Kỳ 1: Thánh Nguyễn Minh Không, Hồ Tây và con trâu vàng phương Bắc

Màn đêm đã buông xuống, núi rừng Cấm Khê mịt mờ sương lạnh. Bốn bề vắng lặng, cây rừng im phắc, văng vẳng ngang trời tiếng vạc kêu sương.

Chỉ nhờ một đám lửa nhỏ chập chờn giữa rừng mà người ta còn lờ mờ thấy xung quanh có bóng người. Một đoàn quân đang thiêm thiếp giấc nồng giữa khu lán trại dựng tạm bằng tranh tre nứa lá. Ngồi cạnh đám lửa là hai người phụ nữ trẻ, tuổi gần ba mươi, thân cao dong dỏng, mày thanh mắt sáng, thần sắc uy nghiêm, cử chỉ dứt khoát của con nhà võ.

Người phụ nữ lớn tuổi hơn cất lời:
- Nhị nương, em vào ngủ lấy sức, muộn rồi.
Người kia đáp:
- Chị Trắc, nghĩ đến trận quyết chiến ngày mai, em không ngủ được.

...

Có lẽ quý độc giả đã đoán ra hai người này là ai. Đúng vậy, họ chính là Trưng Trắc, Trưng Nhị hay Nhị Trưng - hai nữ vương của người Giao Chỉ. Hai bà vốn họ Lạc, là con của lạc tướng đất Mê Linh. Trưng Trắc lấy chồng là Thi, thường gọi là Thi Sách, cũng là dòng dõi Lạc tướng, quê ở Châu Diên.

Bấy giờ đất Giao Chỉ dưới quyền đô hộ của nhà Hán, quan cai trị là Thái thú Tô Định. Các thái thú cai trị ở đất Giao Chỉ xa xôi, trên thì triều đình khó bề với tới, dưới thì dân chúng địa phương thấp cổ bé họng chẳng biết kêu ai, nên nhiều Thái thú lộng hành như vua một cõi. Ngoài số ít Thái thú thương dân như Sĩ Nhiếp, Tích Quang, Nhâm Diên… còn đa phần là hạng tham tàn vơ vét, khiến dân Lạc Việt tại Giao Chỉ hờn oán. Tô Định cũng là một hạng Thái thú như vậy.

Nhà Thi Sách, nhà Nhị Trưng vì vậy có chí hướng chống Hán. Nhưng việc chưa thành thì Thi Sách bị Tô Định giết. Việc không thể chần chừ thêm, năm 40 Nhị Trưng phất cờ khởi nghĩa chống lại nhà Đông Hán. Cả một xứ suốt từ các quận Nam Hải (Quảng Đông và một phần Quảng Tây ngày nay), Hợp Phố đến Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam (từ Quảng Bình đến Bình Định ngày nay)... đều hưởng ứng. Tô Định phải chạy về phương Bắc. Còn Hai Bà lấy được 65 thành ở Lĩnh Nam. Trưng Trắc tự lập làm vua, xưng là Trưng Nữ Vương, hay còn gọi là Trưng Vương.

Hán Quang Vũ đế lo ngại, cử Mã Viện làm Phục Ba tướng quân, Lưu Long làm phó tướng chỉ huy đạo quân lớn khoảng 2 vạn người để chinh phạt. Tuy nhiên, sau hai trận đại bại tại Hồ Động Đình và Hợp Phố trước đội quân của các nữ tướng Phật Nguyệt và Thánh Thiên, Mã Viện phải dâng biểu về triều đình xin thêm quân thêm tướng. Trong biểu có đoạn:

“Nam bang có nữ tướng Thánh Thiên dụng binh như thần, trí dũng thiên phương, không sao phục được. Xin bệ hạ phái thêm các tướng giỏi và tiếp thêm quân sĩ sang giúp sức”.

Sau, Viện cho chia quân ra làm hai cánh thủy bộ, cuốn cờ im trống, dùng mưu kế “ám vượt Trần Thương”. Cánh quân bộ lẻn qua Quỷ Môn Quan (Tiên Yên, Quảng Ninh), xuống vùng Lục Đầu; cánh quân thủy bí mật xuống các chiến thuyền lớn ở Hợp Phố rồi theo đường biển xuôi nam. Hai cánh quân thủy bộ của quân Hán hội tại Lãng Bạc (có thể là vùng Hồ Tây - Hà Nội ngày nay).

Đội quân bổ sung của Mã Viện thiện chiến, trang bị tốt, lại đã từng theo Mã Viện bình định người Khương và các bộ lạc Ô Hoàn ở Vũ Lăng nên đánh thắng quân của Nhị Trưng tại Lãng Bạc. Hai bà lui về giữ Cấm Khê. Đêm nay là đêm 5/2 âm lịch.

Trưng Trắc chăm chú nhìn người em gái can trường:
- Sao vậy em? Có điều chi làm em lo ngại?
Trưng Nhị nhìn chị, khẽ nói :
- Chiến sự ác liệt, giặc từ xa đến nhưng tinh nhuệ thiện chiến, còn quân ta ô hợp, lòng người lại không yên, trang bị thiếu thốn. Thế mạnh của chúng ta là cung nỏ, nhưng tên đồng đã gần hết.

Vị nữ Vương trầm ngâm. Quả đúng như vậy, việc chuẩn bị khởi nghĩa chưa hoàn tất thì Thi Sách bị bắt giết, âm mưu vỡ lở, nên hai chị em buộc phải phất cờ dấy nghĩa sớm hơn dự định. Nhưng vì thế mà việc tổ chức có nhiều thiếu sót. Chiến thắng ban đầu một phần là vì có yếu tố bất ngờ, nhưng giờ đây yếu tố đó không còn nữa, tướng địch lại là loại lão luyện như Mã Viện. Lực lượng quân ta thì phân tán. Đã có không ít những người hàng giặc.

Hình như hai thớt voi đứng gần đó cũng cảm thấy sự bất an, chúng thở ra phì phì, bốn chân giậm giựt, vòi đong đưa.

Khí phách bậc anh thư nước Việt - đêm trước cuộc chiến với đoàn quân phương Bắc của Mã Viện (Nguồn: NTDVN)

Trưng Trắc khoan thai đứng dậy, với tay lấy mấy cây mía cho voi ăn, vừa vuốt ve vỗ về chúng. Giọng bà trầm trầm:
“Nếu có Thánh Thiên, Phật Nguyệt ở đây thì chúng ta không cần lo ngại, quân lực sẽ được tăng cường. Vả lại, họ đã từng chiến đấu và chiến thắng quân của Mã Viện. Nhưng giờ đây, không biết họ có về kịp không.” Nữ Vương băn khoăn.

Có hai bóng người từ xa tiến lại, khi đến gần đống lửa, lộ ra hai khuôn mặt xinh đẹp, cương nghị. Họ tiến đến vái chào nữ Vương.
- “Kìa Lê Chân, Thục Nương. Giờ này sao hai vị còn đến đây?”, Trưng Trắc dịu dàng hỏi.

Một cô gái mặt trái xoan, mắt tròn sáng ngời, mày cong lá liễu... đáp lời:
- Tâu đại vương, lũ thần không ngủ được, trộm thấy ngài còn thức, nên đến vái chào.

Nữ Vương mời họ lại gần. Trưng Nhị tiếp lời:
- Chúng ta đang bàn đến chiến sự. Thế giặc rất mạnh, được thua chưa biết ra sao. Nếu không may sa sẩy, thì người Lạc Việt chúng ta lại tiếp tục bị Bắc phương đô hộ, chỉ thương cho dân chúng lầm than. Các vị có kế sách gì không?

Lê Chân, Thục Nương tâu rằng:
- Tâu đại vương, chúng thần có vụng bàn với nhau, thấy rằng biết tiến biết lui mới là thượng sách. Nếu gặp bất lợi thì từng người chúng ta lui về quê cũ, chiêu tập lực lượng rồi tiếp tục khởi binh. Ở miền duyên hải quê nhà, chúng thần có thể xây dựng thủy binh mạnh, đại vương giữ quân bộ, thủy bộ ứng cứu lẫn nhau, thế cũng coi như kế lâu dài. Nhưng chúng thần nghe nói giặc rêu rao rằng, tù binh rơi vào tay chúng sẽ bị đưa về Trung Nguyên, nam thì làm nô lệ, nữ thì sung quan kỹ. Chúng thần không sợ chết, nhưng là thân gái phải bảo toàn khí tiết...

Trưng Nữ Vương quắc mắt:
- Ngày mai, ta quyết một trận được thua với giặc. Nếu đánh không lại, có thể làm theo kế của hai vị. Vạn nhất nếu có sa sẩy, thì nhất quyết không để tấm thân sa vào tay giặc. Dẫu có làm thần hay làm quỷ cũng mãi mãi ở lại bảo vệ nước Nam.

Dứt lời, bà rút phắt thanh gươm đang đeo bên cạnh sườn giơ thẳng lên trời. Ba nữ tướng còn lại cũng rút gươm, cùng với Trưng Nữ Vương hô lớn: “Vì nước quên thân!”.

Ánh lửa bỗng bừng lên, chiếu rực bốn khuôn mặt nữ nhi oanh liệt hào hùng và bốn chữ “Vị quốc vong thân” được khắc trên bốn thanh gươm sáng quắc.

Mã Viện đưa mắt nhìn khắp cánh đồng rộng giờ là chiến trường giữa hai quân đội Hán và Việt. Ông ta thấy phía đối phương không có trang bị gì khác biệt, nhưng thay vì ẩn núp trong rừng và sử dụng cung tên để bắn tỉa như thường lệ, giờ đây họ lại xếp đội hình chiến đấu như quân Hán.

Mã Viện cười thầm: “Đánh trận nơi đất trống là sở trường của người Trung Nguyên, quân Man (1) chính là đang lấy sở đoản để chống với sở trường. Có lẽ chúng thiếu cung tên đây!”

Mã Viện phất tay, quân Hán thổi tù và inh ỏi, đánh trống ầm ĩ. Rồi, hàng quân bộ trên cùng rẽ ra hai bên, để lộ ra một lối đi lớn cho đoàn kỵ binh lao rầm rập từ hậu quân lên phía trước.

Đội quân Giao Chỉ vẫn đứng yên không động đậy.

Từ đoàn quân kỵ đang phóng như bay, bỗng có nhiều tiếng người kêu ngựa hí thảm thiết. Té ra, quân Việt của Nhị Trưng lợi dụng những hào rãnh tự nhiên trên chiến trường, trong đêm tối đã ngụy trang giống như đất bằng, khiến đoàn quân kỵ của Mã Viện bị sa hầm sẩy hố, tổn thất nặng.

Rồi từ hậu quân của quân Việt vang lên tiếng trống đồng, nghe như sấm dậy, khiến quân giặc giật mình kinh sợ. Âm thanh hùng tráng như mô tả của Trần Phu, sứ giả của quân Nguyên khi sang nhà Trần sau này:

“Trông bóng giáo mác lòng đau khổ
Bạc tóc vì nghe tiếng trống đồng”

Trung quân của quân Việt rẽ ra hai bên, hai con voi lớn xuất hiện, ngồi phía trên mình voi là hai nữ tướng mặc áo giáp bạc, oai nghi như thiên binh thần tướng.

Quân đội hai bên ùa lên chém giết. Tiếng tù và kêu ù ù phối hợp với tiếng trống da thùng thùng, ở bên kia là tiếng trống đồng bình boong... những âm thanh ấy cũng như đang cùng nhau giao tranh quyết tử.

Hai thớt voi cũng gầm lên dữ tợn, tả xung hữu đột, dày xéo quân thù.

Quân đội hai bên ùa lên chém giết. (Nguồn: Tào Túy Mộng - Epochtimes)

Nhưng vì quân số mỏng hơn, trang bị lại thiếu thốn, quân Việt sớm rơi vào hạ phong, hàng hàng lớp lớp người gục ngã. Từ trên bành voi, hai bà chỉ tay, đoàn quân tách làm ba phần, vừa đánh vừa lui vào rừng.

Lê Chân và Thục Nương hô lớn: “bảo vệ đại vương”. Hai cánh quân của họ đi đoạn hậu, che đỡ cho cánh quân của Nhị Trưng lui trước.

Mã Viện khoát tay ra lệnh, mũi chủ lực của quân Hán khoan thủng hàng phòng thủ mỏng manh của quân Việt, quyết tâm đuổi riết hai vị đại tướng ngồi trên mình voi.

Cuộc săn đuổi kéo dài tới gần sông Hát (2). Ngoảnh lại phía sau, Nhị Trưng thấy cánh quân của mình đã chết gần hết. Cách đó không xa, quân Hán đông như kiến cỏ đang rùng rùng đuổi tới.

Trước mặt chỉ có dòng sông Hát đang ầm ầm cuộn chảy.

Nhị Trưng đưa mắt nhìn nhau, gật đầu, rồi tụt xuống lưng voi. Hai bà quỳ xuống hôn đất mẹ yêu dấu, mảnh đất đã thấm đẫm máu của bao nhiêu đời dân Lạc Việt. Rồi hai bà từ từ lội xuống nước, đi ra xa dần, xa dần, rồi hẫng một cái, không còn thấy bóng hai người đâu nữa, chỉ có sóng nước cuộn trào gầm vang như ôm vào lòng, như mãi ngợi ca đến ngàn đời sau tấm gương oanh liệt của hai vị anh thư nước Việt.

Hai thớt voi rống lên thống thiết, rồi chúng cũng phăng phăng lao xuống dòng nước cho đến khi chìm nghỉm.

Trên bờ, đoàn quân cướp nước tiu nghỉu. Viên Hán tướng đứng lặng suy tư.

Nơi hai bà trầm mình, được dân chúng lập đền thờ, gọi là đền Hát Môn, ngày nay là ở xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, Hà Nội. Đền ấy rất linh thiêng. Đời sau còn kể rằng:

“Vua Lý Anh Tông nhà Lý, nhân trời đại hạn, khiến thiền sư Tịnh Giới đến đền cầu mưa, quả được mưa, khí mát buốt người. Vua mừng liền qua xem, hốt nhiên ngủ mộng thấy hai thiếu nữ mặt hoa mày liễu, áo lục quần hồng, mão đỏ, thắt lưng, cưỡi ngựa sắt theo mưa mà chạy ngang. Vua lấy làm lạ mới hỏi. Đáp rằng:
- "Thiếp là chị em Nhị Trưng đây, vâng mệnh Thượng đế xuống làm mưa."
Vua tỉnh dậy mà cảm, sắc phong trùng tu từ vũ, rồi sắm lễ vật đến tế, sai sứ rước về phía Bắc Đại nội, dựng đền Vũ Sư mà thờ phụng. Sau lại thác mộng cho vua xin lập đền thờ ở làng Cổ Lai, vua nghe theo, sắc phong Trinh Linh Phu Nhân… thường thường vẫn có linh ứng”. (3)

Hai Bà Trưng còn được lập đền thờ ở nhiều nơi nữa, thậm chí ở cả những nơi hiện nay đã thuộc lãnh thổ Trung Quốc, như ở thành phố Quảng Châu - tỉnh Quảng Đông (theo Đại Việt sử ký toàn thư); Ở Khâm Châu nay thuộc tỉnh Quảng Đông cũng có đền thờ Hai Bà Trưng và các nữ tướng; Ở tỉnh Quảng Tây ngày nay cũng có nhiều đền thờ Hai Bà Trưng v.v.

Ngày 6/2 âm lịch hàng năm được lấy làm ngày giỗ của Hai Bà Trưng.

Đền thờ Hai Bà Trưng ở Đồng Nhân, Hà Nội (Nguồn: Wikipedia - NhatMinh1701 - CC BY-SA 4.0)

Còn các vị nữ tướng Thánh Thiên, Phật Nguyệt, Lê Chân, Thục Nương… về sau ra sao?

Nghe tin Nhị Trưng đã tự vẫn, Thánh Thiên dẫn quân đóng bên sông Nhật Đức (tức sông Thương). Bị quân Đông Hán đến đánh, bà cho quân lui về Ngọc Lâm. Trong một trận giao tranh ác liệt, Thánh Thiên đã phóng ngựa xuống sông Nhật Đức ở bến Ngọc (tên chữ là Ngọc Chử) để tuẫn tiết.

Dân làng Ngọc Lâm đã dựng một miếu nhỏ bên bến Ngọc để thờ bà, sau miếu ấy được xây lớn thêm thành đền Ngọc. Trong đền hiện còn đôi câu đối ca ngợi bà:

Đông hải chung anh, thiên vị Trưng triều sinh nữ tướng,
Bắc nhung kinh phách, nhân ư Ngọc chử ngưỡng thần uy.

Tạm dịch:

“Nhân khí bể Đông, Trời giúp nhà Trưng sinh nữ tướng,
Kinh hồn giặc Bắc, người nơi bến Ngọc ngưỡng thần uy.”

Còn nữ tướng Phật Nguyệt chống nhau với quân của phó tướng Lưu Long, bà tả xung hữu đột giữa vòng vây của quân Hán, chạy thoát ra bờ sông Thao. Nhìn lại đằng sau không còn bóng binh sĩ nào, trong khi quân Hán đang lùng bắt, bà gieo mình xuống sông Thao quê nhà để bảo toàn khí tiết, năm ấy bà vừa tròn 20 tuổi. Ngày nay, bà được thờ tại các xã Thanh Vân, Phương Lĩnh của huyện Thanh Ba, Phú Thọ. Đền thờ Phật Nguyệt ở Phương Lĩnh hiện vẫn còn đôi câu đối :

Tích trù Động Đình uy trấn Hán
Danh lưu thanh sử lực phù Trưng.

Tạm dịch:

Một trận Động Đình uy trấn Hán
Tên còn trong sử sức phù Trưng.

Hai bà Thánh Thiên, Phật Nguyệt còn được thờ ở nhiều nơi mà nay thuộc tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Hồ Nam của Trung Quốc.

Còn nữ tướng Lê Chân lui quân về lập căn cứ địa ở Lạt Sơn (nay thuộc huyện Kim Bảng, Hà Nam) như đã dâng kế trong đêm trước. Nhưng khi căn cứ vừa hình thành chưa được bao lâu thì Mã Viện đem lực lượng lớn tới tấn công, nghĩa quân chống trả quyết liệt nhưng không bảo toàn được lực lượng. Cuối cùng, để khỏi sa vào tay giặc, Lê Chân đã lên núi Giát Dâu gieo mình. Năm ấy bà vừa 23 tuổi.

Sau khi bà tuẫn tiết, nhân dân An Biên (phường An Biên, quận Lê Chân ngày nay) dựng đền thờ ở xứ Đồng Mạ (khu vực đền Nghè bây giờ), thường rất linh ứng.

Về nữ tướng Thục Nương tức Vũ Thị Thục hay Bát Nàn tướng quân, sau khi Hai Bà Trưng tuẫn tiết, bà lui về hương Đa Cương tiếp tục chống giặc. Quân Hán đã tập trung toàn bộ lực lượng để đàn áp. Sau 39 ngày đêm giao tranh ác liệt, bà phá vây chạy về gò Kim Quy (thôn Tiên La, xã Đoan Hùng, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình ngày nay). Không chịu sa vào tay giặc, cuối cùng bà đã rút gươm tuẫn tiết.

Bà được lập đền Bát Nàn, Tiên La, Tân La ở những nơi nay là tỉnh Phú Thọ, Thái Bình và Hưng Yên.

Chúng ta cũng có thể tìm lại những dấu tích oanh liệt về thời đại của Nhị Trưng và những nữ tướng qua tham khảo sử sách của “phía bên kia”. Sử Trung Hoa còn ghi lại lời tấu của Phò mã Lương Tùng lên vua Quang Vũ để luận tội Mã Viện: “Trận Động Đình hồ bị Phật Nguyệt đánh tan ba mươi vạn quân. Trận Nam Hải bị Thánh Thiên giết bốn mươi vạn. Phụ hoàng sai y đánh Lĩnh Nam, làm thiệt bốn mươi vạn quân, các đại tướng danh tiếng Phùng Đức, Sầm Anh, Liêu Đông Tứ Vương chết.”

Khí phách oai hùng ấy, đến bậc mày râu cũng tự thẹn mà than rằng: “Nhân đi qua dưới miếu thờ lòng ngậm ngùi thương cảm, So việc nghĩ thẹn thân mình cao chín thước”.(4)

“Đại Nam quốc sử diễn ca” có đoạn viết:

Bà Trưng quê ở Châu Phong
Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên
Chị em nặng một lời nguyền
Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân
Ngàn Tây nổi áng phong trần
Ầm ầm binh mã xuống gần Long Biên
Hồng quần nhẹ bước chinh yên
Đuổi ngay Tô Định, dẹp yên biên thành
Kinh kỳ đóng cõi Mê Linh
Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta
Ba thu gánh vác sơn hà
Một là báo phục hai là Bá Vương
Uy danh động tới Bắc Phương
Hán sai Mã Viện lên đường tấn công
Hồ Tây đua sức vẫy vùng
Nữ nhi địch với anh hùng được sao!
Cẩm Khê đến lúc hiểm nghèo
Hai Bà thất thế cùng liều với sông!
Trước là nghĩa, sau là trung
Kể trong lịch sử anh hùng ai hơn.

Nguyên Phong

Xem tiếp