểm Thần Long Đỗ? Nước Nam này núi không cao, nước không sâu nhưng Thánh thần linh dị lạ thường. Thiếp dám mong tướng công chỉ nên vỗ yên dân chúng, lấy đức phục người, đối với Thánh thần nơi này chớ nên khinh cử vọng động.

“Đúng là kiến thức đàn bà”, Cao Biền thầm nghĩ, và đáp:

- Nàng đâu có hiểu, ta còn chịu mệnh vua. Vả lại, linh khí nước Nam rất thịnh, nếu không trấn áp thì Bắc triều lại nhọc công viễn chinh hao người tốn của, như cái họa họ Mai, họ Phùng (1) khi trước.

- “Vâng, thiếp phận đàn bà, hiểu biết nông cạn. Nhưng lỡ tướng công có mệnh hệ gì, thiếp cũng không sống nổi”. Lã nương buồn rầu.

Nghe thế, viên Tiết độ sứ bực mình bỏ về. Trên đường về, Cao Biền miên man suy nghĩ về những lời úy lạo của vua Đường Ý Tông trước khi ông ta vâng chỉ sang đất An Nam này:

“…Khanh học địa lý tối vi linh diệu, trẫm nghe An Nam có nhiều quý địa kết phát tới thiên tử, sản xuất ra nhiều nhân tài, anh kiệt nên luôn luôn nổi lên chống đối. Qua bên đó, khanh nên tường suy phong thủy, kiến lãm sơn xuyên và làm tờ tấu biểu kèm theo lời diễn giải các kiểu đất, gửi về cho Trẫm xem trước. Rồi ở bên đó khanh đem tài kinh luân, đoạt thần công, cải thiên mệnh, trấn áp các kiểu đất đó đi. Đó là cách nhổ cỏ thì nhổ tận gốc vậy, để tránh hậu họa sau này…” (2)

Về tới phủ, Cao Biền tức tốc sai người dựng một ngôi điện, tạc tượng thần Long Đỗ đặt bên trong. Lại truyền chôn một nghìn cân sắt và đồng quanh điện làm bùa trấn yểm.

Việc vừa xong, hốt nhiên trời đất mù mịt, mưa gió ào ạt làm cát lở đá bay, cây cối đổ lỏng chỏng. Từ trên trời cao, sét lớn giáng xuống vỡ tan ngôi đền, lại lôi cả sắt cả đồng lên đánh cho nát vụn, tàn tro bay lên không trung như đốt giấy vàng.

Đêm ấy, Cao Biền lại nằm mộng thấy thần Long Đỗ hiện lên mắng rằng:

- Nước Nam ta vốn núi sông bờ cõi đã định phận, phong tục cũng khác với Bắc phương, nhà ngươi bảo vệ đất này khỏi cái họa giặc Nam Chiếu, lại xây dựng thành quách vững vàng, cũng là có chút công lao, nhưng lại nhân đó cưỡng chiếm đất đai, đô hộ dân chúng, rồi tính kế bài trừ linh khí, xóa bỏ mạch nguồn, gây thành tội lớn. Ta biết ngươi vẫn thường cưỡi diều giấy bay khắp nước Nam để trấn yểm huyệt kết suốt từ núi Cánh Diều đến Tản Viên sơn thánh, dã tâm ấy đã quá rõ ràng. Mấy lần gặp trước, đã ngầm có ý cảnh cáo, sao vẫn ngoan cố làm bừa? Nay ta truyền đời cho mà biết, ngươi sẽ sớm bị gọi về Bắc phương, rồi sau sẽ chết như một đứa phản thần. Trước đó, sẽ gặp cái điềm châu chấu gặm đầu. Nhớ lấy, nhớ lấy!

Cao Biền nghe mắng sợ hãi rùng mình, giật mình tỉnh dậy, mồ hôi ướt đẫm, than:

- Ta biết rồi, thế nào cũng phải về Bắc đây.

Năm sau, Cao Biền được triệu hồi về Trường An giữ chức “Hữu kim ngô đại tướng quân”. Sau đó, quan vận tiếp tục thăng tiến. Tuy nhiên, Cao Biền lại mưu tính phản loạn. Đến năm Quang Khởi thứ 2 (năm 886), triều Đường Hy Tông, có đàn châu chấu hung hãn xâm nhập vào phủ Đại Đô đốc của Cao Biền ở Dương Châu. Sách Tân Đường Thư mô tả: “châu chấu ở Hoài Nam, đến từ phía tây, bộ hành không cần bay, nổi trên mặt nước tiến vào Dương Châu, sau một đêm cây cối trơ trụi, châu chấu nhai sạch toàn bộ cờ và tranh vẽ, răng sắc nhọn của chúng không ngừng cắn mọi thứ, sau khoảng mười ngày, tự ăn thịt lẫn nhau và chết hết".

Điềm hung châu chấu báo trước tai họa của Cao Biền (Ảnh tổng hợp)

Đại đô đốc phủ của Cao Biền cũng bị một đàn châu chấu không bay, mà bò vào, sau một đêm gặm trụi lá cây trong vườn. Kỳ lạ hơn nữa, chúng bò lên tranh vẽ, gặm sạch hình đầu người trên những bức chân dung. Năm sau đó, Tất Sư Đạc tấn công Dương Châu, Cao Biền bị bắt giam, rồi bị quân của Hoàng Sào chém đầu.

Trước khi chết, nghe nói Cao Biền than rằng: “Ta không nghe lời Lã nương, lại cuồng vọng bất trung, nên mới gặp cái vạ ngày hôm nay”.

Còn Lã nương tức Lã Thị Nga nghe tin Cao Biền vong mạng thì gieo mình xuống dòng Tô Lịch tự vẫn. Dân chúng của làng Vạn Phúc, nay thuộc Hà Đông - Hà Nội, là nơi được bà truyền cho nghề dệt lụa đã lập đền thờ bà, coi bà như vị tổ nghề dệt lụa và thành hoàng làng ở đây.

Năm 1010, vua Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư - Ninh Bình ra thành Đại La, khi vua cưỡi thuyền trên dòng Nhị Hà, đến gần thành Đại La thì gặp rồng vàng bay lên, nhân đó mới đổi tên Đại La thành Thăng Long.

Liệu có phải chính rồng vàng là vật cưỡi của Thần Long Đỗ khi trước đó chăng?

Vua Lý Thái Tổ gặp rồng vàng bay lên khi dời đô ra Thăng Long (nguồn: NTDVN tổng hợp)

Chỉ biết trong sách Việt Điện U Linh có chép sự việc này: Vua Lý Thái Tổ từ khi ra Thăng Long đêm thường nằm mơ thấy một ông lão râu trắng, đến bên bệ rồng, hô vạn tuế, chúc mừng nhà vua. Vua cười hỏi: "Tôn thần cũng giữ được hương lửa trăm năm hay sao?". Ông liền đáp: "Mong muốn hoàng đồ như Thái Sơn bàn thạch, thánh thọ vô cương, trong triều ngoài quận thái hòa, bọn thần không chỉ hương hỏa một trăm năm mà thôi".

Sau khi tỉnh dậy, vua bèn sai quan Thái chúc đem rượu tế, phong thần làm Quốc đô Thăng Long Thành hoàng Đại vương.

Thần Long Đỗ hay Thần sông Tô Lịch đã không hứa suông với nhà vua. Về sau vua Lý Thái Tổ “muốn mở rộng phủ thành nhưng đắp thành xong đều bị lở, bèn cử người tới cầu Thần. Đêm đó, vua nằm mộng thấy Thần đến chúc mừng rồi dặn nhà vua cứ theo dấu vó ngựa đắp. Có con ngựa trắng từ đền đi ra, đi theo hướng Tây, vòng về hướng Đông, trở về điểm xuất phát rồi biến vào đền. Nhà vua y lời Thần, bèn cho đắp thành xây lũy theo vết chân ngựa để lại, xây đến đâu chắc đến đấy. Lý Thái Tổ sai tạc một con ngựa trắng để thờ… Ngôi đền này vì thế cũng được gọi là đền Bạch Mã.

Đến đời Lý Thái Tông, cho mở phố chợ về Cửa Đông, dân cư buôn bán tấp nập, chen chúc huyên náo sát tới tận bên đền. Vua muốn dời đền đến chỗ thanh tịnh khác, nhưng rồi lại bảo: "Xưa lập ở đây, nay không nên dời đi chỗ khác"; mới đem sửa sang lại đền, liền với các nhà ngoài phố, nhưng vẫn để một khoảng làm nơi thờ Thần. Đến đêm, Thần hiển linh nổi trận gió bấc rất to, cả dãy phố đều đổ, duy chỉ có đền thờ Thần vẫn nguyên vẹn. Vua lấy làm lạ hỏi, có người biết, tâu lại chuyện hiển linh của Thần từ trước. Vua mừng nói: "Đó thật là vị Thần coi việc nhân gian", xuống chiếu cho sửa lễ tế đền, cho Thần hưởng lộc: cứ đến mùa xuân lại đến làm lễ cầu phúc. Vua lại sắc phong Thần làm Quảng Lợi vương. Ở phố chợ Cửa Đông, ba lần phát hỏa, các nhà trong phố đều bị cháy, duy chỉ có chỗ đền thờ Thần, lửa không bao giờ lấn tới.” (Wikipedia)

Con sông Tô Lịch xưa là con sông hộ thành của Đại La, nó nối với sông lớn như Nhị Hà tức sông Hồng. Ngày nay, Tô Lịch không còn nối với sông nào mà đã bị cắt đứt, cạn dòng và chứa đựng phế thải, chẳng biết Thần sông Tô Lịch sẽ đi đâu về đâu? Và đó có phải vì bị trấn yểm hay không?

Chỉ biết rằng vào năm 2001, cả Hà Nội xôn xao với sự kiện “Thánh vật sông Tô Lịch” khi một nhóm công nhân xây dựng đào được các di vật cổ, những hàng cọc gỗ lim cắm xuống lòng sông. Sau đó, có nhiều hiện tượng lạ xảy ra. Các nhà sử học, khảo cổ học không loại trừ rằng đây là một công trình trấn yểm sông Tô Lịch có từ thời Cao Biền.

Còn Đền Bạch Mã, một trong Thăng Long tứ trấn, thờ Thần Long Đỗ, cũng đồng thời là Thành hoàng Thăng Long, nay vẫn nằm ở địa chỉ 76 phố Hàng Buồm, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội và vẫn bốn mùa hương khói. Trên tấm biển gỗ thờ tại đền hiện vẫn còn bài thơ đề tặng vị Thành hoàng Thăng Long của Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải.

Đại vương xưa nức tiếng oai linh
Nay mới hay rằng ma quỷ kinh
Lửa tụ ba khu không cháy miếu
Gió lay một trận chẳng nghiêng mình
Khiến sai bọn quỷ ba nghìn đứa
Đánh dẹp loài ma trăm vạn binh
Nhờ cậy dư uy trừ giặc Bắc
Giúp ngay đất nước được thanh bình
(Trần Lê Văn dịch)

Nguyên Phong

xem tiếp